A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhạc sĩ, ca sĩ hải ngoại và ngày trở về

Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết chỉ riêng những tháng đầu năm 2005, đã có gần 20 ca sĩ, nhạc sĩ xin về còn nếu tính tổng số trong vòng 5 năm trở lại thì hơn 70 người đã được cấp phép biểu diễn, thu âm, phát hành CD, VCD, DVD và công bố sáng tác.

Làn sóng dưới thân tàu đẩy về quê hương

Mấy năm gần đây, rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ Việt ở nước ngoài đã xin phép được trở về nước biểu diễn và giới thiệu tác phẩm. Nổi bật nhất có thể kể đến Hương Lan, Ái Vân, Phạm Duy, Elvis Phương, Đức Huy, Tuấn Ngọc… rồi đến các nhạc sĩ, ca sĩ thuộc lứa đàn em như Duy Quang, Jimmy Nguyễn, Phi Nhung, Trường Vũ… Danh sách này càng ngày càng dài hơn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cho biết chỉ riêng những tháng đầu năm 2005, đã có gần 20 ca sĩ, nhạc sĩ xin về; còn nếu tính tổng số trong vòng 5 năm trở lại thì hơn 70 người đã được cấp phép biểu diễn, thu âm, phát hành CD, VCD, DVD và công bố sáng tác.

Sau khi xuất hiện trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 13 (2004), nhạc sĩ Đức Huy đã được Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) cho phép phát hành album Và con tim đã vui trở lại. 

Nhạc sĩ Phạm Duy sau nhiều lần về thăm quê hương và biểu diễn, mới đây đã được Nhà nước Việt Nam ra quyết định cho phép nhạc sĩ cùng các con về nước sinh sống và tham gia các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật; các tác phẩm âm nhạc có nội dung tích cực của nhạc sĩ cũng được phép phổ biến ở trong nước. Công ty Văn hóa Phương Nam đã nhanh chóng ký độc quyền phát hành toàn bộ sáng tác của người nhạc sĩ già này. Sắp tới, các ca khúc: Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Nương chiều, Áo anh sứt chỉ đường tà (thơ Hữu Loan), Ngậm ngùi (Thơ Huy Cận), Mộ khúc (thơ Xuân Diệu), Thuyền viễn xứ, Quê nghèo, Ngày trở về… sẽ được khai thác. Nhạc sĩ Phạm Duy không chỉ có 9 ca khúc này, mà có cả thảy 900 ca khúc. Trong nỗi vui mừng không sao tả xiết, ông cho biết sẽ xin phép công bố dần cả khối lượng tác phẩm của mình.

Và những con sóng nghịch

Tuy nhiên, đối nghịch với những làn sóng thân thiện hướng về Tổ Quốc là những con sóng ngầm nguy hiểm, âm thầm xoáy dưới mặt nước, sẵn sàng cuốn trôi, kéo tuột xuống đáy biển sâu bất cứ linh hồn nào rơi vào vòng kiềm tỏa của nó.

Không phải ngẫu nhiên mà những ca sĩ được ăn học tử tế và lớn lên trong điều kiện xã hội thuận lợi như Thu Phương và Bằng Kiều bỗng dưng phát ngôn bậy bạ, vẫy cờ ba sọc trong các chương trình biểu diễn của họ hay đột ngột bỏ nước ra đi. Thời gian nhạc sĩ Phạm Duy có ý định xin về nước (sau khi ca sĩ Duy Quang – con trai ông – được phép về Việt Nam biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh), đã có một màn kịch vụng về được dàn dựng để công bố các hoạt động chống cộng của người nhạc sĩ này trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, cuối cùng thì trắng đen cũng rõ ràng và nhạc sĩ Phạm Duy vẫn được trở về quê hương, theo đúng tâm nguyện "lá rụng về cội".

Mới đây nhất, chương trình "Paris By Night 77" của Trung tâm băng đĩa nhạc Thúy Nga Paris được tuồn về nước đã gây dư luận bất bình trong khán thính giả cả nước bởi tính chất phản động của ca từ cũng như hình ảnh bi thương giả tạo mà nhà sản xuất đã cố tình dàn dựng. Tất cả ca sĩ, nhạc công, người dẫn chương trình (Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên) đều mặc trang phục màu đen, để tóc xõa, như một cách để tang cho quãng thời gian 30 năm.

Trong "Bài ca học trò", ca sĩ Thế Sơn không ngượng ngùng gào lên: "Tổ Quốc Việt Nam 4000 năm văn hiến, một trăm năm Pháp thuộc, 20 năm đọa đày, con làm sao thuộc được Truyện Kiều Nguyễn Du, những bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến, những bài công dân, sử, địa…" ca sĩ Khánh Ly với những lời vong bản: "Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi, bằng sức người đã kiệt… Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi để mong ở lại đây. Nhưng đất đã đổ vì những lời dối trá, người bám vào lửa đã đốt cháy tay. Ba mươi năm cuộc tương tàn đã đủ, người giết người không kịp mở mắt trông. (“Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi”)…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nam (Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và Băng đĩa nhạc, ca nhạc, sân khấu - cục Biểu diễn Nghệ thuật) cho biết: “Thu Phương và Bằng Kiều giờ đây rất hối hận về hành vi sai lầm dẫn tới không còn đường hồi hương do chính mình gây ra. Khánh Ly từ lâu cũng đã được cởi bỏ khỏi những quan niệm sai lầm cũ và đang nằm trong diện xét cho về nước biểu diễn, hoạt động nghệ thuật. Những ca sĩ như Khánh Ly, Thế Sơn, Trần Thái Hòa… đã tự chặt đứt dây neo trên vùng biển bình yên; họ đã đập vỡ con tàu trở về của chính họ".

Đã nhận ra chân giá trị

Người ra đi thời chiến cũng như thời bình đều có lý do để rời bỏ quê hương, Tổ quốc. Càng ngày càng có nhiều người giác ngộ hơn về những chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, cho nên họ theo nhau tìm cách trở về. Vả lại, đương nhiên là những đêm hát phòng trà, quán bar, casino… với khoảng vài trăm khán giả không thật sự hiểu biết về người Việt và âm nhạc Việt hiện đại thì không thể so sánh với Thị trường thật sự, nơi có tám mươi triệu người dân nghe và hát tiếng Việt, nơi tồn tại cả một đời sống và sự phát triển mạnh mẽ của nhạc Việt. 

Những động thái khiêu khích của một thiểu số người Việt ở hải ngoại chỉ chứng tỏ tâm lý lo sợ trước sự sụp đổ của các tượng đài đã được chính họ dựng lên để làm rào chắn sự thật. Bởi, những người dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật thì đã phát biểu: "Đối với tôi, trong tất cả các thứ tình thì tình người là quan trọng nhất; không có nó thì lạc lõng lắm và vì nó mà tôi trở về Việt Nam" (nhạc sĩ Đức Huy) hay như tâm sự của lão nhạc sĩ Phạm Duy: "Tôi rất vui khi thấy đất nước ngày càng có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng với kiều bào, nhất là khi Nghị quyết 36 kêu gọi thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt thành phần và lý do ra đi. Là người nghệ sĩ, tôi tha thiết mong muốn góp phần vào đời sống âm nhạc tại quê nhà…". Họ, những người biết nhận ra giá trị thật, dẫu có chút ngậm ngùi trên con đường hồi hương song đã được đền đáp bằng sự đón nhận chân tình, cởi mở dành cho những người con đất Việt.

Hòa Bình /(Lao động xã hội)

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu