Người Việt ở Thụy Sĩ: Không có chỗ cho những ai thích "nhàn”
![]() |
Hôm đến thăm nhà máy sản xuất của hãng Omega, lần đầu tiên thấy Hùng, chúng tôi đã ngờ ngợ anh là người Việt bởi vóc dáng rất Việt Nam của anh. Hùng đang hí hoáy bên bàn làm việc. Anh cho biết, mỗi tháng trung bình anh chỉ phải làm 1, cùng lắm là 2 chiếc đồng hồ, cái nào cũng có trị giá ít nhất 85.000 franc Thụy Sĩ (tương đương với khoảng 1 tỉ đồng Việt Nam). Anh cho biết: "Mình đi lâu cũng nhớ nhà (nhà Hùng ở TP.HCM nhưng bố mẹ gốc Hà Nội - PV). Cũng định về mấy lần mà bận quá, không có dịp nào. Cuối năm nay mình tính về nhưng từ nay đến đấy, không biết lại có việc gì không". Theo Hùng kể thì anh có người bà con có công ty kinh doanh, sản xuất đồng hồ tại TP.HCM đã mời anh về làm cho công ty này với mức lương gần bằng nửa lương anh đang nhận ở hãng Omega (khoảng 5.500 franc - tương đương 66 triệu đồng Việt Nam). "Tôi cũng đang suy nghĩ vì dù sao ở đây tôi cũng đã có gia đình và mọi thứ đều ổn định cho dù sinh hoạt ở đây rất đắt đỏ. Mức lương như thế cũng chỉ vào loại rất trung bình vì trừ đi thuế thu nhập, tiền bảo hiểm, tiền thuê nhà hằng tháng... thì số còn lại không bao nhiêu (chỉ còn một nửa)" - Hùng cười nói.
Với chị Ngọc Dung, hiện đang sống tại thành phố Geneva lại khác. Sang Thụy Sĩ đã gần 40 năm, đến nay, chị nói hằng ngày vẫn truy cập mấy trang báo điện tử Việt Nam để đọc tin tức về quê nhà, nhưng "nhiều từ ngữ mình cũng không hiểu nữa". Công việc hiện nay của chị Dung là đi dạy tiếng Đức, tiếng Pháp cho những người Việt mới sang Thụy Sĩ và một số công việc mang tính tình nguyện cho Hội Chữ thập đỏ của Thụy Sĩ. Tuy không vất vả lắm nhưng chị cũng phải luôn cố gắng thì mới có thể đảm bảo có việc thường xuyên và có thu nhập ổn định. "Ở đây, nếu không làm gì, thất nghiệp thì sẽ không có chỗ đứng trong xã hội vì không thể có tiền để chi tiêu trong một xã hội mà các chi phí sinh hoạt, tiêu dùng đều rất đắt đỏ", chị Dung nói. Hôm tiễn chúng tôi ở sân bay, chị cho biết sẽ sớm thu xếp thường xuyên về Việt Nam vì sắp tới chị cũng định đầu tư một dự án tại TP.HCM, nơi chị sống trước khi sang Thụy Sĩ.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, có gần 6.000 người Việt Nam ở các vùng, miền khác nhau của Thụy Sĩ. Những người đến trước năm 1975 thì đi theo mục đích du học và ở lại, họ thường có địa vị khá trong xã hội, làm các công tác quản lý. Những người đến sau năm 1975 thì làm ở nhiều ngành nghề: lái xe, mở quán ăn, công nhân, tin học... Nhìn chung đều làm việc rất tốt và dành được cảm tình của người địa phương, của chính quyền Thụy Sĩ. Ông cũng cho biết, hằng năm, đại sứ quán ta vẫn tổ chức các sinh hoạt cộng đồng người Việt tại đây và thu hút rất đông bà con tham dự. Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nói: "Không chỉ ở Thụy Sĩ mà ở nhiều nước châu Âu khác, hay các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU), người Việt sinh sống cũng rất đông và đều làm việc rất tốt ở mọi công việc khác nhau. Họ đều có nhu cầu sinh hoạt cộng đồng thường xuyên và chúng tôi nghĩ nên tổ chức một số hoạt động chung, lớn hơn, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong nước, như việc thường xuyên đưa các đoàn nghệ thuật, biểu diễn... sang phục vụ".
Mạnh Quân/(Thanh niên)