A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động báo chí của người Việt tại Matxcơva - Liên bang Nga

Cùng với Đại diện thường trú Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV4, là hệ thống truyền thông chủ lực, chính ngạch, thì báo chí của cộng đồng người Việt tại Matxcơva - LB Nga đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin, trao đổi và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, văn hoá, góp phần liên kết cộng đồng. Và thực sự nghề làm báo Việt ở Nga cũng là một nghề mưu sinh đầy mồ hôi, nước mắt.


Khởi đầu của hoạt động báo chí tại Matxcơva

Năm 1981, Hiệp ước Hợp tác Lao động ký kết giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô được thực hiện. Trong khoảng 10 năm đầu trước khi Liên Xô tan rã, có khoảng 210.000 người Việt lao động rải rác khắp LB Nga và các nước Cộng hoà khác. Khi Liên Xô sụp đổ, Hiệp ước Hợp tác Lao động mặc nhiên kết thúc, do hàng loạt xí nghiệp bị đóng cửa, nhiều nhà máy đứng bên vực thẳm phá sản, không có lương cho công nhân. Chừng một nửa số người Việt vẫn được các nhà máy lo được vé về nước, số còn lại bám trụ sinh sống và hòa nhập vào nước Nga thời mở cửa. Họ kinh doanh, buôn bán, chuyển sang sống tập trung tại các Thương xá như Búa Liềm, Đôm 5 cũ, Đôm 5 Mới, Bến Thành, Sông Hồng, Togi, Voikov... Những nơi tập trung sinh sống, buôn bán này, thực sự là một xã hội Việt Nam thu nhỏ, tồn tại suốt trong hai chục năm qua.

 Nhiều tờ báo giấy hiện đang được phát hành tại Matxcơva (Nguồn: VOV)

Có thể nói, cộng đồng người Việt ở Nga là những cán bộ, công nhân, nông dân ưu tú, có sức khỏe và học vấn, được tuyển chọn sang học tập, lao động với mục đích rõ ràng là làm ăn sinh sống, hoàn toàn không vì những sắc thái chính trị.

Sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Nga mang yếu tố lịch sử, ra đời và phát triển bởi mối tình hữu nghị Việt - Xô truyền thống.

Người Việt thời hậu Xô Viết hiện sống tập trung trên đất Nga ở các thành phố lớn như Matxcơva, Xanh Peterburg, Volgagrat, Xvetlov, Kazan, Upha...; một bộ phận nhỏ khác sống ở Ucraina, Belarus; còn các nước cộng hoà Trung Á thì thưa thớt. Có tới gần 90% người Việt tại Nga sống theo nghề kinh doanh, buôn bán ở chợ.

Đặc điểm về cộng đồng nói trên là cơ sở tạo nên bức tranh báo chí, thông tin của người Việt ở Nga.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, báo chí Việt ngữ ở Nga được tiếp nhận từ hai nguồn. Hoặc từ trong nước gửi sang như các tờ: Nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Phụ Nữ, Công An nhân dân... và tờ tạp chí Đất Nước duy nhất của Đại sứ quán ra hàng tháng.

Thời điểm này người Việt ở Nga rất thiếu thốn thông tin: Internet chưa có, kênh VTV4 chưa khai thông, điện thoại chưa phát triển và đại đa số người Việt không đọc được báo trực tiếp từ tiếng Nga, không nghe được đài Nga. Những tờ báo trong nước dù được gửi sang theo đường công văn muộn đến cả tháng vẫn vô cùng quý giá với cộng đồng.

Đến năm 1993 - 1994, tình hình đổi khác, nhiều Hiệp hội của cộng đồng như: Hội Doanh nghiệp, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật và sau này là Hội Người Việt, Hội Người Việt định cư... ra đời kéo theo sự xuất hiện dòng báo của các tổ chức hội. Các tờ báo như: Người Bạn đường, Doanh nghiệp và Thị trường, Thông tin và Thời đại, Khoa học và Cộng đồng, Hoa đào xứ tuyết, được coi là những tạp chí nghiêm túc mang tính nghề nghiệp và có tính xã hội rất cao. Các tạp chí này, hoàn toàn không mang tính kinh doanh, thuần tuý là tiếng nói của các tổ chức, phổ biến đăng tải các bài báo của các nhà chuyên môn. Do phần tin luôn chiếm hơn một nửa các tạp chí, nhờ đó, các tạp chí này được coi là những ấn phẩm tiên phong trong công cuộc truyền bá thông tin xã hội - chính trị cho cộng đồng.

Những tạp chí này cùng với báo Đất Nước của Đại sứ quán đã trở thành dòng báo chính thống, cung cấp thông tin thiết thực, kịp thời trong giai đoạn khởi đầu của một cộng đồng có tổ chức.

Năm 1992, có một trung tâm thương mại người Việt lớn nhất ở Nga ra đời đó là Đôm 5 Mới. Nơi đây tập trung hàng nghìn người ở và hàng chục ngàn tiểu thương từ các thành phố khác lên kinh doanh buôn bán. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tờ báo đầu tiên của cộng đồng có tên là Vạn Sự đã ra đời và được cộng đồng nhiệt thành đón nhận. Tờ Vạn Sự dày 8 trang A4, in dưới dạng photocopy, cung cấp thông tin thời sự dịch từ các báo Nga và lấy lại từ các báo trong nước, lượm lặt tin tức thị trường, quảng cáo phục vụ cho những người kinh doanh tại chợ.

Sau khi Vạn Sự ra đời, dịch vụ báo chí của người Việt ở LB Nga phát triển rất mạnh mẽ. Các tờ báo cộng đồng tiếp theo ra đời là Bưu Điện, Việt Báo, For You, Nhật Báo, Thời Báo Matxcơva, Tin Nhanh, Phụ Nữ, Lá cải... Các tờ báo này ngày càng dày dặn hơn, mang tính cạnh tranh quyết liệt. Vào thời điểm thịnh vượng nhất, khi chợ Vòm, Xaliut 2, Xaliut 3, Sông Hồng... còn tồn tại, các tờ báo đã bán ở khắp 16 Ốp chợ, đến tận các điểm người Việt sinh sống với số lượng phát hành của mỗi báo là khoảng 2.000 tờ với giá khoảng 1 USD. Trừ các chi phí in ấn, phát hành, máy móc, mặt bằng, dù vất vả, nhưng người làm báo vẫn có thu nhập khá.

Báo người Việt in trên những tờ A4 gọn hơn các loại báo giấy khác, độ dày tăng dần từ 8 trang lên 16 trang, sau đó là 32 trang. Hầu hết các tờ báo có kết cấu giống hệt nhau, bao gồm phần Thời sự, Tin tức đó đây, Giải trí, Thể thao, và phần chiếm trội nhất là Quảng cáo. Những tờ báo in dạng này suốt một thời gian dài là kênh thông tin duy nhất của cộng đồng.

Chặng đường phát triển của báo chí Việt tại Matxcơva

Theo thời gian, những tờ làm ăn không có lãi, tổ chức không tốt, dần dần phải đóng cửa, hoặc chuyển nhượng.

 Trang điện tử nguoibanduong.net của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga(Nguồn: Internet)

Đến năm 1997-1998, dù Intetenet đã phát triển rộng khắp, nhưng báo giấy của người Việt ở Nga vẫn giữ vai trò quan trọng bởi nó thu lượm, chọn lọc trong sự đa dạng, bề bộn thông tin những bài cần thiết nhất, “đọc báo giùm bạn" với nhiều thông tin bổ ích. Người Việt hàng ngày kinh doanh, buôn bán, không có điều kiện về tri thức và thời gian truy cập trên mạng, việc tiếp nhận thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào báo giấy phát hành hàng ngày ở chợ.

Càng ngày, báo chí Việt ở LB Nga càng được cải tiến về hình thức, những tờ nào in ấn không đẹp, trình bày không hấp dẫn, bài thiếu chọn lọc không có sức cạnh tranh đều bị mất khách. Dung lượng của các báo tăng lên 48-60 trang, và hiện nay chạy đua nhau nâng lên 104 trang, in ấn chế bản rất đẹp với ba màu chủ đạo.

Hiện ở Matxcơva có 6 tờ báo tồn tại song song với hình thức như nhau là Nhật Báo, Nhân Hòa, Ngày Mới, Tin Tức, Niềm tin, Tin Tức Thị Trường và Tuổi Trẻ. Để tăng sự cạnh tranh, một vài tờ đã sát nhập lại là Ngày mới- Nhân hoà, Lá cải - Nhật báo.

Về sau này, do tình hình hoạt động thương trường của người Việt giảm sút, hầu hết các thương xá của người Việt phải đóng cửa, các tờ báo giảm dần về số lượng phát hành. Khi hai chợ lớn là Xadovod và Liublino thay thế chợ Vòm, khẳng định vị thế về mặt kinh doanh, bán báo tại đây mặc dù phải nộp thuế, nhưng được bán công khai, không bị o ép như thời chợ Vòm, những người làm báo và phát hành báo cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Tờ phát hành nhiều nhất, hiện giờ bán được xấp xỉ trên dưới 1500 số mỗi ngày. Một số tờ báo như Tin tức, Nhật Báo đã vươn ra thành phố khác như Upha, Vongagrat, Kraxnođar, Kazan... để mở rộng thị trường.

Các báo người Việt tại Matxcơva đều có giấy phép của Sở Thông tin Tuyên truyền của Nga, nên từ xưa tới nay, mọi hoạt động làm báo có tính pháp lý cao. Song, do sự cạnh tranh có lúc gây sóng gió như tờ Nhân Hoà - Vạn Sự, Thời Báo và Ngày Mới trước đây đã dẫn đến việc Công an Nga triệu hồi, nộp phạt hành chính và Đại sứ quán phải giải quyết một thời gian dài.

Nội dung của các tờ báo hiện giờ vẫn tiếp tục đi theo truyền thống trước đây, nhưng đã kịp thời bổ sung nhiều phần phù hợp với tình hình thực tế của thời kỳ bùng nổ thông tin Internet.

Các báo vẫn khai thác triệt để thông tin trên mạng, tập trung vào 4 phần chính. Phần 1 là thời sự nước Nga, Việt Nam, thế giới và cộng đồng; phần 2 là Văn học - nghệ thuật; phần 3 là Thể thao; phần 4 là Giải trí, Kết bạn tâm giao. Ngoài ra, có một phần không thể thiếu ở các báo cộng đồng đó là các trang quảng cáo. Trung bình mỗi báo dành gần một nửa số trang, đăng tải thông tin quảng cáo về việc làm, thuê nhà cửa, chuyển nhượng, bán ô tô, buôn bán vật liệu và rao vặt. Thu nhập của các tờ báo chủ yếu trông cậy vào các mục quảng cáo này.

Từ năm 1992 đến năm cuối 1997, các tờ báo đều được làm chế bản tại nhà riêng sau đó được mang đến hiệu photocopy thuê in ra và người phát hành mang đến các ốp chợ để bán. Những tờ báo ban đầu chưa được đóng thành tập, chỉ gấp lại với nhau theo trình tự số trang. Mọi công đoạn phải hoàn thành trước 4 giờ sáng để kịp bán khi mở cửa chợ.

Từ năm 1998 đến nay, hầu như các chủ báo đều mua máy in riêng đặt tại nhà. Máy in riêng công nghệ mới, giá chỉ chừng 10 ngàn đô la, gọn nhẹ, đặt được ngay trong phòng ở. Khi chế bản xong, in và đóng bìa ngay tại chỗ. Mọi việc đều phải làm trong đêm, từ 1 giờ sáng mới có thông tin sốt dẻo.

Tin tức bây giờ rất nhiều, vấn đề là chọn bài. Vì là báo cạnh tranh, nên các báo đua nhau khai thác hơi quá đà về các đề tài hình sự, pháp luật. Có những báo nhìn vào chỉ thấy mại dâm, đâm chém, trộm cướp, lừa đảo... mà vắng bóng những thông tin thời sự nổi bật. Hình thức câu khách này đã làm tổn hại tới uy tín chung của các tờ báo. Do chạy theo thị hiếu giật gân của khách hàng, nên việc định hướng mang tính nghề nghiệp của báo chí vẫn còn vắng bóng đối với những tờ báo cộng động.

Tất cả các báo này đều không hề có phóng viên, chủ báo thường làm nhiệm vụ biên tập, tuyển lựa bài từ Internet và đem chế bản. Chế bản xong, ngay lập tức đưa nhân viên in, và người phát hành đảm nhận vai trò con thoi đến nhận trực tiếp từ các cơ sở vào chừng 5 giờ sáng, bán chung các loại báo trên các chợ. Khi buổi bán hàng bắt đầu, dân kinh doanh trên các khu Liublino, Xađovođ, cây số 19 đường MKAD, chợ Xlavianxki... đã có thể có trong tay tờ báo tiếng Việt để đọc tin và chơi ô chữ!

Ngoài các tờ báo giấy, trong 6 năm trở lại đây, ở Matxcơva ngoài các trang mạng kinh doanh, đã xuất hiện 5 websites có uy tín. Khởi đầu là trang www.nguoibanduong.net của Hội Văn học Nghệ thuật, sau đó là www.mekongnet.ru của Công ty Zolotoi Drakon. Các trang www.hoidoanhnghiep.ru , www.hoinguoiviet.ru , www.baonga.com  tiếp theo sau, luôn được cải tiến giao diện, cập nhật rất kịp thời những thông tin thời sự nóng bỏng nhất. Những trang này có số lượng truy cập lớn, những người phụ trách đều là những trí thức có kinh nghiệm và có thâm niên về nghề báo. Đặc biệt các trang này, ngoài việc đăng tải các thông tin chung trên mạng, còn có nhiều bài dịch thiết thực về thời sự, xã hội, hướng dẫn pháp luật nước sở tại, và những bài viết về hoạt động đa dạng của cộng đồng.

Các tác giả như Châu Hồng Thuỷ, Thu Trang, Võ Hoài Nam, Ngô Tiến Điệp... là những cây bút thường trực của các báo cộng đồng và là những cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo trong nước.

Từ năm 2007, Tạp chí Đất Nước không còn in theo dạng nguyệt san nữa, thay vào đó là sự ra đời của Tuần tin Đất Nước. Ban đầu, Tuần tin này hướng vào việc đưa tin thời sự, nên bài vở không mang tính cập nhật, có những bài đưa lên đã quá mốc thời gian. Trong năm nay, Tuần tin Đất Nước đã có những bước cải tiến rất quan trọng, nó trở thành một bản tổng kết tin tuần đa chiều rất hữu ích. Nó chọn lọc một cách bài bản những vấn đề cấp thiết nhất cho những cán bộ sứ quán, những người hoạt động xã hội trong cộng đồng nắm được đầy đủ thông tin mọi mặt trong tuần. Với sự nhanh nhạy đó, Tuần tin Đất Nước đã giành lại được uy tín một tạp chí hàng đầu trước đây của cộng đồng người Việt tại Nga mà nó đóng vai trò kế tục của Tạp chí Đất Nước.

Những người làm báo Việt ở Matxcơva là những người rất có công với cộng đồng trong việc cung cấp thông tin. Những sự kiện bão lụt, thiên tai, những cuộc phát động, tài trợ các hoạt động từ thiện trong nước đều cập nhật đầy đủ, nhờ thế mà bà con cộng đồng nắm bắt và hưởng ứng các chủ trương, chính sách kịp thời.

Cùng với Đại diện thường trú Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV4, là hệ thống truyền thông chủ lực, chính ngạch, thì báo chí của cộng đồng người Việt tại Matxcơva - LB Nga đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin, trao đổi và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, văn hoá, góp phần liên kết cộng đồng. Và thực sự nghề làm báo Việt ở Nga cũng là một nghề mưu sinh đầy mồ hôi, nước mắt.

Trong hai chục năm qua, Đại sứ quán, Đảng uỷ và Ban Công tác cộng đồng đã kịp thời phát hiện một số sai sót khi tác nghiệp, có những định hướng, chỉnh sửa để động viên, hướng dẫn những tờ báo đi đúng hướng, ngày càng có tác dụng tích cực vào công việc làm ăn và sự ổn định cuộc sống của cộng đồng ở xứ người.

Nguyễn Huy Hoàng (Liên bang Nga)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu