Dù ai đi ngược về xuôi…
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba"
Đó là những câu bà con Việt kiều ta đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước với gần một ngàn Việt kiều diễn ra vào 8h30 tối 22/6/2007 tại quận Cam - California, nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ đã để lại trong lòng nhiều người Việt xa xứ những ấn tượng sâu đậm, khó quên.
Tình người nơi xa xứ
|
Là một chính khách, ông hiểu hơn ai hết ý nghĩa của buổi gặp này mà lịch sử dân tộc đặt trọng trách vào ông - buổi gặp của vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm nước Mỹ và gặp gỡ những đại diện của gần 2 triệu kiều bào Việt Nam tại Mỹ, dù trong đó không ít những người còn đầy ắp mặc cảm về những khác biệt, để khởi động thật sự cho một quá trình đầy tính nhân văn cao thượng là hòa hợp và hòa giải dân tộc. Quá trình này là đường lối của Đảng và Nhà nước ta, khi được thực hiện nó sẽ tạo ra lực lượng vô cùng lớn mạnh để xây dựng đất nước.
Bằng phát biểu chân tình của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói rõ cho tất cả những người có mặt rằng họ đang chờ đợi điều gì, nhất là nói về dân tộc, về Tổ quốc với những người xa quê lâu ngày.
“Có hai điều tuyệt vời - Chủ tịch nước nói với bà con Việt kiều, thứ nhất là trưa nay, tôi và ngài Tổng thống Bush đã có cuộc hội đàm rất thành công, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi nói điều này có ngài Đại sứ Marine chứng kiến. Ngài đại sứ có đồng ý thế không? Có thể nói, cuộc hội đàm diễn ra thật sự cởi mở, thẳng thắn và xây dựng. Tiếp theo thành công đó, tối nay tôi tới thăm Los Angeles là nơi có đông đảo bà con người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Đây là ấn tượng đẹp đối với tôi và tất cả bà con ở đây, có phải thế không? Việt Nam có câu “tha hương ngộ cố tri”, ở nơi xa quê hương gặp lại những người thân, những người bạn rất là tình nghĩa... Trong số ngồi đây, có người tôi đã quen, có người rất là thân. Có cháu Kiệt và gia đình ngày xưa ở Sài Gòn, hai nhà chúng tôi ở bên cạnh nhau. Có những người bạn đã từng quen. Có người là bạn học với tôi ở Sài Gòn. Có những người chưa quen trước đây nhưng trong tình cảm, trong trái tim chúng ta đã quen nhau từ thuở nào rồi...”
Không chỉ tiếng vỗ tay vang dội mà cả những tiếng hô lớn biểu thị hưởng ứng, tiếng nấc nghẹn vui mừng của bà con lớn tuổi. Nhiều người đứng hẳn lên tựa như có một sự thúc đẩy gì đó không phải từ phía sau mà là từ lòng dạ... Sự tẻ nhạt ban đầu đã nhường chỗ cho một tinh thần nào đó sục sôi vốn đã tiềm ẩn bấy lâu mà cử tọa sung sướng thấy nó được khơi dậy. Chỉ có ở đây và với một vị diễn giả quan trọng là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, người đại diện cho ý chí của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của nơi quê nhà chôn nhau cắt rốn của họ, mới có khả năng thổi bùng lên những tình cảm thiêng liêng ấy.
“Tôi muốn thông báo với bà con chuyến thăm lần này của tôi cùng các thành viên trong đoàn đến Hoa Kỳ là để nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc...” Chủ tịch nước nói tiếp bằng tiếng nói chân thành cảm động của một người biết mình được chia sẻ. Ông nói đến những thỏa thuận với Tổng thống Bush khi Tổng thống đến Việt Nam năm 2006, những thỏa thuận mới, những hợp đồng kinh tế được ký kết trong chuyến thăm này và khẳng định của ông cùng với tổng thống rằng quan hệ hai nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Ông cũng thẳng thắn đề cập đến những vấn đề khác biệt và nhạy cảm như vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, nguyên nhân của những vấn đề đó và khẳng định những cản ngại ấy không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác rất sáng sủa và cho đến nay đã có được nhiều kết quả, kể cả những vấn đề hợp tác nhân đạo. Ông hoan nghênh những động thái tích cực và mới đây của ngài Tổng thống G.Bush và Chính phủ Hoa Kỳ. Chủ tịch nước bảy tỏ, “Việt Nam đã đến Los Angeles, đến với quận Cam. Vì sao chúng tôi đến đây? Chắc là quý vị và các bạn đã hiểu rồi, nhưng chúng tôi vẫn phải nói rằng vì quận Cam là quận có nhiều người Việt Nam sinh sống. Chúng tôi đến đây để bày tỏ tình cảm, mong muốn gặp mặt bà con. Mà quả thật, đến đây gặp bà con trong không khí như thế này thật là quý giá. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, anh Nguyễn Cao Kỳ đang ở Việt Nam, biết có cuộc gặp mặt này, đã bay về để hôm nay có mặt tại đây. Điều đó nói lên cái gì? Nói lên rằng chúng ta là người Việt Nam. Dù quá khứ như thế nào đi nữa, bây giờ hãy thương yêu nhau, đoàn kết với nhau vì chúng ta cùng một mẹ hiền Việt Nam, chúng ta phải cùng nhau xây dựng Việt Nam ngày càng vững mạnh”.
Và thực sự những điều Chủ tịch nước nói với bà con Việt kiều, Tết này bà con ta về đón Xuân cũng không thể không thấy. Đó là chủ trương cho bà con Việt kiều được mua nhà tại VN; chủ trương miễn thị thực xuất nhập cảnh cho bà con Việt kiều từ ngày 1/9/2007; trong Tết này bà con về nước mang quà trị giá dưới 65 USD, không bị tính thuế; Nếu trị giá loại hàng đó trên 1 triệu đồng nhưng qua các cách tính thuế, giá trị phải nộp dưới 50.000đ, thì lô hàng đó được miễn thuế luôn. Còn những quy định khác như thuốc, tân dược gửi về cho người thân trong nước để chữa bệnh, Nhà nước đã quy trị giá của lô thuốc gửi mỗi lần không quá 30 USD. Mỗi loại thuốc không quá 10 USD…
Tiếng ai như tiếng quê nhà…
Ai có về thăm Tổ quốc Tết này, từ trên máy bay nhìn xuống qua ô cửa sổ, thấy cả dải bờ biển trong xanh đi liền sông núi, mới thấy nao nao, tự hào biết mấy trước cảnh non nước đẹp đẽ và thân thương. Nếu bà con ta về qua sân bay Tân Sơn Nhất, vào các đô thị miền Nam, xuống máy bay là đã thấy một Sài Gòn – Tp Hồ Chí Minh nay đã khác hẳn. Khác không chỉ là từng dãy phố, căn nhà, mà khác từ trong cội nguồn của người dân nước Việt. Sài Gòn bây giờ đã trên 8 triệu dân với 24 quận, huyện, 324 phường, xã, thị trấn, gấp 3 lần số dân ngày Sài Gòn được giải phóng. Thành phố mỗi năm làm ra một tổng sản lượng GDP chiếm hơn 1/3 của cả nước; đóng góp ngân sách hơn 1/3 cho cả nước. Năm nay, TPHCM đã đạt thu ngân sách hơn 89.000 tỷ đồng, cao nhất trong cả nước về nộp ngân sách Nhà nước hàng năm; bình quân thu nhập người dân thành phố đạt 2.180 USD/người; là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước tại 15 Khu Chế xuất & Khu Công nghiệp (KCX&KCN) tập trung của TPHCM.
|
Nếu ai về miền Tây, xuôi theo dòng sông Tiền, sông Hậu, thì không thể không thấy cảnh cây cối xanh tươi của vùng trái cây sầm uất này. Như giáo sư, tiến sĩ Dân tộc Nhạc học Nguyễn Thuyết Phong, Đại học Washington, mỗi lần về xứ quê Trà Ôn – Vĩnh Long đón Tết, là ông lại đi thăm thú bà con lối xóm, nơi thuở nhỏ đi về. Dẫu 34 năm qua, đi học, rồi giảng dạy xa quê, nhưng mỗi năm Tết đến trở về ngước mắt ra xa dòng sông Hậu, ông cứ ngóng trông mãi những ngọn xuồng chèo nhẹ, hay cứ khuya về, giọng ai đó râm ran nơi bến nước, và xa xa trong tiếng chèo sáng là tiếng chèo và giọng cải lương mờ sáng của cô thôn nữ đưa trái cây miệt vườn đi xa đến các đô thị miền Nam.
Có một nhà thơ năm rồi về đón Tết, ông cứ đi khắp các dòng sông tràn đầy phù sa Nam Bộ; khi chuẩn bị lên máy bay, ông đọc tặng chúng tôi vài câu xa nhớ:
“Tiếng ai như tiếng quê nhà
Sóng khuya mạn nước, như là… tiếng em”
Âu đó cũng là nỗi lòng của mỗi người Việt trong hơn 3 triệu người Việt đang xa quê, khi năm hết Tết đến, mùa Xuân đang về.
Xuân 2008
Phạm Bá Nhiễu