Tự chủ thời đại – Chương XV. Nhà Lê
(Tiếp theo kỳ trước)
CHƯƠNG XV
NHÀ LÊ
(1428 – 1788)
THỜI KỲ THỐNG NHẤT (1428 – 1527)
I. LÊ THÁI TỔ (1428 – 1433)
Niên hiệu: Thuận Thiên
1. BÌNH ĐỊNH VƯƠNG LÊN NGÔI TÔN. Bình Định Vương là Lê Lợi có công dẹp giặc Minh, đem lại giang sơn cho nước nhà. Nhưng vì trước phải lấy cớ lập con cháu nhà Trần để cầu hòa với nhà Minh, cho nên phải tôn Trần Cao lên làm vua. Nay việc chiến tranh đã xong, lòng người theo về Bình Định Vương, mà Trần Cao cũng biết chừng không ai để cho mình ở yên, bèn trốn vào châu Ngọc Ma (thuộc phủ Trấn Ninh) nhưng bị quan quân đuổi bắt được, đem về bắt phải uống thuộc độc mà chết.
Trần Cao chết rồi, Bình Định Vương lên ngôi tức là vua Thái Tổ nhà Lê, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Năm ấy là năm mậu thân, lịch Tây là năm 1428.
Vua Thái Tổ sai sứ sang cầu phong bên Tàu, nhưng mà nhà Minh không chịu, bắt phải tìm con cháu nhà Trần để lập lên làm vua. Sứ nhà Minh đi về hai ba lần, sau vua Thái Tổ bắt các quan viên và phụ lão trong nước làm tờ khai rằng con cháu nhà Trần thật không còn ai nữa, và xin phong cho ngài là Lê Lợi làm vua nước Nam. Vua nhà Minh thấy vậy mới thuận phong vương cho ngài.
Từ đấy lệ cứ 3 năm phải sang cống nhà Minh một lần, mà lần nào cũng phải đúc hai người bằng vàng gọi là: “đại thân kim nhân”. Có lẽ là lúc đánh trận Chi Lăng có giết mất tướng nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh, cho nên phải đúc hai người bằng vàng thế mạng.
Việc cầu phong và việc chịu cống nước Tàu là việc thế bất đắc dĩ, vì rằng nước ta đối với nước Tàu thì lớn nhỏ khác nhau nhiều lắm; vả lại nước ta một mình lẻ loi ở phía nam không có vây cánh nào cả, như vậy, nếu mà cứ kháng cự, không chịu kém một tí, thì không bao giờ yên được. Mà dẫu bề ngoài mình chịu kém nước Tàu, nhưng kỳ thực bề trong vẫn tự chủ, chứ người Tàu không xâm phạm gì đến việc nước mình. Thế cũng là một sự giao thiệp khôn khéo, làm cho nước được yên trị.
Vua Thái Tổ lên ngôi rồi, phong thưởng cho các công thần: bên văn thì ông Nguyễn Trãi đứng đầu, bên võ thì ông Lê Vấn đứng đầu, cả thảy là 227 người đều được quốc tính cả. Ngài lại phong cho ông Nguyễn Trãi là Quan Phục hầu, ông Trần Nguyên Hãn làm Tả tướng quốc, ông Phạm Văn Xảo làm Thái úy.
Những người công thần vào bậc thứ nhất thì được thưởng tước là Thượng trí tự, bậc thứ nhì thì được tước là Đại trí tự, bậc thứ ba thì được tước là Trí tự.
2. VIỆC HỌC HÀNH. Vua Thái Tổ sửa sang việc học hành, đặt trường Quốc Tử Giám ở đất kinh đô để cho con cháu các quan viên và những người thường dân tuấn tú vào học tập; mở nhà học và đặt thầy dạy nho học ở các phủ và các lộ. Rồi lại bắt các quan văn vũ từ tứ phẩm trở xuống phải vào thi Minh kinh khoa, nghĩa là quan văn thì phải thi kinh sử, quan vũ thì phải thi vũ kinh. Ở các lộ cũng mở khoa thi Minh kinh để cho những người ẩn dật ra ứng thí mà chọn lấy nhân tài.
Những người đi tu đạo Phật, đạo Lão cũng bắt phải thi kinh điển những đạo ấy; hễ ai thi trúng thì mới cho phép được làm tăng và đạo sĩ, ai thi hỏng thì phải về tục làm ăn.
3. LUẬT LỆ. Đặt ra luật lệ mới theo như hình luật nhà Đường: có tội xuy, tội truợng, tội đồ, tội lưu và tội tử.
Tội xuy chia ra làm 5 bậc từ 10 roi đến 50 roi; tội trượng cũng chia ra làm 5 bậc, từ 60 đến 100 trượng; tội đồ chia ra làm 3 bậc: đồ làm dịch đinh, đồ làm lính chuồng voi, và đồ làm lính đồn điền; tội lưu chia làm 3 bậc: lưu đi cận châu, lưu đi viễn châu và lưu đi ngoại châu[1]; tội tử cũng chia ra làm 3 bậc; tội thắt cổ và chém, tội chém bêu đầu và tội lăng trì.
Hễ ai được vào hạng bát nghị[2] thì trước phải tâu xin nghị, khi nào nghị xong rồi lại phải tâu để vua xem lại. Những người cựu thần có công từ ngũ phẩm dĩ thượng, có ai phạm tội đồ hay là tội lưu thì cũng tha cả; con cháu những người được nghị công mà có tội, thì cứ theo cái thứ bậc tập ấm của ông cha mà giảm cho. Những quan viên, quân dân ai có lầm lỗi, nhỡ ra phạm đến tội lưu trở xuống thì được cho chuộc. Những người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống hay là có phế tật mà phạm tội lưu trở xuống, thì cũng được cho chuộc. Những người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống hay là đốc tật, thì cứ thứ tự giảm bớt cho. Những người phạm tội gì hay là phạm tội ăn trộm, ăn cắp của người ta mà tự mình ra thú nhận trước, thì được lượng tội mà giảm cho ít nhiều.
Trong nước bấy giờ có nhiều người du đãng cứ rượu chè cờ bạc, không chịu làm ăn tử tế, vậy nên đặt ra pháp nghiêm để trừng trị: ai đánh đổ bác bắt được phải chặt ngón tay mất ba phân; đánh cờ, bắt được phải chặt ngón tay mất một phân; không có việc gì quần tụ nhau để rượu chè, phải đánh 100 trượng, người dung chứa những kẻ ấy cũng phải tội, nhưng mà được giảm đi một bậc.
Sự nghiêm phạt như thế, thì có thái quá thật, vì là làm tàn hại đến thân thể người ta, nhưng mà cũng có công hiệu, khiến cho trong nước bớt có thứ người cả đời không chịu làm gì, chỉ đi đánh lừa người mà kiếm ăn.
4. VIỆC CAI TRỊ. Khi vua Thái Tổ mới ở Nghệ An ra Đông Đô, thì đã chia nước ra làm bốn đạo, nay lại đặt thêm một đạo nữa gọi là Hải tây đạo, gồm cả Thanh Hoá, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá.
Trong các đạo, đạo nào cũng có quan Hành khiển để giữ sổ sách về việc quân dân. Còn như các xã thôn thì cứ xã nào hơn 100 người trở lên, gọi là đại xã, đặt ba người xã quan; xã nào có 50 người trở lên, gọi là trung xã, đặt hai xã quan, xã nào có 10 người trở lên gọi là tiểu xã, đặt một người xã quan để coi việc trong xã.
5. PHÉP QUÂN ĐIỀN. Bấy giờ thường những người không có công lao gì với nhà nước thì lắm ruộng nhiều nương, mà những kẻ phải đánh đông dẹp bắc lao lung khổ sở, lúc về một tấc đất không có. Vì thế cho nên vua Thái Tổ định ra phép quân điền để lấy công điền, công thổ mà chia cho mọi người, từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng, khiến cho sự giàu nghèo ở trong nước khỏi chênh lệch lắm.
6. VIỆC BINH LÍNH. Khi giặc Minh hãy còn ở nước Nam, thì phải cần có nhiều quân lính, cho nên lúc quân An Nam ta mới ra Đông Đô, cả thảy được 25 vạn, sau lấy được Đông Đô rồi cho 15 vạn về làm ăn, chỉ để lại 10 vạn để phòng vệ mà thôi, nay lại chia quân ra làm 5 phiên, một phiên ở lại lưu ban còn bốn phiên cho về làm ruộng, cứ lần lượt thay đổi nhau mà về.
7. CÔNG THẦN BỊ CHẾT. Vua Thái Tổ vẫn là một ông vua anh tài, đánh đuổi giặc Minh, mà lại sửa sang được nhiều công việc ích lợi cho nước, nhưng khi ngài lên làm vua rồi, có tính hay nghi ngờ, chém giết những người công thần như ông Trần Nguyên Hãn và ông Phạm Văn Xảo. Hai ông ấy giúp ngài đã có công to, về sau chỉ vì sự gièm pha mà đều phải chết oan cả.
Nghĩ mà buồn thay cho mấy người công thần đời xưa, chỉ lầm về hai chữ công danh, mà đem tấm lòng son sắt đi phù tá quân vương trong lúc nguy nan, mong được chút hiển vinh để cho thoả cái chí trượng phu ở đời. Ngờ đâu: chim bay đã hết, cung tốt cất đi, thỏ nhanh chết rồi, chó săn phải giết; đến khi công việc xong rồi, thì không những là một thân một mình cũng không được trọn vẹn mà cả họ hàng thường cũng phải vạ lây. Thế mới biết chỉ có ông Trương Tử Phòng nhà Hán là người kiến cơ hơn cả!
Vua Thái Tổ làm vua được 6 năm thì mất, thọ đuợc 49 tuổi.
II. LÊ THÁI TÔNG (1434 – 1442)
Niên hiệu: Thiệu Bình (1434 – 1439)
Đại Bảo (1440 – 1442)
Khi vua Thái Tông lên làm vua thì ngài mới có 11 tuổi, cho nên công việc gì cũng ở quan Phụ chính là Lê Sát quyết định hết cả.
Lê Sát là một người ít học nhưng vì trước theo vua Thái Tổ lập được công to, quan làm đến Đại tư đồ. Nay làm Phụ chính, thường hay cậy quyền, trái phép, làm nhiều điều kiêu hãnh, hễ triều thần ai là người không tòng phục thì tìm cách làm hại.
Vua Thái Tông tuy còn trẻ tuổi nhưng vốn có tính thông minh, làm vua được ít lâu thì ra thân chính lấy, rồi giết Lê Sát đi để thu lấy quyền. Song cũng vì ít tuổi mà lại không có người phù tá, cho nên sau thành ra say đắm tửu sắc làm lắm điều không được chính đính.
Đời Thái Tông làm vua thì trong nước phải mấy năm đại hạn, nước lụt và hoàng trùng làm hại mùa màng, dân phải đói khổ. Ở mạn Mường Mán lại có đôi ba đám giặc nổi lên làm loạn, có khi vua phải thân chinh đi đánh, có khi chỉ sai quan đi tiễu trừ, cũng dẹp yên được. Còn việc giao thiệp với những nước lân bang, như Tiêm La (Thái Lan), Chiêm Thành, Ai Lao thì những nước ấy đều có sứ thần đi lại và thường có tiến cống cả.
Ở trong thì chỉnh đốn việc thi cử lại. Lệ cứ 5 năm một lần thi hương, 6 năm một lần thi hội. Phép thi thì kỳ đệ nhất làm một bài kinh nghĩa, bốn bài tứ thư nghĩa, mỗi bài phải 300 chữ trở lên; kỳ đệ nhị thì làm bài chiếu, bài chế và bài biểu; kỳ đệ tam thì làm bài thi phú; kỳ đệ tứ thì làm một bài văn sách phải 1.000 chữ trở lên.
Đến năm Nhâm Tuất (1442) mở khoa thi tiến sĩ, bao nhiêu những người thi đỗ đều được khắc tên vào bia đá để phấn chấn lòng người văn học. Các tiến sĩ được khắc tên vào bia ở Văn Miếu khởi đầu từ đấy.
Những cách thức tiêu dùng tiền và lụa vải ở trong nước cũng định lại cả; cứ 60 đồng là một tiền; lụa thì cứ dài 30 thước, rộng 1 thước 5 tấc trở lên là một tấm, các thứ vải thì hoặc dài 24 thước, hoặc 22 thước là một tấm; giấy thì 100 tờ làm một tập.
Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1442), Thái Tông đi duyệt binh ở huyện Chí Linh. Bấy giờ ông Nguyễn Trãi đã về trí sĩ ở trại Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh. Khi vua đi qua đó có vào thăm, và thấy người hầu ông là Nguyễn Thị Lộ có tài sắc, bèn bắt theo hầu. Đi đến huyện Gia Định (nay ở huyện Gia Bình ở Bắc Ninh) thì vua mất. Triều đình đổ tội cho Nguyễn Thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi làm tội và tru di cả ba họ.
Vua Thái Tông làm vua được 9 năm, thọ 20 tuổi.
III. LÊ NHÂN TÔNG (1443 – 1459)
Niên hiệu : Đại Hoà ( 1443 – 1453)
Diên Ninh (1454 – 1459)
Khi vua Thái Tông mất, thái tử là Bang Cơ mới lên 2 tuổi. Các quan đại thần là bọn Lê Khả, Nguyễn Xí lập thái tử lên làm vua, tức là Nhân Tông, để bà Hoàng Thái hậu ra thính chính.
Trong mấy năm bà Thái hậu cầm quyền, thì có mấy việc quan trọng như là đặt ra 14 điều bộ luật về việc tư điền; đổi cách thi để lấy người làm lại, bỏ thi ám tả và thi kinh nghĩa, chỉ thi viết và thi tính mà thôi. Lại đào sông Bình Lỗ ở tỉnh Thái Nguyên để cho tiện đường vận tải.
Còn ở ngoài, thì vua nước Chiêm Thành là Bí Cai cứ hay sang cướp phá ở đất Hoá Châu, Triều đình đã mấy phen sai quan vào đánh đuổi, nhưng vẫn không chừa. Đến năm Bính Dần (1446) triều đình sai Lê Thụ, Lê Khả đem quân sang đánh Chiêm Thành lấy được thành Đồ Bàn, bắt được Bí Cai và cả phi tần đem về để ở Đông Kinh, rồi lập người cháu vua Bồ Đề là Mã Kha Qui Lai lên làm vua.
Năm Mậu Thìn (1448) lại có xứ Bồn Man xin nội thuộc nước ta, đặt làm châu Quy Hợp. Đất Bồn Man phía đông nam giáp tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Hưng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Tuy vậy, nhưng vì bà Thái hậu hay nghe những lời gièm, chém giết các quan cựu thần như là Lê Khả, Lê Khắc Phục, làm cho nhiều người không phục.
Năm Quý Dậu (1453), Nhân Tông mới bắt đầu thân chính. Trước hết ngài truy tặng cho những người công thần và cấp ruộng quan điền cho con cháu ông Lê Sát, Lê Ngân và Lê Khắc Phục.
Lại sai ông Phan Phù Tiên làm bộ quốc sử kể từ vua Thái Tông nhà Trần đến khi thuộc nhà Minh, cả thảy là 10 quyển.
Trước các vương hầu và các quan văn võ đều cứ theo phẩm hàm của mình mà ăn lộc lấy thuế trong 50 hộ hay là 100 hộ. Nay Nhân Tông lại cho thêm tiền tuế bổng nữa.
Vua Nhân Tông có lẽ cũng lên được một ông vua hiền, nhưng chẳng may ngài có người anh là Lạng Sơn Vương Nghi Dân, trước đã làm thái tử, sau vì người mẹ phải tội cho nên phải bỏ. Đến năm Kỷ Mão (1459), Nghi Dân đồng mưu với bọn Lê Đắc Ninh, Phạm Đồn, Phan Ban và Trần Lăng nửa đêm trèo thành vào giết Nhân Tông và Hoàng thái hậu, tự xưng làm vua rồi cho sứ sang Tàu cầu phong.
Nhân Tông trị vì được 17 năm, thọ 19 tuổi.
IV. LÊ THÁNH TÔNG (1460 – 1497)
Niên hiệu: Quang Thuận (1460 – 1469)
Hồng Đức (1470 – 1497)
Nghi Dân cướp ngôi được 8 tháng, nhưng vì tính hay nghe lời dua nịnh, chém giết kẻ cựu thần, cho nên lòng người không phục, đến tháng 6 năm Canh Thìn (1460) các quan đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt mưu chém Phạm Đồn và Phan Ban ở giữa nghị sự đường, rồi đóng cửa thành lại vào bắt Nghi Dân giết đi, rước con thứ tư vua Thái Tông là Bình Nguyên Vương Tư Thành lên làm vua, tức là vua Thánh Tông.
Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam ta bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lừng lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy.
Thánh Tông lên ngôi rồi phong tước và cấp ruộng quan điền cho các công thần. Ngài lại truy tặng những người công thần bị giết oan ngày trước, và cho tìm con cháu ông Nguyễn Trãi về, cấp cho 100 mẫu ruộng để phụng thờ tổ tiên.
Những người mà được quốc tính nay ngài cho phục tính lại để cho khỏi mất tên họ.
1. VIỆC CAI TRỊ. Từ trước đến giờ triều đình vẫn theo lối cũ của nhà Trần: trên thì có tả hữu tướng quốc, rồi đến Lễ bộ, Lại bộ, Nội các viện, Trung thư, Hoàng môn, và ba sở Môn hạ, lại có ngũ đạo Hành khiển để coi sổ sách quân dân các đạo. Đến khi Nghi Dân cướp ngôi đặt ra Lục bộ và Lục khoa. Lục bộ là: Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Công bộ và Hình bộ. Lục khoa là: Lại khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Hộ khoa và Công khoa.
Quan Lục bộ thì có Thượng thư làm đầu, rồi đến tả hữu Thị lang, Lang trung, Viên ngoại lang, Tư vụ.
Thánh Tông đặt thêm ra lục tự là: Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thượng bảo tự. Quan lục tự thì có Tư khanh, Thiếu khanh và Tự thừa.
Ngài lại lập ra quan chế và lễ nghi theo như bên Tàu. Các quan văn võ có phần ruộng đất, lại được tiền tuế bổng. Nhưng ai mà làm điều gì nhũng lạm, thì đều phải nghiêm trị.
Ngài lại định lệ trí sĩ, cho các quan nội ngoại : ai làm quan đến 65 tuổi thì được xin về trí sĩ, còn những người làm nha lại đến 60 tuổi cũng được xin về.
Trước vua Thái tổ chia nước ra làm 5 đạo, có phủ, lộ, trấn, châu, huyện, xã. Đạo thì đặt quan hành khiển, Tuyên phủ chánh phó sứ; phủ thì đặt Tri phủ, Lộ thì đặt An phủ sứ; trấn thì đặt Trấn phủ sứ; châu thì đặt Phòng ngự sứ; huyện thì đặt Chuyển vận sứ và Tuần sát sứ; xã thì đặt Xã quan.
Thánh Tông chia nước ra làm 12 đạo là Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Mỗi đạo có toà Đô, toà Thừa và toà Hiến. Toà Đô thì có chánh phó Đô tổng binh coi về việc binh; toà Thừa thì có Thừa chính chánh phó sứ, coi về việc chính; toà Hiến thì có Hiến sát chánh phó sứ, coi về việc hình.
Lại đặt ra chức Giám sát ngự sử để đi xem xét công việc ở các đạo cho khỏi sự nhũng nhiễu.
Sau nhân có đất Quảng Nam mới lấy của Chiêm Thành lại đặt làm 13 xứ là Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn Nam, (trước là Thiên Trường), Sơn Tây (trước là Quốc Oai), Kinh Bắc (trước là Bắc Giang), Hải Dương (trước là Nam Sách), Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Lạng Sơn, An Bang, Thuận Hoá, Quảng Nam. Ở những xứ hiểm yếu như Nghệ An, Thuận Hoá, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Nam đều đặt chức Thủ ngự Kinh lược sứ để phòng giữ. Trong 13 sứ ấy lại chia làm 52 phủ, 172 huyện và 50 châu. Còn ở dưới phủ huyện thì có hương, phường, xã, thôn, trang, sách, động, nguyên, trưởng cả thảy là 8.006.
2. VIỆC THUẾ LỆ. Bấy giờ thuế đinh mỗi người đồng niên đóng 8 tiền; còn thuế ruộng, thuế đất và thuế đất bãi trồng dâu thì cứ kể mẫu mà đóng thuế, mà thứ đất nào cũng chia làm 3 hạng.
Việc làm sổ, thì cứ 6 năm một kỳ, quan phủ huyện phải dẫn các xã trưởng về Kinh để khai sổ hộ khẩu ở các xã.
3. VIỆC CANH NÔNG. Vua Thánh Tông lấy sự nông tang làm trọng, cho nên ngài chú ý về việc ấy lắm. Thường thường ngài sắc cho phủ huyện phải hết sức khuyên bảo dân làm việc cày ruộng trồng dâu.
Đặt quan Hà đê và quan Khuyến nông để coi việc cày cấy trong nước. Bắt quan Hộ bộ và quan Thừa chính ở các xứ phải tâu cho ngài biết những đất bỏ hoang để bắt phủ huyện đốc dân phu khai khẩn làm ruộng.
Lập ra cả thảy 42 sở đồn điền, đặt quan để trông nom sự khai khẩn, khiến cho dân khỏi phải đói khổ.
4. NHÀ TẾ SINH. Vua Thánh Tông lại lo đến các chứng bệnh làm hại dân. Ngài lập nhà tế sinh để nuôi những người đau yếu, và khi nào ở đâu có dịch tễ thì sai quan đem thuốc đi chữa bệnh.
5. VIỆC SỬA PHONG TỤC. Dân ta bấy giờ sùng tín đạo Phật, hay làm đình làm chùa. Những lễ hôn và lễ tang thì làm những điều trái với lẽ thường, như là nhà nào có tang chế thì làm cỗ bàn ăn uống, rồi bày ra các trò hát xướng, làm một cuộc vui chơi. Lễ hôn thì ăn hỏi rồi, để ba bốn năm mới cho rước dâu về nhà chồng.
Thánh Tông cấm không cho làm chùa mới, để tiền của và công phu mà làm việc có ích. Cấm những nhà có lễ tang không được bày cuộc hát xướng. Việc hôn thì khi đã nhận lễ ăn hỏi rồi, phải chọn ngày cho rước dâu, và lệ cứ cưới rồi ngày hôm sau đi chào cha mẹ, ba ngày thì đi lễ từ đường.
Ngài lại đặt ra 24 điều, sức cho dân xã thường thường giảng đọc để giữ lấy thói tốt:
1. Cha mẹ dạy con phải có phép tắc, trai gái đều có nghề nghiệp, không được rượu chè cờ bạc, tập nghề hát xướng để hại phong tục.
2. Người gia trưởng phải tự mình giữ lễ phép để cho cả nhà bắt chước; nếu con em làm càn, thì bắt tội người gia trưởng.
3. Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn, duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được khiên ái, cẩu dung làm hại đến phong hoá.
4. Làm kẻ tử đệ nên yêu mến anh em, hoà thuận với hương đảng, phải lấy lễ nghĩa mà cư xử; nếu trái phép thì người tôn trưởng đánh đạp dạy bảo, có tội to thì phải đem nộp quan để trừng trị.
5. Ở chốn hương đảng tông tộc, có việc hoạn nạn thì phải giúp đỡ lẫn nhau; nếu ai có tiếng là người hạnh nghĩa tốt, thì các quan phủ huyện sở tại phải bẩm lên toà Thừa, toà Hiến, để tâu vua mà tinh biểu cho.
6. Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trừng trị thì nên phải sửa mình đổi lỗi, không được tự tiện trốn đi, làm hư mất nết đàn bà.
7. Người đàn bà goá không được chứa những đứa trai trẻ ở trong nhà, nói dối là con nuôi để ám hành những việc gian dâm.
8. Người đàn bà goá chồng, đối với các con vợ cả hoặc vợ lẽ, nàng hầu, nên có lòng thương xót, không được mưu mô để chiếm đoạt gia tài làm của riêng mình.
9. Đàn bà goá chồng, chưa có con cái, phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.
10. Làm đàn bà thì phải theo chồng, không được cậy cha mẹ mình phú quý mà khinh nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.
11. Kẻ sĩ phu nên quí phẩm hạnh và giữ phép quan, nếu cứ xu nịnh những kẻ quyền quí để cậy thế làm càn thì phải cách bỏ đi không kể đến nữa.
12. Kẻ điển lại chỉ việc giữ sổ sách giấy má để làm việc quan, nếu làm những việc tráo đổi án từ, thì quan trên sẽ xét ra mà trừng trị.
13. Quan dân đều phải hiếu đễ, và chăm chỉ làm ruộng, cùng giúp đỡ lẫn nhau; khi đi làm việc quan, không được trễ biếng, trốn tránh. Nếu ai có tiếng là người lương thiện thì các quan phủ huyện phải trình tòa Thừa, tòa Hiến để tâu mà tinh biểu cho.
14. Kẻ thương mãi phải tùy thời giá mà buôn bán với nhau, không được thay đổi thưng đấu, và tụ tập đồ đảng để đi trộm cướp; nếu phạm điều ấy thì trị tội rất nặng.
15. Việc hôn giá tế tự phải giữ lễ phép, không được làm càn.
16. Chỗ dân gian có mở trường du hí hoặc cúng tế, thì con trai con gái đến xem, không được đứng lẫn lộn, để khỏi thói dâm.
17. Các hàng quán bên đường, có phụ nữ đi xa đến trọ, thì phải phòng giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác ra, thì người phạm cùng với chủ nhà đều phải trị tội cả.
18. Phủ huyện phải lập bia ở các nơi sở tại để cấm con trai con gái không được cùng tắm một bến, để cho có phân biệt.
19. Các xã thôn phải chọn một vài người già cả, đạo đức làm trưởng, những ngày thong thả đem dân ra đình, tuyên giảng những lời cáo dụ, để khiến dân bắt chước làm điều thiện, thành ra mỹ tục.
20. Trong hạt phủ huyện có kẻ cường hào xâm chiếm điền thổ, ức hiếp cô độc và xúi dục người ta kiện tụng, thì cho xã thôn cáo giác lên để quan xử trị.
21. Các nhà vương, công, đại thần dung túng những đứa tiểu nhân, đưa người khấn lễ, và để cho người nhà đi ức hiếp dân gian mà mua rẻ các đồ vật, thì cho dân được tố cáo để trọng trị.
22. Những người làm quan phủ, huyện mà biết khuyên bảo dân gian làm điều lễ nghĩa khiêm nhượng, có quan Thừa chính, Hiến sát xét thực, thì được cho vào hạng tốt; nếu ai không chăm dạy bảo dân thì cho là người không xứng chức.
23. Các người huynh trưởng ở chốn xã thôn và phường biết dạy bảo con em trong làng cho nên được phong tục tốt, thì quan phủ huyện phải bẩm tòa Thừa, tòa Hiến để tâu vua ban khen cho.
24. Các dân mường mán ở ngoài bờ cõi, nên giữ lời di huấn, không được trái đạo luân thường như cha, anh, chú, bác đã chết thì con em không được chiếm lấy những thê thiếp, nếu mà trái phép, thì sẽ trị tội rất nặng.
6. ĐỊA ĐỒ NƯỚC NAM. Từ xưa đến nay, nước Nam ta vẫn không có địa đồ, Thánh Tông bèn sai quan ở các đạo xem xét ở trong hạt mình có những núi sông gì, hiểm trở thế nào phải vẽ địa đồ ra cho rõ ràng và chỗ nào tự cổ chí kim có những sự tích gì phải ghi chép vào cho tường tận, rồi gửi về bộ Hộ để làm quyển địa dư nước ta.
7. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ. Thánh Tông sai Ngô Sĩ Liên làm bộ Đại Việt sử ký chia ra làm 2 bản. Một bản kể từ Hồng Bàng thị cho đến thập nhị Sứ quân có 5 quyển. Một bản kể từ Đinh Tiên Hoàng cho đến Lê Thái Tổ có 10 quyển. Cả thảy là 15 quyển.
8. VIỆC VĂN HỌC. Vua Thánh Tông định phép thi hương, sửa phép thi hội, để chọn lấy nhân tài. Thường ngài ra làm chủ các kỳ thi đình, và ngài lập ra lệ xướng danh các Tiến sĩ và lệ cho về vinh qui.
Ngài mở rộng nhà Thái học ra. Phía trước thì làm nhà Văn miếu, phía sau thì làm nhà Thái học, và làm ra các phòng ốc để cho những kẻ sinh viên ở học. Làm kho Bí thư để mà chứa sách. Sự học bấy giờ càng ngày càng mở mang thêm.
Ngài lại hay ngâm thi, đặt ra Quỳnh uyển cửu ca, xưng làm Tao đàn nguyên súy, cùng với kẻ triều thần là bọn ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, cả thảy 28 người xướng họa với nhau. Non xanh nước biếc chỗ nào cũng có thơ của ngài.
Ngài sai ông Thân Nhân Trung và ông Đỗ Nhuận làm bộ Thiên nam dư hạ tập, 100 quyển nói về việc chính và hình luật đời Hồng Đức. Ngài làm ra một quyển Thân chinh ký sự kể việc ngài đi đánh Chiêm Thành, Lão Qua và các Mường.
9. VIỆC VÕ BỊ. Tuy rằng vua Thánh Tông hết lòng sửa sang mọi việc trong nước, nhưng ngài cũng hiểu rằng phàm một nước mà cường thịnh thì tất là phải có võ bị, cho nên ngài bắt các quan tổng binh phải chăm giảng tập trận đồ, phải luyện tập sĩ tốt để phòng khi có việc.
Ngài đổi năm Vệ quân ra làm năm phủ là: Trung quân phủ, Nam quân phủ, Bắc quân phủ, Đông quân phủ và Tây quân phủ. Mỗi một phủ thì có 6 vệ, mỗi vệ có 5 hay là 6 sở, mỗi sở có số quân độ 400 người. Quân cả 5 phủ ước chừng độ 6, 7 vạn người. Ngài lại đặt ra 31 điều quân lệnh để tập thủy trận; 42 điều để tập bộ trận.
Lại đặt ra lệ cứ 3 năm một kỳ thi võ. Tướng sĩ ai đậu thì thưởng ai hỏng thì phạt, để khiến mọi người đều vui lòng về việc võ bị.
Đời vua Thánh Tông mấy năm về trước cũng được yên ổn, nhưng mấy năm về sau thì phải chinh chiến nhiều lần. Khi thì phải đánh giặc Lào, khi thì đánh những giặc cỏ ở trong nước; nhưng chỉ có đánh Chiêm Thành, đánh Lão Qua và đánh Bồn Man là phải dùng đến đại binh.
10. ĐÁNH CHIÊM THÀNH. Năm Canh Thìn (1470) là năm Hồng Đức nguyên niên, vua nước Chiêm Thành là Trà Toàn muốn sinh sự với nước Nam. Một mặt thì cho người sang cầu viện binh bên nhà Minh, một mặt thì đem quân sang đánh phá ở đất Hóa Châu.
Vua Thánh Tông cho sứ sang Tàu kể chuyện Trà Toàn làm nhiễu, rồi ngài tự làm tướng, cử đại binh hơn 20 vạn sang đánh Chiêm Thành; khi quân vào đến Thuận Hóa, Thánh Tông đóng quân lại để luyện tập và sai người lẻn sang vẽ địa đồ nước Chiêm Thành để biết cho rõ chỗ hiểm chỗ không rồi mới tiến binh lên đánh lấy cửa Thị Nại (cửa Bình Định).
Trà Toàn đánh thua, rút quân về giữ kinh thành Đồ Bàn. Quân An Nam kéo đến vây đánh, phá được thành, bắt được Trà Toàn.
Bấy giờ có tướng Chiêm Thành là Bô Trì Trì chạy về đất Phan Lung, sai sứ vào cống và xin xưng thần. Thánh Tông có ý muốn làm cho nước Chiêm yếu thế đi, mới chia đất ra làm ba nước, phong làm ba vua, một nước gọi là Chiêm Thành, một là Hóa Anh và một nước nữa là Nam Phan.
Còn đất Đồ Bàn, đất Đại Chiêm và đất Cổ Lũy thì vua Thánh Tông lấy để lập thêm đạo Quảng Nam có 3 phủ 9 huyện, rồi đặt quan cai trị, và chọn dân đinh từ 15 tuổi trở lên, ai là người thông minh ham học thì cho làm sinh đồ, để dạy cho sự học hành và sự lễ nghĩa.
Khi Trà Toàn đã bị bắt rồi, em là Trà Toại trốn vào núi, sai người sang kêu với nhà Minh và xin phong làm vua. Thánh Tông biết tin ấy liền sai ông Lê Niệm đem 3 vạn quân vào bắt được Trà Toại giải về kinh sư. Sau vua nhà Minh có sai sứ sang bảo ngài phải trả đất Chiêm Thành, nhưng ngài không chịu.
Từ khi vua Thánh Tông đánh được Chiêm Thành rồi, thanh thế nước Nam lừng lẫy, nước Lào và các mường ở phía tây đều về triều cống cả.
11. ĐÁNH LÃO QUA. Đến năm Kỷ Hợi (1479) có tù trưởng xứ Bồn Man là Cầm Công có ý làm phản, xui người Lão Qua[3] đem binh quấy nhiễu ở miền tây nước ta. Thánh Tông liền sai quan Thái úy là Lê Thọ Vực cùng các tướng quân là Trịnh Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng và Lê Nhân Hiếu chia làm 5 đạo đi từ Nghệ An, Thanh Hóa và Hưng Hóa sang đánh đuổi vua Lão Qua đến sông Kim Sa[4] giáp với nước Diến Điện. Trận ấy quân An Nam được toàn thắng.
12. ĐÁNH BỒN MAN. Gây nên sự đánh Lão Qua là cũng vì họ Cầm ở Bồn Man muốn làm điều phản nghịch.
Nguyên đất Bồn Man trước đã xin nội thuộc, đổi làm châu Qui Hợp, nhưng vẫn để cho tù trưởng là họ Cầm được đời đời làm phụ đạo. Sau đổi làm Trấn Ninh phủ có 7 huyện, và đặt quan phủ huyện để giám trị. Nay Cầm Công cậy có người Lão Qua giúp đỡ, bèn đuổi quân An Nam đi, chiếm lấy đất, rồi đem quân chống giữ với quan quân.
Thánh Tông bèn ngự giá thân chinh, nhưng đi đến Phù Liệt, được tin thắng trận của quân ta sang đánh Lão Qua, ngài trở về, sai ông Lê Niệm đem binh đi đánh. Cầm Công đánh thua chết, còn những người Bồn Man xin hàng.
Thánh Tông phong cho người họ Cầm Công là Cầm Đông làm Tuyên úy đại sứ và đặt quan cai trị như trước.
13. VIỆC GIAO THIỆP VỚI TÀU. Nước ta bấy giờ tuy phải theo lệ xưng thần với nhà Minh, nhưng vua Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị mặt bắc. Thỉnh thoảng có những người thổ dân sang quấy nhiễu, thì lập tức cho quan quân lên tiễu trừ và cho sứ sang Tàu để phân giải mọi sự cho minh bạch. Có một hôm được tin rằng người nhà Minh đi qua địa giới, Thánh Tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài bảo với triều thần rằng: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mát một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”. Ngài có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn dòm ngó cũng khống dám làm gì. Vả lại quân An Nam bấy giờ đi đánh Lào, dẹp Chiêm, thanh thế bao nhiêu, nhà Minh cũng phải lấy lễ nghĩa mà đãi An Nam, cho nên sự giao thiệp của hai nước vẫn được hòa bình.
Xem những công việc của vua Thánh Tông thì ngài thật là một đấng anh quân. Những sự văn trị và sự võ công ở nước Nam ta không có đời nào thịnh hơn đời Hồng Đức. Nhờ có vua Thái Tổ thì giang sơn nước Nam mới còn, và nhờ có vua Thánh Tông thì văn hóa nước ta mới thịnh, vậy nên người An Nam ta không bao giờ quên công đức hai ông vua ấy.
Thánh Tông làm vua được 38 năm thọ được 56 tuổi.
V. LÊ HIẾN TÔNG (1497 - 1504)
Niên hiệu: Cảnh Thống
Thái tử là Tăng lên nối ngôi làm vua, tức là vua Hiến Tông.
Ngài là một ông vua thông minh hòa hậu. Thường khi bãi triều rồi, ngài ra ngồi nói chuyện với các quan, hễ có ai điều gì phải trái, ngài lấy lời êm ái mà nhủ bảo, chứ không gắt mắng bao giờ. Ngài vẫn hay nói rằng: "Vua Thái Tổ đã gây dựng nên cơ đồ, vua Thái Tông đã sửa sang mọi việc, ta nay chỉ nên lo giữ gìn nếp cũ, và mở mang sự nhân chính ra cho sáng rõ công đức của ông cha trước".
Ngài theo cái chủ ý ấy mà trị dân, cho nên trong mấy năm ngài làm vua không có giặc giã gì, mà những việc chính trị đều theo như đời Hồng Đức chứ không thay đổi gì cả. Nhất là về việc cày ruộng trồng dâu, ngài lưu tâm khuyên nhủ quan dân, khiến mọi người phải hết sức giữ gìn, bắt đào sông, khai ngòi, đắp đường, làm xe nước, để cho tiện việc vệ nông. Việc văn học cũng vậy, không bao giờ ngài để trễ nải. Nhưng ngài trị vì được có 7 năm thì mất, thọ được 44 tuổi.
VI. LÊ TÚC TÔNG (1504)
VÀ LÊ UY MỤC (1505 - 1509)
Niên hiệu: Thái Trinh và Đoan Khánh
Hiến Tông mất, truyền ngôi lại cho người con thứ ba tên là Thuần, tức là vua Túc Tông.
Túc Tông làm vua được 6 tháng thì mất. Triều đình tôn người anh thứ hai của ngài là Tuấn lên làm vua, tức là vua Uy Mục.
Từ vua Uy Mục trở đi thì cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, vì rằng từ đó về sau không có ông vua nào làm được việc nhân chính, và lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác, cho nên thành ra sự giặc giã, thoán đoạt, đến nỗi về sau dẫu có trung hưng lên được, nhưng quyền chính trị vẫn về tay kẻ cường thần.
Vua Uy Mục mới lên làm vua thì giết tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu, giết quan Lễ bộ Thượng thư là ông Đàm Văn Lễ và quan Đô ngự sử là ông Nguyễn Quang Bật, vì lẽ rằng khi vua Hiến Tông mất, bà Thái hậu và hai ông ấy có ý không chịu lập ngài.
Đã làm điều bạo ngược, lại say đắm tửu sắc, đêm nào cũng cùng với cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi. Có khi bắt quân sĩ lấy gậy đánh nhau để làm trò chơi. Tính đã hung ác, mà lại hay phản trắc. Cho nên sứ Tàu sang làm thơ gọi Uy Mục là Quỉ vương.
Bấy giờ Uy Mục lại hay tin dùng mấy kẻ ngoại thích và tìm những người có sức mạnh để làm túc vệ. Bởi thế cho nên Mạc Đăng Dung là người đánh cá vào thi đỗ đô lực sĩ, được làm chức Đô chỉ huy sứ. Còn những tôn thất và công thần thì bị đánh đuổi, dân sự thì bị hà hiếp, lòng người ta oán, thiên hạ mất cả trông cậy, triều thần có nhiều người bỏ quan trốn đi.
Tháng Chạp năm Kỷ Tị (1509) có Giản Tu Công tên là Oanh cháu vua Thánh Tông, là anh em con chú con bác với ngài, bị bắt giam. Ông đút tiền cho người canh ngục mới được ra, trốn về Tây Đô, rồi hội với các quan cựu thần đem binh ra đánh bắt vua Uy Mục và hoàng hậu Trần Thị giết đi.
VII. LÊ TƯƠNG DỰC (1510 – 1516)
Niên hiệu: Hồng Thuận
Giản Tu Công giết vua Uy Mục rồi tự lập làm vua, tức là vua Tương Dực.
Vua Tương Dực tính hay chơi bời và xa xỉ, như là sai người thợ tên là Vũ Như Tô làm cái điện 100 nóc, xây cái Cửu Trùng Đài, bắt quân dân làm trong mấy năm trời không xong, mà thật là hao tổn tiền của, chết hại nhiều người. Rồi lại đóng chiến thuyền bắt đàn bà chèo chơi ở hồ Tây. Lại tư thông với cả những cung nhân đời tiền triều. Vì hoang dâm như thế, cho nên sứ nhà Minh sang trông thấy ngài, bảo rằng ngài là tướng lợn, sự loạn vong chắc là sắp tới vậy.
1. VIỆC THUẾ MÁ. Việc thuế má lúc bấy giờ thì đại khái cũng như máy triều trước, nhưng không biết rõ tiền tài sản vật đồng niên thu được những gì. Đến đời vua Tương Dực thấy sử chép rằng trước thì thuế vàng thuế bạc đồng niên thu được:
Vàng mười, thứ tốt gọi là “kiêm kim” 480 lượng.
Vàng mười 2.883 lượng.
Bạc 4.930 lượng.
Nay vua Tương Dực định lệ đổi lại mỗi năm thu được:
Vàng mười thứ “kiêm kim” 449 lượng.
Vàng mười 2.901 lượng.
Bạc 6.125 lượng.
Những vàng bạc ấy là nộp vào kho để cho vua tiêu dùng.
Còn cách thu nộp thế nào thì không rõ.
2. ĐẠI VIỆT THÔNG GIÁM. Đời bấy giờ có quan Binh bộ Thượng thư là ông Vũ Quỳnh làm xong bộ Đại Việt thông giám; chia ra từ họ Hồng Bàng cho đến thập nhị Sứ quân làm ngoại kỷ, còn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ làm bản kỷ, cả thảy là 26 quyển. Vua sai ông Lê Tung, soạn bài tổng luận về bộ sử ấy.
3. SỰ BIẾN LOẠN. Thời bấy giờ vua thì hoang chơi, triều thần thì tuy là có bọn ông Nguyễn Văn Lang, ông Lê Tung, ông Lương Đắc Bằng,... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về. Vả cũng không có ai là người có thể ngăn giữ được vua và kinh doanh được việc nước, cho nên trong nước giặc giã nổi lên khắp cả mọi nơi. Ở đất Kinh Bắc thì có Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng, làm loạn ở huyện Đông Ngạn, và huyện Gia Lâm; đất Sơn Tây thì có Trần Tuân đánh phá. Lại có tên Phùng Chương làm giặc ở núi Tam Đảo; Trần Công Ninh chống giữ ở huyện An Lãng. Đất Nghệ An thì có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Văn Triệt làm phản. Lại ở huyện Thủy Đường (Hải Dương) có Trần Cao thấy sấm nói rằng ở phương đông có thiên tử khí, bèn cùng các đồ đảng đánh lấy đất Hải Dương, Thủy Đường, Đông Triều, rồi tự xưng là vua Đế Thích giáng sinh, bởi thế thiên hạ theo có hàng vạn người.
Trần Cao đem quân về đóng ở đất Bồ Đề, bên kia sông Nhị Hà, chực sang lấy kinh đô. Sau quan quân sang đánh, Trần Cao lui về đóng ở Châu Sơn, thuộc phủ Từ Sơn. Vua sai An HÒa hầu là Nguyễn Hoằng Dụ sang đóng quân ở Bồ Đề để chống giữ.
Tuy trong nước giặc cướp như thế, nhưng vua cũng không chịu sửa sang việc gì cả, lại khinh dễ các quan triều thần. Bấy giờ có Nguyên Quận Công là Trịnh Duy Sản, trước vẫn có công đi đánh giặc, nhưng sau vì hay can vua mà phải đánh. Trịnh Duy Sản tức giận bèn mưu với Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm để lập vua khác, rồi giả mượn tiếng đi đánh giặc, đêm đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực.
Ngài trị vì được 8 năm, thọ được 24 tuổi.
VIII. LÊ CHIÊU TÔNG VÀ LÊ CUNG HOÀNG (1516 – 1527)
Niên hiệu: Quang Thiệu (1516 – 1526)
Thống nguyên (1527)
Bọn Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực rồi, hội triều đình lại định lập con Mục Ý Vương là Quang Trị, mới có 8 tuổi, nhưng Võ Tá hầu là Phùng Mại bàn nên lập cháu ba đời vua Thánh Tông là con Cẩm Giang Vương tên là Ỷ đã 14 tuổi. Đảng Trịnh Duy Sản bắt Phùng Mại chém ngay ở chỗ nghị sự, rồi lập Quang Trị. Quang Trị mới làm vua được 3 ngày, chưa kịp đổi niên hiệu, thì bị Trịnh Duy Đại là anh Trịnh Duy Sản đem vào Tây Kinh. Quang Trị vào đấy được mấy ngày lại bị giết.
Lúc trong triều còn đang rối loạn, chưa biết ai là vua thì Nguyễn Hoằng Dụ ở bến Bồ Đề được tin Trịnh Duy Sản đã giết vua Tương Dực, bèn đem quân về đốt phá kinh thành và bắt Vũ Như Tô, là người đốc việc làm đền đài cho vua Tương Dực, đem chém ở ngoài thành.
Bọn Trịnh Duy Sản lại lập con Cẩm Giang Vương là Ỷ lên làm vua, tức là vua Chiêu Tông.
Nhưng bây giờ kinh thành đã bị tàn phá rồi, Trịnh Duy Sản phải rước vua vào Tây Kinh.
1. GIẶC TRẦN CAO QUẤY NHIỄU Ở ĐÔNG ĐÔ [5]. Giặc Trần Cao thấy triều đình đã bỏ kinh đô, bèn đem quân sang chiếm lấy, rồi tiếm hiệu làm vua.
Triều đình vào đến Tây Kinh, truyền hịch đi các nơi lấy binh ra đánh Trần Cao.
Trần Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy, Trần Chân và các quan cựu thần phân binh ra vây Đông Kinh. Trần Cao phải bỏ thành chạy lên đất Lạng Nguyên (có lẽ là Lạng Sơn).
Triều đình lại về Đông Kinh, rồi sai Trịnh Duy Sản lên Lạng Nguyên đuổi đánh Trần Cao. Trịnh Duy Sản khinh địch quá, bị giặc giết mất. Quân giặc lại về đóng ở Bồ Đề. Vua sai Thiết Sơn Bá là Trần Chân đem quân đánh tập hậu, phá được quân của giặc.
Trần Cao lại chạy về Lạng Nguyên, và thấy sự nghiệp không thành, bèn nhường quyền lại cho con là Thăng rồi cắt tóc đi tu để trốn cho khỏi nạn.
2. QUAN TRONG TRIỀU LÀM LOẠN. Tuy giặc Trần Cao đã phá được, nhưng mà bấy giờ vua Chiêu Tông hãy còn trẻ tuổi, chưa quyết đoán được, mà triều thần thì không có ai là người có chí giúp nước, đến nỗi ngoài thì giặc làm loạn, trong thì các quan sinh ra hiềm thù, đem quân đánh lẫn nhau, như là Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy, hai người đi đánh giặc về rồi mỗi người đóng quân một nơi để chống cự với nhau, vua can ngăn cũng không được.
Ở trong triều thì bọn Trịnh Duy Đại mưu sự làm phản, bị người tố cáo ra, phải giết cả đảng.
Bọn Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy cứ đánh nhau mãi, sau Trần Chân bênh Trịnh Tuy đem quân đánh Nguyễn Hoằng Dụ. Nguyễn Hoằng Dụ bỏ chạy về giữ Thanh Hoá.
Vua sai bọn Mạc Đăng Dung đi đánh Nguyễn Hoằng Dụ, nhưng Đăng Dung tiếp được thư của Hoằng Dụ viết riêng cho mình, bèn không đánh, đem quân trở về.
Bấy giờ quyền bính về cả Trần Chân và lại có người nói rằng Trần Chân có ý làm phản, vua bèn cho người vời Trần Chân vào Thành rồi đóng cửa thành lại, bắt giết đi.
Bộ tướng của Trần Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng nghe tin Trần Chân phải giết, bèn đem quân vào đánh phá kinh thành. Vua phải chạy sang lánh mình ở đất Gia Lâm, rồi cho người vào Thanh Hoá vời Nguyễn Hoằng Dụ ra đánh giặc. Nguyễn Hoằng Dụ không ra.
Chiêu Tông không biết mong cậy vào ai được, phải cho người sang Hải Dương vời Mạc Đăng Dung về giúp. Mối thoán đoạt gây nên từ đó.
Nguyên Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời ông Mạc Đĩnh Chi, ngày trước vốn ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà (thuộc Hải Dương) sau dời sang ở làng Cổ Trai (thuộc huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An bây giờ). Mạc Đăng Dung thủa trẻ, nhà nghèo, làm nghề đánh cá, nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô lực sĩ, làm đến Đô chỉ huy sứ về triều vua Uy Mục; đến triều vua Tương Dực, được phong là Vũ Xuyên, sau vua Chiêu Tông lại phong là Vũ Xuyên bá, sau vua Chiêu Tông lại phong là Vũ Xuân hầu.
Nay vua Chiêu Tông gọi sang, nhất thiết trao cả binh quyền để đánh giặc Hoàng Duy Nhạc.
Mạc Đăng Dung đem vua về ở Bồ Đề rồi cho người mật dụ bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Áng về hàng. Bọn ấy nói rằng Trần Chân bị giết là tại Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính gièm pha. Nếu nhà vua làm tội ba người ấy thì xin về hàng.
Vua bắt ba người đem giết đi, nhưng bọn tên Kính tên Áng vẫn không giải binh. Mạc Đăng Dung lại dời vua về Bảo Châu (thuộc huyện Từ Liêm). Thế giặc vẫn mạnh, rồi lại có Trịnh Tuy và Nguyễn Sư làm phản, thông với bọn tên Kính lập Lê Do lên làm vua, đóng hành điện ở Từ Liêm.
Vua lại phải cho người vào gọi Nguyễn Hoằng Dụ lần nữa. Nguyễn Hoằng Dụ đem binh Thanh Hoá ra để cùng với Mạc Đăng Dung đi đánh giặc. Nhưng Hoằng Dụ xuất binh đánh trước, bại trận, phải rút quân về Thanh.
Được ít lâu Mạc Đăng Dung trừ được bọn Lê Do, Trịnh Tuy và Nguyễn Sư, rồi lại hàng được bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng đem về làm vây cánh của mình. Từ đó quyền bính về cả Đăng Dung.
3. MẠC ĐĂNG DUNG CHUYÊN QUYỀN. Mạc Đăng Dung bấy giờ quyền thế hống hách, ra vào cung cấm tiếm dụng nghi vệ thiên tử. Các quan ai có vì nhà vua mà can gián điều gì, thì Đăng Dung tìm cách giết đi. Các quan triều thần có nhiều người thấy quyền lớn về cả họ Mạc, cũng bỏ vua mà theo phò Mạc Đăng Dung. Vua Chiêu Tông thấy vậy, mới mưu ngầm với bọn nội thần là Phạm Hiến và Phạm Thứ để đánh Mạc Đăng Dung, lại cho người vào Tây Kinh vời Trịnh Tuy đem binh ra làm ngoại ứng. Đêm đến canh hai vua chạy lên Sơn Tây để thu xếp binh mã đánh họ Mạc.
Sáng hôm sau Mạc Đăng Dung mới biết vua xuất ngoại, liền sai Hoàng Duy Nhạc đem quân đuổi theo, đến Thạch Thất, Duy Nhạc bị quân sở tại bắt được giết đi.
Mạc Đăng Dung cùng với các quan ở trong triều lập Hoàng đệ là Xuân lên làm vua, tức là Cung Hoàng, đổi niên hiệu là Thống Nguyên. Nhưng ở kinh thành sợ vua Chiêu Tông viện quân về đánh, cho nên Mạc Đăng Dung rước Hoàng đệ Xuân về ở đất Gia Phúc, nay là Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương.
Khi vua Chiêu Tông chạy lên Sơn Tây, những người hào kiệt ở các nơi theo về cũng nhiều, nhưng vì vua nghe lời những kẻ hoạn quan là bọn Phạm Điền, không theo lời bàn của các tướng, cho nên lòng người li tán, mọi việc hỏng cả. Vua cho người vào Thanh Hoá vời Trịnh Tuy ba bốn lần, Trịnh Tuy do dự mãi không ra. Sau Trịnh Tuy cùng với Trịnh Duy Tuấn đem hơn một vạn quân ra giúp, thì vua lại nghe lời bọn Phạm Điền bắt Nguyễn Bá Kỷ là thuộc tướng của Trịnh Tuy đem giết đi. Trịnh Tuy tức giận đem quân bắt vua Chiêu Tông về Thanh Hoá.
Năm Giáp Thân (1524) Mạc Đăng Dung đem quân vào đánh Thanh Hoá, Trịnh Tuy thua trận rồi chết, vua Chiêu Tông bị bắt đem về để ở Đông Hà (thuộc huyện Thọ Xương), rồi bị giết.
Vua Chiêu Tông làm vua được 11 năm, thọ 26 tuổi.
Cách hai năm sau là năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung bắt các quan nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc.
Cung Hoàng và bà Hoàng thái hậu đều bị giết cả. Bấy giờ triều thần có Vũ Duệ, Ngô Hoán, quan Đô ngự sử là Nguyễn Văn Vận, quan Hàn lâm hiệu lý là Nguyễn Thái Bạt, quan Lễ bộ Thượng thư là Lê Tuấn Mậu, quan Lại bộ Thượng thư là Đàm Thận Huy, quan Tham chính sứ là Nguyễn Duy Tường, quan Quan sát sứ là Nguyễn Tự Cường, tước Bình Hồ bá là Nghiêm Bá Ký, quan Đô ngự sử là Lại Kim Bảng, quan Hộ bộ Thượng thư là Nguyễn Thiệu Tri, quan Phó Đô ngự sử là Nguyễn Hữu Nghiêm, quan Lễ bộ tả Thị lang là Lê Vô Cương đều là người khoa giáp cả, người thì nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung hay là lấy nghiên mực đập vào mặt, hay chửi mắng, bị Đăng Dung giết đi. Có người thì theo vua không kịp, nhảy xuống sông mà chết, người thì quay đầu về Lam Sơn lạy rồi tự tử. Những người ấy đều là người có nghĩa khí để tiếng thơm về sau.
Nhà Lê, kể từ vua Thái Tổ cho đến vua Cung Hoàng vừa một trăm năm (1428 – 1527), được 10 ông vua. Nhưng trong bấy nhiêu ông, trừ vua Thái Tổ ra, thì chỉ có vua Thánh Tông và vua Hiến Tông là đã lớn tuổi mới lên ngôi, còn thì ông nào lên làm vua cũng còn trẻ tuổi cả. Vì thế cho nên việc triều chính mỗi ngày một suy kém, lại có những ông vua hoang dâm, làm lắm điều tàn bạo để đến nỗi trong nước xảy ra nhiều sự biến loạn.
Vậy vận nhà Lê phải lúc trung suy, nhưng công đức vua Thái Tổ và vua Thánh Tông làm cho lòng người không quên nhà Lê, cho nên dầu nhà Mạc có cướp ngôi cũng không được lâu bền, và về sau họ Trịnh tuy có chuyên quyền nhưng cũng chỉ giữ ngôi chúa, chứ không dám cướp ngôi vua.
----------------------------
* Chú thích:
[1] Lưu đi cận châu là vào Nghệ An, đi viễn châu là vào Bố Chính, đi ngoại châu là vào Tân Binh.
[2] Bát nghị là: Nghị thân, nghị cố, nghị hiền, nghị năng, nghị công, nghị quí, nghị cần, nghị tân. Xem ở sách Chu lễ thì biết rõ.
[3] Lão Qua, là đất thượng Lào ở về phía tây Việt Nam bây giờ tức là Luong Prabang. Có khi gọi là nước Nam Chướng.
[4] Theo địa dư nước Tàu, thì Kim Sa Giang là khúc trên sông Trường Giang. Sông ấy chảy ở phía bắc qua tỉnh Tây Khương và Tứ Xuyên. Đây có lẽ là nhà chép sử lẫn với khúc sông Lan Thương là giang là khúc sông trên Cửu Long Giang.
[5] Giặc Trần Cao: Đây là hạn chế của tác giả. Thực chất là cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình phong kiến.
(Xem tiếp kỳ sau)