Ý chí tự do - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù
Thấu hiểu, hòa quyện hai nền triết học Đông – Tây
Sinh trưởng trong gia đình trí thức, ở vùng đất văn hóa địa linh nhân kiệt, nhiều người thành đạt trở thành nhà văn hóa, trí thức lớn, gia đình Nguyễn Ái Quốc thường đón tiếp, luận bàn với các bậc hiền nhân, kỳ tài nổi tiếng. Người sớm thẩm thấu tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn trên nền tảng triết học và dân tộc học phương Đông. Từ đó mang trong mình bầu nhiệt huyết quyết chí ra nước ngoài học hỏi thêm, tìm đường cứu nước. Tác giả Trần Dân Tiên (một bút danh của Hồ Chí Minh) khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào” [1].
Hơn 30 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tận tụy học hỏi trong trường đời, tại các thư viện để nâng cao nhận thức, thông tuệ lẽ huyền vi “Trên - thấu tỏ lẽ trời, Dưới – sáng rõ thế đất, Trung - tận hiểu lòng người”. Về nước, Hồ Chí Minh lãnh đạo muôn dân tiến hành sự nghiệp cách mạng và trở thành linh hồn dẫn dắt những thắng lợi lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đánh giá sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới hết lời ca ngợi và suy tôn Danh nhân Văn hóa, Anh hùng giải phóng Dân tộc; Tạp chí Time của Mỹ khẳng định Người là “... Một trong những bộ óc vĩ đại nhất ở Thế kỷ XX”.
Thời gian dài chiến tranh, tư duy bao cấp làm nên những kỳ tích, giành thắng lợi vang dội, nhưng không phù hợp với thời hòa bình, xây dựng đất nước bước vào con đường hội nhập, sánh vai cùng các nước trên thế giới. Nghị quyết 01, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đã chưa coi trọng việc nghiên cứu các trào lưu khác và tiếp nhận những thành tựu của thế giới, hậu quả là số đông cán bộ lý luận thiếu hiểu biết rộng rãi về kho tàng tri thức của loài người, do đó khả năng bị hạn chế”. Nghị quyết đúc kết từ thực tiễn, tránh những khả năng bị hạn chế của dân tộc, về mọi mặt, cần tiếp nhận những thành tựu của thế giới... kho tàng tri thức của loài người mà Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người thấu hiểu, hòa quyện hai nền triết học Đông – Tây, kim - cổ và dân tộc học phương Đông soi sáng nhận thức đi đến hành động.
Nhật ký trong tù – bản hùng ca ra đời từ lao tù đầy ải
Cuộc đời sự nghiệp Hồ Chí Minh thật hiển hách, lẫy lừng và đầy gian nan, từng chịu cảnh tù đầy cùng cực sống khác loài người... gầy đen như quỷ đói, nhưng luôn sáng ngời ý chí kiên cường, niềm tin mãnh liệt vào chân lý, lẽ sống. Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh như bản hùng ca giàu cảm xúc thơ ca, ghi nhận đường đời đầy khổ ải, nhưng lan tỏa lý trí, hơn nữa đặt những vấn đề được các nhà triết học trên thế giới luận bàn suốt trường kỳ lịch sử. Thời gian dài truân trải trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tập thơ như chịu chung số phận người sáng tác, bị lãng quên tưởng chừng hủy hoại, chôn vùi theo năm tháng.
Tháng 9/1943, sau khi thoát khỏi nhà tù, Hồ Chí Minh ở lại Liễu Châu – Trung Quốc tĩnh dưỡng luyện tập, phục hồi sức khỏe. Thời gian này, ông Hồ Đức Thành được tổ chức phân công sang Trung Quốc tìm hiểu tin tức và gặp gỡ Hồ Chí Minh. Hồ Đức Thành cho biết trong nhiều lần trò chuyện luận bàn, Người đưa tập thơ Nhật ký trong tù cho xem. Nhà cách mạng Lê Tùng Sơn từng gặp Hồ Chí Minh thời gian này, đã viết bài trên báo Đồng Minh (phát hành ở Trung Quốc) số 43, ngày 6/6/1946, về tập thơ Nhật ký trong tù [2].
Ngót mười năm kháng chiến chống Pháp ác liệt, Hồ Chí Minh bộn bề công việc lớn của cách mạng, chạy giặc truy lùng, liên tục đổi chỗ ở, Người gửi một số tài liệu trong đó có tập thơ Nhật ký trong tù ở gia đình cách mạng trên chiến khu.
Giữa năm 1955, Văn phòng Chủ tịch phủ nhận được phong bì to không đề tên người gửi ghi: Gửi Văn phòng Chủ tịch phủ để trình lên Bác Hồ; ông Tạ Quang Chiến mở phong bì thấy cuốn Nhật ký trong tù và trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận được tập thơ, Người nắm tay ông Chiến vui mừng: “Bác cảm ơn chú!” và dặn phải có thư cảm ơn và tặng thưởng cho người có công giữ gìn và chuyển tài liệu này.
Cuối năm 1955, Hà Nội chuẩn bị tổ chức triển lãm về cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, khen ngợi Ban tổ chức và hứa sẽ có quà. Món quà đó chính là tập thơ Nhật ký trong tù. Người trao cho đồng chí Trưởng Ban tổ chức và nói: “Các chú có thể dùng để trưng bày, giới thiệu cho mọi người biết...”
Ngày 13/9/1955, tác giả Phan Quang viết bài trên Báo Nhân Dân xác nhận: “Chúng tôi có được xem cuốn sổ tay Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch... cuốn nhật ký khổ nhỏ, giấy bản màu vàng...”. Năm 1957, trên báo Nhân Dân có bài viết về quyển Ngục trung nhật ký của Bác Hồ ghi nhận: “Quyển nhật ký ấy là một đoạn trong lịch sử hơn 40 năm đấu tranh gian khổ của Bác Hồ” [3].
Đồng chí Vũ Kỳ cho biết, khoảng đầu năm 1960, Văn phòng Phủ Chủ tịch có nhận được bản thảo Nhật ký trong tù đã được dịch với đề nghị “Bác xem và cho ý kiến”. Đồng chí Vũ Kỳ vội mang trình với Bác, Bác không xem và bảo: “Chú đọc cho Bác nghe mấy bài”. Đồng chí Vũ Kỳ mở tình cờ mấy trang và đọc cho Bác nghe. Được 3 bài, Bác ra hiệu ngừng và nói: “Chú trả lại ngay cho nơi gửi và nói: “Thơ các chú dịch hay hơn thơ Bác” (lời đồng chí Vũ Kỳ có được ghi âm) [4].
Thật đã rõ, dịch và hiểu tường tận Nhật ký trong tù là con đường dài trong tiến trình nghiên cứu của các học giả, bởi tư duy triết học nhuần nhuyễn bản năng trí tuệ Hồ Chí Minh.
Về tập thơ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh bộc bạch: “Các chú không nhắc thì Bác cũng không nhớ đến nữa. Bác không phải là người hay thơ, mà thơ của Bác cũng không hay. Mười mấy tháng bị nhốt trong cái phòng u ám và quạnh hiu... để “tiêu khiển” ngày giờ chỉ có cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người ở tù, cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu...” [5]. Tư duy dung dị, đầy trí tuệ của nhà hiền triết, cảm thức thơ ca đôi khi khiêm nhường, ứng xử nhân văn là vậy; thực ra đây là tập thơ giàu giá trị thơ ca, kết đọng tư duy triết lý, cần phải giới thiệu cho nhiều người biết... về tập thơ đong đầy máu, nước mắt trong tháng năm Người bị đọa đầy.
Năm 1960, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, tập thơ Nhật ký trong tù được xuất bản lần đầu tiên, sau đó liên tục bổ sung các bài nghiên cứu và tái bản nhiều lần. Đến nay đã dịch ra hơn 20 thứ tiếng, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới và trở thành bảo vật quốc gia.
Các thiếu niên tặng hoa cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (20/2/1961) |
Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù
Giáo sư Đặng Thanh Lê là người sớm viết vài dòng về tư tưởng triết học trong tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh: “Một cảm quan triết học nhuần nhị… thơ là biểu hiện tinh lý của sự vật thì ta có thể đặt một dấu nối khá đậm giữa triết học và thơ ca… phong cách triết học…”, nhưng Giáo sư chưa biện giải, trình bày cụ thể[6]
Tập thơ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng triết học, một trong những khái luận có bàn về tự do ở một số bài: ý chí tự do, khao khát tự do, người tự do, trời tự do... Người nhắc đi, nhắc lại 13 lần từ tự do trong từng ngữ cảnh ở 12 bài.
Bài Cảnh binh khiêng lợn cùng đi Hồ Chí Minh minh định:“Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”. Cõi đời này, thế gian này, cõi trần ai có muôn vạn điều cay đắng nhưng không cay đắng nào bằng nỗi cực khổ mất quyền tự do, ý chí tự do, con người bị các thế lực dùng sức mạnh chà đạp, biến thành nô lệ, bị đánh đập, tù đày, hành hạ coi không bằng vật nuôi trong nhà.
Hơn nữa: “Mỗi việc mỗi lời không tự chủ / Để cho người dắt tựa trâu bò” ”[7]. Giá trị tinh thần thật cao quý làm nên sự khác biệt giữa con người với muôn loài; mất ý chí tự do, không có quyền tự do tư tưởng, tự do nói thật, chân lý, lẽ sống bị chôn vùi, “mỗi việc mỗi lời không tự chủ” con người sống như vậy không khác gì “ để cho người dắt tựa trâu bò”.
Bài Quá trưa Hồ Chí Minh bộc bạch: “Người người cầu xin lên trời tự do/ Khách thần tiên trên trời tự do”[8].
Khái niệm Khách thần tiên trên trời tự do là luận thuyết của các nhà triết học. Trời tự do Hồ Chí Minh nhắc đến 2 lần trong bài với những ngữ cảnh khác nhau, mở rộng tầm thức.
Hồ Chí Minh sáng tác tập thơ này trong hai năm 1942 – 1943, thời kỳ này xã hội loài người đang chịu cảnh bi ai, sầu thảm bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, thời kỳ đen tối, suy tàn nhất trong tiến trình tiến hóa và phát triển. Trục phát xít chủ động gây chiến mong mở rộng chiếm đoạt thuộc địa, các nước cộng sản và phe đồng minh hợp tác tham chiến. Nước lớn tìm mọi cách bòn rút của cải, bắt lính ở tất cả các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới. Các loại vũ khí tối tân nhất kể cả bom nguyên tử đã thảm sát giết hại người, lò thiêu người, tàn sát tù binh, hủy diệt ngót trăm triệu người. Thật chí lý, không còn cách diễn tả nào hơn. Phải có tầm nhìn, dụng từ chuẩn xác, cảm thức triết lý thơ ca, thì mới có thể chỉ bằng vài chữ đã biểu đạt được nỗi khủng khiếp của chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hồ Chí Minh khẩn thiết: “Lửa chiến tranh trên hoàn cầu nóng chảy cả trời xanh” [9].
Từ hàng ngàn năm, loài người khi đau khổ đến cùng cực, mất hết niềm tin vào sự sống, vào chính con người với bản năng, niềm tin mãnh liệt hướng lên trời tự do cầu xin các đấng Phật, Chúa, Thánh, Thần... cứu giúp “Người người cầu xin lên trời tự do”. Và, Hồ Chí Minh mở rộng tâm trí “Khách thần tiên trên trời tự do”.
Hồ Chí Minh tiếp tục khai mở cho người người hiểu rằng “Biết chăng trong tù cũng có tiên”, ông tiên trên trời tự do đã giáng xuống cõi trần gian đầy gian lao khổ cực để cứu loài người.
Trong bài “Chiết tự”, Hồ Chí Minh mở tầm thức và dự báo tiên tri của một thiên tài khi ngày đầu đã biết mệnh của mình phải vào chốn lao tù mà thanh thản, bình tâm: “Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”; tất nhiên rồi sẽ “Người thoát khỏi tù ra dựng nước”, tiếp sau đó “Nhà lao mở then cửa rồng thật sẽ bay ra” [10]. Khái niệm Rồng là một nguyên lý căn bản, đậm nét trong nền triết học và dân tộc học phương Đông. Trước đó hàng chục năm, Hồ Chí Minh viết vở kịch Con rồng tre chế giễu và thêm bài khác thẳng thừng coi vua Khải Định là: “Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời… Thiên tử nằm mơ, ngài mơ thấy những con rồng… hóa thành những con rắn gớm ghiếc” và “trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy”[11]. Vua Khải Định là rồng tre, rồng giả, con rắn gớm ghiếc, bị trời đoạn tuyệt, không phải rồng thật.
Để hiểu rõ, sáng tỏ hơn về khái niệm rồng thật, Trần Dân Tiên thành thật và tiên tri :“Ông Nguyễn cũng là một anh hùng... cũng là một con rồng mắc cạn (đang bị tù)…, rồng một ngày kia sẽ bay lên trời và làm chúa tể gió mây” [12].
Về khái niệm Tiên, Phật, Chúa, Thánh, Thần… trên trời tự do, được các bậc cao minh, giáo chủ, đấng thế tôn, các tôn giáo trong nhiều nền triết học thẩm định vị thế của mình. Hàng triệu ngôi chùa, ban thờ, nhà riêng của các Phật tử trên khắp hành tinh có tượng hoặc ảnh Đức phật Thích Ca thời trẻ, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất với lời truyền dạy: “Trong cõi trời và cõi người, ta là cao nhất, mạnh nhất”[13]. Đức Phật Thích Ca khai sáng: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành...”. Hơn 40 năm truyền dạy Triết học Phật giáo, Người dạy chúng sinh hãy trí tuệ làm điều thiện, không làm điều ác hoặc thường tụng kinh niệm Phật để về cõi Phật, cõi Tây phương cực lạc, cõi trời tự do. Chúa Giêsu chỉ dạy: “Ta là Đức Chúa con, ta tuân theo lệnh Cha ta ở trên trời” và khuyên mọi người hãy làm điều tốt, tránh điều xấu, gần Chúa, thánh, thần sẽ được về cõi thiên đường, cõi trời tự do. Đức Khổng Tử luận định: “Năm mươi tuổi mới hiểu mệnh trời”; ông tự hào: “Trời đã trao cho đạo ở mình ta” [14].
Các bậc minh triết hàng đầu của xã hội loài người như Lão Tử, Thánh Ala, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... từng mở tâm trí “ngẫm hay muôn sự tại trời…” là điều thấu hiểu mối liên hệ gắn bó không thể tách rời, âm phù dương trợ giữa ba cõi trời – đất – con người trong nền Triết học Phương Đông ngày càng tỏa sáng.
Nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, Hồ Chí Minh gửi thư đến Giáo hội và đồng bào công giáo minh định vai trò lớn lao đối với xã hội loài người của đức Chúa: “ … Phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui… Sáng danh Thiên Chúa trên các tầng giời, hòa bình cho mọi người lành dưới thế…” [15].
5 năm trời, Hồ Chí Minh chọn giờ tốt, ngày đẹp chắt chiu từng con chữ, đắn đo từng sự việc để viết di chúc:“Phòng khi tôi sẽ đi gặp... các vị cách mạng đàn anh khác”... [16]. Hồ Chí Minh đâu có mất đi là hết, mà phần hồn của Người khi đó cưỡi rồng lên thượng giới, trên các tầng giời, trời tự do…
Hồ Chí Minh đặt đầu đề bài thơ Ngọ (Buổi trưa), Ngọ hậu (Quá trưa), hàm ý sâu sắc “điều tôi viết chính là chân lý sáng tỏ như ban ngày” ông tiên – thoát khỏi tù - người dựng nước – rồng thật – cha già... trở về thượng giới, trời tự do điều mà các nhà triết học thường luận bàn, Hồ Chí Minh thẩm định.
Gần cuối đời, Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Từng sả thân trong trường đời, kết tựu từ thực tiễn, Người nêu luận thuyết: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử… Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng… Không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách…” [17]. Từ đó, nhiều sự kiện lớn của Cách mạng Việt Nam đều được Người biết rõ, tiên tri trước đó hơn chục năm, phân công cho các cộng sự, tướng lĩnh chuẩn bị kỹ trận đánh đến từng chi tiết, giành thắng lợi vĩ đại.
Khái niệm ý chí tự do cũng là luận thuyết của các nhà triết học. Người người cầu xin lên trời tự do với nguyện ước tràn đầy để hưởng cuộc sống có ý chí tự do, khát vọng tự do cho mình, gia đình và xã hội.
Thế kỷ V trước công nguyên, nhà triết học Hy Lạp Pythagoras và những người theo thuyết của ông cho rằng sức mạnh của thánh, thần trong thiên nhiên vũ trụ là vô cùng, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần sông, thần đất, thần cây... hợp thể sức mạnh tuyệt đối, luôn chi phối sự sống mỏng manh của con người. Bởi vậy ý chí tự do không tồn tại trên cõi đời, con người nhỏ bé trước uy lực thánh thần, phải tuân theo sự dắt dẫn vô hình đó.
Thế kỷ IV trước công nguyên, nhà triết học Hy Lạp Heraclitus nêu quan điểm có phần chấp nhận hơn: hiểu số phận, mỗi người hãy vui mà sống, ý chí tự do không thể chống lại được quy luật tuyệt đối của thiên nhiên vũ trụ.
Thế kỷ II, nhà thần học Tectunlian nhận định con người tự do hay không tùy thuộc vào ý chỉ của Chúa, mọi tham vọng tự do vượt khỏi cộng đồng là tội của tổ tông sẽ đánh mất tự do, biết gần Chúa sẽ nhận được nhiều điều tốt.
Hơn thế kỷ sau, các nhà triết học Socrates, Plato và Aritstotle... tiếp nhận quan điểm của nhà triết học trước, nhưng nâng lên mức cao hơn, đòi hỏi con người luôn học hỏi có tri thức, làm điều tốt, tránh tội lỗi xấu xa, có thể tự do sống theo ý chí và tác động nhất định đến số phận. Họ không cam chịu, không thụ động: “Cái tốt cũng như cái xấu nằm trong sức mạnh của chúng ta”. Ý chí tự do là sự lựa chọn sáng suốt của người trí tuệ, bước tới giá trị sống cao hơn.
Các nhà triết học tôn giáo Hy Lạp thời cổ đại như Philo, Plotinus… có niềm tin Chúa là hoàn toàn tự do, linh hồn con người như một phần linh hồn vũ trụ, tiếp nhận sự tự do từ vũ trụ nơi Chúa sáng tạo, con người đến gần Chúa sẽ hưởng ý chí tự do.
Nhiều thế kỷ sau, Descartes thấy cần phân biệt giữa cơ thể và trí tuệ, cơ thể con người là một phần lập trình hệ thống của vũ trụ, nhưng trí tuệ và tâm hồn lại tự do sùng bái Chúa hoặc không, tự do nghiên cứu theo ý chí của bản thân làm giàu kho tàng trí tuệ.
Hegel cho rằng vũ trụ là một tiến trình đi đến hoàn thiện, con người tự do hiểu biết bản chất thiên nhiên, vũ trụ, đồng thời hiểu sâu con người và xã hội. Con người phải được tự do để nhận thức tốt hơn cho cá nhân; đồng thời toàn thể xã hội cùng hướng tới mục đích cuối cùng là tự do.
Hồ Chí Minh cùng quan điểm với một số nhà triết học “Thân thể ở trong lao”, nhưng “Tinh thần ở ngoài lao”. Người an nhiên tự tại “Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”, khi xác định được tinh thần rồi sẽ bình tâm “Chỉ còn lại Người tự do trong ngục”, luôn giữ vững giá trị tinh thần, không ai có thể cầm tù được; lại nữa “Tự do thưởng ngoạn không ai cấm được”, ở trong tù Người vẫn thưởng thức tiếng chim hót, hưởng mùi hoa thơm, vui với trăng, nghe tiếng chuông chùa, tiếng sáo… nếu chăng chỉ giam giữ hành hạ thân ta gầy đen như quỷ đói…
Mỗi quốc gia đều có chu kỳ thịnh – suy nhất định. Dân tộc Việt Nam có chiều dày hàng ngàn năm lịch sử, hiển hách vô song. Thế kỷ XIX là giai đoạn suy tàn hèn hạ của dân tộc, không có tên trên bản đồ thế giới, nhân dân sống cảnh nô lệ lầm than, mất quyền tự do. Hồ Chí Minh phải thốt lên: “Ngước trông nước mất nhà tan/ Giống nói sỉ nhục, giang san thẹn thùng”.
Trong bối cảnh đen tối, nhục nhã, các đấng anh hào, trí thức, muôn dân nước Việt hướng lên trời tự do ngưỡng vọng cầu xin mong mỏi lời tiên tri có từ lâu trở thành hiện thực:“Nam đàn sinh Thánh…”. Được thỏa lòng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sinh ra như một thiên mệnh, gắn liền với thế vận dân tộc, cùng thúc đẩy bước tiến xã hội loài người. Để dân tộc đạt được nguyện ước khao khát tự do, ý chí tự do, Hồ Chí Minh chỉ rõ con đường cách mạng mình phải đảm nhận trước trọng trách cao cả của dân tộc: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập” [18].
Trường hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thật rộng lớn, tầm hoạt động của Hồ Chí Minh thật quảng bác, sâu đậm, làm nên những kì tích hiếm có mà cách mạng Việt Nam đã giành được ở thế kỷ XX đầy biến động, và bất ngờ với toàn thể loài người.
Tư tưởng triết học soi sáng sự nghiệp cánh mạng Hồ Chí Minh, tô đậm lịch sử hào hùng, làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam. Tại Hội thảo Quốc tế Hồ Chí Minh, tiến sĩ M.At Met đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO ca ngợi:“Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó” [19].
Lê Cường (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
----------------
[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1975, trang 12.
[2] Viện Văn học, Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, NXB Giáo dục, 1993, trang 167.
[3] Hồ Chí Minh thơ và đời, NXB Văn học, 2006, trang 236.
[4] Trần Đắc Thọ, Thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 368.
[5] Hồ Chí Minh, truyện và ký, NXB Văn học, Hà Nội, 1985, trang 334.
[6] sđd, suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, trang 111
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tập 3, trang 332.
[8] Sđd, tập 3, trang 277.
[9] Sđd, tập 3, trang 356.
[10] Sđd, tập 3, trang 356.
[11] Sđd, tập 1, trang 78, 79.
[12] Sđd, Trần Dân Tiên, trang 87.
[13] Lịch sử Phật giáo, NXB Khoa học xã hội, trang 34
[14] Phan Bội Châu, Khổng học đăng, NXB Khai Trí, trang 12.
[15] Sđd, tập 8, trang 285).
[16] Sđd, tập 12, trang 497.
[17] Sđd, tập 8, trang 497,500.
[18] Sđd,tập 1, trang 192.
[19] Hội thảo Quốc tế Hồ Chí Minh… NXB Khoa học – Xã hội, 1990, trang 22.