A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tận tâm vì hòa bình - Triết học Hồ Chí Minh qua “Nhật ký trong tù”

Hồ Chí Minh tận hiểu “Nhân hòa vạn vật”, trọn đời giải quyết mối quan hệ hòa hiếu giữa con người với con người, phấn đấu bằng mọi cách nhằm đạt mục đích lớn, hòa bình, hòa hợp,… không gây thù oán, tránh không xảy ra chiến tranh. Từ rất sớm Người viết tác phẩm Nhật ký chìm tàu (1930) thể tận: “Rằng đây bốn bể một nhà/ Cùng là bè bạn, cùng là thân yêu”...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 2000, tại Hà Nội, Nhà nước tổ chức Hội thảo Quốc tế “Việt Nam trong thế kỉ XX”cùng mở rộng nhận thức về những sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa Việt Nam mang tính khách quan từ nhiều phía. Chiến tranh Việt Nam kéo dài hơn 30 năm, sự kiện lịch sử mang tầm thức toàn cầu, cuộc chiến lâu dài, tàn bạo và khốc liệt nhất ở thế kỉ XX, được trao đổi nhiều. Ta thực sự ấn tượng bản tham luận của ngài Raymond Aubrac - nguyên Ủy viên Cộng hòa Pháp, đã nhiều lần trao đổi trực tiếp, tận tâm, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu tìm giải pháp hòa bình, căn bản giữ vững nguyên tắc độc lập, tự do, thống nhất… phù hợp với quyền lợi các bên trong hai cuộc chiến tranh Việt - Pháp và Việt Nam - Hoa Kỳ, tránh gây bao nỗi đau thương tang tóc cho binh sĩ cùng gia đình, người thân, cực khổ cho nhân dân các nước và làm tan nát đất nước Việt Nam.

Thấu hiểu tư tưởng hòa bình, nhân nghĩa của Hồ Chí Minh, ông thật sự đau buồn viết đôi dòng phẫn nộ: “Sau cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, người ta vẫn thật bất công khi mô tả Hồ Chí Minh như một người hiếu chiến…”. Là chứng nhân lịch sử, có tầm hiểu biết sâu sắc, thấu đáo với nhiều tài liệu, ông phê phán: “…Những người theo chủ nghĩa xét lại lịch sử có xu hướng quên hoặc bóp méo sự kiện nhằm che giấu trách nhiệm thực sự” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học).

Sau khi thua trận ở Việt Nam, một số người Pháp, Mỹ và vài nước khác cố tình hoặc chưa hiểu hết, vội vã đánh giá không công bằng vai trò của Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam một vài người, kể cả người có trình độ, trong lúc rỗi rãi đàm luận, bàn bạc mang tính giả thiết, “nếu không xảy ra chiến tranh”, v.v… và v.v… Họ đơn giản không xem xét trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tầm nhận thức hạn chế của nhà cầm quyền một thời, thậm chí có người giả dụ nếu theo đường lối, chủ trương, tư tưởng của nhà chí sĩ, học giả nổi tiếng Phan Chu Trinh thì…

Đúng như Ngài Raymond Aubrac từng phẫn nộ: “Thật bất công khi mô tả Hồ Chí Minh như một người hiếu chiến…”. Ta cùng lý giải.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sinh trong gia đình quan lại, trí thức, vất vả kiếm sống, sinh trưởng ở vùng quê nghèo nhưng giàu năng lượng tri thức, tích tụ hàng nghìn năm lịch sử hào hùng, hiển hách, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tỉnh thức nguyên lý “Nhân hòa” trong triết học phương Đông

Nguyễn Ái Quốc thấu hiểu nguyên lý triết học phương Đông, tinh lược, nhận thức hình thành sự sống của con người gồm ba thành tố căn bản: “Thiên - Địa - Nhân”. Một sự kiện hoặc nghiệp lớn thành công đòi hỏi phải biết gắn kết ba thành tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”. Đúc kết từ trải nghiệm hàng ngàn năm, cần nhận thức nguyên lý cực kỳ quan trọng: “Thiên thời không bằng địa lợi và địa lợi không bằng nhân hòa”.

Con người luôn thù hằn, chém giết lẫn nhau, xã hội rối loạn tất nhiên hai yếu tố thiên thời - địa lợi không có giá trị. “Nhân hòa” - con người sống trong hòa bình, hòa hợp cùng mưu cầu, phấn đấu cho cuộc sống có niềm vui vừa là mục đích, nguyên nhân, kết quả thành công của những sự kiện lịch sử, là yếu tố hàng đầu.
Hồ Chí Minh sáng tác tập thơ “Nhật ký trong tù”, bài thơ “Trời hửng” thấu tỏ nguyên lý, cảm thức tinh tế, bao trùm toàn bộ sự nghiệp lớn:

“Nhân hòa vạn vật đô hưng phấn”.(1)
Nam Trân dịch: “Người cùng vạn vật đều phơi phới”. (1)

Cụ thể và triết trung hơn về giá trị sống “Nhân hòa vạn vật…”, Hồ Chí Minh viết bài “Chào Xuân” mừng Tết Giáp Thân (1944): “Loài người lợi dụng cái luật tự nhiên của tạo hóa, chẳng những hưởng thụ cái hạnh phúc khoái lạc của mùa Xuân, và lại nhận cái không khí phồn vinh của ngày Xuân để sắp đặt cái kế hoạch hoạt động và sống còn… Trong tự nhiên thì Xuân này không khác gì các Xuân trước, nhưng trong xã hội thì Xuân này… giúp giùm sinh kế của loài người trong một năm mà nó sẽ quyết định vận mệnh của loài người trong bao nhiêu thời đại”(2)…

Hồ Chí Minh tận hiểu “Nhân hòa vạn vật”, trọn đời giải quyết mối quan hệ hòa hiếu giữa con người với con người, phấn đấu bằng mọi cách nhằm đạt mục đích lớn, hòa bình, hòa hợp,… không gây thù oán, tránh không xảy ra chiến tranh. Từ rất sớm Người viết tác phẩm Nhật ký chìm tàu (1930) thể tận:

“Rằng đây bốn bể một nhà
Cùng là bè bạn, cùng là thân yêu”.(3)

Con người trí tuệ, có cảm thức sáng tác thơ văn khi thấu hiểu “Nhân hòa vạn vật…” tất bình thản, vững tâm trong kiếp đời ngắn ngủi mà hòa vui, thơ ca, nghệ thuật thăng hoa giá trị sống, hòa ca cùng thiên nhiên vũ trụ. Nhà thơ lớn Hồ Chí Minh thả hồn bay bổng “cưỡi rồng lên thượng giới”, thức cảm hòa quyện, xuất thần tâm trí, cảm tác nhiều vần thơ trác tuyệt, ảo huyền như có, như không:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa…”

Nhận thức về chủ nghĩa thực dân

Đầu thế kỉ XX, trong thời gian hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng các nhân sĩ trí thức Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Tuyền,… thảo văn bản gửi nhân dân, các vị lãnh đạo chính phủ Pháp, Mỹ thể nguyện, ước mong giao hòa trong bản “Việt Nam yêu cầu ca”:


“Rằng nay gặp hội giao hòa
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng…
Rộng xin dân Pháp xét cho”…(4)


Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, nêu tám điều căn bản, đơn giản về quyền sống, mưu cầu hạnh phúc, nâng cao dân trí, tự do tham gia hoạt động xã hội,…

Nguyễn Ái Quốc viết: “Nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả… vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý… nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với nhân loại”(5).


Đấu tranh giành độc lập dân tộc bằng phương pháp hòa bình, nhân nghĩa, gợi mở nhân tâm, bác ái đến nhà cầm quyền Pháp không thành, Nguyễn Ái Quốc thức tỉnh: “Nếu ta chỉ trông chờ vào lòng tốt của chính phủ Pháp để thay đổi tình trạng hiện nay thì phải trông đợi không biết đến bao giờ…”(6).

 

 Nhân dân Thủ đô Paris chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp (tháng 7/1946)

Tận tâm ngăn ngừa chiến tranh Việt - Pháp

Gần 30 năm lặn lội vất vả khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, chủ trương: “Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn… không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái… Đoàn kết toàn dân, tranh thủ ngoại viện, đánh đuổi kẻ thù, khôi phục Tổ quốc”(7). Tư tưởng triết học “Nhân hòa vạn vật” một lần nữa Hồ Chí Minh đặt ra giải quyết mối quan hệ giữa con người với nhau, hòa thuận, hòa hợp, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái, giàu nghèo, khác với tư tưởng của một vài lãnh tụ cách mạng cùng thời trên thế giới. Và, Người kịp thời lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Tầm trí tuệ Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi, hầu như không đổ máu.

Từ ngàn xưa “Nhân hòa…” xuyên suốt trong tư duy sống “trông trời, trông đất, trông mây” của con người Việt Nam, Hồ Chí Minh trải lòng: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình, chúng tôi không muốn chiến tranh… Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng… Nếu phải kiến thiết trên đống hoang tàn thì thật là một điều tai hại”(8).

Viễn cảnh tồi tệ nhất, dai dẳng nhất, mang tính tàn bạo, Hồ Chí Minh vạch trần sự thực, còn gì hơn thế, nỗi đau mang tính khủng khiếp cho cả hai dân tộc.

Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu chính phủ tiến hành nhiều buổi đối thoại, đấu tranh với đoàn đại diện chính phủ Pháp, cuối cùng có kết quả bước đầu, Người đích thân ký vào bản Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, nội dung ghi rõ:

Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam cộng hòa là một quốc gia tự do có chính phủ của mình… ở trong khối Liên hiệp Pháp.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện, đón tiếp quân đội Pháp… đình chỉ ngay cuộc xung đột… cứ mỗi năm một phần năm (1/5) các đội quân sẽ về Pháp để quân đội Việt Nam thay thế. Vậy trong 5 năm, quân đội Việt Nam sẽ thay thế toàn số quân đội Pháp này…”.

Chính quyền Nhà nước Pháp thực hiện đúng theo nội dung Hiệp định sơ bộ đã ký, hòa bình, thân thiện và hợp tác phồn vinh sẽ đến với hai dân tộc Việt - Pháp.
Mặc dù trăm công nghìn việc, Hồ Chí Minh dành hơn ba tháng sang Pháp gặp gỡ các tổ chức chính trị, Đảng phái, nhân dân, các nhà báo và thành viên Chính phủ trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi thể hiện tấm lòng, nguyện vọng mong muốn hòa bình hữu nghị, xây dựng kiến thiết lại đất nước Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, Người từng chỉ rõ: “Liên hiệp Pháp sẽ có vai trò to lớn trong việc tổ chức xã hội loài người… Một tương lai xiết bao xán lạn lẽ nào lại không mở ra trước hai nước chúng ta. Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới”(9).

Chính phủ Pháp bội ước, phản lại bản hiệp định, quân đội Pháp quay trở lại xâm lược. Trước hoàn cảnh mới, Hồ Chí Minh viết bài phân tích tình thế chiến lược, chiến thuật trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhắc lại thành tố quan trọng “Nhân hòa...”, Người nhấn đậm hàng chữ: “NHÂN HÒA MỚI LÀ ĐIỀU KIỆN QUYẾT ĐỊNH: Điều kiện trừ diệt địch quân phải là điều kiện nhân hòa... Chúng ta được dân chúng ủng hộ, nhất định chúng ta được dư luận thế giới tán đồng... Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”.(10)

Thất bại Điện Biên Phủ là một thảm họa đối với nước Pháp và đồng minh. Hơn 10 năm sau (1966), Tổng thống Pháp De Gaulle nhận thấy sai lầm, viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh lời lẽ chân thành ân hận và sám hối: “... Một sự hiểu biết nhau nhiều hơn giữa người Việt Nam và người Pháp khi chiến tranh thế giới kết thúc, có lẽ đã ngăn ngừa được những biến cố cay đắng đã tàn phá nước ngài...”.

Năm 1993, Tổng thống Pháp F. Mitterrand sang thăm Việt Nam, tại nơi đây - chiến trường xưa Điện Biên Phủ - ngài Tổng thống đã cầu mong cho sự yên nghỉ vĩnh hằng của binh lính Pháp và bộ đội Việt Nam đã hy sinh và thành tâm nhận định tầm nhìn siêu việt Hồ Chí Minh: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được, dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập. Ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh”.

Lời xác quyết có trọng trách cao cả của Tổng thống Pháp, câu trả lời đanh thép giải thiêng cho tâm nguyện trọn đời tìm kiếm hòa bình của Danh nhân văn hóa – Nhà hiền triết Hồ Chí Minh.

Ngăn ngừa chiến tranh Việt Nam – Hoa Kỳ

Đầu thế kỷ 20, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là một trong những nước lớn có sức mạnh chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự hàng đầu, có nhiều quyết định mang tính chiến lược trên bàn cờ thế giới.

Năm 1942 và những năm tiếp theo, tại cuộc họp giữa lãnh đạo các nước lớn ở Cairo, Tehran, Yalta ..., Tổng thống Mỹ F. D. Roosevelt có tầm nhìn cởi mở đối với các nước thuộc địa, ở Đông Dương, cần thiết chế: “... chế độ ủy trị thay cho việc để Pháp lập lại chính quyền”. Kịp thời nắm bắt, Hồ Chí Minh chủ động cùng hai thanh niên chiến sĩ cách mạng quyết định vượt muôn trùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn, thời gian này đường đi chưa hình thành, phải vượt hơn ngàn cây số đường rừng hẻo lánh, heo hút tìm đến tổng hành dinh của Tướng Chennault, Chỉ huy Quân đội Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc. Sau khi liên hệ được gặp, tại buổi đón tiếp, Trung úy C. Fenn ghi lại: “C. Chennault cảm ơn ông Hồ đã cứu sống Trung úy. Ông Hồ ghi nhận cả hai, tuyên bố rằng ông vui lòng khi được giúp đỡ người Mỹ và nhất là tướng C. Chennault mà ông ngưỡng
mộ”.(11)

Hồ Chí Minh tổ chức bữa tiệc mời sĩ quan quân đội Mỹ, ông Hoàng Quốc Việt nhớ lại: “Bác đón tiếp phái đoàn Mỹ hết sức nồng hậu. Do tài ngoại giao khéo léo của Bác, những người Mỹ dự tiệc đều tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Việt Minh”.(12)

Được lệnh của Tổng thống Mỹ, Đại đội “Con nai” thuộc Cục Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ do Thiếu tá Thomas chỉ huy, nhảy dù xuống làng Kim Long, chiến khu Tân Trào, theo đó nhiều chuyến máy bay đã thả xuống hơn chục tấn vũ khí, đạn dược, khí tài thông tin liên lạc, thuốc men..., số vũ khí, khí tài đã trang bị cho lực lượng quân đội ta mới thành lập, thật đáng quý.

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, chúng ta tuyển chọn khoảng 200 chiến sĩ có sức khỏe, trí tuệ, được sĩ quan quân đội Mỹ huấn luyện sử dụng súng đạn và giảng dạy chiến lược, chiến thuật đánh trận... bản thân Người cũng tham gia một số buổi tập luyện.

Với bút danh Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh viết: “Thiếu tá Thomas... giảng bài quân sự cho các thanh niên Việt Minh... Người Mỹ và người Việt Nam trở thành những đôi bạn thân thiết, họ chung sống với nhau.”(13).

Tổng thống Mỹ F.D.Roosevelt qua đời, người kế nhiệm là Tổng thống Truman có chính sách hoàn toàn ngược lại. Lịch sử thật trớ trêu chỉ vì một số người cầm quyền có tư duy mang tính cứng nhắc, không sáng suốt xử lý những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mang lại đau khổ, tàn hại cho nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trong trường kỳ lịch sử của xã hội loài người, nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra, nhưng hiếm có một vị nguyên thủ quốc gia nào có tầm nhìn xuyên suốt, phân biệt giữa kẻ cầm quyền tham lam, hung bạo với người dân yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh ở ngay tại nước thù địch. Hồ Chí Minh sáng suốt liên tục hàng năm (1966 - 1969) vào dịp Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch, viết thư lời lẽ chân tình, bày tỏ thiện chí hòa bình với nhân dân Mỹ, các tổ chức chính trị đoàn thể, hội nghiệp đoàn lời chúc tốt đẹp và thể nguyện: “Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại…”(14).

Phản tỉnh và xám hối là quy luật tất yếu của con người trí tuệ, tìm nguyên nhân thành công, thất bại từ nhiều phía là bản năng tự thân của nhà nghiên cứu khoa học chân chính. Ngài cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.M.Namara, nhà chiến lược, kiến trúc sư hàng đầu, hoạch định chính sách của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, viết sách thú nhận: “Các chính phủ Kennedy và Johnson của chúng ta đã đưa ra nhiều quyết định chiến tranh… và họ đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng ta phải có trách nhiệm giải thích điều này cho các thế hệ tương lai…”.

“Chúng ta… sai lầm khủng khiếp…” vài từ đơn giản mà xác quyết, giải thiêng, nhận lỗi về chính quyền Mỹ một thời và nâng tầm tư tưởng triết học “Nhân hòa” của nhà hiền triết, Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Lê Cường
(Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

--------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 1995, tập 3, trang 422
2. Sđd, tập 3, trang 445
3. Hồ Chí Minh, Truyện và Ký, NXB Văn học, 1985, trang 358
4. Sđd, tập 1, trang 438
5. Sđd, tập 1, trang 436
6. Hồ Chí Minh hiện thân văn hóa hòa bình, NXB Văn hóa Sài Gòn-2005, trang 35
7. Sđd, tập 3, trang 452
8. Sđd, tập 4, trang 473
9. Sđd, tập 4, trang 285
10. Sđd, tập 4, trang 463
11. Báo Quân đội nhân dân, thứ bảy ngày 13/5/1995
12. Hoàng Quốc Việt – Con đường theo Bác, NXB Thanh niên, trang 60
13. Những người khách của Cụ Hồ - Nhân dân Chủ nhật, 20/5/1990
14. Sđd, tập 12, trang 3


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm