Mối nhân duyên kỳ ngộ
Đám cưới của Joe và Hồng |
Sau trận bão tuyết cuối tháng Ba, đất trời như phủ một tấm chăn bông trắng toát, lạnh lùng. Trời xanh biếc, không một gợn mây, nắng vàng óng ả mà lạnh buốt như ở trong tủ đá. Nhiệt độ ngoài trời cứ quay đi đổi lại tầm -3 đến -4oC. Sau hơn 10 ngày, trời vẫn nắng vậy, tuyết cứ ri rỉ nước chảy rồi xẹp dần. Thế nhưng chỉ sang mấy ngày đầu tháng Tư, trời như chợt tỉnh, hoa nở tưng bừng cùng nhau khoe sắc. Hoa nở, đất trời như kết lại. Sóc, nai, hươu, thỏ... từ các khu rừng ra vệ đường nhởn nhơ đùa giỡn, sưởi nắng để bù lại thời gian dài trốn lạnh. Ở đâu cũng vang tiếng chim hót rộn ràng, ríu rít báo hiệu mùa Xuân về…
Cảm xúc mùa Xuân về vào tháng Tư làm tôi xao xuyến, bồi hồi nhớ quê hương, đất nước và những người bạn cần mẫn, thân yêu:
Mùa Xuân về tôi muốn gửi phương xa
Chút nhớ thương làm quà cho ai đó
Mùi hương quê mỗi chiều bay trong gió
Đậm men tình góc phố nhỏ thân thương…
Tháng Tư ơi! Mùa Xuân đã bắt đầu. Mùa Xuân của đất trời. Mùa Xuân của lòng người. Mùa Xuân của sự kết nối lan toả thiên nhiên và con người. Và hơn thế, mùa Xuân là mùa của tình yêu.
Hôm nay, tôi lái xe lượn quanh trên con đường dẫn vào khu rừng để đi dự tiệc cưới của gia đình một người bạn. Các đôi lứa ở xứ Đông Bắc Hoa Kỳ thường tổ chức cưới về mùa này cho đến hết mùa Thu. Đến dự tiếc cưới này gợi cho tôi nhớ về đám cưới cách đây vài năm cũng của một cô dâu Việt Nam và chàng trai Hoa Kỳ.
***
Ngày ấy, tiết trời cuối tháng 9 ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ đẹp đến nao lòng. Bầu trời xanh trong vời vợi, không khí trong lành. Bên cạnh con suối nhỏ, nước chảy róc rách, trong veo, nhìn thấy từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Mấy con hươu ngơ ngác, đàn sóc chạy theo bám chân những quý khách thập phương đang ríu rít chào hỏi nhau. Bên khoảng đất rộng, một khu nhà nằm lẻ loi nhưng tiện nghi, sang trọng. Tại đây đang diễn ra một đám cưới. Tiếng nhạc êm đềm, nhè nhẹ vang. Nghi lễ cưới được tiến hành ở ngoài trời, tại khoảng sân rộng kề bên bờ suối thơ mộng. Những bó hoa được kết dọc hai bên lối đi. Khách ngồi chứng kiến lời phát biểu cảm tưởng của chú rể, cô dâu và lời hứa với gia đình hai bên cùng bạn bè thân quyến. Nghi lễ nhẹ nhàng nhưng ấm cúng, đậm đà tình cảm.
Xong phần nghi lễ, mọi người vào trong nhà để dự tiệc. Tôi ngồi kế bên một người tóc màu đen lốm đốm bạc, khuôn mặt hồng đã điểm nhiều nếp nhăn, chất giọng miền Bắc trộn lẫn chất Nam bộ. Ông có thân hình thon gọn, rắn rỏi, dong dỏng cao, vận bộ comple màu xanh đen, cà vạt màu đỏ. Kế bên là một người tóc nâu xoăn, mắt xanh, da trắng, mũi thẳng trên khuôn mặt đã điểm những chấm đồi mồi, dáng cao, gọn, vận quần áo comple đen, thắt cà vạt màu xanh hoà bình. Đứng bên cạnh, mỗi khi nói chuyện, tôi và bố cô dâu đều phải ngước lên vì hai chúng tôi chỉ cao đến ngực của ông. Với dáng vẻ thanh thoát, ông và bà vợ luôn sát bên tôi suốt từ đầu buổi lễ. Có lẽ bởi tôi là bạn thân của bố cô dâu và cũng đã gặp hai ông bà tại tiệc cưới do bên nhà cô dâu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh.Sau đó tổ chức ở Hoa Kỳ, bố mẹ cô dâu lại từ Thành phố Hồ Chí Minh bay qua dự.
Khi còn ở Việt Nam, bố cô dâu hơn tôi vài tuổi nhưng rất thân. Anh sinh ra ở miền Trung, nhưng 20 tuổi đã phải rời cổng trường đại học, khép lại giấc mơ làm kỹ sư thủy lợi, lên đường theo tiếng gọi tiền phương. Trong ba lô hành trang là mấy bộ áo quần cùng mấy cuốn tiểu thuyết. Cuộc chiến tranh khốc liệt, anh bị thương và được đưa vào trạm quân y tiền phương, lại kèm theo cơn sốt rét tái phát hành hạ. Cơn sốt rét là hậu quả của cuộc hành quân gian khổ thiếu ăn, thiếu ngủ... đằng đẵng hơn 6 tháng trời, sống giữa rừng thiêng nước độc trên đường ra tuyến lửa. Biết anh hay bị sốt và vết thương tái phát nên mỗi khi rời trạm quân y, cô cứu thương lại gửi cho anh một ít thuốc.
Rồi chiến tranh kết thúc, anh lại vào học tiếp đại học văn khoa. Anh may mắn gặp lại chị cứu thương ngày xưa, nay là sinh viên khoa Anh văn của trường. Hai người quen nhau và nên duyên vợ chồng trong trường đại học này. Khi ra trường, anh trở thành phóng viên rồi lăn lội khắp các tỉnh thành miền Tây - Nam bộ. Là người cán bộ mẫn cán, anh được giao làm Tổng biên tập một tờ báo quan trọng của khu vực phía Nam. Vợ anh ra trường làm cô giáo dạy tiếng Anh, sau về Viện Khoa học Xã hội.
Niềm vui khó tả hết khi anh chị sinh cháu Hồng - con gái đầu lòng, mẹ tròn con vuông. Anh chị mừng vì cháu xinh gái và học giỏi, đạt giải nhất toàn quốc trong khối trung học phổ thông. Khi cháu đang học đại học, một tai họa bất ngờ gây cho anh chị cú sốc. Đó là bệnh viện bảo con gái anh bị trọng bệnh. Khi anh đưa cháu vào nhập viện, anh nghĩ đến những nắm rau rừng từng bị hoá chất da cam của Mỹ rải xuống những vùng đơn vị anh đóng quân. Những dòng nước suối trong rừng sâu nhiễm độc cũng từ hoá chất ấy. Nhưng rồi chuyện ấy cũng qua, con gái anh vượt qua được đại học, đạt bằng giỏi. Cô học thạc sỹ ở trường đại học danh giá của Hoa Kỳ. Là một sinh viên xuất sắc, cô có việc và đủ điều kiện ở lại Hoa Kỳ, tuy nhiên là con gái duy nhất, cô muốn về bên bố mẹ.
Khi trở về nước, cô vào dạy tiếng Anh ở một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống nhân duyên, cô đã yêu và cưới một chàng trai dáng thanh cao, mũi thẳng, da trắng hồng, tóc xoăn nâu, tốt nghiệp tiến sỹ ở Đại học Harvard sang Việt Nam giảng dạy cùng trường với cô. Rồi đám cưới được tiến hành bên nhà gái tại Khách sạn Rex ở Thành phố Hồ Chí Minh trước. Bố mẹ chú rể bay từ Hoa Kỳ sang, tôi cũng bay về dự và lần đầu gặp cả hai gia đình cùng cô dâu chú rể ở đó.
Một tháng sau, đám cưới tổ chức ở xứ sở cờ hoa. Lần trước, khi ở Khách sạn Rex, tôi thay mặt nhà gái đưa hai ông bà đi chơi ở Việt Nam, hai ông bà đã kể cho tôi nghe nhiều ký ức trước đây. Ông là một sinh viên nhập ngũ và sang Việt Nam như một sự bắt buộc vì không thể tránh quân dịch. Khi sang chiến trường Việt Nam, ông là lính thuỷ đánh bộ. Ông bị thương và được một cô gái ở trạm cứu thương của quân đội Việt Nam cứu. Sự thể là sau trận càn quét, cả đơn vị ông bị du kích tấn công bất ngờ. Đơn vị ông đã gọi không kích yểm trợ tấn công nhưng thất bại. Đơn vị ông tiêu vong rất nhiều, một phần do không kích yểm trợ lại tấn công vào đơn vị của ông, phần bị bao vây của du kích và không còn lối thoát. Lúc ấy, trực thăng không hạ cánh được vì sình lầy và do sự chống trả quyết liệt của du kích nên đã thả thang dây xuống cứu quân. Nhưng một số bạn bè và ông bị thương không thể bám dây lên trực thăng nên bị bỏ lại. Ông tuyệt vọng nghĩ sẽ không thể sống sót khi lính Mỹ bỏ chạy, thì chính lúc ấy ông và số còn nằm trên cánh đồng sình lầy miền Tây Nam bộ được du kích và dân làng đưa về trạm quân y tiền phương.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, tù binh được trao trả, ông và bạn bè được trở về Hoa Kỳ. Ông tiếp tục học xong đại học và trở thành giáo sư đại học. Những khi vết thương tái phát và mỗi lúc nghe tin những cựu binh là bạn bè của ông ra đi mãi mãi vì hội chứng chiến tranh Việt Nam, là ông bị sốc. Chính điều ấy đã gợi lại kí ức về những trận càn quét của đơn vị ông và sự chống trả quyết liệt của du kích và quân đội Việt Nam…
Câu chuyện giữa hai người đàn ông một thời nheo mắt ngắm nhau qua nòng súng, lưỡi lê..., nay ngồi bên nhau tâm sự về một thời trai trẻ, khiến tôi như bị mê hoặc giữa quá khứ và hiện tại.
Hôm ngồi trong Khách sạn Rex, mẹ vợ và mẹ chồng - hai người vợ của hai người lính từ hai chiến tuyến - ngồi cạnh tôi nhưng tâm sự chủ đề riêng. Vì mẹ cô dâu dạy tiếng Anh nên hai người ngồi cùng nhau nói chuyện rất thoải mái. Cũng trong chuyến trở về thăm lại miền Tây Nam bộ lần ấy, bà mẹ chú rể cũng cho hay, thanh niên trai tráng lúc bấy giờ phải đối diện với giấy gọi quân dịch, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật để phục vụ cuộc chiến mà họ cho là phi nghĩa không. Còn đối với những phụ nữ như bà thời bấy giờ thì, tình thế đối mặt với những nghi ngờ về nhà cầm quyền của mình, về nền dân chủ và tính nhân văn của giới lãnh đạo của chính phủ Hoa Kỳ, đã thôi thúc họ đứng lên kêu gọi và tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam.
Cũng tại Khách sạn Rex hôm ấy, câu chuyện ông kể về chuyện bị thương của mình và bạn bè được những cô gái tiền phương cứu chữa, khiến mẹ cô dâu nhớ lại và hỏi thêm vài chi tiết nữa. Ông bất ngờ đứng dậy nhận ra gọi to: “Cô Ba à! Michael!” Rất bất ngờ ông Michael nói tiếng Việt. Và duy nhất chỉ mỗi từ "Cô Ba à" là ông nói được tiếng Việt. Bà Ba quá bất ngờ cũng nhận ra ông và gọi thảng thốt, mặt nhìn vào Michael mà không nói nên lời. Michael bất chợt ôm lấy bà Ba. Mắt ông rớm lệ sau cặp kính trắng. Bà Ba thì khóc, khóc giàn giụa. Nước mắt của những người hai bên chiến tuyến nhớ về kỷ niệm xa xăm của một thời bom đạn. Cả không gian của hội trường cưới hôm ấy bỗng òa lên sung sướng và chúc mừng cuộc hội ngộ kỳ lạ và hiếm có. Tràng vỗ tay kéo dài không dứt của mọi người dự tiệc… Cô Ba là tên của mẹ cô dâu. Cô sinh ra, lớn lên ở miền Tây Nam bộ. Trong những ngày ông và bạn bè ông nằm điều trị ở đây đã quen gọi trìu mến là “Cô Ba cứu thương”. Ông bảo giá như thời đó không phải là cuộc chiến tranh khốc liệt, mà là sự hợp tác kinh tế hay giáo dục, thì có lẽ trong số bạn bè ông vài người đã bén duyên trên mảnh đất này.
***
Sau đám cưới ấy tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên nhà cô dâu sắp xếp để tôi đưa ông bà đi thăm lại miền Tây Nam bộ - nơi ông đã từng mang vết thương trên thân thể của mình từ cuộc chiến. Ông kể rằng khi là giáo sư, ông nhiều lần hướng dẫn cho sinh viên Việt Nam. Và chính ông tự nhận ra một chân lý hiển nhiên là tính chính nghĩa và nhân văn của chiến tranh bảo vệ quê hương, đất nước đã làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975 là sự tất yếu. Khi cầm súng đến Việt Nam, ông còn quá trẻ để hiểu về lý do và tính chất cuộc chiến. Nhưng suốt mấy chục năm qua, những câu hỏi đó luôn thôi thúc ông tìm hiểu và có những điều ông và bạn bè ông không thể có câu trả lời xác đáng.
Sự khốc liệt của cuộc chiến với 3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ đổ xuống Việt Nam, 58.220 lính Mỹ thiệt mạng, cùng với con số ước tính hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam hy sinh(*) là những con số khô khốc, nhưng mãi mãi là nguồn tư liệu sống. Là người nghiên cứu và giảng dạy xã hội học tại một trường đại học danh giá tại Hoa Kỳ, những điều ấy ám ảnh ông suốt mấy chục năm qua. Những con số ấy khiến cho cả hai bên của cuộc chiến đều sống với những ký ức đau buồn ám ảnh về hậu quả chiến tranh. Và nhân dân cả hai nước đã vượt qua quá khứ đau thương, coi đó là bi kịch lịch sử để lại, để hướng tới tương lai.
Sự có mặt của gia đình ông tại đây, ở đất nước Việt Nam hôm ấy, theo ông có quá nhiều ý nghĩa. Bởi vì cuộc chiến tranh và giai đoạn lịch sử ấy đã quyện chặt hai đất nước ở hai bờ đại dương cách nhau gần 14.000 km. Cuộc chiến tranh ấy ảnh hưởng tới tất cả chúng ta cho đến hôm nay và cả tương lai mai sau. Hơn thế, cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam gây ra bao hệ lụy cho những quốc gia đồng minhvà những con người thuộc các dân tộc khác nhau trên thế giới.
Ông kể, chú rể Joe là con của ông, nhưng đó là kết quả từ thụ tinh nhân tạo và cậu ấy mang dòng máu của một người quốc tịch Đức. Ông này cũng tham chiến tại chiến trường Việt Nam và sau khi kết thúc cuộc chiến, ông cảm nhận sâu sắc bị lương tâm cấu xé nên rời bỏ quê hương và sang Mỹ để trốn khỏi mặc cảm tội lỗi của mình. Khi đến Mỹ, ông không lập gia đình vì cuộc sống trở nên ngột ngạt, thiếu thốn tinh thần. Ông đã đưa giọt máu tương lai của mình phó thác cho ngân hàng phôi của bệnh viện và tự chấm dứt cuộc sống của mình theo cách ông muốn.
Về phần mình, sau khi trở về Mỹ, Michael rời quân ngũ. Ông choáng váng khi nghe các bác sỹ khuyên không nên sinh con nếu lập gia đình. Đây là cú sốc tinh thần đối với một người cao lớn, có sức khỏe của một cựu binh thủy quân lục chiến từng lùng sục khắp miền Tây Nam bộ trong rừng đước U Minh hay trong rừng dừa nước Bến Tre... Tuy nhiên sau đó, hai vợ chồng ông đã nhờ bệnh viện giúp đỡ và cậu Joe sinh ra từ đấy. Nó là kết quả từ phôi của người lính Đức và người vợ của ông. Trở về sau cuộc chiến, mắc hội chứng chiến tranh Việt Nam như những cựu binh khác, ông suy sụp tinh thần, mất phương hướng như đang đi trên sa mạc nóng bỏng. Đến với ông lúc ấy là trái tim của một người phụ nữ từng trải, đã tắm mát tâm hồn ông. Bà như một bóng cây che chở ông và là nguồn suối mát lành đưa ông trở lại và trở thành một vị giáo sư hôm nay. Sự chăm sóc ấy là năng lượng tuyệt vời giúp ông thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và đau khổ từ cuộc chiến ông trải qua. Hai người bạn đời cùng nhau chăm sóc Joe. Joe đã học hỏi được nhiều từ tình yêu và sự giáo dục của bố mẹ. Anh thông minh, hiền lành, chăm chỉ và mong muốn góp phần hàn gắn lại những gì trong quá khứ của bố đẻ và bố nuôi anh đã gây ra trong cuộc chiến trước đây ở Việt Nam.
Tôi đã đến thăm ngôi nhà ông bà đang ở tại Hoa Kỳ, thấy những tấm hình Joe nhận phần thưởng khi học xong phổ thông do Tổng thống Bill Clinton trao. Trong số bạn bè anh cùng ra trường có mặt dự cưới hôm ấy, nhiều người làm việc cho Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ. Một số bạn đó cũng đã một vài lần tháp tùng các phái đoàn sang thăm và làm việc với Việt Nam, kể cả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm trước. Họ rất cảm kích trước tình cảm nồng hậu và ấm áp của con người Việt Nam.
***
Khi tôi đang viết những dòng này, con gái đầu lòng của mối tình Hồng và Joe đã biết nói cả 2 thứ tiếng Việt - Anh mặc dù cháu được sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Còn Joe và Hồng vừa tiếp tục công việc giảng dạy đại học, vừa mở thêm công ty tư vấn du học có trang web tại địa chỉ: www.realclearenglish.org.
Hơn 3 năm vừa qua, Joe đã hướng dẫn thành công một số học sinh ở Việt Nam vào học đại học và cao học danh giá trong top 10 của thế giới và Hoa Kỳ như Stanford, Columbia, Uni of Pennsylvania, Michigan, UCLA... và nhiều trường khác ở Hoa Kỳ. Tôi đã được gặp một số sinh viên do Joe - Hồng hướng dẫn và đang theo học tại Hoa Kỳ. Họ cho rằng chính nhờ sự tư vấn ấy đã tạo cho họ cơ hội và thành công bước đầu trên hành trình đi tới.
Lịch sử lùi dần về dĩ vãng. Thời gian phủ dần quá khứ. Nhưng lương tri và trí tuệ con người mỗi thế hệ kế tiếp lại viết nên những trang mới cho nhân loại. Họ viết tiếp những giá trị nhân văn cao cả để lại cho thế hệ mai sau và gột rửa những lỗi lầm trong quá khứ mỗi khi xoá bụi thời gian để nhìn lại lịch sử. Tôi vẫn luôn hy vọng những đôi lứa như Joe và Hồng sẽ là những mối tình như thế.
Hà An (Hoa Kỳ)
----------
* Chú thích:
(*) Số liệu trích từ bài nói chuyện của Giáo sư Drew Gilpin Faust - Hiệu trưởng ĐH Harvard, tại ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM, 23/3/2017