A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt trên đất Thái - Kỳ 4: Làng Việt ở Nakhon Phanom

Nằm ở vùng đông bắc Thái, bản Mạy (thôn Na Chook, xã Nõn Giạn, huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom) có 118 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu, nhưng hơn 90% là người Việt.

Như trên quê hương mình

Từ trung tâm tỉnh lỵ Nakhon Phanom, bên dòng sông Mê Kông, đi ô tô chừng 30 phút chúng tôi đến bản Mạy. Sau chặng hành trình đi qua những khu dân cư Thái với nhà sàn đặc trưng, không hề có vườn tược, vừa đặt chân đến cổng làng hữu nghị Thái - Việt, cũng là cổng bản Mạy, chúng tôi đã bắt gặp hình dáng của chiếc cổng làng Việt với mái ngói đỏ, rồng phụng uốn lượn quen thuộc. Na Chook là tên vùng đất được gọi theo địa danh một cái hồ lớn tại đây. Người Việt gọi là hồ Nà (tiếng Thái, chook là cái ao lớn).

Bước qua cổng làng, chúng tôi lại càng ấm lòng hơn trước một khung cảnh làng quê Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc từ những khu vườn sum sê cây trái với hàng cau, vườn chuối, bưởi, hàng rào dâm bụt, thửa ruộng, bờ ao… Đặc biệt, khu nghĩa trang với những ngôi mộ được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt khiến mọi thành viên trong đoàn có cảm giác như đang ở chính trên quê hương mình.

Các cô, các chị trong tà áo dài nền nã ra tận đầu ngõ của trụ sở Làng hữu nghị Thái - Việt đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng như người thân ruột thịt lâu ngày gặp nhau. Chị Lê Thị Hường (quê gốc Hà Tĩnh), Hội trưởng Hội người Việt ở bản Mạy, cho biết: “Nghe tin Hội Việt kiều trên tỉnh báo về, hôm nay có các anh chị bên Việt Nam sang thăm, chúng tôi mừng lắm. Ai nấy đều dẹp hết việc nhà để đến đây từ sáng sớm”. Một bữa cơm thân mật với nước chè xanh được chuẩn bị sẵn để thết đãi khách từ quê nhà.

Chị Hường tâm sự: “Dù sinh ra và sống tại đây đã hơn 60 năm, nhưng khi nghe đến hai chữ Việt Nam là trong lòng dậy lên một cảm xúc bồi hồi khó tả. Mỗi lần nghe có đoàn Việt Nam sang là chúng tôi bỏ hết việc nhà để đến đây, gặp mặt cho được người mình. Gặp các anh, chị, các cháu cũng như được trở về quê hương”.



 Hình ảnh hàng cau, hàng rào chè tàu đặc trưng
của vườn Việt ở bản Mạy - Ảnh: B.N.L


Biểu tượng của tình hữu nghị

Theo chị Hường, bản Mạy được thành lập từ những năm đầu của thế kỷ 20, do những người Việt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư sang đây lập nghiệp. Người được xem là khai canh của ngôi làng Việt này là ông Lê Văn Thuyết, người Can Lộc, Hà Tĩnh.

Bản Mạy cũng là nơi vào tháng 7.1928, Bác Hồ với bí danh Thầu Chín đã dừng chân và cùng bà con Việt kiều yêu nước hoạt động cách mạng. Ở bản Mạy, Bác đã sống trong gia đình ông Võ Trọng Đài, một người bạn của Bác khi còn ở Việt Nam. Ngôi nhà này ở phía sau mảnh đất của ông Huê Đạm và bà Nguyễn Thị Nuôi. Sau khi ông Đài qua đời, ngôi nhà Bác Hồ từng ở và hoạt động được giao lại cho người con trai tên Tiêu cai quản. Khi Bác Hồ đến bản Mạy, ông Tiêu chỉ mới 8 tuổi, ông cũng chính là người được Bác Hồ dạy tiếng Việt và sống gần gũi Bác. Ông Tiêu đã mất năm 2010, ngôi nhà được giao lại cho con cái ông cai quản. Hiện ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Bác ở bản Mạy. Bác sống và hoạt động tại đây cho đến tháng 11.1929 thì rời Thái Lan sang Trung Quốc.

Tháng 1.2004, từ sáng kiến của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh, Phó thủ tướng Thái Lan, chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Việt - Thái và quyết định thành lập Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy. Ngày 22.2.2004, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawtra đã khai trương Làng hữu nghị Việt - Thái ở bản Mạy, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc.

Tại làng hữu nghị vẫn còn ghi lại lời của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh, khi ông khởi xướng dự án xây dựng làng hữu nghị Thái - Việt: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đặc biệt nhận được sự tôn kính của nhân dân Việt Nam mà còn là con người kiệt xuất được cả thế giới biết đến. Sự kính trọng nhà lãnh đạo của nước Việt Nam láng giềng đã từng có lịch sử gắn bó với đất nước Thái Lan sẽ là mốc son đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững và sâu sắc, đồng thời thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước”.

Làng hữu nghị cũng là nơi sum họp của bà con Việt kiều Nakhon Phanom nói riêng và cả vùng đông bắc Thái nói chung. Ở đây vào các dịp lễ tết, bà con Việt kiều lại tụ hội quây quần bên nhau thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Làng hữu nghị cũng là điểm dừng chân mà bất cứ đoàn khách Việt nào sang đông bắc Thái đều không thể bỏ qua.

Bùi Ngọc Long (Thanhnien Online)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu