A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không khí Tết đã về với cộng đồng người Việt ở nước Nga

Mỗi khi Tết đến Xuân về, hàng nghìn người Việt lại đi chợ Tết, gói bánh chưng, mua hoa đào, sắm cành mai, gửi vào đó niềm ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Quầy hàng phục vụ Tết Nguyên đán của người Việt tại chợ Sadovod, Moscow, Nga

Những ngày này tại Việt Nam, không khí tiễn năm Giáp Thìn và chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ đã tràn về trên mọi miền. Với cộng đồng người Việt Nam tại Moscow, Liên bang Nga, họ đang bắt đầu 365 ngày lao động chăm chỉ của năm 2025 với những âu lo liên quan đến thời cuộc.

Những tin tức chiến sự, những trồi sụt về kinh tế khiến thêm nhiều người phải cân nhắc khi nghĩ đến một chuyến về quê ăn Tết.

Nhưng điều này cũng không làm bớt đi những rộn ràng náo nức đón Tết cổ truyền của những người Việt.

Lá dong, lạt tre, gạo nếp, đỗ xanh, hộp mứt Tết, giò chả, măng miến… hình ảnh bình thường những ngày này tại tất cả mọi ngôi chợ ở Việt Nam, song là cả một nỗ lực để cộng đồng Việt Nam ở Moscow có được những phiên chợ đậm màu Tết, tươi sắc Xuân.

Anh Lê Quý Tuyên là một người con Thanh Hoá, đã kinh doanh hàng thực phẩm Việt Nam hơn 20 năm tại Moscow.

Tại cửa hàng của anh, người Việt có thể mua đủ nguyên liệu để nấu một mâm cơm tất niên chuẩn vị truyền thống Việt Nam.

Ngoài hàng khô được vận chuyển bằng đường biển, với rau tươi, đặc biệt là một số rau đặc trưng của Việt Nam như cần, ngót, anh phải vận chuyển bằng đường hàng không với cước phí không nhỏ.

Nhờ chăm chỉ mà anh cùng các anh chị em trong gia đình nay đã tạo dựng được uy tín trong cộng đồng. Ngoài bán lẻ, anh còn cung cấp dịch vụ thực phẩm Tết cho các xưởng may với hàng chục, hàng trăm công nhân.

Thế nhưng với anh Tuyên cũng như bao người Việt khác đang mưu sinh tại khu chợ Sadovod bán lẻ lớn nhất châu Âu, không có gì bằng được ăn Tết ở nhà, với cha mẹ, người thân.

Để tạo không khí quây quần ngày Tết, bà con tại Moscow thường rủ nhau gói bánh chưng chung. Kể cả các hộ kinh doanh hàng thực phẩm cũng vẫn tự tay gói bánh chưng, bánh tét.

Dãy hàng bán đồ thực phẩm Việt Nam tại chợ Sadovod ở thủ đô Moscow, Nga

Với họ, gói bánh là sum vầy, gói bánh là được trở về với quê hương xứ sở, gói bánh là thêm một lần cảm nhận văn hoá Việt. Vắng bố, vắng mẹ thì có anh em láng giềng, đồng hương, hoặc chỉ là “đồng chợ”, vắng quê hương thì yêu quê hương thứ hai cũng là cách vơi đi nỗi nhớ.

Trong ẩm thực, người Việt Nam thường ưa những món ăn từ nhà bếp lên thẳng bàn ăn và cả khi sinh sống tại “xứ tuyết trắng”, mọi người Việt cũng cố gắng chọn thực phẩm tươi cho mâm cỗ Tết.

Những chủ hàng thực phẩm phải lo bảo đảm được nguồn cung cấp tin cậy tại Việt Nam, phải tính toán thời hạn sử dụng, thời gian thực phẩm giữ được độ tươi cho đến khi bán hết.

Tháng Tết mới bắt đầu, ngoài mua thực phẩm hằng ngày, nhiều bà con đến cửa hàng còn xem xét chất lượng hàng hóa, lựa chọn cho mình địa chỉ đáng tin cậy cho một buổi đi chợ Tết.

Chị Nguyễn Thị Ngành, một tiểu thương tại chợ Sadovod, là khách quen của cửa hàng anh Tuyên. Việt Nam được nghỉ Tết chín ngày còn chị năm nào cũng chỉ có thể nghỉ một ngày duy nhất. Tuy nhiên, mâm cỗ tất niên nhà chị luôn đầy đủ các món truyền thống: bánh chưng xanh, gà luộc, canh măng, xôi gấc, giò chả.

Gần sát Tết, chị còn có thể đặt riêng những cành đào, chậu quất được “xách tay” từ Việt Nam sang tới Moscow. Với chị, duy trì mỗi năm một lần truyền thống ngày Tết là nhu cầu tự thân khi là người Việt.

Bên cạnh đó, khi Tết Việt chỉ là một ngày làm việc bình thường tại Nga thì nhiều bà con khó mà dành nhiều thời gian cho việc đi chợ và nấu nướng.

Những năm gần đây, tại Moscow, đã có dịch vụ đặt cỗ giống như tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Địa chỉ “đặt cỗ” thường là các nhà hàng Việt, nơi những bà chủ gia đình tại thủ đô nước Nga được trở lại giống như bao chị em nội trợ tại Việt Nam: chỉ việc đặt món, trả tiền và bảo đảm gia đình mình có một mâm cơm tất niên thật chuẩn chỉnh để dâng lên ông bà cha mẹ mà không quá vất vả hoặc tốn nhiều thời gian.

Với anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhà hàng Rồng Vàng, Tết năm nào cũng là dịp bận rộn. Khách đặt cỗ ở đây chỉ tập trung vào ngày Giao thừa và mùng Một.

Mỗi ngày, nhà hàng của anh nhận 50 - 60 đơn cỗ mà vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu. Và hầu như mâm cỗ nào cũng đầy đủ các món ăn cổ truyền được chế biến từ những thực phẩm tươi ngon nhập khẩu từ Việt Nam.

Dẫu có sinh sống tại xứ sở bạch dương 20-30 năm, nhiều người đã được nhập quốc tịch Nga, song mỗi ngày xa quê như lại thắt chặt hơn sợi dây vô hình nối với quê hương nguồn cội.

(Theo baoquocte.vn)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu