A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

XVII. Thời kỳ đấu tranh chống nhà Minh đô hộ (1414-1427)

(Tiếp theo kỳ trước)

Sau khi chiếm được Đại Việt, quân Minh chia nước ta thành quận huyện để cai trị. Chúng bắt nhân dân ta làm tôi tớ, thuế má lao dịch nặng nề, cuộc sống vô cùng cực khổ.

Ngày Mậu Thân, tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hoá. Có quân sư Nguyễn Trãi dâng sách Bình Ngô nhằm thu phục lòng người, cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Hãn và nhiều nhân tài, hào kiệt các nơi tham gia.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc kháng chiến trường kỳ, kéo dài suốt 10 năm. Có lúc nghĩa quân bị bao vây, quân tướng chỉ còn mấy trăm người, không còn lương thực, phải đào củ chuối và giết ngựa mà ăn. Lê Lai đã cải trang giống Lê Lợi "liều mình cứu chúa" để Lê Lợi thoát khỏi vòng vây tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh. Theo kế sách của tướng quân Nguyễn Chích, Lê Lợi đã đưa quân vào Nghệ An, nơi đất rộng người đông, nhân dân có truyền thống yêu nước và bất khuất, nên đã đưa nghĩa quân Lam Sơn bước vào thời kỳ phát triển mới.

Cuộc kháng chiến trường kỳ đó ban đầu là một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng chiến thuật du kích để tiêu hao sinh lực địch. Nghĩa quân mạnh dần lên, đã dùng kế sách "vây thành diệt viện" kết hợp với thuyết phục giặc đầu hàng. Quân ta bao vây thành Đông Quan (Hà Nội), nhà Minh sai tướng An viễn hầu Liễu Thăng dẫn 100 nghìn quân sang cứu viện. Nghĩa quân tổ chức phục binh ở ải Chi Lăng (Lạng Sơn), tướng Trần Lựu chém đầu Liễu Thăng. Quân ta đưa ấn tín, cờ tiết của Liễu Thăng vào thành Đông Quan cho giặc Minh biết. Tướng giặc Vương Thông hết hy vọng vào viện binh đã xin đầu hàng.

Ngày 16/12/1427, Lê Lợi - Nguyễn Trãi cho Vương Thông đến "Hội thề Đông Quan". Chúng thề không bao giờ dám xâm phạm Đại Việt nữa.

Lê Lợi - Nguyễn Trãi lấy đức hiếu sinh, cấp lương thực cho 100 nghìn quân Minh được an toàn rút về nước.

Ngày 3/1/1428, nghĩa quân hoàn toàn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Lê. Sử gọi là Hậu Lê để phân biệt với Tiền Lê 980-1009 do Lê Hoàn sáng lập.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu