A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hương Xiêng-khoảng với tiếng hát gắn kết cộng đồng

Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng là Hội của những người Lào gốc Việt, từng sinh ra và lớn lên ở tỉnh Xiêng-khoảng, Lào, nay sống ở Thủ đô Viêng-chăn (Vientiane). Câu lạc bộ lấy lời ca tiếng hát để gắn kết cộng đồng. “Tiếng hát của chúng tôi thay cho những lời nói, lời giáo thuyết cộng đồng”, ông Khăm-chăn-sỷ-phăn-thong (tên Việt là Trần Hanh), Chủ tịch Câu lạc bộ, cho biết như vậy.

Những công dân Lào “thuần Việt”

Hiếm có một hội người Việt nào ở nước ngoài lại “thuần Việt” như Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng (Xiengkhuang). Bất cứ đoàn cấp cao nào của Việt Nam sang thăm chính thức nước bạn Lào cũng đều được đón nhận những tình cảm nồng hậu của bà con. Mỗi người một lá cờ Tổ quốc kèm một lá cờ Lào vẫy chào tạo thành rừng cờ, khiến mỗi đồng chí lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam, ngay từ bước chân đầu tiên xuống cầu thang máy bay, hay những người lính trở về thăm lại chiến trường xưa, cũng cảm nhận tình cảm ấm áp của quê hương nơi xa xứ, ngỡ như được trở về nhà mình sau bao ngày đi xa.

Tổ tiên gốc gác của các thành viên trong Câu lạc bộ có nhiều điểm giống nhau, đều từ đất Việt lưu lạc sang đất Lào do chế độ phong kiến hà khắc, đói khổ. Những năm chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược, bà con được bộ đội Việt Nam và Lào đưa về sơ tán tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đến khi Xiêng-khoảng được giải phóng, bà con trở lại mảnh đất đã sinh ra và nuôi nấng mình. Sau năm 1975, đất nước Lào hoàn toàn giải phóng, bà con tìm về nơi đô hội kiếm kế sinh nhai. Khi đã định cư tại Viêng-chăn, dù mỗi người mỗi nghề, mỗi số phận, bà con đã cảm nhận một niềm khao khát gắn kết cộng đồng, nên Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng ra đời.

Lúc đầu Câu lạc bộ này có tên là Hội đồng hương Xiêng-khoảng, nhưng  sau đó Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước cho phép thành lập hội với tên gọi Câu lạc bộ.

Đã 7 năm rồi, Câu lạc bộ này vẫn sinh hoạt đều đặn vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần. Trước đây, một thành viên của Câu lạc bộ, ông Thong-phi-la-vông (tên Việt là Hoàng Diểu), Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào, dành khoảng sân và ngôi nhà cho Câu lạc bộ làm nơi sinh hoạt. Nói là sinh hoạt nhưng đó là nhu cầu bà con được tụ họp, được cùng nhau ôn lại một thời gian khổ chạy giặc, cùng gặp gỡ sau một tuần làm lụng vất vả và đặc biệt được nói tiếng Việt hả hê, rồi hát cho nhau nghe. Trong các buổi sinh hoạt, bên cạnh việc điểm lại tình hình đời sống sinh hoạt, trợ giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hiếu hỷ đời thường, bà con thường cùng nhau tập hát các bài hát ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam thân yêu, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu, ca ngợi mối tình Việt - Lào trong gian khổ cũng như trong hòa bình.

Tiếng hát là tấm lòng hướng về cội nguồn

Từ việc thường xuyên sinh hoạt bằng tập hát, các thành viên Câu lạc bộ đều biết hát và hát rất hay. Số lượng hội viện hiện nay đã lên tới hơn 200 hộ. Những bài hát mang bản sắc đồng hương Xiêng-khoảng hay còn gọi là những “bài tủ” của Câu lạc bộ là: “Việt Nam quê hương tôi”, “Tình Việt - Lào”, “Cô gái mở đường”, “Mời anh thăm bản em - Lăm tơi Lào”, “Người Xiêng-khoảng vừa xinh vừa đảm”. Đặc biệt có một bài hát hai thứ tiếng Lào và Việt, bài  “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” của nhạc sĩ Lào Buangeun Saphouvong, được bà con thể hiện tốt nhất, làm cho mọi người xúc động mỗi khi hát…

Tại các cuộc liên hoan nghệ thuật cộng đồng người Việt toàn quốc Lào, Câu lạc bộ đều giành giải cao. Các bài hát mà Câu lạc bộ thể hiện đều được dàn dựng công phu hoành tráng. Ví như tiết mục: “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” được thể hiện bởi gần một trăm diễn viên. Mỗi khi dàn đồng ca Xiêng-khoảng lên biểu diễn thì sân khấu Cung văn hóa Quốc gia Lào bỗng chật chội với rực rỡ những sắc áo dài Việt bên những bộ vét màu sẫm, cà vạt đỏ. Các diễn viên là những ông, những bà, những cô, làm đủ nghề, nhưng lên sân khấu cũng ít người nhận ra họ bởi sự lịch lãm, nghiêm túc trên sân khấu.

Hội diễn năm 2010 và 2011, dàn đồng ca của Câu lạc bộ đạt Giải Nhất, hội diễn năm 2012 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 122 của Bác Hồ cũng được Giải Nhất và Giải Đặc biệt.

Các tiết mục của bà con trình bày luôn được chọn tham gia các cầu truyền hình trực tiếp của Việt Nam và Lào mỗi khi có sự kiện lớn của hai nước. Trong hàng trăm diễn viên lên sân khấu ấy có nhiều cặp vợ chồng như Hùng- Nguyệt, Duyệt- Đào, Cư- Lành, Diệm- Nguyệt, Châu- Kẹo, Diểu -Hiền, Hảo- Thảo, Dương- Yến, Hiếu –Anh, Thọ-Liên… Có nhà, cả mẹ vợ, con rể, con gái đều lên sân khấu; lãnh đạo Hội, Ban chấp hành Hội cũng là những ca sĩ.

Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng lấy lời ca tiếng hát để gắn kết cộng đồng, theo đó cộng đồng Việt khắp nước Lào cũng thấy rung động theo. Mới đây, Hội đồng hương Chăm-pa của bà con người Việt tỉnh Chăm-pa-săk (Nam Lào) cũng đang học tập và làm theo Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng. Ông Cao Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội đồng hương Chăm-pa-săk nói, bà con trong này cũng thích sinh hoạt cộng đồng, yêu ca hát, nhưng hát được nhiều bài ca cách mạng như Câu lạc bộ Xiêng-khoảng thì cần phải học nhiều.

Bản thân các bài hát đã nói hộ tấm lòng của bà con đối với quê hương đất nước. Tiếng hát nhắc nhở cộng đồng Việt trên đất Lào không chỉ giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc Việt mà còn là cầu nối tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, thân thiết Việt - Lào cho mãi muôn đời.

Cuộc sống ấm no trong tình đoàn kết

Đại đa số bà con trong Câu lạc bộ đều có cuộc sống khá giả, ổn định. Hầu như nhà nào cũng mua sắm được xe ô tô, mỗi khi sinh hoạt, ô tô đỗ chật sân. Mới đây, do gia đình ông Hoàng Diểu làm nhà, Câu lạc bộ lại được ông Trần Hanh - Chủ tịch Câu lạc bộ mời về sinh hoạt tại khách sạn của mình. Ông Trần Hanh đã dành một hội trường lớn của khách sạn Cha-lơn-xay của ông, trong đó có cả một sân khấu nhỏ, một dàn âm thanh, một màn hình cỡ lớn để bà con tập hát. “Khách sạn này là nơi kinh doanh, đón khách, nhưng vì bà con mình sẵn sàng chịu thiệt thòi”, ông Trần Hanh nói.

Trong Câu lạc bộ đồng hương Xiêng-khoảng, bà con Việt kiều nào có điều kiện thuận lợi hơn thì người đó sẵn sàng đóng góp vật chất để duy trì sinh hoạt. Ví như ông Khăm-hùng Xay-cha-lơn, Giám đốc Nhà máy thép hình, đã mời bà con về Nhà máy tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Câu lạc bộ và chịu hết chi phí.

Mỗi khi tổ chức một ngày vui, ngày lễ của hai nước Việt Nam và Lào, bà con kẻ góp nước uống, người hoa quả, có người còn “gánh” cho cả bữa ăn, thế là thành cuộc liên hoan vui vẻ. Chính vì thế, Câu lạc bộ trở thành tổ ấm của Việt kiều Xiêng-khoảng, và lúc nào cũng ấm áp tình người.

Cầu nối hướng về quê hương luôn là tâm hồn xuyên suốt và là tôn chỉ hoạt động của Câu lạc bộ. Mỗi khi ở quê hương Việt Nam có phát động phong trào là bà con lại hưởng ứng tham gia, tạo một không khí sôi động trong cộng đồng, như là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hướng về Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội…

Khi bà con ở quê nhà gặp hoạn nạn bão lũ, thiên tai, bà con đều vận động quyên góp gửi tiền về giúp đỡ, chia sẻ. Mới đây bà con cũng quyên góp ủng hộ cán bộ chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, khoản tiền tuy không nhiều nhưng nói lên rằng, những người Việt dù sống nơi đâu, dù đã mang quốc tịch nào vẫn luôn có trách nhiệm đối với từng tấc đất, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Và những lời ca tiếng hát ấy cũng luôn nhắc nhở mọi người ý thức về điều đó.

Lang Quốc Khánh

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm