A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

XIV. Nhà Trần 175 năm (1225 - 1400), quốc hiệu Đại Việt, kinh đô Thăng Long (phần 3)

(Tiếp theo kỳ trước)

NHÂN VẬT LỊCH SỬ NỔI TIẾNG THỜI TRẦN

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư

Trần Khánh Dư là con Thượng tướngTrần Phó Duyệt, nhân có công đánh giặc Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất được vua Trần Thái Tông nhận làm con nuôi và phong đến chức Phiên kỵ tướng quân rồi đến chức Thượng vị hầu. Sau Trần Khánh Dư mắc tội, bị triều đình giáng xuống làm dân thường phải đi bán than để kiếm sống ở Chí Linh.

Trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, ông được vua Trần Thánh Tông phục chức, được phong là Phó đô tướng quân.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3, Trần Khánh Dư chịu trách nhiệm giữ vùng bờ biển, không chặn nổi thuỷ quân giặc, để chúng qua được cửa An Bang tiến về Vạn Kiếp, Thượng hoàng được tin, sai Trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh trị tội. Trần Khánh Dư xin với Trung sứ: "Lấy quân pháp mà xử, tôi xin cam chịu tội, nhưng xin khất hai ba ngày để mưu lập công rồi về chịu búa rìu cũng chưa muộn". Trung sứ theo lời.

Trần Khánh Dư liệu biết quân giặc đi qua, thuyền vận tải chở nặng tất theo sau, nên thu thập tàn quân đón chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, ông đưa quân ra đánh, lấy được lương thực, khí giới và bắt được tù binh nhiều không kể xiết, còn bao nhiêu thì đánh đắm xuống biển. Tướng giặc Trương Văn Hổ phải xuống chiếc thuyền con chạy trốn về đảo Hải Nam mới thoát chết.

Ông được phong tước Nhân Huệ vương, mất năm 1329.

Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng

Trần Bình Trọng vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành, cha ông làm quan dưới triều vua Trần Thái Tông, có nhiều công lao được nhà vua ban quốc tính (họ Trần).

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, ông đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc (tức Thiên Mạc, nay là bãi Mạn Trù).

ông chiến đấu rất ngoan cường nhưng giặc quá đông bao vây vòng trong vòng ngoài, cuối cùng chúng bắt được ông.

Khi bị bắt, ông không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, ông không trả lời, cuối cùng chúng dụ dỗ: "Có muốn làm vương đất Bắc không?"

Ông thét to: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Ông đã anh dũng hy sinh.

Vua Trần Nhân Tông truy phong ông là Bảo Nghĩa vương.

Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản

Trần Quốc Toản là con Trung Thành Vương, cháu nội của Nhân Đạo Vương được phong là Hoài Văn hầu, mới 15 tuổi, vì không được dự hội nghị quân sự ở Bình Than bàn kế chống giặc Nguyên, căm thù giặc tay cầm quả cam bóp vỡ lúc nào không biết.

Ra về, Trần Quốc Toản huy động hơn nghìn gia nô và trai tráng trong vùng mua sắm vũ khí, đóng chiến thuyền để đánh giặc, may lá cờ đại, thêu sáu chữ vàng "phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua).

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, khi đối trận với giặc, Trần Quốc Toản tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Trần Quốc Toản đã góp vào chiến công to lớn ở Tây Kết và giải phóng kinh thành Thăng Long.

Trong trận chặn đánh giặc rút chạy trên sông Như Nguyệt, Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh, góp phần xứng đáng vào trận đại thắng Vạn Kiếp, quét sạch giặc Nguyên - Mông ra khỏi đất nước Đại Việt.

Vua Trần Nhân Tông vô cùng thương tiếc, đích thân làm văn tế truy tặng tước Hoài Văn Vương.

Điện Suý Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão

Phạm Ngũ Lão người làng Phù ủng, Đường Hào (nay là Ân Thi, Hưng Yên) sinh năm 1255, nhà nghèo, bố chết sớm, phụng dưỡng mẹ già rất hiếu thảo, là người thông minh lại ham đọc sách và rèn luyện võ nghệ nên làu thông văn võ.

Một lần Hưng Đạo Vương đưa quân đi tập trận rồi tắt đường qua làng Phù ủng để về Thăng Long. Chợt đoàn quân dừng lại, tướng tiên phong Nguyễn Chế Nghĩa quay lại, trước mặt Hưng Đạo Vương, thưa:

- Trình Đức Ông, dân chúng đều dẹp sang hai bên nhường đường cho quân trẩy qua, chỉ riêng có một người vẫn ngồi xếp bằng tròn trên đường đan sọt, quân lính quát thét không tránh, liền đâm mũi giáo mà người đó vẫn ngồi yên.

Hưng Đạo Vương thấy sự lạ liền xuống voi đến trước mặt chàng trai. Vương thấy chàng trai chừng 20 tuổi, đầu để trần, mặc áo rách nhưng dung mạo rất khôi ngô, tuấn tú, một bên đùi bị giáo đâm nhưng vẫn ngồi xếp bằng tròn đan sọt, mặc cho máu chảy đầm đìa, liền cúi xuống hỏi:

- Nhà ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm như thế sao không biết đau mà vẫn ngồi như vậy?

Chàng trai đó ngước nhìn lên thấy một vị tướng quân đã lớn tuổi, cằm vuông, mắt sáng, chòm râu đen nhánh đều đặn cân đối, nét mặt hồng hào, dáng uy nghi quắc thước mà vẫn lộ rõ vẻ nhân từ, liền kính cẩn thưa:

- Bẩm Đức Ông, tôi họ Phạm, tên Ngũ Lão, quê ở làng Phù ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng. Nhà nghèo, mẹ già yếu, ruộng đất không có, phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ. Tôi mải nghĩ mấy câu trong binh thư không biết có quân của Đức Ông trẩy qua, làm trở ngại việc quân, xin Đức Ông xá tội cho.

Hưng Đạo Vương thấy thần sắc, khẩu khí của Phạm Ngũ Lão xứng đáng là tướng cầm quân liền sai quân nhổ ngọn giáo vẫn cắm ở đùi Phạm Ngũ Lão, sai người lấy thuốc dấu đắp vết thương rồi hỏi:

- Hẳn tráng sĩ biết quân Nguyên - Mông đã chinh phục hàng chục nước Đông, Tây, Nhà Tống cũng đã bị đẩy xuống phía Nam, đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Chúng đã bị quân dân Đại Việt ta đánh bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, nay chúng đang gấp rút chuẩn bị để xâm lược nước ta một lần nữa. Hiện nay, trai tráng cả nước đang nô nức sắm sửa vũ khí, luyện tập võ nghệ, ta cũng đã soạn cuốn Binh thư yếu lược, hẳn tráng sĩ rõ chứ?

Phạm Ngũ Lão thưa:

- Bẩm Đức Ông, kẻ thứ dân này tuy ở nơi thôn dã, xa cách thị thành, song cũng biết giặc Nguyên - Mông đã động binh, rắp tâm xâm lược nước ta nên đã cùng trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ đầu quân giết giặc, đền nợ nước...

Hưng Đạo Vương hài lòng, gật đầu khen:

- Tráng sĩ có chí lớn như vậy ta rất mừng, hiện ta đang chiêu mộ quân lính, kén chọn tướng tài để cầm quân giúp nước. Ta muốn đưa ngươi về trang ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ, tráng sĩ có vui lòng chăng?

Phạm Ngũ Lão chưa kịp trả lời thì Đức Ông nhìn thấy trong chiếc sọt đan dở có quyển sách liền hỏi:

- Tráng sĩ đọc sách trong khi đang đan sọt hay sao, cho ta xem qua được không?

Phạm Ngũ Lão ngập ngừng thưa:

- Bẩm Đức Ông, quyển sách này tôi chỉ ghi lại đôi điều cảm nghĩ khi đọc sách của người xưa.

Nói rồi, kính cẩn dâng sách lên. Đức Ông nhìn thấy trang đầu ghi dòng chữ: "Dùng binh cốt chọn quân tinh nhuệ, không cần nhiều". Trang tiếp theo có bài thơ:

Hoành giáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu,
Nam nhi vi liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

Tạm dịch:

Vung giáo non sông trải mấy thu
Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu
Trai chưa trả nợ công danh được
Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu

Xem xong, Vương càng hài lòng nhắc lại:

- Tráng sĩ tỏ ra là người thao lược, ta rất quý trọng. Ta muốn đưa về trang ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ có vui lòng không?

Ngũ Lão thưa:

- Bẩm Đức Ông, tôi rất muốn đầu quân, nhưng vì còn vướng mẹ già, xin phép Đức Ông cho tôi về thưa đã...

Hưng Đạo Vương xúc động trước tấm lòng hiếu thảo của Ngũ Lão liền truyền lấy mấy tấm lụa và hai mươi nén bạc trao cho Ngũ Lão, nói:

- Ta tin một người mẹ đã sinh ra người con như tráng sĩ ắt vui lòng cho con đầu quân giết giặc. Ta có chút quà nhỏ gửi biếu bà mẹ, tráng sĩ sớm đến với ta.

Phạm Ngũ Lão xúc động, vái lạy Đức Ông và xin được về thưa với mẹ rồi tới quân doanh ở Vạn Kiếp trình diện.

Nửa tháng sau, khi đã trình với mẹ và điều trị lành vết thương, Phạm Ngũ Lão được mẹ và dân làng tiễn đưa lên đường đầu quân giết giặc.

Phạm Ngũ Lão đến trang ấp Vạn Kiếp ra mắt Đức Ông, được Quốc công niềm nở đón tiếp. Biết tài của Phạm Ngũ Lão, Vương giao cho cùng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng huấn luyện quân sĩ.

Sau một thời gian luyện quân, Hưng Đạo Vương tiến cử Phạm Ngũ Lão với nhà Vua cho coi quân Cấm vệ là đội quân tin cậy, làm nhiệm vụ bảo vệ Vua và Cấm thành.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công to lớn ở Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang và được phong đến chức Kim Nghiêu đại tướng quân.

Ông được Hưng Đạo Vương rất yêu mến, đem con gái nuôi là Anh Nguyên quận chúa gả cho.

Phạm Ngũ Lão phục vụ trải 3 đời Vua nhà Trần, được phong đến chức Điện suý thượng tướng quân.

Ngày 1 tháng 11 năm 1320 (Canh Thân) Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ Vua ban ở vườn cam trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt.

Khi ông mất, dân làng Phù ủng lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ ở phía tây làng.

Nhiều nơi trong nước lập đền thờ Phạm Ngũ Lão.

Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa

Nguyễn Chế Nghĩa người làng Cối Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương, có tài võ nghệ, lại làu thông binh pháp.

Được Hưng Đạo Vương thu nhận làm gia tướng. Nguyễn Chế Nghĩa lập nhiều công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba, ông đã giết được hai tướng giặc là Trương Ngọc và A-bát-xích.

Nguyễn Chế Nghĩa được Vua Trần Anh Tông rất yêu mến, gả con gái là Ngọc Hoa công chúa cho và được phong là An Nghĩa đại Vương.

Khi ông mất được làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm - Hà Nội) thờ làm Thành hoàng.

Chưởng sử quan Lê Văn Hưu

Tháng Giêng năm Nhâm Thân (1272) dưới triều Vua Trần Nhân Tông, Chưởng sử quan Lê Văn Hưu đã hiến dâng bộ quốc sử lấy tên là Đại Việt sử ký. Đây là bộ sử đầu tiên của nước Đại Việt ta gồm 30 quyển.

Lê Văn Hưu  sinh năm Canh Dần (1230), quê hương nay là làng Rị, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Là người chép sử đầu tiên của dân tộc ta, ông đã nổi tiếng thần đồng khi còn là cậu học trò nhỏ ở giáp Phủ Lý, huyện Đông Sơn, Phủ Lộ, Thanh Hóa.

Truyện kể rằng, hồi Lê Văn Hưu là học trò thầy họ Nguyễn ở làng Cổ Bôn, hằng ngày đi học thường dừng chân bên quán thợ rèn ở đầu làng để xem.

Một hôm, Lê Văn Hưu xách túi đứng xem bác thợ rèn dùi xiên tò mò hỏi:

- Bác này! Ông tổ nghề rèn của ta là ai đó?

Thấy thằng bé mới lên mười tuổi mà đã biết hỏi vặn vẹo, bác thợ rèn liền ra câu đối, đối được thì được thưởng, không đối được thì phải ở đây quai búa, khi nào đối được mới cho về!

Bác thợ rèn chỉ vào lò rèn đọc:

- “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, rèn nên dùi sắt”. Đối đi!

Lê Văn Hưu  cười:

- Chả khó mấy! - Rồi vỗ vào túi đối ngay - “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giật lấy khôi nguyên!”.

Bác thợ rèn trợn tròn mắt khen:

- Ta xin thua rồi đó!

Rồi bác thưởng cho Lê Văn Hưu  30 đồng tiền để mua giấy bút.

Quả nhiên, qua dùi mài kinh sử, năm Đinh Mùi (1247), Lê Văn Hưu  đỗ Bảng nhãn vào đúng lúc 17 tuổi đời. Ông làm quan dưới ba triều Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông.

Sau khi đỗ Bảng nhãn, Lê Văn Hưu được triều đình phong chức Hàn lâm viện học sĩ, lại được Vua Trần Thái Tông ủy thác cho việc dạy dỗ hoàng tử Trần Quang Khải và năm 1262 được Thượng hoàng Thái Tông giao cho biên soạn bộ quốc sử đầu tiên của đất nước ta.

Năm 1275, ông được giữ chức Binh Bộ Thượng thư. Ông mất năm 1322, thọ 93 tuổi.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu