A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương VI. Chế độ và tình thế nước Việt Nam đến cuối đời Tự Đức (phần 1)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG V

CHẾ ĐỘ VÀ TÌNH THẾ NƯỚC VIỆT NAM ĐẾN CUỐI ĐỜI TỰ ĐỨC

1. CÁCH TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI. Nước Việt Nam tuy nói là một nước quân chủ chuyên chế [1], nhưng theo cái tinh thần và cách tổ chức của xã hội thì có nhiều chỗ rất hợp với cái tinh thần dân chủ. Nguyên Nho giáo là cái học căn bản của nước ta khi xưa, mà về đường thực tế, thì cái học ấy rất chú trọng ở sự trị nước. Trị nước thì phải lấy dân làm gốc, nghĩa là phải lo cho dân được sung túc, phải dạy dỗ dân cho biết đạo lý và mở mang trí tuệ của dân.Những việc quan trọng như thế không phải bất cứ ai cũng làm được, tất là phải có những người có đủ đức hạnh, tài năng và uy quyền mới có thể đảm đang được. Bởi vậy cho nên mới cần có vua có quan.

Vua: Theo cái lý thuyết của Nho giáo, thì khi đã có quần chúng, là phải có quân. Quân là một đơn vị giữ cái chủ quyền để chịu hết thảy các trách nhiệm về sự sinh hoạt và tính mệnh của toàn dân trong nước. Cái đơn vị ấy gọi đế hay là vương, được giữ cái chủ quyền cả nước. Cái chủ quyền ấy người ta gọi là cái thần khí, nghĩa là một vật thiêng liêng do trời cho, tức là dân thuận mới được giữ. Nói rằng những người làm những điều gian ác bạo ngược mà cướp lấy chủ quyền thì sao? Đó là sự tiếm đoạt chứ không phải là chính nghĩa. Ngay những người đã làm đế làm vương mà lạm dụng chủ quyền để làm những điều tàn bạo, thì cũng chỉ là người tàn tặc mà thôi, chứ không phải là thật bậc đế vương nữa.

Triều đình: sở dĩ đời xưa quần chúng công nhận một ông vua giữ cái chủ quyền cả nước, là muốn cho có mối thống nhất để khỏi sự tranh dành và cuộc biến loạn. Song việc trị nước là việc chung cả nước, cho nên có vua là phải có triều đình. Triều đình không phải là một nhóm cận thần để hầu hạ và làm việc riêng cho nhà vua, chính là hội nghị chung cả nước, do sự kén chọn những người xứng đáng bằng cách thi cử mà đặt ra. Cách thi cử không phân biệt sang hèn giàu nghèo gì cả, miễn là ai có học, có hạnh và có đủ tài năng thì được ra ứng thí. Người nào đã đỗ rồi và đã ra làm quan là người ấy có chân ở trong triều đình.

Lệ nhà vua, mỗi tháng phải mấy lần thiết đại triều, các quan tại kinh đều phải đến đủ mặt và theo phẩm trật mà đứng để tâu bày mọi việc. Bởi vì khi có việc gì quan trọng, thì vua hạ đình nghị, nghĩa là giao cho đình thần bàn xét. Các quan bất kỳ lớn bé đều được xem ý kiến của mình mà trình bày. Việc gì đã quyết định, đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành.

Vua tuy có quyền lớn thật, nhưng không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì lầm lỗi, thì các quan Giám sát ngự sử phải tâu bày mà can ngăn vua. Trừ những ông vua bạo ngược không kể, thường là vua phải nghe lời can ngăn của các quan.

Hễ triều đình có những người ngay chính và sáng suốt, thì việc nước được yên trị; nếu có những người gian nịnh mờ tối, thì việc nước hư hỏng. Đó là lệ chung từ xưa đến nay như vậy.

Quan tư: mệnh lệnh của triều đình đã phát ra, thì quan tư ở các quận huyện phải theo mà thi hành. Các quan coi các quận huyện có nhiệm vụ dạy dỗ dân, đừng để dân làm những điều trái luân thường đạo lý hay những việc phản loạn. Ngoài ra quan phải để cho dân được yên nghiệp làm ăn, không nên bày việc ra để nhiễu dân. Bởi vậy đời xưa ông quan nào cai trị một hạt mà dân hạt ấy được yân trị là ông quan giỏi.

Quyền tự trị của dân làng: Quan của triều đình bổ ra chỉ có đến phủ huyện, còn từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Dân tự chọn lấy người của mình mà cử ra coi mọi việc trong hạt. Tổng là một khu gồm có mấy làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do hội đồng kỳ dịch các làng cử ra coi việc thuế khoá, để điều và mọi việc trị an trong tổng.

Làng hay xã là phần tử cốt yếu của dân. Phong tục, lệ luật của làng nào riêng làng ấy, triều đình không can thiệp đến, cho nên tục ngữ có câu: “phép vua thua lệ làng”. Làng có hội đồng kỳ dịch do dân cử ra để trông coi hết cả mọi việc. Hội đồng ấy có người tiên chỉ và thứ chỉ đứng đầu, rồi có lý trưởng và phó lý do hội đồng kỳ dịch cử ra để thay mặt làng mà giao thiệp với quan tư, có tuần đinh chuyên coi việc cảnh sát trong làng. Khi một người nào can phạm việc gì thì quan trách cứ ở làng, cho nên ai đi đâu hay làm việc gì cũng phải lấy làng làm gốc.

Ngày xưa các làng không có sổ khai sinh tử và giá thú, nhưng tục lệ của làng, con gái thì không có lệ ấy. Lại vì sự thờ cúng tổ tiên và sự tin số, tướng... cho nên nhà nào đẻ con ra, bất kỳ trai hay gái, cha mẹ phải nhớ cho đúng giờ, ngày tháng và năm sinh của đứa con ấy. Bởi vậy người nào cũng biết rõ ngày tháng sinh của con mình.

Việc giá thú là việc quan hệ về gia tộc, phải làm đúng lệ thường, nhưng đối với làng, thì tục lệ bắt người chồng khi cưới vợ, phải trình làng và nộp cho làng một số mấy quan tiền, gọi là nộp tiền cheo. Như thế, thành ra theo tục lệ, tuy không có sổ khai sinh tử giá thú, mà mọi điều cũng đủ như là có vậy.

--------------------------------

* Chú thích: 

[1] Ta thường hiểu mấy chữ quân chủ chuyên chế theo cái nghĩa của các nước Âu Tây ngày xưa, chứ không biết mấy chữ ấy theo cái học Nho giáo có nhiều chỗ khác nhau.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu