A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt trên đất Thái - Kỳ 3: Phố chả Việt trên đất Ubon

Ở thành phố Ubon, vùng đông bắc Thái Lan, có một dãy phố chả Việt nổi tiếng. Chủ nhân của những tiệm chả này là người Việt, quê gốc Nam Định sang định cư ở đây từ trước 1945. Họ đã sinh sống và làm giàu trên đất Thái bằng chính nghề truyền thống của VN.

Làm giàu từ nghề truyền thống

Từ khách sạn Laithong, trung tâm thành phố Ubon, vùng đông bắc Thái Lan, đi dọc đường phố Xinalon chừng 2 km là đến dãy phố mặt tiền với những cửa hiệu chả Việt nổi tiếng. Dừng chân trên dãy phố Việt, tôi chợt gặp lại cảm giác thân quen như đang ở trên đường phố Nam Định, Sài Gòn hay Hà Nội.



 Các công nhân lao động trẻ từ VN sang đã có việc làm
trong tiệm chả bà Mạo Ảnh: B.N.L


Thấy người Việt từ quê hương sang, những cô bán hàng đang nói tiếng Thái lập tức chuyển sang nói tiếng Việt. Tuy giọng nói không thành thạo lắm nhưng cũng đủ khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi gặp đồng hương ở nơi xa. Dãy phố có chừng 5-7 ngôi nhà, chủ yếu là anh em trong một gia đình đã di cư sang Thái từ trước Cách mạng Tháng 8 (1945). Những người thợ làm chả, đứng bán hàng ở đây đa số là thế hệ thứ 2, thứ 3, sinh ra trên đất Thái. Thế nhưng, khi biết đoàn chúng tôi từ VN sang, ai cũng tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân.

Tiệm chả bò bà Mạo, có hiệu là Daothong (tức Sao Vàng) nằm ngay mặt tiền của dãy phố. Bên trong ngôi nhà là một xưởng với gần 20 công nhân, chủ yếu là người Việt. Cái tên Sao Vàng cũng là cách để chủ nhân ngôi nhà nhớ về quê hương. Bà Mạo năm nay đã hơn 90 tuổi. Bà theo gia đình sang Thái từ khi còn là con gái. Cả dãy phố chả Việt này đều là anh em bà con của bà. Chị Mai, con gái bà Mạo, năm nay gần 40 tuổi. Chị sinh ra trên đất Thái, nhưng vẫn được gia đình dạy tiếng Việt để không bị mất gốc. Chị Mai cho biết: “Mẹ chị bây giờ già quá rồi, nhưng những khi gặp được người Việt quê hương sang là bà vui lắm”. Chị Mai kể từ khi còn nhỏ đã nghe bố mẹ nói rất nhiều về quê hương, đất tổ, nói về Bác Hồ và cuộc kháng chiến của dân tộc với niềm tự hào đặc biệt.

“Bố mẹ mình kể, hồi mới sang Thái, họ cũng đã rất khó khăn. Họ làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ rửa chén bát cho các nhà giàu đến bán hàng rong trên các phố. Một lần, khi gia đình có tiệc, mẹ chị đã làm vài món ăn Việt đãi khách, trong đó có các món chả truyền thống của VN. Sau khi ăn và thấy ngon, những người bạn Thái của gia đình đã khuyến khích bố mẹ chị nên làm các loại chả Việt để bán. Phố chả Việt ra đời từ đó”, chị Mai kể.

Người Thái vốn quen ăn các món nướng với gia vị nhiều ớt, tỏi... nên khi ăn các loại chả Việt họ rất thích. Cửa hiệu vì thế ngày một phát triển và trong gia đình nhiều người trưởng thành đã tách ra làm cửa hiệu riêng, tạo nên một dãy phố chả Việt đặc trưng. Bên cạnh chả là món chủ lực, các cửa hiệu còn sản xuất nhiều loại thịt nguội khác như bò khô, cá khô tẩm gia vị, xúc xích bò, heo...

Chị Mai cho biết hiện mỗi ngày tiệm chả của gia đình chị có thể bán hết 300 cây (đòn) chả bò, chả heo các loại. Đặc biệt những ngày cuối tuần, tiệm chả có thể tiêu thụ đến 1.000 cây chả. Doanh thu hằng tháng lên tới vài trăm ngàn baht. Với thu nhập đó, họ trở nên giàu có ngay trên đất Thái.



 Chị Mai đang hào hứng giới thiệu đặc sản Việt
trên phố Ubon (Thái Lan) - Ảnh: B.N.L


Không quên nguồn cội

Đa số công nhân làm chả cho các cửa hiệu ở phố Ubon đều là con em người Việt. Bên cạnh những người Việt định cư lâu năm ở Thái được nâng đỡ để có việc làm, tiệm chả bà Mạo còn là nơi tiếp nhận và tạo việc làm cho hơn 10 lao động khác từ VN sang. Nguyễn Khắc Chung, 23 tuổi, quê Hà Tĩnh, sang đây từ hơn 3 năm nay để làm công nhân cho tiệm chả của bà Mạo. Chung cho biết: “Bọn em sang đây làm việc được gia đình bà chủ rất thương, ngoài việc lo giấy tờ để trở thành lao động hợp pháp, gia đình bà còn cho ở chung trong nhà như con cái. Mỗi năm, sau khi trừ ăn uống chi phí, bọn em cũng gửi về cho gia đình được hơn 30 triệu đồng”.

Ở tiệm chả bà Mạo, chúng tôi còn được những công nhân kể một câu chuyện khá xúc động. Chủ tiệm đã đặt ra một giải thưởng cho các công nhân Thái gốc Việt là ai làm giỏi mỗi năm sẽ được thưởng một chuyến về thăm quê hoặc đi du lịch VN. Phần thưởng này không dành cho người lao động từ VN sang, bởi trước sau gì họ cũng về nên nếu làm giỏi họ chỉ được thưởng tiền. Riêng đối với những người Thái gốc Việt, phần thưởng này có ý nghĩa rất lớn. Phần thưởng vừa thể hiện lòng yêu nước của người chủ, đồng thời cũng khuyến khích tạo điều kiện cho tất cả những người Thái gốc Việt ở đây được về VN để không quên nguồn cội.

Không chỉ tiệm chả của bà Mạo mà nhiều chủ doanh nhân người Thái gốc Việt khác hiện cũng học cách này để khuyến khích công nhân làm việc tốt và không quên nguồn cội. Dù chỉ một thời gian ngắn dừng chân ở dãy phố chả Việt trên đất Thái, nhưng với tình cảm của đồng bào hướng về quê hương, đã làm chúng tôi ấm lòng trong suốt hành trình.

Bùi Ngọc Long (ThanhnienOnline)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu