A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng

Ngày 5/7/2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, với tiêu chí nổi trội: “Phong Nha - Kẻ Bàng là mẫu hình nổi bật thể hiện các thời kỳ phát triển chính của lịch sử Trái đất, chứa đựng bằng chứng sự sống và các tiến trình địa chất đang diễn ra có ý nghĩa trong quá trình hình thành các dạng đất đai hoặc đặc điểm về địa hình và địa mạo học”.

 Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ thực vật độc đáo

Ngày 3/7/2015, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lại được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai theo 2 tiêu chí: (1) “là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, nước ngọt, biển và ven biển và các cộng đồng động thực vật”; (2) “sở hữu các môi trường sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học, kể cả những nơi sở hữu các loài bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu xét dưới góc độ khoa học hoặc bảo tồn”.

Giá trị thiên nhiên

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái bắc Trường Sơn, được xem là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới. Tên gọi Vườn Quốc gia này ghép từ hai thành phần: tên động Phong Nha và tên khu vực rừng núi đá vôi Kẻ Bàng.

Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích trên 200 nghìn ha (trong đó, diện tích vùng lõi là trên 85 nghìn ha và vùng đệm rộng trên 195 nghìn ha). Đặc trưng của Vườn Quốc gia này là những kiến tạo đá vôi dạng karst (là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) hàng triệu năm tuổi với hơn 300 hang động và hệ thống các sông ngầm. Hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm đang tồn tại, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, chính là nguồn cảm hứng cho du khách và các nhà khoa học về đây khám phá.

Phong Nha - Kẻ Bàng hiện hữu hơn 3 nghìn loài thực vật bậc cao, trong đó có 117 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 56 loài có tên trong danh mục các loài bị đe dọa toàn cầu. Đặc biệt, sự tồn tại quần thể Bách xanh đá (Calocedrus rupestris) 500 tuổi, diện tích khoảng 5 nghìn ha được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn.

Đây cũng là ngôi nhà của hơn 8 trăm loài động vật có xương, trong đó có 84 loài động vật hoang dã quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 106 loài có tên trong Sách đỏ IUCN. Hơn nữa, với đặc điểm hệ sinh thái núi đá vôi, đây là ngôi nhà của 10 loài linh trưởng, chiếm 50% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam, trong đó có 3 loài linh trưởng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là Voọc Hà Tĩnh, Voọc Chà vá chân nâu và Vượn Đen má trắng.

Phong Nha – Kẻ Bàng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Nơi đây ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động như lâu đài lộng lẫy trong lòng núi đá vôi được tạo tác từ hàng triệu năm trước.

Khu Phong Nha – Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ và hấp dẫn, là thiên đường cho các nhà khoa học hang động, các nhà thám hiểm và du lịch.

Trong các hang động thì Phong Nha nổi bật nhất và được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất kỳ quan Động”. Động có nhiều nhánh với tổng chiều dài ước tính lên tới 8,5 km, sông ngầm chảy qua nhánh chính của Động được xem là sông ngầm dài nhất thế giới. Các khối thạch nhũ kỳ vĩ trong Động Phong Nha trải qua hàng triệu năm kiến tạo. Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh đánh giá Động Phong Nha có 7 cái nhất: hang nước dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; hồ nước ngầm đẹp nhất; bờ cát và bãi đá ngầm đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; sông ngầm dài nhất.
Đặc biệt, việc phát hiện và khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, bổ sung thêm giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử hình thành vỏ Trái đất, đặc điểm địa chất quan trọng của Phong Nha - Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng ra thế giới.

Phong Nha - Kẻ Bàng còn một hệ thống sông ngòi trong vùng khá phức tạp và các sông ngầm dài nhất. Có 3 con sông chính: sông Troóc, sông Chày, sông Son trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng, tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như tranh thuỷ mặc.
Bên cạnh đó, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn có hàng chục con suối và thác nước đẹp, như: Thác Gió, Thác Mệ Loan, Suối Mọc phun lên từ chân một dãy núi đá vôi, Suối Trạ An…

Sơn Đoòng sở hữu những cột măng đá cao tới 70m 

Giá trị nhân văn

Ngoài những giá trị tự nhiên, Phong Nha – Kẻ Bàng còn chứa đựng các giá trị về văn hóa, lịch sử và nhân chủng học. Năm 1899, Léopold Michel Cadière (nhà sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân loại học và dân tộc học người Pháp) đã khảo sát và nghiên cứu về văn hoá và phong tục ở vùng sông Son, ghi nhận: “Những gì còn lại của nó đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích cho khoa học”. Các di tích lịch sử bao gồm cụm Đường mòn Hồ Chí Minh: Bến phà Xuân Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, Đèo Mụ Giạ, Cụm A.T.P, Trà Ang, Cà Tang, cua Chữ A, Khe Ve... hay các di tích Hang Tám Cô, Hang Chín Tầng, Bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các kho hàng hoá trong hệ thống hang động ở Tuyên Hoá, Minh Hóa trong thời kỳ chiến tranh.

Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi sinh sống của nhiều tộc người, đa dạng về ngôn ngữ, có nhiều bản sắc văn hóa riêng. Người Macoong thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống ở Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; người Arem định cư ở Tân Trạch, huyện Bố Trạch; người Rục, Mã Liềng, Sách, Mày thuộc dân tộc Chứt, cư trú ở vùng núi huyện Minh Hóa.

  “Vương quốc hang động” Phong Nha – Kẻ Bàng

Phát huy và bảo tồn giá trị di sản

Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003 và năm 2015, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và cơ quan liên quan đã phối hợp, tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; huy động lực lượng thường trực 24/24 để tuần tra theo dõi, đồng thời thành lập tổ phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn/bản; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tỉnh, Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương tuần tra bảo vệ rừng.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thế giới đã mở ra cho Quảng Bình xu thế phát triển theo hướng dịch vụ, mà chú trọng là khai thác thế mạnh du lịch; được xem là thương hiệu đưa Quảng Bình, Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.

  Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ thực vật độc đáo

Những năm gần đây, du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tạo nên sự đột phá khi khuyến khích các loại hình du lịch thân thiện với môi trường đi vào hoạt động. Năm 2009, điểm Du lịch Sinh thái Suối nước Moọc và Du lịch Lịch sử - Tâm linh Hang Tám Cô được đưa vào sử dụng, tạo thêm sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan. Năm 2010, tuyến du lịch Sông Chày - Hang Tối được hình thành. Và tiếp đến là các tuyến du lịch mạo hiểm trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có tuyến Rào Thương – Hang Én hay chương trình “Chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới” và “Phong Nha chiều sâu bí ẩn”. Năm 2014, Phong Nha - Kẻ Bàng khai trương điểm du lịch đu dây trên không (Zip line) tại Sông Chày - Hang Tối. Ngoài ra, các loại hình du lịch farmstay, homestay, trecking, zipline đã và đang phát triển mạnh mẽ ở đây.

Hiện Phong Nha - Kẻ Bàng hội tụ đủ các loại hình du lịch về khám phá, trải nghiệm cùng thiên nhiên và thăm lại các di tích lịch sử.

Những giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo này cùng cảnh quan và sinh thái tạo nên một Phong Nha - Kẻ Bàng duy nhất, khác biệt, góp phần phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Quảng Bình và khu vực.

Ái Hương (tổng hợp)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu