A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Danh nhân thời Lê - Mạc

(Tiếp theo kỳ trước)

Quân sư Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi là khai quốc công thần bậc nhất của triều Lê sơ, người đã thảo "Bình ngô đại cáo" - một thiên cổ hùng văn bất hủ của dân tộc ta, một danh nhân văn hoá thế giới, được tổ chức kỷ niệm nhân dịp 600 năm ngày sinh (1980).

Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cha là Nguyễn ứng Long (tức Phi Khanh) quê xã Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương sau dời về ở làng Nhị Khê, Thường Tín (Hà Tây ngày nay), dạy học ở làng Chi Ngãi, Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (cháu 4 đời của Thái sư Trần Quang Khải).

Tháng 3/1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh lấy cớ đó đưa quân sang xâm lược nước ta. Trương Phụ đem quân đánh bắt được cha con Hồ Quý Ly cho giải về Trung Quốc, chúng đem theo cả Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng khóc theo cha đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con nên về để "đền nợ nước, trả thù nhà!".

Nghe theo lời cha dạy, Nguyễn Trãi trở về thì bị quân Minh bắt giam lỏng ở thành Đông Quan (Hà Nội) nhiều năm, Hoàng Phúc đã nhiều lần mua chuộc, dụ dỗ Nguyễn Trãi theo chúng, nhưng Nguyễn Trãi nhất định không nghe, chịu cảnh sống nghèo khổ bằng nghề dạy học để chờ thời cơ.

Sau Nguyễn Trãi đã cùng Trần Nguyên Hãn trốn vào Lam Sơn (Thanh Hoá) theo phò Lê Lợi. Nguyễn Trãi đã đem sách "Bình Ngô" không nói đến đánh thành mà chỉ chú ý vào việc thu phục lòng người. Sách được Lê Lợi chấp nhận và lấy làm tư tưởng chỉ đạo suốt cả cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Nguyễn Trãi được Lê Lợi tin dùng, cử làm quân sư, giữ luôn bên mình để bàn đại sự.

Theo kế sách của Nguyễn Trãi và sự thỉnh cầu của các tướng, ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418), Lê Lợi xưng là Bình định vương phất cờ khởi nghĩa, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh kéo dài suốt 10 năm gian khổ, nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, lúc nào Nguyễn Trãi cũng ở bên cạnh Lê Lợi để bàn mưu định kế.

Cuộc kháng chiến trường kỳ đó là một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng du kích chiến để tiêu hao sinh lực địch, nghĩa quân ngày một mạnh lên, đã dùng kế sách của Nguyễn Trãi là "vây thành diệt viện". Quân ta bao vây thành Đông Quan, thuyết phục giặc đầu hàng. Nhà Minh sai tướng An viễn hầu Liễu Thăng dẫn 10 vạn quân và Kiềm quốc công Mộc Thạnh dẫn 5 vạn quân theo hai đường sang cứu viện.

Lê Lợi đã theo kế sách của Nguyễn Trãi cử Đại tư đồ Trần Nguyên Hãn hạ thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng đến. Sau đó, Trần Nguyên Hãn dẫn quân đến mai phục ở Chi Lăng.

Ngày 20 tháng Chín năm Đinh Mùi (1427), nghĩa quân chém được đầu Liễu Thăng ở núi Mã Yên, làm nên chiến thắng Chi Lăng đánh bại 100 nghìn viện binh của nhà Minh.

Mười vạn viện binh của Liễu Thăng bị đại bại, đạo quân của Mộc Thạnh không đánh mà tan. Vương Thông bị vây trong thành Đông Quan, cùng kế phải "xin hoà".

Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lấy đức hiếu sinh cấp lương thực cho 10 vạn quân Minh được an toàn rút về nước.

Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Nguyễn Trãi được Lê Lợi uỷ thác thảo chiếu "Bình Ngô đại cáo" (Bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Tổ quốc ta).

Trong lễ mừng công ban thưởng sau chiến thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, chức Nhập nội hành khiển, Lại bộ thượng thư kiêm Quản công khu mật viện, nhưng Nguyễn Trãi không được vua Lê Thái Tổ tin dùng nữa, nên những hoài bão lớn lao, muốn xây dựng xã hội thịnh trị như thời Nghiêu, Thuấn đều không được thực hiện.

Nguyễn Trãi đã xin cáo quan về nghỉ ở Côn Sơn. Vui với rặng thông, rừng trúc, xa lánh triều đình lắm gian thần, nịnh hót. ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã sáng tác rất nhiều thơ văn cho hậu thế.

Trước khi mất, có lẽ Lê Lợi đã nhận thấy lỗi lầm của mình, đã dặn lại Thái tử Nguyên Long phải trọng dụng Nguyễn Trãi, nên Lê Thái Tông đã vời Nguyễn Trãi về kinh đô giúp việc nước. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng Nguyễn Trãi vẫn hăng hái đem hết tài trí để phục vụ cho dân, cho nước.

Nhưng không ngờ, sự kiện bi thảm nhất dưới triều Lê là cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông gây ra vụ án oan nghiệt giáng xuống Nguyễn Trãi và gia đình ông vào tháng 8 năm 1442 mà sử xưa gọi là vụ án "Lệ chi viên" (vụ án vườn vải).

Ngày 27 tháng Bảy năm 1442, Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng Tám, vua về đến Lệ chi viên thuộc huyện Gia Định (nay là Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40 được vua rất yêu quý vì sắc đẹp, văn thơ hay. Khi ở Lệ chi viên, vua đột ngột mất tại đó. Các quan bí mật đưa về kinh đô, nửa đêm ngày 6 tháng 8 mới phát tang.

Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án "tru di tam tộc" rất thảm thương.

Hai mươi năm sau, kể từ khi Nguyễn Trãi bị hại, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi và cấp cho con cháu Nguyễn Trãi 100 mẫu ruộng để dùng vào việc thờ cúng vị "khai quốc công thần" bị chết oan.

Trong khúc "Quỳnh uyển ca", vua Lê Thánh Tông viết:

"Ức Trai (là hiệu của Nguyễn Trãi) tâm thượng quang Khuê tảo" (Lòng Ức Trai sáng như sao Khuê)

Tướng quân Trần Nguyên Hãn

Trần Nguyên Hãn là một trong những người khai quốc công thần bậc nhất của triều Lê sơ.

Trần Nguyên Hãn là con Trần Án, cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.

Để mưu việc cướp ngôi vua, Hồ Quý Ly đã thẳng tay sát hại tôn tộc nhà Trần. Trước hoạ tru diệt huyết thống, năm Ất Sửu (1385), bà Lê Thị Hoàn đang lúc bụng mang dạ chửa đã phải chạy lên lánh nạn ở trang Sơn Đông (nay là xã Sơn Đông huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú), ngay sau khi chồng là Trần án và con trai cả bị Hồ Quý Ly sát hại. Bà cầu mong đứa con trong bụng sẽ là đứa con trai có tài cao, đức rộng, mai sau có thể rửa được thù nhà. Mong ước ấy bước đầu đã đạt được. Bà sinh Trần Nguyên Hãn vào lúc gia đình tan nát, sống trong cảnh thiếu thốn. Mặc dù là quý tộc nhưng bà không quản nắng mưa, tần tảo để nuôi con nên người.

Trần Nguyên Hãn từ bé đã thông minh xuất chúng, học đâu nhớ đấy và ngày càng tỏ rõ là người có chí lớn. Bà đã rau cháo nuôi con đi học, mua binh thư cho con nghiền ngẫm, bà thường kể cho con nghe về công lao to lớn của tổ tông và mối thù nhà, bà khuyên dạy Trần Nguyên Hãn phải chịu khó rèn văn, luyện võ.

Trần Nguyên Hãn lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, quân Minh đã chiếm được nước ta, chúng thi nhau cướp bóc, giết hại dân lành. Nhiều lúc Trần Nguyên Hãn đã bầm gan tím ruột, nhưng cố nuốt hận, ra sức học tập văn võ, binh thư để mong mai sau "đền nợ nước, trả thù nhà".

Thấy con đã trưởng thành và có chí lớn, bà Lê Thị Hoàn trao cho con "thanh kiếm gia truyền" của cụ tổ bảy đời là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Bà nghiêm nghị nhìn con, nói:

- Cha con quý thanh bảo kiếm này hơn cả tính mạng mình. Cụ tổ bảy đời đã dùng nó để đánh giặc Nguyên - Mông. Nay giặc Minh sang giày xéo đất nước, giết hại dân mình, con là người có chí, có tài, hãy biết giữ lấy nó, làm rạng danh cho tổ tông.

Trần Nguyên Hãn quỳ xuống đỡ lấy kiếm quý, giọng nghẹn ngào nói:

- Con hiểu lòng mẹ. Con sẽ không để danh tiếng của thanh bảo kiếm này mai một. Con sẽ mài cho nó thêm sắc và dùng vào việc đại nghĩa.

Trần Nguyên Hãn bí mật chiêu tập trai tráng trong vùng Sơn Đông, lấy Rừng Thần làm nơi luyện tập để chờ thời cơ đánh giặc cứu nước.

Năm 1415, Trần Nguyên Hãn dẫn đầu nghĩa quần Rừng Thần hạ được thành Tam Giang, làm cho quân Minh phải kinh hồn bạt vía. Nghĩa quân của Trần Nguyên Hãn làm chủ cả vùng Bạch Hạc (Vĩnh Phú).

Gần tết năm Mậu Tuất (1418), giữa lúc Lê Lợi, Nguyễn Trãi và trên ba chục võ tướng đang dốc sức cho ngày khởi nghĩa thì tin vui chợt đến: danh tướng Trần Nguyên Hãn - người đã từng làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía - đem 200 quân cùng hàng trăm ngựa chiến từ vùng Bạch Hạc về tụ nghĩa với nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi cùng các tướng thân ra ngoài đón Trần Nguyên Hãn và nghĩa quân Rừng Thần.

Trần Nguyên Hãn đem quân theo về phò Lê Lợi và đã có nhiều đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Theo sáng kiến của Trần Nguyên Hãn, một mặt đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hoá, mặt khác Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi cử đem một nghìn quân đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hoá để mở rộng địa bàn hoạt động và để nghĩa quân tránh thế bị đánh cả hai đầu. Dưới sự chỉ huy tài giỏi của Trần Nguyên Hãn, chỉ trong ít ngày, toàn bộ vùng Tân Bình, Thuận Hoá được khôi phục. Theo lệnh của Trần Nguyên Hãn, nghĩa quân lấy kho lương của giặc cấp phát cho dân đang bị nạn đói. Nhân dân trong vùng vô cùng cảm ơn cứu mệnh của nghĩa quân Lam Sơn, hâm mộ tài đức của Trần Nguyên Hãn, hai vạn trai tráng các nơi kéo đến xin theo nghĩa quân.

Trong đợt phản công đánh quân Minh, Trần Nguyên Hãn được cử thống lãnh các lực lượng thuỷ binh đánh mũi phía đông. Lê Lợi tự chỉ huy đại quân đánh mũi phía tây, cả hai cánh quân phối hợp đánh dốc vào Đông Quan giết được nhiều giặc, buộc Vương Thông phải rút vào thành cố thủ.

Để giải vây thành Đông Quan, Minh Tuyên Đức đã cử Liễu Thăng và Mộc Thạch đem 15 vạn binh chia làm 2 đạo sang cứu viện.

Lập tức Lê Lợi cho triệu các tướng đến bản doanh, rồi theo kế của quân sư Nguyễn Trãi, quyết định:

- Đánh thành Đông Quan lúc này là hạ sách, thành kiên cố vững chắc đánh hàng tháng, hàng năm không hạ nổi, quân ta sức mệt, chí nản. Nếu viện binh của giặc đến thì mặt trước mặt sau ta đều bị giặc đánh, đó là con đường nguy. Sao bằng nuôi lấy sức quân, giữ lấy nhuệ khí để đợi viện binh giặc. Viện binh giặc bị phá thì quân trong thành tất phải hàng. Làm một việc được cả hai, đó mới là toàn kế vậy.

Nguyễn Trãi bàn thêm:

- Trong hai đạo viện binh thì đạo của An viễn hầu Liễu Thăng cậy có quân lắm ngựa nhiều cần phải dốc sức đánh trước. Muốn diệt được đạo quân này, trước hết phải hạ được thành Xương Giang đã. Bởi vì thành này nằm trên lộ Lạng Sơn đến Đông Quan. Đánh Xương Giang là đánh thông đường để đại binh ta lên Lạng Sơn chặn giặc.

Lê Lợi nóng nảy:

- Ta đã phái các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú phối hợp với quân dân Lạng Sơn, Khoái Châu vây đánh thành Xương Giang cùng với các tướng Trần Lựu, Lê Bôi đi đánh Khâu Ôn từ mấy tháng nay rồi. Thành Khâu Ôn đã hạ được mà thành Xương Giang thì chưa. Các tướng ấy sao nỡ phụ lòng ta đến thế!

Trần Nguyên Hãn nói:

- Tâu vương thượng, Xương Giang là một thành kiên cố. Tường thành cao và dày. Ngoài thành có hào sâu bốn bề bao bọc, địa thế lại hiểm trở.

- Quân giặc ở đấy có bao nhiêu? Lê Lợi dịu giọng hỏi Trần Nguyên Hãn.

- Giặc không đông lắm. Nhưng tướng giặc gồm bọn Kim Dận, Lý Nhậm, Cố Phúc, Phùng Trí là bọn am hiểu binh thư, lại cố chết chống lại. Bọn giặc ấy cũng đã bắt hàng vạn sĩ dân vào thành làm bia đỡ đạn nên việc đánh thành thật là khó.

- Quan Tư đồ lại phải ra tay mọt phen mới được - Lê Lợi nói, dáng quả quyết - phải hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng đến. Tình thế gấp lắm rồi. Quan Tư đồ hãy sửa soạn đi ngay.

Lại một lần nữa, Trần Nguyên Hãn vâng mệnh Lê Lợi đem quân đến một mặt trận khó khăn và quan trọng. Vừa đến Xương Giang, Trần Nguyên Hãn đã ra sức khích lệ quân dân quyết hạ thành bằng được. Là người tinh thông binh pháp và có tài dụng binh, sau khi đi xem xét địa thế. Trần Nguyên Hãn đã có một kế sách đánh thành rất táo bạo.

Ngày 8 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), kế đánh thành thần diệu đặt dưới quyền thống lĩnh của Trần Nguyên Hãn đã diễn ra nhanh chóng và quyết liệt. Kế đánh kỳ diệu của Trần Nguyên Hãn, lòng dũng cảm vô song của dân chúng và nghĩa quân Lam Sơn, đã buộc giặc phải quỳ gối đầu hàng. Chiến trận diễn ra chưa đầy 1 giờ. Các tướng giặc đều bị bắt sống và bị giết trong đám loạn quân.

Tin thắng trận nhanh chóng bay về Đông Quan ngoài dự đoán của Lê Lợi và Nguyễn Trãi.

Lê Lợi phấn khởi nói:

- Đại Tư đồ Trần Nguyên Hãn không phụ lòng ta. Tài cầm quân của quan Đại Tư đồ quả là bản triều không ai sánh được. Ta không ngờ thắng nhanh đến thế. Ta lại phải phái quan Tư đồ lên Chi Lăng chặn Liễu Thăng một phen mới xong.

Theo lệnh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn lại một lần nữa thể hiện tài năng cầm quân xuất chúng của mình. Ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi, Liễu Thăng kiêu ngạo tự đốc xuất quân tiên phong từ ải Pha Luỹ tràn xuống Chi lăng. Lập tức Trần Nguyên Hãn, Lê Sát tung quân ra phục đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Các trận đánh diệt viện binh diễn ra suốt tuyến đường từ Chi Lăng về Xương Giang. Nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của viên dũng tướng tài giỏi, dày dạn kinh nghiệm, chỉ trong 25 ngày đã đánh bại 10 vạn viện binh hùng tướng mạnh của nhà Minh. Trong chiến công vang dội ấy, Trần Nguyên Hãn nổi lên như ngôi sao sáng chói.

Cuộc kháng chiến chống quân Minh hoàn toàn thắng lợi sau 10 năm gian khổ, vào sinh ra tử có công lao to lớn của Trần Nguyên Hãn. Tháng 11 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi mở đại hội các quan văn võ luận ban công thưởng đã phong cho Trần Nguyên Hãn chức Tả tướng quốc (chức quan võ cao nhất lúc đó).

Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm

Người được dân gian truyền tụng và suy tôn là "Nhà tiên tri" số một của nước ta là Trạng Trình, vì ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình". Một điều khá lý thú là cách đây ngót 500 năm, ngay trang đầu của tập "Trình tiên sinh quốc ngữ" của Trạng Trình có ghi: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Ông đã khẳng định nước ta tên là Việt Nam. Một sự tiên đoán vô cùng chính xác.

Trạng Trình mà nhân dân thường gọi chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên huý là Văn Đạt, vì ông đỗ Trạng nguyên, sau được phong là Trình quốc công.

Nguyễn Bỉnh Khiêm người làng Trình Tuyền (Trung Am) huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491) đời vua Lê Thánh Tông, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, tư chất khác thường, một tuổi ông đã nói sõi, lên năm tuổi được mẹ dạy cho kinh sách, truyền miệng cho thơ văn chữ Nôm, ông học đâu nhớ đấy, không quên chữ nào.

Lớn lên được theo học cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Ông đã sáng dạ, thông minh lại nết na, chăm chỉ học hành nên được thầy rất khen ngợi.

Vì tình hình đất nước không ổn định nên mãi đến năm Giáp Ngọ (1534), khi 43 tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi, đỗ ngay giải Nguyên, năm sau đi thi Hội, lại đỗ Hội nguyên, đi thi Đình, đỗ ngay Trạng nguyên.

Ông làm quan cho nhà Mạc được tám năm, đến đời Mạc Phúc Hải, thấy triều đình lắm kẻ gian thần, lộng quyền, đục khoét, ông dâng sớ chém mười tám lộng thần đều là những kẻ quyền quý cả. Vua Mạc không nghe. Ông trả lại mũ áo, cáo quan về mở trường dạy học. Ông dựng một cái am nhỏ bên hồ đặt tên là am Bạch Vân và lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ.

Ông vốn là người tha thiết với việc dân, việc nước, song vì triều đình đổ nát, trăm quan hư hỏng, ông không muốn đem thân vào chốn đua chen nịnh hót, dấn mình vào đám bùn nhơ ô uế. Bởi thế phải xa lánh công danh vê quê ẩn dật, ông vẫn đem hết tài trí và tâm huyết truyền cho đám học trò, ngầm mong họ sẽ thay ông giúp đời cứu nước. Nhiều học trò danh tiếng của ông như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử, sau này quả đã nối được chí thầy.

Dân gian truyền tụng nhiều về những câu nói có tính chiến lược của Trạng Trình đã giúp cho các vua chúa thời ông sống được vẹn toàn.

Trước là với vua Lê - chúa Trịnh

Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, đã diệt hầu hết tôn tộc nhà Lê. Sau có cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim khởi binh ở Sầm Nưa (Lào) chống lại nhà Mạc. Nguyễn Kim tìm được một người cháu (hậu duệ của vua Lê Thái Tổ) đem về lập làm vua tức là Lê Trang Tông.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết, binh quyền nằm cả vào tay con rể là Trịnh Kiểm.

Năm 1556, Lê Trung Tông (con Lê Trang Tông) mất lại không có con nối ngôi, Trịnh Kiểm trù trừ tìm người dòng dõi nhà Lê nối ngôi, muốn tự mình lên ngôi vua. Không biết nên thế nào cho phải, Trịnh Kiểm bèn bàn với Phùng Khắc Khoan. Phùng Khắc Khoan cũng phân vân, mới sai người đi Vĩnh Lại hỏi thầy mình là Trạng Trình. Nghe người đó trình bày xong, Trạng Trình không nói gì cả, chỉ ngoảnh lại bảo người nhà rằng:

- Năm nay lúa không tốt, vì thóc giống không chắc. Chúng bay nên tìm thóc cũ gieo thì tốt.

Nói xong, Trạng chống gậy đi chơi chùa. Khách đi theo, Trạng nói với nhà sư chứ không nói với khách:

- Nhà sư chăm cúng Phật mà ăn oản nhé.

Khách về nói lại với Phùng Khắc Khoan. Phùng Khắc Khoan trình bày với Thái sư Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hiểu thâm ý của Trạng Trình khuyên là hãy tôn phò nhà Lê lên làm vua cho thuận lòng dân, bèn sai người đến làng Bố Vệ rước Lê Duy Bang là cháu 6 đời của Lê Trừ (anh thứ hai của Lê Lợi) về lập làm vua, tức là Lê Anh Tông.

 Sau với Chúa Nguyễn

Từ khi thay bố vợ là Nguyễn Kim cầm binh quyền, Trịnh Kiểm sợ hai em vợ là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng tranh giành quyền bính, nên đã giết Nguyễn Uông và ngấm ngầm định giết nốt Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng sợ hãi, sai người tìm đến hỏi Trạng Trình xem nên làm thế nào để thoát khỏi âm mưu của Trịnh Kiểm.

Được hỏi nhưng Trạng Trình không trả lời ngay, chỉ chống gậy ra sân, ngắm hòn non bộ, nhìn đàn kiến đang "leo núi" mà nói bâng quơ rằng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một dải núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời).

Nguyễn Hoàng hiểu ý mới về nói với chị gái (vợ Trịnh Kiểm) xin cho mình vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Trịnh Kiểm nghĩ Thuận Hoá là nơi biên cương cùng đường, tuyệt lộ, đất cằn, người thưa, dẫu Nguyễn Hoàng có phản nghịch thì chẹn đường, sai tướng đánh dẹp là xong, còn hơn giết đi thì sợ thất nhân tâm, mà giữ ở lại thì lo ngay ngáy ngày đêm, nên đã đồng ý cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá vào năm Mậu Ngọ (1558).

Không ngờ Nguyễn Hoàng tự nhún mình, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi về phía Nam, một mặt thần phục họ Trịnh, thỉnh thoảng còn cho người ra Thanh Hoá xin viện binh đánh Chiêm Thành nữa. Đến khi đủ lực lượng, họ Nguyễn mới ra mặt tuyên chiến với họ Trịnh từ năm 1627, gây dựng nên cơ nghiệp các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Rồi với nhà Mạc

Mùa đông năm Ất Dậu (1585), nghe tin Nguyễn Bỉnh Khiêm lâm bệnh nặng, vua Mạc Mậu Hợp cử quan khâm sai về hỏi xin ý kiến Trạng về tương lai. Trạng Trình nói: "Cao Bằng tuy tiểu, khả dung sổ thế" (Cao Bằng tuy nhỏ cũng được vài đời).

Quả nhiên sau này bị thất bại, nhà Mạc đã chạy lên Cao Bằng, và còn tồn tại ở đấy được đến năm 1677 mới mất hẳn. Ngày nay ở Cao Bằng có nhiều người dân tộc thiểu số mang họ Mạc, chính là con cháu của nhà Mạc xưa.

***

Trạng Trình mất, thọ 95 tuổi. Lễ tang ông có quan phụ chính triều đình là ứng vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về dự. Việc vua Mạc cử người được vua coi như cha về dự lễ tang nói lên sự trân trọng rất lớn của nhà Mạc với Trạng Trình. Trong buổi lễ tang ấy, ứng vương đã thay mặt vua truy tặng Nguyễn Bỉnh Khiêm từ tước Trình tuyền hầu lên tước Thái phó Trình quốc công.

(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu