A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời

(Tiếp theo kỳ trước)

Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta năm 1858 và dưới ách thống trị của chúng ngót một thế kỷ, nhân dân ta không cam chịu nô lệ đã liên tiếp vùng dậy cầm vũ khí để giải phóng dân tộc.

Dưới đây là một số cuộc khởi nghĩa chống Pháp quan trọng nhất trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời.

1. Khởi nghĩa Trương Định (1859 – 1864)

Năm 1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định. Trương Định tổ chức nghĩa quân chống giặc ở Gò Công, Tân An, được triều đình Huế giao chức Lãnh binh. Năm 1862, vua quan nhà Nguyễn hàng giặc, ra lệnh giải binh, nhưng Trương Định cương quyết kháng Pháp đến cùng, được nhân dân suy tôn là Bình Tây đại nguyên soái. Ngày 20/8/1864, Trương Định bị thương nặng đã rút gươm tự sát. Con trai là Trương Quyền tiếp tục chiến đấu đến năm 1867.

2. Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861 – 1868)

Năm 1861, Nguyễn Trung Trực (tức Nguyễn Văn Lịch) nổi dậy ở Tân An, chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu Hy Vọng (Espérance) của giặc Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông (12/1861), rồi lập căn cứ kiên trì chống giặc khắp vùng Rạch Giá, Hà Tiên và đảo Phú Quốc. Năm 1868, bị giặc bắt và đưa đi hành hình, ông đã hiên ngang nói thẳng vào mặt chúng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”.

3. Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887)

Năm 1886, Đinh Công Tráng cùng một số văn thân, thổ hào yêu nước: Phạm Bành, Nguyễn Khế, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước... lập chiến khu ở Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) tổ chức chống giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại.

4. Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885 – 1889)

Nguyễn Thiện Thuật (tức Tân Thuật) dựng cờ khởi nghĩa lập căn cứ kháng Pháp ở Bãi Sậy (thuộc hai huyện Văn Giang và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũ), suốt mấy năm trời kiên trì đánh du kích tiêu hao, diêu diệt địch. Đến năm 1889, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

5. Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886 – 1892)

Tống Duy Tân cùng với Cao Điền dựng cờ khởi nghĩa ở Hùng Lĩnh (Thanh Hóa) cùng lúc với cuộc khởi nghĩa Phạm Bành, Đinh Công Tráng... Sau khi nghĩa quân Ba Đình bị tan rã, Tống Duy Tân tạm thời giấu lực lượng rồi lánh sang Trung Quốc. Năm 1888, ông trở về Thanh Hóa, tổ chức lại nghĩa quân, xây cứ điểm, đánh địch sáu năm ròng, lập nhiều chiến công. Năm 1892, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Tống Duy Tân bị giặc bắt và hy sinh anh dũng.

6. Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896)

Năm 1885, Phan Đình Phùng hưởng ứng "Chiếu Cần Vương", mộ quân đánh Pháp, lập căn cứ ở vùng núi hai huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), cầm cự với giặc trên mười năm. Cuối năm 1895, Phan Đình Phùng lâm bệnh từ trần. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê tàn lụi dần. Đến đây cũng chấm dứt phong trào Văn thân chống Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (1885 - 1896).

7. Khởi nghĩa Yên Thế (1887 – 1913)

Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) là một cố nông, quê ở làng Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên) tham gia khởi nghĩa ở Sơn Tây rồi lên Yên Thế, theo Đề Năm chống Pháp trở thành lãnh tụ của nghĩa quân Yên Thế, bền bỉ chiến đấu suốt 25 năm, gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất. Bọn thực dân Pháp nhiều lần mở những cuộc tiến công lớn, hai lần phải đình chiến và dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ nhưng đều thất bại. Cuối cùng chúng phải lập mưu sát hại Hoàng Hoa Thám (10/12/1913) mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

8. Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917 – 1918)

Ngày 30/8/1917, Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) lãnh đạo binh lính yêu nước khởi nghĩa ở Thái Nguyên, phá nhà lao thả tù chính trị, làm chủ thị xã trong 6 ngày. Đến ngày 10/1/1918, cuộc khởi nghĩa  bị thực dân Pháp dập tắt (cuộc khởi nghĩa này có Lương Ngọc Quyến, con trai cụ Lương Văn Can, tham gia lãnh đạo).

9. Cuộc bạo động Lạng Sơn (1921)

Mùa Thu năm 1921, Đội Ấn (người Tày) huyện Cao Lộc, Lạng Sơn tổ chức cuộc bạo động, nghĩa binh đánh vào trại lính khố xanh gần Kỳ Lừa, nghĩa quân diệt được tên Cung Khắc Đản, Tuần phủ ở Pắc Lương, huyện Yên Lãng, ít ngày sau cuộc bạo động cũng bị thực dân Pháp dập tát.

10. Cuộc bạo động Yên Bái (1930)

Ngày 10/2/1931, cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy, nổ ra ở Yên Bái và một vài địa phương khác nhưng đã bị thực dân Pháp dập tắt nhanh chóng.

Hơn 80 năm thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, nhân dân ta đã liên tục vùng lên đấu tranh để tự giải phóng, song các cuộc khởi nghĩa đó đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu và đã thất bại.

Mặc dù vậy, các cuộc đấu tranh ấy đã biểu thị tinh thần quật cường của dân tộc và góp phần đưa tới thắng lời của cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu