Chuyện học của con em người Việt ở Nga
Cứ nghĩ đấy là chuyện của muôn đời, là lẽ thường tình khi con em của từng gia đình được sinh ra, lớn lên và cắp sách tới trường! Dẫu có vất vả, lo lắng cho cha mẹ nhưng âu cũng là cái “nợ đồng nần”. Ở trong nước còn lo được, nhà nghèo còn thu vén cho con cái được, huống hồ lại là chuyện học tại một nước vốn có thời được ta coi như cõi thiên đường. Nhà nước Nga một thời (khi còn nằm trong Liên bang Nga Xô Viết) vốn là thiên đường thật, chí ít là đối sánh với cuộc sống nghèo khổ, bom đạn của người Việt ta. Đấy đã từng là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học nổi tiếng trên toàn thế giới, có chế độ giáo dục phổ thông ưu việt, cao cấp. Và bây giờ, dù xã hội đã chuyển mình sau nhiều vật vã lên bổng xuống trầm qua các cơn khủng hoảng, nước Nga vẫn giữ được vị thế tin cậy của một nền giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ đáng cho ta gửi gắm con em vào các trường, các cấp nơi đây để “dùi mài kinh sử”.
|
Hàng trăm gia đình trong cộng đồng người Việt dăm năm qua đã và đang làm ăn sinh sống ở khắp mọi miền của Liên bang Nga thực sự có cơ may tạo điều kiện cho con em mình theo học tại các trường của bạn từ mẫu giáo cho đến đại học. Nghe tâm sự gợi chuyện của kẻ bơ vơ nơi đất khách quê người như tôi giữa Matxcơva, anh bạn Vũ Văn Đạm, nguyên là một chuyên gia kinh doanh mặt hàng áo da ở một trung tâm buôn bán lớn của người Việt, cười chia xẻ: Nghe ra thì đúng vậy! Đối với chuyện học hành của con cái ta, nhà trường của Nga thực sự là lý tưởng, là sản phẩm ưu việt của một cơ chế văn hóa – giáo dục cao cấp. Xem từ lớp mẫu giáo cho đến các cấp tiếp theo, trường lớp của bạn ở một góc độ nào đó đã vươn tới tầm chuẩn mực và mang tính chuyên nghiệp ghê gớm. Trẻ em vào đây đều được miến phí hoàn toàn, không chỉ chuyện học mà còn được ăn nghỉ bữa trưa chu đáo. Rồi anh khoe: Cứ ví dụ như lớp học của con “cún” nhà tôi đây này. Sáng đi học, cô giáo đón từ cửa lớp, treo hộ áo, mũ cho các cháu rồi đưa vào tận bàn học. Giờ học gần như mẫu mực, nghiêm túc. Tầm nhận thức và hiểu biết của cháu nâng lên từng ngày. Giờ ra chơi thì được vui chơi thả cửa, hết mình với đủ trò từ đu quay, kéo co, xếp chữ.... Rồi ăn ngủ buổi trưa rất nền nếp, đúng giờ. Cứ nhẩm tính ra, quỹ giáo dục của bạn phải nói là rất lớn và chu tất. Đưa con vào đến sân trường là bố mẹ không phải lo lắng gì.
Nhưng sau buổi học, khi đón con từ cổng trường về thì bố mẹ lại gợn lên điều lo nghĩ! Nỗi lo nghĩ về chuyện ăn mặc, sinh hoạt ở nhà đã đi một nhẽ. Điều lấn cấn nhất lại là ở cái anh tiếng Việt và sự hiểu biết về chính quê cha đất tổ, về chính cuộc sống, xã hội Việt Nam của các cháu. Trong câu chuyện chiều tối với bố mẹ, cháu diễn đạt tiếng Việt như người nước ngoài. Từ nào bí thì liến láu bằng tiếng Nga. Ấy là bố mẹ còn biết tiếng Nga, được học ở Nga. Với người không biết tiếng như hàng chục ngàn công nhân lao động kia thì nguy lắm, dạy con cái khó lắm.
Đấy mới chỉ là cái lo của cái anh trung lưu, có tiền và làm ăn được. Kinh tế khó khăn thì khổ lắm. Đấy là chưa kể, nếu bố mẹ không có giấy tờ hợp pháp thì không dễ xin cho con đi học ở các cấp của Nga, ngay cả vào nhà trẻ. Người Nga không tưởng tượng nổi vì sao có khá nhiều người Việt sinh sống, làm ăn lâu dài tại địa phương họ mà lại không có hộ chiếu hoặc có hộ chiếu thì lại không đăng ký hộ khẩu tạm trú. Mà cha mẹ không có loại giấy tờ tối thiểu này thì đương nhiên con cái dưới tuổi vị thành niên cũng bị vạ lây vì ảnh của con nằm trong hộ chiếu của bố mẹ.
|
Rồi Đạm cùng tôi rẽ sang thăm phòng một anh bạn đồng hương Nam Định vốn đang lâm vào hoàn cảnh ấy. Đấy là Đoàn, người Hải Hậu, sang Nga từ giữa những năm 80 theo diện hợp tác lao động ở nhà máy ô tô Zin danh tiếng của Matxcơva, Liên Xô tan vỡ cũng là năm Đoàn hết hạn lao động. Nghĩ gia cảnh nhà mình, Đoàn ở lại theo bạn buôn bán lặt vặt rồi lấy vợ và sinh được 2 cậu con trai kháu khỉnh. Cả hai vợ chồng Đoàn đều sống không đăng ký hộ khẩu và do vậy, cậy cục nhiều nơi mới xin cho con vào học tại một trường tiểu học gần ký túc xá Viện Hàn lâm khoa học Nga (Đôm 5). Năm 2000, do nhu cầu làm ăn, vợ chồng Đoàn chuyển đến vùng Đông Bắc Matxcơva để cư trú và đi lại cho tiện. Chỉ hiềm nỗi 2 cháu, đứa học lớp 2 đứa học lớp 3 thì không dễ gì mà xin chuyển được. Hàng ngày Đoàn phải dẫn con đi học ngược về phía Tây – Nam nơi các cháu đang học chừng 20 cây số theo đường tàu điện ngầm và 3 bến ô tô buýt. Sau 2 tháng, do điều kiện làm ăn và do không có giấy tờ nên Đoàn thường bị công an của bạn bắt phạt. Đoàn đành để 2 cháu tự dìu nhau đến trường. Trước khi rời nhà vào buổi sáng sớm, Đoàn cẩn thận ghi 2 mảnh giấy nhỏ có đủ cả địa chỉ và số điện thoại rồi nhét vào túi áo cho con. Hai anh em lếch thếch đến trường rồi tự về không khác gì cái cảnh mèo tha chuột. Đoàn kể: Cho đến nay, vợ chồng Đoàn cũng không nhớ được các cháu lạc đường và bị công an đưa vào đồn trú tạm qua đêm đã bao nhiêu lần! Cũng may, chúng đi lại nhiều và học giỏi ở lớp nên rất sành tiếng Nga. Sáng ra, chẳng cần ai đến đón, chúng lại tự tìm đường đến lớp học tiếp và chiều tối lại đò đưa dắt díu nhau về. Đến nay, đứa đầu lớp 5, đứa sau lớp 4, chuyện đi về tất cả đều vô tư. Cả hai đứa sõi tiếng như người Nga chính hiệu. Và hai đứa vào những ngày nghỉ trở thành những phiên dich viên “có uy tín” giúp bố mẹ giao dịch việc làm ăn.
Có không ít gia đình vì điều kiện giấy tờ và hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên con cái đã đến tuổi đi học mà chưa xoay sở được. Đứng trước thực tế tương đối phổ biến đó, năm 1997 – 1998, có người xưng danh là giáo sư đã tập hợp được dăm ba cô giáo rỗi việc mở trường theo dạng tư thục phổ thông cho con em người Việt ở Matxcơva. Trường được hai trung tâm thương mại danh tiếng là Sông Hồng và Tôgi đỡ đầu về địa điểm dạy và cơ sở vật chất bên trong lớp học. Thế nhưng, số người đăng ký cho con đến học thì nhiều rồi rốt cục, các lớp học chủ yếu là cấp I chỉ lay lắt được gần hai năm thì gần như dã đám. Lý do thật đơn giản: Học phí của các cháu quá cao, từ 300 đến 400 USD/tháng. Cạnh đó, điều kiện học tập dù đã cố gắng cũng còn kém xa các lớp học trong nhà trường của Nga. Đấy là chưa kể đội ngũ giáo viên chắp vá, chuyên môn xộc xệch và giảng dậy gần như đặt mục tiêu dịch vụ làm đầu. Chính vì thế, nhiều ông bố, bà mẹ do không xin được cho con vào học trường của người Nga đã đành phải tìm mọi cách đưa con về học trong nước!
Khảo về chất lượng học tập của con em người Việt ở Matxcơva cũng dễ nhận ra không ít vấn đề. Đối với phần lớn các gia đình trí thức hoặc có điều kiện kinh tế khá giả thì việc học hành của con cái cũng có nhiều thuận lợi, được theo dõi sát sao hơn. Và vì thế, chất lượng học tập cũng đáp ứng yêu cầu của nhà trường sở tại. Còn không ít gia đình, vì mải mê buôn bán mà sức học của con cái phó thác cho các thầy cô. Có điều giống nhau của không ít các bậc phụ huynh người Việt là rất chú ý đến “văn hóa phong bì” vào các ngày lễ, tết hoặc sinh nhật thày cô giáo. Với người Nga, tình cảnh ứng xử như vậy dễ dàng bắt gặp sự cảm thông và con em người Việt bao giờ cũng lên lớp 100%.
Tìm hiểu về chuyện học của các cháu vào học đại học tự túc ở các trường đại học của Nga ta dễ gặp vô khối vấn đề cần xem xét. Với người Việt ở Nga, đặc biệt là ngay tại thủ đô Matxcơva, ai có tiền là đồng nghĩa với việc được vào đại học. Trên các tờ báo lá cải bằng tiếng Việt được bán hằng ngày ở khắp mọi nơi có người Việt sinh sống thường xuyên quảng cáo hàng loạt dịch vụ giúp đỡ vào học các trường đại học của Nga với cái mức học phí trung bình từ 1000 USD đến 3000 USD/năm. Người Việt chủ yếu cho con vào học các trường có giá phải chăng như Học viện nông nghiệp, Học viện giao thông, Đại học kinh tế, Đại học xây dựng... Vào mỗi trường, qua tay dịch vụ phải nộp từ 1000 đến 1500 USD/năm cho một xuất học. Hồ sơ tối thiểu để ký hợp đồng chỉ cần có sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh và tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Có người đã nghĩ: Với trình độ bằng rởm dễ dàng mua được như của ta thì bất kỳ thanh niên thất học nào sang học chẳng được, miễn là có tiền. Và đã có tiền thì chuyện lên lớp và ra trường gần như chuyện vặt. Có điều nguy hiểm là với những tấm bằng đại học được đánh lộn sòng với bằng chính quy từ Nga hồi hương về nước, không hiều các chủ nhân của nó và nơi tuyển chọn người làm trong nước sẽ có kế sách cung cầu ra sao cho hợp lý và chuẩn mực?!
Nói về chuyện học của con em người Việt ở Nga là cả một mớ đề tài đồ sộ và cơ man điều cần xem xét, suy ngẫm. Không biết các nhà chức trách của ta đã bận tâm về điều này đến đâu nhưng quả thực, đó là một vấn đề cần được tìm hiểu một cách nghiêm túc. Dù vẫn biết rằng người Việt ta có tài ứng xử, chịu khó học hành, luôn biết tầm sư học đạo.
Bùi Quang Thanh