Chuyện học tiếng mẹ đẻ của học sinh người Việt ở Phần Lan
Người Việt và tiếng Việt ở Phần Lan
So với các nước khác ở châu Âu, Phần Lan là quốc gia có số lượng người nhập cư rất ít, chỉ chiếm khoảng 2,6% dân số. Theo con thống kê của cơ quan thống kê quốc gia Phần Lan, trong tổng dân số 5 236 611 người (2004) của nước này chỉ có khoảng 133 000 người mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Phần Lan, Thuỵ Điển hay Sami, những ngôn ngữ được coi là “bản địa” của Phần Lan. Trong khoảng 120 ngôn ngữ hiện đang được sử dụng trong đời sống hàng ngày ở Phần Lan hiện nay, ngôn ngữ nước ngoài được coi có nhiều người nói như tiếng mẹ đẻ nhất là tiếng Nga cũng chỉ có khoảng 40 000 người.
|
Mặc dù từng được ví như là một dân tộc “sống trong rừng”, không thật cởi mở và vồn vã với người đến từ xứ khác, nhưng cũng như các quốc gia khác ở Bắc Âu, trong vòng ba thập kỷ nay, Phần Lan thực hiện một chính sách an sinh xã hội, nhất là giáo dục rất ưu việt: bình đẳng đối với mọi người, không phân biệt địa vị xã hội, giới tính hay nguồn gốc dân tộc. Tất cả các dân tộc sống trên đất Phần Lan đều có quyền và được khuyến khích lưu giữ, phát triển ngôn ngữ cũng như văn hoá của dân tộc mình.
Dạy và học tiếng Việt
Theo chính sách giáo dục của Phần Lan cũng như các nước Bắc Âu, học sinh người nhập cư ở bậc học cơ sở (từ lớp 1 đến lớp 9) và trung học (lớp 10 đến lớp 12) được học tiếng mẹ đẻ của họ miễn phí mỗi tuần 2 tiết nếu có từ 5 em trở lên để lập thành một lớp. Ngoài ra, với những học sinh người nhập cư mà trình độ tiếng Phần Lan (hay Thuỵ Điển) còn yếu vì mới đến Phần Lan có thể được phụ đạo thêm các môn khác bằng tiếng mẹ đẻ. Các học sinh nhập cư là con nuôi, nếu có nhu cầu cũng có thể được học tiếng gốc của các em. Các địa phương có trách nhiệm tìm giáo viên, trả lương cho họ và bố trí chỗ học cho các lớp học này trong giờ chính khoá.
Tiếng mẹ đẻ dành cho học sinh nhập cư là môn học tự chọn ở trường, vì thế việc học hay không do học sinh và bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng các em quyết định. Vào đầu năm học các học sinh được phát tờ đăng ký học tiếng mẹ đẻ để phụ huynh, học sinh đăng ký và nộp lại cho các trường. Trong tờ đăng ký nhất thiết phải có chữ ký của phụ huynh mới được chấp nhận. Trên cơ sở đăng ký của học sinh, các trường và giáo viên sẽ tổ chức lớp và thời gian học cho mỗi lớp.
Ảnh: Phương Biên. |
Để tìm hiểu việc học tiếng Việt ở Phần Lan, tôi đã liên hệ với người phụ trách học sinh nhập cư của Uỷ ban quốc gia về giáo dục (Upetushallitus), cơ quan phụ trách giáo dục bậc cơ sở và trung học của Phần Lan và được biết năm học 2004-2005 có 564 học sinh người Việt học tiếng Việt ở các trường cơ sở và trung học tại 14 địa phương trên khắp Phần Lan, trong đó hai địa phương ít nhất chỉ có 4 và 5 em, còn địa phương nhiều nhất có 108 em. Theo số liệu của cơ quan này, trong năm học đó tiếng Việt là thứ tiếng có đông học sinh học thứ sáu trong số 51 ngôn ngữ được dạy như tiếng mẹ đẻ cho học sinh nhập cư ở Phần Lan sau các tiếng Nga, Somali, Albania, Ả Rập và Kurd. Tuy nhiên, so với năm học trước, số học sinh người Việt học tiếng Việt có giảm đi và danh sách “xếp hạng” của tiếng Việt bị tụt đi hai bậc.
Bên cạnh dạy và học trong trường cơ sở và trung học, ở Phần Lan cũng như các nước Bắc Âu khác, các ngôn ngữ của người nhập cư còn được dạy ở các nhóm trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 trong các nhà trẻ mẫu giáo. Trong năm 2005 số cháu theo học ở các nhóm này trong cả nước là 1459, trong đó có cả các cháu học tiếng Việt, song không biết được chính xác là bao nhiêu.
Việc dạy tiếng Việt cho học sinh người Việt trong các trường học Phần Lan đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước và được duy trì từ đó đến nay. Bên cạnh được học trong giờ chính khoá và không phải trả tiền như các môn bắt buộc khác ở trường học, trước đây học sinh còn được xe đưa đón đến trường. Còn giáo viên ngoài việc được trả lương, được bồi dưỡng thêm về kiến thức sư phạm và hưởng các chế độ phúc lợi khác còn được cấp tiền cho việc mua tài liệu giảng dạy. Đặc biệt, theo chính sách giáo dục của Phần Lan, mặc dù là một môn học tự chọn, nhưng tiếng mẹ đẻ của học sinh nhập cư cũng được tính là một môn thi thay cho môn ngôn ngữ quốc gia thứ hai (tiếng Phần Lan hay tiếng Thuỵ Điển) trong kỳ thi hết trung học (ylioppilastutkinto) – kỳ thi duy nhất trong suốt 12 năm học phổ thông ở Phần Lan. Đó là một quy định tích cực nhằm khuyến khích học sinh người nhập cư lưu giữ và phát triển tiếng nói cội nguồn của họ. Tuy nhiên cho đến nay, theo tôi được biết chưa có học sinh người Việt nào chọn thi tiếng Việt trong kỳ thi đó.
Mặc dù chỉ có 2 tiết mỗi tuần song phải khẳng định rằng việc dạy tiếng Việt trong trường học ở Phần Lan đã góp phần giúp cho học sinh người Việt ở Phần Lan lưu giữ và phát triển được vốn tiếng Việt cũng như văn hoá Việt Nam. Nhờ vậy học sinh người Việt ở Phần Lan rất hiếm có trường hợp không biết đọc, biết viết chữ Việt như hiện tượng phổ biến ở các nước Đông Âu và một số nơi khác.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả học sinh người Việt ở Phần Lan đều được hưởng chính sách giáo dục tiếng mẹ đẻ cho học sinh người nhập cư một cách như nhau. Nhiều em vì sống ở những khu vực không đủ số lượng học sinh để lập lớp theo yêu cầu (từ 5 em trở lên) nên không bao giờ được học tiếng Việt ở trường, nhưng các em đã học với bố mẹ, anh chị ở nhà để nói và viết được tiếng Viêt. Các em sống ở những khu vực có đủ số học sinh để lập lớp may mắn hơn được học chữ Việt ở trường, song số thời gian mỗi tuần 2 giờ tiếng Việt chỉ là trên lý thuyết. Để có đủ số lượng, mỗi lớp thường gồm các em ở những độ tuổi, trình độ khác nhau nên không học được chung bài vì thế mỗi buổi học có em chỉ được học với giáo viên khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng đã là nhiều. Có em nhiều khi chỉ đọc cho giáo viên nghe xong bài học và nghe giảng một vài từ không hiểu là đã hết giờ. Nếu như học sinh không thực sự cố gắng và giáo viên không có trình độ chuyên môn, không chuẩn bị bài tốt và nhất là không có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với việc dạy các em thì hiệu quả các buổi học rất thấp.
Trong giáo dục Phần Lan, giáo viên hoàn toàn được tự do trong giảng dạy. Việc dạy tiếng Việt ở đây từ trước đến nay cũng theo phương châm đó. Mặc dù cũng xây dựng một khung chương trình, trong đó có đưa ra những nội dung cần đạt được trong mỗi trình độ học và cấp học để áp dụng chung cho các địa phương. Song giáo viên tự do tìm tài liệu và dạy, trường cũng như các cơ quan phụ trách giáo dục không kiểm tra, theo dõi nên kết quả là cũng thời gian học (cả trên lý thuyết và thực tế) như nhau nhưng chất lượng học sinh học với giáo viên ở các địa phương rất khác nhau. Trong khi một số giáo viên sử dụng sách Tiếng Việt dùng ở Việt Nam, lựa chọn trong đó những bài thích hợp để dạy và kết quả rất tốt thì cũng có giáo viên nhất mực cho rằng sách giáo khoa đó không thể dạy cho trẻ em Việt ở Phần Lan và dùng tài liệu khác ở nước ngoài do người không chuyên biên soạn rất sơ lược. Tôi đã từng chứng kiến có học sinh học đến lớp 11 ở đây, nhưng khi được hỏi Lý Thường Kiệt là ai trong giờ học tiếng Việt đã hỏi lại có phải là Lý Tiểu Long không?
Không thể hoàn toàn dựa vào việc học ở trường, nhiều em phải học thêm ở nhà với bố mẹ, một số tham gia các lớp học tiếng Việt do một số người có tâm huyết tổ chức ở nhà vào cuối tuần. Tuy nhiên, hình thức này chưa phổ biến lắm ở Phần Lan. Vì thế, đối phần lớn trẻ em Việt Nam ở Phần Lan, cũng như ở các nước Bắc Âu, việc học tiếng Việt chủ yếu vẫn dựa vào chính sách giáo dục dành cho người nhập cư ở các nước này!.
Lê Lam