Nơi quảng bá tiếng Việt trên đất Mỹ
Sau hơn hai thập kỷ hoạt động, ngày nay, viện không chỉ là nơi quảng bá tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt tại đây, mà còn là địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, văn học, lịch sử… Việt Nam.
|
Để phát huy hiệu quả hoạt động, viện đã thành lập 7 ban gồm: Ban thư viện, ban học vụ, ban tu thư, CLB Văn nghệ, chương trình tiếng Việt căn bản, CLB học sinh và sinh viên, CLB phụ huynh và thầy cô. Công việc của viện do một ban điều hành gồm 9 người đều thuộc lớp tuổi trung niên nhưng rất nhiệt tình với công việc. Bên cạnh đó, viện còn nhận được sự cộng tác nhiệt tình của nhiều giáo sư, học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn…
Về chương trình dạy tiếng Việt, ông Nguyễn Minh Lân, thành viên Ban điều hành viện cho biết, chương trình gồm 4 cấp và học sinh học 4 năm thì lên một cấp. Điểm đặc biệt, thay vì đặt tên mỗi cấp theo chương trình giáo dục bình thường như tiểu học, trung học, đại học, viện lấy tên của 4 vị anh hùng dân tộc để đặt gồm: Cấp 1: Phù Đổng; Cấp 2: Trần Quốc Toản; Cấp 3: Hai Bà Trưng và Cấp 4: Nguyễn Trãi. Cách đặt tên như vậy nhằm giúp học sinh ý thức hơn về lịch sử, nhắc nhở các em không quên nguồn cội dân tộc gắn liền với những hy sinh to lớn của tiền nhân, nhất là đặt vai trò của thế hệ trẻ với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Hiện nay, viện áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy tiếng Việt. Theo đó, phương pháp "Âm vị học" đã được thực hành. Cụ thể là theo cách phát âm có sẵn mà các em học tại trường văn hóa để giúp các em dễ nhận ra cách phát âm trong tiếng Việt. Đặc biệt chương trình tiếng Việt của viện hoàn toàn miễn phí cho học sinh và các thầy, cô giáo là những người tự nguyện cống hiến thời gian cho việc dạy và học tiếng Việt. Mong muốn lớn nhất của những người tham gia chương trình là giúp con em đọc thông viết thạo tiếng Việt để giữ gìn tiếng mẹ đẻ và qua đó bảo tồn văn hóa truyền thống Việt Nam trên đất Mỹ.
Không chỉ giảng dạy và quảng bá ngôn ngữ Việt, viện còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa khác. Một hội nghị chuyên đề "Bảo tồn tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở hải ngoại hiện nay" vừa diễn ra tại trụ sở viện. Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề như: Bàn bạc về thực trạng sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài; quan hệ giữa việc học tiếng Việt ở nhà trường và trong gia đình; ảnh hưởng của tiếng Việt với đời sống gia đình, đặc biệt trong giao tiếp giữa các thế hệ với nhau... Thực chất của tiếng Việt ở hải ngoại hiện nay và nhu cầu bảo tồn tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài nhất là với thế hệ trẻ. Đây là lần thứ ba viện tổ chức hội nghị liên quan đến bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại tại California nhằm duy trì tiếng Việt trong gia đình người Việt ở hải ngoại và giúp tuổi trẻ Việt Nam qua ngôn ngữ mẹ đẻ có thể duy trì quan hệ mật thiết trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ.
(Theo Hanoimoi.com.vn)