A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vật chất và tinh thần - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh qua Nhật ký trong tù

Trong tiến trình phát triển, rất ít nhân vật lịch sử sinh ra theo mệnh được định sẵn từ lâu: “… Nam Đàn sinh Thánh”, đặng thúc đẩy sự nghiệp cao cả, chuyển hóa vận hội ngày càng tốt đẹp của dân tộc, cùng góp phần đáng kể vào sự tiến hóa của xã hội loài người. Ghi nhận cuộc đời, công lao, sự nghiệp vĩ đại của nhân vật lịch sử đó, các tổ chức xã hội, giáo sư, tiến sỹ có trách nhiệm thường tận hiểu, đánh giá với lời ca ngợi hiếm có, dựng nên tượng đài uy danh: “… Huyền thoại ngay khi còn sống”. Hồ Chí Minh nằm trong số đó.

 Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh

Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được Nhà nước trân trọng, cất giữ là bảo vật quốc gia, theo nhu cầu dịch ra nhiều thứ tiếng và đánh giá cao trên văn đàn trong, ngoài nước. Cuốn “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh tự tay đánh số từ bài 1 đến bài 133. Một điều đặc biệt, vì sao bài thơ trang đầu không đánh số và không ghi đầu đề, hẳn tác giả có ẩn ý, ta cần lý giải. Bài thơ thật súc tích, triết lý đa nghĩa theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ 4 câu).

               Toàn văn bài thơ:

               Thân thể tại ngục trung
               Tinh thần tại ngục ngoại
               Dục thành đại sự nghiệp
               Tinh thần cánh yếu đại.

               Tác giả Nam Trân dịch:

               Thân thể ở trong lao
               Tinh thần ở ngoài lao
               Muốn nên sự nghiệp lớn
               Tinh thần càng phải cao.

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 265, NXB Chính trị Quốc gia, 1995)


Câu đầu bài thơ “Thân thể ở trong lao”, tác giả chỉ ra thân thể đang bị giam trong lao, hai từ thân thể, trong lao là khái niệm vật chất trong triết học, các giác quan con người chạm thấy, cảm nhận, có thể hình dung, diễn tả bằng ngôn ngữ hoặc cân, đo, đếm,... theo tiêu chí trong tư duy khoa học và nhân văn.(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 265, NXB Chính trị Quốc gia, 1995)

Câu thứ hai “Tinh thần ở ngoài lao” hàm chứa những giá trị: tinh thần, ý thức, ý niệm, tư duy, tư tưởng, niềm tin… là khái niệm phi vật chất trong triết học. Từ ngoài lao là ở đâu? Hồ Chí Minh không định hình vị trí, nơi chốn cụ thể, bao quát rộng lớn đầy niềm tin và tinh thần được trải khắp: “Cưỡi rồng lên thượng giới, tự do thưởng ngoạn không ai cấm, thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh, chuông giục chùa xa, anh đã về nơi suối vàng”... tinh thần tồn tại ở ngoài lao trong các cảnh giới hồn nhiên tự tại, mang tính ẩn dụ trong văn thơ, nhiều nghĩa trong triết học rộng mở thông ba cõi theo chiều kích không gian, thời gian.

Câu thứ ba “Muốn nên sự nghiệp lớn”, Hồ Chí Minh nhận mình đã và đang còn sự nghiệp lớn ở phía trước. Hai mươi năm trước đó (1924), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trả lời nhà báo về sự nghiệp lớn của mình: “… Tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi… chúng tôi là những người bị đô hộ… và tương lai của các dân tộc thuộc địa tùy thuộc vào “tinh thần hy sinh của chúng tôi” (Sđd, tập 1, trang 482).

Câu thứ tư”Tinh thần càng phải cao”, lần thứ hai Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đề cao giá trị tinh thần, giữ vững niềm tin, kiên cường vượt qua năm tháng tù đày cùng cực, giành tâm trí, thân mệnh cho sự nghiệp lớn.

Một số nhà nghiên cứu đánh giá bài thơ là thể loại đề từ. Từ điển Tiếng Việt giải thích: “Câu ngắn gọn, cô đọng dẫn ra ở đầu tác phẩm để nói lên tư tưởng chủ đạo của tác phẩm”.

Nội dung bài thơ, chưa theo bước chân bị đày đọa trong lao tù, chủ yếu kiên định giữ vững tinh thần không lay chuyển, soi sáng hành động phải làm tròn sứ mệnh cao cả suốt đời.

MỐI QUAN HỆ GIỮA TINH THẦN VÀ VẬT CHẤT

Hàng nghìn năm nay, các nhà triết học luôn trao đổi hai khái niệm cơ bản của triết học, luận về giá trị vật chấttinh thần, thành tố nào có trước - có sau? Phải chăng tinh thần tuyệt đối sáng tạo, vận hành, ảnh hưởng đến vật chất? Vật chất được phản ánh, nhận thức, tác động đến tinh thần? Loài người có khả năng hiểu biết đến mức nào vạn thể vũ trụ?

Các triết gia duy tâm, trong luận thuyết nhận biết muôn vàn vật thể, vật chất trong vũ trụ bao la vô biên, vô cùng, không nơi bắt đầu và không nơi cuối cùng, mênh mang vô định, tư duy con người không vươn tới nổi. Từ đó cho rằng trên trời cao, các đấng Chúa trời, Thượng đế, Thánh thần sức mạnh vô tận, thế lực uy linh, là tinh thần tuyệt đối có trước, sáng tạo, sắp đặt vận hành muôn vàn vật thể vật chất theo quy luật hài hòa định trước.

Thời Hy Lạp cổ đại, triết gia Parmenides trong luận thuyết đã chỉ ra tinh thần, ý thức là căn nguyên của mọi sự vật, tinh thần tạo ra vật chất và khiến cho nó vận chuyển, sinh hóa, tinh thần là chủ thể, là tất cả những gì tồn tại. Sự sáng tạo của tinh thần để có muôn vàn những giá trị vật chất.

Giáo lý Nhà thờ thì khuyên tín đồ và con người cần từ bỏ lòng tham vật chất, là nguồn gốc, căn nguyên của tội lỗi, cần thoát khỏi sự cám dỗ bởi vật chất xa xỉ, hoang tàn, hướng tới tinh thần thuần khiết, thánh thiện và những điều tốt đẹp.

Trong khi đó, một số triết gia duy vật bác bỏ quan điểm duy tâm và cho rằng vật chất có trước tinh thần nhưng được phản ánh, nhận thức trong tinh thần.

Hai triết gia duy vật tiêu biểu là Mác và Lê nin chứng minh rằng bản chất thế giới là vật chất, tồn tại khách quan, có trước và độc lập với tinh thần, ý thức. Thế giới tồn tại có nhiều dạng vật chất, có mối liên hệ gắn bó cùng hòa hợp, kết cấu vật chất khác nhau nhưng chịu sự chi phối hài hòa theo quy luật. Vật chất tồn tại không sinh ra, không mất đi mà chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, vĩnh viễn, vô tận và được nhận thức, phản ánh trong tinh thần, ý thức con người.

Triết học Mác – Lênin lý giải tinh thần, ý thức là thuộc tính của một dạng vật chất sống, có tổ chức cao, là bộ óc con người. Tinh thần, ý thức nằm trong con người, không thể tách rời con người, quá trình hoạt động phản ánh của tinh thần, ý thức là kết quả hoạt động chủ động của con người.

Tác phẩm “Nhật ký trong tù” 

TRIẾT HỌC HỒ CHÍ MINH VỀ VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN

Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh chứng ngộ, khai sáng lẽ huyền diệu, dung thông 3 cõi Con người - Đất - Trời. Người từng chỉ dạy về thế chiến lược căn bản, quan trọng nhất mình phải đảm nhận cùng muôn người trong toàn bộ sự nghiệp lớn đưa dân tộc thoát khỏi cuộc sống nô lệ tối tăm, nhục nhã, tiến hành đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc theo tư tưởng triết học: “Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất” (Sđd, tập 5, trang 148).

Để hoàn thành sự nghiệp lớn, yếu tố quan trọng là tinh thần, Hồ Chí Minh so sánh cụ thể giá trị vật chất, tinh thần giữa hai nước Việt Nam và Pháp trong chiến tranh: “Về lực lượng vật chất, thì Pháp mạnh hơn ta thật. Chúng có xe tăng, đại bác, tàu chiến, máy bay… Ta thì hầu như hai bàn tay không… Nhưng về tinh thần và chính trị, thì ta mạnh gấp trăm gấp nghìn thực dân Pháp. Ta có chính nghĩa… sức đoàn kết chặt chẽ của toàn dân” (Sđd, tập 11, trang 443).

          Cùng nhận thức với một số nhà triết học, Hồ Chí Minh coi giá trị tinh thần là một thành tố tiềm ẩn sứ mệnh vượt trội; nếu biết động viên, khích lệ mạnh mẽ, sẽ biến thành lực lượng có sức sống lan tỏa, chuyển hóa sức mạnh vật chất không ngờ.

Giá trị tinh thần theo trục không gian

Phân tích những khó khăn và thuận lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, Hồ Chí Minh trải bày, mong muốn giành thắng lợi không chỉ đóng khung trong nội tình cách mạng Việt Nam, mở rộng theo chiều kích không gian đến nhân dân toàn thế giới. Người tận tâm tận lực gửi thư trực tiếp đến lãnh đạo một số nước lớn, đến các tổ chức chính trị xã hội, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, trả lời nhà báo trong nước và quốc tế bày tỏ giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam bằng phương pháp hòa bình. Hơn nữa, cử phái đoàn nhân sĩ trí thức, mặt trận, thanh niên, phụ nữ,… đến nhiều nước, tuyên truyền giải thích về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và giành được sự ủng hộ mọi mặt về vật chất, tinh thần. Nhân dân nhiều nước liên tục quyên góp vật chất, tổ chức mít tinh phản đối chiến tranh Việt Nam, trong đó có nhân dân Pháp và Mỹ. “Chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc,… ta có chính nghĩa … vì ta được nhân dân Pháp và phe dân chủ thế giới ủng hộ” (Sđd, tập 6, trang 163).

Hồ Chí Minh phân tích mối quan hệ bản chất giữa tinh thầnvật chất, khi tinh thần người lính không trong sáng, bị ép buộc, vũ khí tối tân cũng trở thành vô dụng: “Nói về người lính. Tinh thần anh lính đứng đằng sau khẩu đại bác của địch rất thấp, nên đại bác chỉ là một cục sắt. Còn bộ đội của ta chỉ có tiểu liên nhưng biết vì ai mà đánh, đánh như thế nào, nên tin ở kháng chiến nhất định thắng lợi, tin vào lực lượng tinh thần của dân ta...” (Sđd, tập 7, trang 113).

Trong lá thư gửi cho tướng Pháp Lơcléc, Hồ Chí Minh khẳng định một chân lý: “Ngài là một đại quân nhân ... nếu ngài mạnh về vật chất, thì chúng tôi đây mạnh về tinh thần, với một ý chí cương quyết chiến đấu cho tự do...”(Sđd, tập 5, trang 5).

Hồ Chí Minh coi trọng chiến lược giáo dục, động viên, khích lệ đưa đội quân bước đầu còn nghèo nàn, thiếu thốn với số lượng không nhiều dựng nên một đội quân dũng mãnh, kiên cường, bách chiến bách thắng, đánh tan các thế lực thù địch mạnh nhất trên hành tinh, làm nên những kì tích không ngờ ở thế kỷ XX đầy biến động.

Giá trị tinh thần theo trục thời gian

Viết chuyên mục trao đổi, luận bàn về phát triển tinh thần yêu nước, Hồ Chí Minh không chỉ coi trọng giá trị tinh thần theo trục không gian toàn cảnh Việt Nam và thế giới, mà tuyên truyền, gợi mở gương anh hùng cứu nước theo trục thời gian hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, tàng ẩn trong cội nguồn, căn cốt mỗi người con nước Việt: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn..., nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước… Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với Tổ tiên ta ngày trước”.

Theo trục thời gian, hàng nghìn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm oai hùng, hiển hách cần phải khai thác, phát huy mạnh mẽ đã thành nguyên lý triết học Hồ Chí Minh: “Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân…”(Sđd, tập 6, trang 171).

Tinh thần yêu nước lan tỏa trong trận chiến dũng cảm, không hề tiếc thân mình. Hồ Chí Minh hết lời ca ngợi: “Đồng chí Đàn đã cúi lưng làm giá súng...  Đồng chí Giót nhét mình vào lỗ châu mai… Và trăm nghìn anh hùng liệt sĩ khác đã ung dung làm những việc “Trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc”. Người tuy chết nhưng tiếng thơm vẫn lưu truyền mãi với non sông” (Sđd, tập 7, trang 387).

Tinh thần chiến đấu dũng mãnh vô song của quân dân Việt Nam đã nêu gương sáng, ý chí quật cường. Giá trị tinh thần không còn nhận thức nhỏ bé, vụn vặt trong quần thể cộng đồng dân tộc, vượt thông ba cõi Trời – Đất – Con người, và là tư duy triết học Hồ Chí Minh.

Giá trị tinh thần trong căn cốt Hồ Chí Minh

Sau hơn 30 năm lăn lộn khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh về nước với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không quân đội binh đoàn, vũ khí… không một chút vật chất nhưng mang trong tâm trí tinh thần kiên trì luôn hướng tới hoàn thành sự nghiệp lớn. Khi bị tù, Người tự răn phải giữ vững khí tiết, tinh thần vượt qua tháng ngày ác mộng qua bài thơ đầu. Bài tiếp theo, Người chợt nghe tiếng chày giã gạo văng vẳng đâu đây, được nhân cách hóa hiển hiện nguyên lý triết học:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”

Không hận thù, không căm giận, lòng bao dung, từ ái, Hồ Chí Minh coi ngày tháng sống trong tù bị hành hạ như quỷ đói, là nghiệp duyên tôi luyện ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn:

“Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”

(Sđd, tập 3, trang 350)

Thật nhân từ, triết lý vượt tầm, muốn sự nghiệp lớn đạt đỉnh cao thành công ư? Phải trầm trải nơi tận cùng của địa ngục trần gian! Gian nan rèn luyện là nguyên lý cân bằng cao – thấp trong triết học phương Đông.

Hồ Chí Minh viết bài “Tự khuyên mình” nhận thức tinh tế triết lý sống, hiển hiện quy luật tất yếu hài hòa vạn thể vật chất trong bản hòa tấu vũ trụ và sự sống, âm – dương hòa hợp trong triết học phương Đông, các cặp phạm trù: âm – dương, ngày – đêm, sáng – tối, thiện – ác, trai – gái, cứng – mềm, trắng – đen, thật – giả, mặt trăng – mặt trời và mùa Đông rét buốt tất đến mùa Xuân ấm áp. Người cảm khái:

“Ví không có cảnh Đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày Xuân”

Hiểu triết lý, nhẹ nhàng với điều phải đến rồi sẽ qua, là bước đệm theo nguyên lý cần có đến thành công, Hồ Chí Minh thanh thản:

“Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”

(Sđd, tập 3, trang 308)

Lòng kiên định của con người Cách mạng được tôi rèn và thấu hiểu sự nghiệp lớn – Hồ Chí Minh ngày càng dạn dày sương gió, từng vào tù, chịu án tử hình, đày đọa, hành hạ nhưng luôn vững vàng trước mọi biến cố cùng cực:

Vật chất tuy đau khổ
Không nao núng tinh thần.

(Sđd, tập 3, trang 388)

Hồ Chí Minh đưa dân tộc Việt Nam từ đớn hèn, tủi nhục, mất tên trên bản đồ thế giới, dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành chiến tranh cách mạng quật cường, dũng mãnh giành thắng lợi lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đến bờ vinh quang rạng rỡ, nhân phẩm của loài người.

Đánh giá sự nghiệp cách mạng vĩ đại lớn lao của dân tộc Việt Nam, cố vấn tối cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Henri Kissinger bằng tư duy khoa học nhân văn, giá trị tinh thần, phải trân trọng: “Cái gì đó đã nhen lên trong dân tộc đó những ngọn lửa anh hùng và nghị lực như vậy”.

Thật là chí lý diệu kỳ, Hồ Chí Minh – Thánh Nam Đàn đã thổi bùng ngọn lửa âm ỉ từ bao đời nay trong bản tính, căn cốt người Việt - luồng khí chất linh khí, ý chí. Đó chính là giá trị tinh thần yêu nước trường tồn vĩnh cửu.

Hồ Chí Minh từng thẩm định, quả quyết: “Với sự ủng hộ kiên quyết của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành một cuộc kháng chiến mà thường thức chiến tranh hiện đại không thể tưởng tượng được…” (Sđd, tập 11, trang 536).

Tri ân công lao trời biển của Hồ Chí Minh, trong Điếu văn tiễn biệt Người về cõi thế giới người hiền, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch… chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (Sđd, tập 12, trang 516).

Bài thơ là tuyên ngôn triết học Hồ Chí Minh về vật chấttinh thần.

“Huyền thoại ngay khi còn sống” - Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những tác phẩm trác tuyệt, nhuần nhuyễn nội hàm văn - sử - triết sâu sắc, giàu cảm xúc nhân văn, ẩn tàng, làm phong phú nền triết học Việt Nam.

Lê Cường

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 1995, tập 1,3,4,6,7,11
  • Triết học Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2017
  • Suy ngẫm về Triết Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, 2015
  • Giáo trình Triết học, NXB Đại học Sư phạm, 2016
  • Lịch sử Triết học phương Tây, NXB Chính trị Quốc gia, 2014
  • Những vấn đề cơ bản của Triết học, NXB Từ điển Bách khoa, 2008

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm