A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt trên đất Thái - Nem nướng Việt vào Hoàng cung Thái

Chuyến đi thực tế trên đất nước bạn Thái Lan, được tiếp xúc với nhiều bà con người Việt ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh đã để lại nhiều câu chuyện ấn tượng và thú vị đối với tác giả Bùi Ngọc Long và Minh Quang. Tạp chí Quê Hương xin trân trọng lần lượt giới thiệu tới bạn đọc những câu chuyện ấn tượng và thú vị đó.

Đầu tháng 7, chúng tôi có chuyến công tác cùng Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế và các tỉnh miền Trung sang đông bắc Thái theo lời mời của Tổng cục Du lịch Thái Lan và Cơ quan quản lý du lịch vùng đông bắc Thái (TAT). Chuyến đi đã cho chúng tôi cơ hội hội ngộ với bà con Việt kiều và biết nhiều câu chuyện thú vị. 

Ở ngay bên bờ sông Mê Kông, thuộc tỉnh Nongkhai có một nhà hàng nem nướng Việt hoành tráng chiếm hơn 400 m mặt tiền của tuyến đường dọc bờ sông. Nhà hàng nổi tiếng tới mức các các hãng lữ hành Thái đều có câu cửa miệng: Đến Nongkhai mà chưa thưởng thức món nem nướng thì xem như chưa đến.

Nhà hàng có hơn 400 nhân viên làm việc cật lực với lượng khách hàng ngàn người mỗi ngày. Thương hiệu nem nướng Việt trên đất Thái cũng đã phát triển thành chuỗi nhà hàng với 3 cơ sở ở Nongkhai, Udon và Chiang Mai. Mỗi tuần nem nướng Việt đều có mặt trong thực đơn của Hoàng gia Thái Lan để phục vụ nhà vua và các hoàng thân. Nhà hàng nem nướng này cũng được báo chí Thái Lan có nhiều bài viết vinh danh là dịch vụ nhà hàng thành công nhất của người Việt trên đất Thái.

Bà Lương Thị Vỵ, chủ nhân quán nem nướng, năm nay đã 81 tuổi. Quán ở Nongkhai có tên là Deng Nem Nuong, lấy theo tên người con gái đầu của bà. Bà Vỵ kể những ngày đầu ở Nongkhai vất vả vô cùng, phải làm việc quần quật mới có được miếng ăn. Người con gái đầu lòng của họ chào đời trong giai đoạn đó. Cô bé da đỏ hồng, người y tá hộ sinh nói Deng trong tiếng Thái nghĩa là đỏ, mang ý nghĩa hạnh phúc, may mắn. Thế là vợ chồng bà Vỵ đặt tên con là Deng, tên tiếng Việt là Tuyết.



 Mặt tiền nhà hàng Deng Nem Nuong của bà Lương Thị Vỵ ở Nongkhai - Ảnh: B.N.L


Bà Vỵ kể, bà sang Thái khi mới 13 tuổi. Sau đó, bố mẹ bà đều qua đời, bà mồ côi sống một mình giữa xứ lạ. Những tháng ngày cơ cực khiến bà phải bươn chải với gánh hàng ăn để kiếm sống. Từ gánh bún chả, nem nướng đi bán rong, thấy người Thái đặc biệt ưa thích món nem nướng Việt nên bà mày mò sáng chế ra 6 món nem nướng. Bà Vỵ nghiên cứu pha chế thêm các loại rau, gia vị, nước chấm cho hợp với khẩu vị của người bản xứ và dần dần trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Quán ăn của bà ban đầu chỉ là gian nhỏ bên sông Mê Kông, nhờ kinh doanh phát đạt bà mua thêm đất để mở rộng quy mô quán. Đến nay, quán của bà trở thành nhà hàng sang trọng với quy mô hàng ngàn mét vuông, kèm theo một nhà hàng nổi trên sông Mê Kông.

Chồng bà, ông Hồ Văn Tuân đã mất cách đây mấy năm. Di hài của chồng được bà Vỵ cải táng đưa về quê hương là làng Hòa Viện (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) để an táng. Cũng giống như bà Vỵ, ông Tuân đã bỏ quê nhà để sang Lào lánh chiến tranh lúc mới 13 tuổi. Đến năm 1935, một lần nữa, ông cùng gia đình lội dòng Mê Kông để sang tị nạn tại Nongkhai. Ông Tuân và bà Vỵ cùng chung cảnh ngộ nơi xứ người nên đã thương yêu nhau và trở thành vợ chồng. Họ sinh được 8 người con và bằng quán nem nướng này, họ đã nuôi nấng con cái trưởng thành.

Khi chúng tôi hỏi bí quyết nào khiến bà thành công trên đất Thái, bà Vỵ rưng rưng xúc động: “Bác Hồ dạy đi cho người ta nhớ ở cho người ta thương. Chúng tôi đã sống theo lời dạy đó của Bác nên mới được người Thái yêu thương đùm bọc”. Suốt mấy chục năm sống tị nạn, không có giấy tờ hợp pháp, chính phương châm sống trên đã trở thành tấm “thẻ bài” để những người Việt nơi đây vượt qua khó khăn, tồn tại và chiếm được cảm tình của người bản xứ.  “Người Thái ở đây vẫn nói: Người Duồng (người Việt) rất tốt bụng” - bà Vỵ kể.

Deng Nem Nuong không chỉ mang lại tiếng thơm cho người Việt trên đất Thái mà còn có công trong việc giới thiệu nét văn hóa Việt cho người bản xứ. Khi ông Tuân mất, nhà vua Thái Lan đã dành cho gia đình bà một đặc ân. “Nhà vua cho rước lửa lấy từ trong cung mang về thắp trên bàn thờ trong suốt những ngày tang lễ của chồng tôi”, bà Vỵ nhớ lại.

Hướng về Tổ quốc

Bà Vỵ nói, năm nào chúng tôi cũng tổ chức về quê một chuyến để giúp đỡ những gia đình nghèo bên quê hương. Năm vừa rồi, thông qua Lãnh sứ quán Việt Nam tại đông bắc Thái, bà Vỵ đã dành tặng mấy chục chiếc xe lăn cho người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.

“Ở đây, hầu như đoàn công tác nào của Chính phủ Việt Nam sang cũng đến thăm gia đình. Hôm mãn nhiệm, ông Tổng lãnh sự cũng tổ chức một bữa tiệc tại đây để chia tay mọi người”, bà Vỵ tự hào.

Không chỉ riêng bà Vỵ mà hầu hết người Việt ở Thái đều có tình cảm đặc biệt với cách mạng và luôn hướng về Tổ quốc.

Chúng tôi vẫn còn ấn tượng trong chuyến công tác Thái Lan năm 2009, khi được dự bữa tiệc giao lưu với bà con Việt kiều do Hội người Việt ở Nakhon Phanom tổ chức, trong chương trình hát karaoke, bà con Việt kiều chỉ toàn hát nhạc cách mạng như: Cô gái mở đường, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Đường chúng ta đi…

Ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch Hội người Việt tại đông bắc Thái, cho biết hầu như nhà nào cũng có một dàn karaoke để hát nhạc cách mạng. “Đó cũng là cách mà những người Việt ở Thái Lan ôn lại vốn tiếng Việt của mình hằng ngày và để hướng về Tổ quốc”.

Bùi Ngọc Long (ThanhnienOnline)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu