A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thơ tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một giá trị văn hoá

Thơ ca là thể loại lưu dòng tâm thức, ý chí, đặng kết đọng trí tuệ, tình cảm con người. Thơ tiên tri chúc Tết của Hồ Chí Minh vượt khỏi ẩn ước, hoài vọng niềm vui, nỗi buồn cá nhân, nâng thơ ca Việt Nam lên tầm thức mới, vượt không gian, thời gian và là một giá trị văn hóa có dấu ấn riêng trong trường kỳ phát triển nền thơ ca xã hội loài người.

“Những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài”
Võ Nguyên Giáp
 

Trong diễn trình tiến hóa phát triển, con người luôn ý thức nhận biết, dự đoán quy luật xã hội, tự nhiên, mối quan hệ thực - ảo, âm - dương và vươn tới dự báo, tiên tri những sự kiện lớn sẽ xảy ra vài năm, thậm chí vài trăm năm sau, trong đời sống con người với con người, con người với vạn vật vũ trụ.



Bác Hồ với kiều bào

Trực giác, tiên tri là khái niệm được luận bàn nghiêm túc và là thiên tài của số ít bậc trí tuệ, họ giảng giải cho người cộng sự, viết thành văn bản về một số sự kiện xảy ra trong tương lai gần hoặc xa. Đó là thơ tiên tri, lời tiên đoán, dự đoán, sấm truyền, sấm ngữ... hơn 2.000 năm nay là đề tài trao đổi của các trường phái tâm linh, vô thần và triết học. Nhiều từ điển định nghĩa khái niệm tiên tri, từ điển tiếng Việt khái luận: “Biết trước được những việc sẽ xảy ra, bậc tiên tri, những điều tiên tri...”(1).

Trên thế giới, giáo chủ các tôn giáo lớn, một số danh nhân thông tuệ từng có lời tiên tri như: Đức Phật Thích Ca, Chúa Jesu, Khổng Tử, Thánh Mô-ha-mét, Lưu Bá Ôn, Khổng Minh, Nostradamust, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh...

Thơ tiên tri trong lịch sử Việt Nam

Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, nhiều sách lịch sử, ngọc phả, thần phả, truyện như: Đại Việt Sử ký toàn thư, Việt Sử lược, Thiền Uyển Tập Anh, Thơ văn Lý Trần... ghi lại hàng loạt thơ tiên tri, sấm ký của các vị thiền sư, danh nhân nổi tiếng.

Thế kỷ III, Khương Tăng Hội là vị sư thấm sâu kinh tạng, uyên thâm Phật lý, truyền dạy cho tăng đồ, Phật tử giáo pháp của Đức Phật, ông là người đầu tiên dạy tiên tri, sấm ngữ, nâng tầm nhận thức, khai mở tư duy sáng tạo cho con người, tín đồ.

Thế kỷ VIII, cuốn Thiền Uyển Tập Anh (thời Trần) viết về Thiền sư Định Không: “Sư là người am hiểu thế số, hành động đúng pháp tắc. Người trong làng tôn thờ...”. Định Không viết thơ tiên tri (hai trăm năm sau) nhà Lý ra đời, đạo Phật hưng thịnh:

“Để Phật pháp được hưng long...
Họ Lý làm vua...
Gà sau tháng chuột ở
Chính lúc Tam Bảo Hưng”

Trước khi qua đời, sư truyền lời tiên tri cho học trò Thông Thiện: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”(2). Hơn sáu mươi năm sau, vua nhà Đường cử Tiết Độ Sứ Cao Biền sang cai trị, bóc lột nhân dân ta. Thâm độc hơn, bọn chúng đến nhiều vùng đất, thế núi linh thiêng, nơi sẽ sinh người tài giỏi, trấn yểm triệt phá long mạch, trong đó có đất Cổ Pháp.

Thế kỷ IX, sư La Quý (dòng họ Đinh) tìm đến xin tu học thầy Thông Thiện, sau thời gian dài khổ luyện, biết học trò chứng ngộ giáo pháp, thầy truyền lại lời sư tổ.

Sư La Quý trước khi qua đời, viết thơ tiên tri:

“Thập bát tử định thành,
Bông gạo hiện Long hình
Thỏ gà trong tháng chuột
Nhất định thấy trời lên”(3)

Thập bát tử là chiết tự của chữ (dòng họ) Lý như đã định sẽ thành công. Sau này, cây gạo chùa Minh Châu bị sét đánh để lại dấu vết bài thơ Thụ Căn nổi tiếng đúng là Bông gạo hiện Long hình, tiên tri sự ra đời nhà Lý. Vua Lý Công Uẩn lên ngôi tháng 11 (chuột), năm Kỷ Dậu (gà) (1009), đúng Thỏ gà trong tháng chuột, nhân dân được hưởng thời kỳ dài Nhất định thấy trời lên.

Thế kỷ X, hai cuốn Việt Sử lượcĐại Việt Sử ký toàn thư ghi: thời nhà Đinh, năm Giáp Tuất, hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) được lời sấm:

“Đỗ Thích giết hai Đinh
Nhà Lê sinh thánh minh...”

Vài năm sau, trong bữa tiệc tối, vua say rượu nằm trong sân, Đỗ Thích nhân cơ hội giết vua và người con cả Nam Việt Vương Đinh Liễn, đúng là Đỗ Thích giết hai Đinh. Con trai thứ là Đinh Toàn lên, vua nhỏ tuổi không biết việc nước, văn võ bá quan liền suy tôn tướng quân Lê Hoàn. Vua Lê đảm đương việc nước, ổn định xã hội, nhân dân hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đánh tan giặc Tống sang xâm lược, đúng là Nhà Lê sinh thánh minh.

Thế kỷ XI, Thiền sư Vạn Hạnh tu tại chùa Lục Tổ, hương Cổ Pháp, ông tiên tri nhiều sự việc, vua Lê Đại Hành tôn kính, thường mời ông vào hỏi việc lớn.

Thời vua Lê Ngọa Triều tham tàn, bạo ngược, nhân dân oán ghét, giặc cướp khắp nơi, Vạn Hạnh thấy trước sự thay đổi, viết thơ tiên tri:

“Tật Lê chìm bể Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam...
Tám cõi mừng bình an”(4)

Vài năm sau, Lý Công Uẩn lên ngôi vua Hạt Lý mọc trời Nam, đất nước thái bình, nhân dân hưởng cuộc sống ấm no, xã hội ngày càng phát triển, định hình nền văn hóa Lý đậm dấu ấn Phật, thật đúng Tám cõi mừng bình an.

Thế kỷ XII, vua Lý Nhân Tông linh thông Phật pháp, thấu hiểu vai trò, tầm trí tuệ vượt bậc của sư Vạn Hạnh, vua ca ngợi:

“Vạn Hạnh dung ba cõi
Thật hiệp lời sấm xưa...
Chống gậy trấn kinh đô”(5)

Thế kỷ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm là học giả lớn, trí tuệ uyên bác, nổi tiếng lúc đương thời, tập thơ sấm của ông tiên tri suốt chiều dài hơn 500 năm sau, đến nay nhiều nhân sĩ, trí thức vẫn tìm hiểu, luận giải và phản vấn.

Các học giả, nhân sĩ như: Giáp Hải, Vũ Phương Đề, Phan Huy Chú, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn... và trí thức gần đây như: Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Chu Thiên... luận bàn, thán phục tầm nhìn vượt không gian, thời gian của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên bảo hướng đi cho nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn... đặc biệt cuối thế kỷ 18; trong cuốn Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch có ghi thơ tiên tri về sự xuất thế Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh. Học giả Đào Duy Anh, Trần Lê Hựu và các danh sĩ luận bàn câu sấm trạng “... Nam Đàn sinh thánh”, Nhà văn hóa lớn Phan Bội Châu (quê Nam Đàn) linh giác phân giải: “Câu sấm ấy nếu có ứng... thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc”.

Thế kỷ XX, tập sấm Trạng Trình tiên tri một số sự kiện lớn của dân tộc, câu 41, tiên tri Cách mạng Tháng Tám (1945): 

“...Đầu Thu gà gáy xôn xao
Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”(6)

Câu 1, Cách mạng tháng Tám (1945) vào tháng 7 âm lịch đầu Thu, năm Ất Dậu (năm gà) thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, được loài người đánh giá cao, đúng là Đầu Thu gà gáy xôn xao thức tỉnh muôn người.

Câu 2, chiết tự từ Trăng xưa gồm hai chữ nguyệt cổ, ghép lại là tên dòng họ Hồ Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành độc lập, tự do, dựng nền cộng hòa, dân chủ, thật đúng sáng tỏ soi vào Thăng Long.

Câu thơ 35, tiên tri chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954):

Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết Hoa tàn
Trực đáo Dương đầu Mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An(7)

Câu 1, cửu cửu (81 năm). Sau nhiều năm thua trận, đúng năm 1874 (Giáp Tuất), triều đình Huế phải cử người chính thức ký vào văn bản Hòa ước đầu hàng, chấp nhận sự bảo hộ về quân sự, văn hóa và ngoại giao... của Nhà nước Pháp. Tiếp tục các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam, đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 (Giáp Ngọ), quân đội Pháp thua, Chính phủ Pháp phải ký vào văn bản Hiệp định Giơnevơ thừa nhận nền độc lập và rút quân khỏi Việt Nam, đúng 81 năm, quy luật trời đất càn khôn dĩ định.

Câu 2, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 55 ngày đêm toàn thắng, nằm trong tháng 3 âm lịch thanh minh thời tiết và Pháp thua (thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên gọi người nước ngoài là Hoa Lang) đúng nghĩa Hoa tàn.

Câu 3, trực đáo đúng ngày 10/10 cuối năm Ngọ (1954) mã vĩ, quân đội ta vào tiếp quản Hà Nội. Đầu năm mùi - dương - dê (1955) dương đầu, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể... về Hà Nội.

Câu 4, hai năm nêu trên, Hồ binh bát vạn, tám vạn quân Cụ Hồ, tiếp quản Thủ đô nhập Tràng An.

Câu thơ 46, tiên tri vai trò, sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Đầu can võ tướng ra binh,
 Ắt là trăm họ thái bình âu ca...”(8)

Câu 1, theo chu kỳ âm lịch, Đầu can là chữ Giáp, hiểu hai nghĩa, tên của Võ Nguyên Giáp, đồng thời năm 1944 (Giáp Thân) Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập đúng năm Giáp, là Đầu can.

Võ tướng hiểu hai nghĩa, người đứng đầu Quân đội và cũng là tên dòng họ Võ Nguyên Giáp.

Câu 2, gần năm thế kỷ nội chiến, tranh giành quyền, địa vị giữa các thế lực Nguyễn, Lê, Trịnh, Mạc... cùng bọn cướp, phỉ khắp nơi làm cho nhân dân chịu nhiều đau khổ. Đến thời Võ tướng ra binh, Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lãnh đạo tài tình đánh tan thù trong, giặc ngoài, nhân dân được hưởng Ắt là trăm họ thái bình âu ca, chấm dứt năm thế kỷ bi thương và nhục nhã.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh “làm thay đổi bộ mặt thế giới”, niềm tự hào chung của các dân tộc thuộc địa và vai trò hai con người Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp có tầm trong lịch sử, được nhân loại ca ngợi. Trạng Trình sớm tiên tri, nhấn đậm trọng trách và sự kiện vĩ đại của dân tộc.

Trong tập sấm Trạng Trình còn thơ tiên tri một số sự kiện không thể bỏ qua ở thế kỷ XX.

Thơ tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên thế giới, khác với nhiều lãnh tụ và nhà tiên tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị đứng đầu Nhà nước duy nhất trong lịch sử nhân loại vào giây phút Giao Thừa, thời khắc thiêng liêng nhất, có thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ, dự báo, tiên tri những sự kiện quan trọng trong năm, vài năm hoặc hàng chục năm sau.



Bác Hồ ở Việt Bắc

Tết năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tính đúng thời cơ vận nước, Hồ Chí Minh về nước.

Thời gian này, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bắt đầu, phe trục phát xít chủ động tấn công và giành nhiều vùng đất đai rộng lớn, phe đồng minh bị động liên tiếp thất bại, thiệt hại nặng nề, thời thế chưa có chiều hướng tốt.

Hồ Chí Minh kịp về nước với hai bàn tay trắng, không quân đội, không vũ khí, không tiền bạc, căn cứ cách mạng còn manh mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, không dựa vào thế lực nước ngoài nào, theo Người chỉ có 43 chàng thanh niên trai tráng, trí tuệ và quả cảm. Lúc này, quân đội Pháp, Nhật và binh lính Nam Triều khoảng 15 vạn quân tinh nhuệ từng chinh chiến, vũ khí, khí tài đầy đủ. Không thể so sánh sự tương quan lực lượng, cân bằng vật chất và luận xét trên nguyên tắc triết học duy lý định lượng, định chất. Vậy mà, Hồ Chí Minh vừa bước chân về Pắc Bó (Cao Bằng), tự tin viết thơ mừng xuân Pắc Bó hùng vĩ tiên tri sứ mệnh cao cả mình phải đảm nhận, câu thơ hào sảng và là sấm truyền: Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Năm 1941, tại chốn rừng sâu heo hút, vắng vẻ, trong hang đá lạnh lẽo, hầu như biệt lập với lượng thông tin trong và ngoài nước, Hồ Chí Minh viết cuốn Lịch sử nước ta bằng thể thơ dân gian lục bát, dễ truyền miệng, thấm vào lòng muôn dân, Người trải bầy tâm trí, kết đọng hàng nghìn năm thăng trầm vận nước như cùng linh giác, thể nhập thơ sấm Trạng Trình, khơi mở nhiều vấn đề trong đó có sự kiện “Đầu Thu gà gáy xôn xao...”, Hồ Chí Minh tiên tri Cách mạng tháng Tám (1945):

“Ấy là nhịp tốt cho ta
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”(9)

Kết thúc cuốn Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh viết thơ tiên tri chỉ rõ năm cách mạng thành công: “1945: Việt Nam độc lập”(10).

Năm 1942, trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, từ góc tối tăm, đọa đày cùng cực nhất “gày đen như quỷ đói”, Hồ Chí Minh sảng trí khai mở ngày tươi sáng và trọng trách của mình, viết thơ tiên tri:

“Người thoát khỏi tù ra dựng nước...
Nhà lao mở then cửa trúc, rồng thật sẽ bay ra”(11)

Đúng, Hồ Chí Minh thoát khỏi tù và rồng thật lãnh đạo toàn dân dựng nước.

Và, sự nghiệp thành công “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.

Năm 1943, Hồ Chí Minh thoát khỏi tù, dâng trào tâm thức mà thỏa lòng muôn cõi sinh linh, thảo dòng tiên tri:

“Non nước của ta ta lấy lại
Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây”(12)

Tháng 10/1944, Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc phân tích tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, Người sớm nhắc nhở tiên tri: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”(13).

Tính từ tháng 10/1944 đến 2/9/1945, “chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa”, nước nhà độc lập đúng thời gian Hồ Chí Minh tiên tri cách đó vài năm.

Tết năm 1946, ngày Xuân độc lập của Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh gửi thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ lời tha thiết yêu thương và tiên tri sự kiện mươi năm sau:

“Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”(14)

Sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh tận tâm tận lực tìm kiếm con đường hòa bình, nhân ái, không muốn chiến tranh giữa hai dân tộc anh em Việt - Pháp. Việt Nam không thể trở thành đống tro tàn, mồ chôn biết bao linh hồn... Hồ Chí Minh dành hơn ba tháng sang Pháp gặp đại diện Chính phủ, Quốc hội, các Đảng phái, nhân sĩ, thuyết phục tham gia khối Liên hiệp Pháp trên căn bản nền độc lập, bình đẳng giữa các dân tộc, Hồ Chí Minh ký vào bản Hiệp định sơ bộTạm ước Việt - Pháp ghi nhận trong 5 năm Pháp sẽ rút toàn bộ quân về nước... Đồng thời, Người nhiều lần gửi thư đến Tổng thống Mỹ, lãnh đạo các nước mong giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Việt - Pháp. Nỗ lực của Người không được trả lời. Sau này, Tổng thống Pháp phải thừa nhận: “Ông Hồ bị đẩy vào cuộc chiến tranh” và Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước, quân đội lên An toàn khu, đúng là ta tạm xa nhau và niềm tin tất thắng Tết sau sum vầy.

Tết năm 1947, Hồ Chí Minh gửi thư chúc Tết như lời hiệu triệu hùng hồn, tiên tri chiến lược cách mạng trường kỳ kháng chiến có hạn định:

“Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông...
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”(15)

Trong một tối sinh hoạt, Hồ Chí Minh đặt tên cho tám chiến sĩ: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi, đó là thơ tiên tri tám năm kháng chiến mà Người sớm luận định (1947 - 1954).

Tết năm 1949, lực lượng quân đội, trang bị vũ khí, tiềm lực kinh tế của chúng ta còn khó khăn, chưa có khả năng mở chiến dịch, trận đánh lớn. Nối dòng tiên tri tám năm, Hồ Chí Minh tin tưởng ngày thắng lợi cuối cùng: “Tôi trịnh trọng hứa với đồng bào rằng... ngày giải phóng ấy sẽ không xa... Tôi chúc đồng bào mạnh khỏe, cố gắng và sẵn sàng để đón tiếp ngày giải phóng vẻ vang”(16). Đúng “Ngày giải phóng ấy sẽ không xa...”, vài năm sau (1954) nước nhà giải phóng. Mãn nguyện một tâm thức “Lo sao khôi phục giang san tiên rồng”.

Tết năm 1950, Hồ Chí Minh gửi thư chúc Tết, nêu bước ngoặt năm quyết định thắng lợi: “Kháng chiến sẽ bước sang giai đoạn mới... chuyển sang tổng phản công... năm mới chắc là một năm đại thắng lợi”(17).
 
Giữa năm 1950, Hồ Chí Minh đi thị sát và động viên chiến sĩ, đồng bào chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới, Người viết truyện ký Vừa đi đường vừa kể chuyện, lời văn mạch lạc, lôi cuốn, nhiều tình tiết cảm động, hứng thú, đặc biệt câu kết thúc truyền tải năng lượng trực giác, tiên tri chính xác năm giành thắng lợi, kết thúc tám năm kháng chiến: “Cuộc kháng chiến của chúng ta tuy rất gian khổ, nó có thể kéo dài bốn, năm năm nữa, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng lợi”(18).

Câu trên có hai khái niệm thời gian: “Bốn, năm năm nữa” xét từ 1950 đến 1954 vừa đúng “năm năm”, nếu tính tháng từ chiến dịch Biên giới 9/1950 đến 5/1954 vừa “bốn năm”, thật diệu kỳ.

Tết năm 1954, chúng ta chuẩn bị bước vào trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh viết thơ mừng Xuân động viên, khích lệ: “...Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”.

Người học trò, cộng sự gần gũi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng chứng kiến khả năng tiên tri thiên tài của Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Trước khi bắt đầu trận Điện Biên Phủ, tôi phải đi Giơ-ne-vơ dự cuộc hội nghị quốc tế về Việt Nam. Lúc ra đi, Bác nói với tôi: “Mình có một món quà rất quý tặng chú”. Đúng món quà đó thật là vô giá ở chỗ chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra ngày 7 tháng 5 năm 1954 và hôm sau 8 tháng 5 năm 1954, hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc. Đây là ngẫu nhiên hay tất yếu?” và nâng lên thành luận thức: “Bác Hồ là người cực kỳ nhạy cảm với cái ngẫu nhiên là tất yếu và cái tất yếu là ngẫu nhiên này”(19).

Luật sư Phan Anh là học giả uyên thâm thường vui đối đáp, lẩy thơ Kiều với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tâm phục khẩu phục, hồ hởi kể:“Vào một dịp khác năm 1953, tôi đã lẩy ca dao với hai câu kết là:

“Diệt thù giải phóng quê ta
Ấy là nghĩa nặng, ấy là tình sâu”

Bác đứng dậy đọc tiếp luôn:

“Đành rằng chờ đợi ít lâu
Chầy ra là một năm sau vội gì”

Câu lẩy Kiều đó của Bác như một “câu sấm”, vì đúng một năm sau, năm 1954 thì có chiến thắng Điện Biên Phủ giải phóng đất nước”(20).

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc, Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước chủ trương thi hành đúng Hiệp định, nhiều lần gửi văn bản đến Chính quyền miền Nam và Chính phủ các nước liên quan đề nghị thống nhất đất nước bằng “phương pháp hòa bình” hiệp thương tổng tuyển cử. Nhưng Chính quyền miền Nam không trả lời, hơn nữa tăng cường đàn áp, giết hại những người đối lập bằng luật 10/1959.

Không còn con đường nào khác, Hồ Chí Minh buộc phải ra lệnh “sẵn sàng chiến đấu...”. Ngày 01/9/1960 tại Hà Nội, trong cuộc mít tinh kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh, Hồ Chí Minh đọc diễn văn tiên tri: “Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng:... chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”(21).

Câu tiên tri: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”, có ba dữ kiện thời gian cần luận giải và ghi nhận:

- Tổ quốc ta thống nhất không thể quá 15 năm nữa.

- Tổ quốc ta thống nhất vừa tròn 15 năm.

- Tổ quốc ta thống nhất có thể sớm hơn 15 năm, là năm nào? (chậm lắm là...)

Đúng lời tiên tri của Hồ Chí Minh, Tổ quốc ta thống nhất không quá, vừa tròn 15 năm (tháng 9/1960 đến tháng 4/1975) thật huyền diệu.

Tổ quốc ta thống nhất có thể sớm hơn 15 năm là năm nào? Ta xem xét.

Hồ Chí Minh thấu suốt quy luật tạo hóa, điều phải đến đối với bản thân, bắt đầu viết di chúc (1965) nhưng chưa đến lúc ra đi, Người nhắc đồng chí Vũ Kỳ giữ cẩn thận bản Di chúc, năm sau tiếp tục bổ sung: “Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mùng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác...”(22).

Tết năm 1968, Hồ Chí Minh viết thơ chúc Tết khác lạ, âm vận khúc triết, hồn hậu, nhịp điệu dồn dập, mạnh mẽ như tiếng kèn âm vang mệnh lệnh:

“Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà...
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”

Trong mấy ngày Tết Mậu Thân (1968), quân dân miền Nam đồng loạt nổ súng giành chiến thắng dồn dập, Hồ Chí Minh sống trong niềm lạc quan tin tưởng, có thể sớm hơn như tiên tri “chậm lắm là 15 năm nữa”. Người yêu cầu đồng chí thư ký ghi lại bài thơ tâm huyết “Thắng” đúng ngày Tết. Câu kết thúc vang vọng cõi lòng, điều mong muốn cuối cùng Toàn thắng ắt về ta của một vĩ nhân trọn đời hy sinh cho nền độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Hồ Chí Minh trải bày tấm lòng, giọng sảng khoái: “Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao!”(23).

Sau này, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng viết những bài học nhằm tổng kết toàn bộ cuộc chiến tranh, ông cho biết Đảng, Nhà nước ta chủ trương trận đánh lịch sử Tết Mậu Thân (1968) là: “nhằm kết thúc chiến tranh”(24), theo khao khát ước nguyện của Hồ Chí Minh mong sớm hơn 15 năm nữa.

Tết năm 1969, năm cuối cùng của cuộc đời, Hồ Chí Minh viết thơ mừng Xuân tiên tri thế chiến lược gần chục năm sau của cách mạng Việt Nam:

“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”(25)

Cặp phạm trù Mỹ cút - Ngụy nhào” hai mặt của một vấn đề, thế chiến lược cách mạng, diễn trình cuộc chiến với kết thúc hoàn hảo đúng như Hồ Chí Minh tiên tri. Người nhìn rõ tương quan lực lượng chính trị, tiềm lực quân sự, kinh tế... của một quốc gia mạnh nhất thế giới, không dùng từ sáo rỗng, nặng nề, hoặc khuếch trương vô lối, tiềm lực chúng ta chỉ có thể đánh cho “Mỹ cút”. Khác với từ ngữ Hồ Chí Minh tiên tri trong cuộc chiến tranh Việt - Pháp trước đó 20 năm: “đánh quỵ thực dân...”, “Khối Liên hiệp Pháp sẽ tan tành...” và Người không hề nhắc đến vai trò của chính quyền Bảo Đại.

Hồ Chí Minh tiên tri “Ngụy nhào”, từ ngữ sử dụng chuẩn xác trong định tính, định lượng thế và lực đi đến kết thúc chiến tranh. Thực vậy, sau khi chấp nhận thất bại trên chiến trường Nam - Bắc, và đặc biệt thua sau trận Điện Biên Phủ trên không, Chính phủ Mỹ tuyên bố rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Trước đòn tiến công chiến lược táo bạo, thần tốc của các lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam, bộ máy chính quyền, quân đội Sài Gòn mặc dù vẫn còn khá mạnh, được lệnh “Tùy nghi di tản”, tháo chạy trong hốt hoảng, tan rã. Toàn bộ chiến dịch, chúng ta tiêu diệt khoảng vài vạn quân, số đông bỏ súng đầu hàng, có kẻ nhanh chân chạy thoát ra nước ngoài, hệ thống chính quyền các cấp tan rã bị đổ “nhào”. Từ “nhào” được sử dụng thật đắc địa, đầy hình ảnh xác thực, suy tưởng và diễn ra đúng như thơ tiên tri của Hồ Chí Minh trước đó vài năm.

Suốt năm năm trời, dành ngày, giờ đẹp nhất viết Di chúc, Hồ Chí Minh suy tư từng sự việc, chọn lọc từ ngữ để dặn dò đồng bào, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo, Người không quên nhắc đến ngày nhất định thắng lợi hoàn toàn, nằm trong mạch tiên tri 15 năm nữa: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”. Thời gian được hạn định rõ ràng; “mấy năm nữa...” và kịp thời “chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc” (1969 - 1975) thật linh nghiệm.

Hồ Chí Minh ý thức được những khả năng tiên tri của mình đối với vận mệnh dân tộc và tương lai xã hội loài người “Rồi đây bốn bể một nhà...”. Đầu năm 1941 vừa về nước, Hồ Chí Minh cho thành lập Mặt trận đoàn kết toàn dân, chớp thời cơ lịch sử tiến hành Cách mạng Tháng Tám (1945) giành chính quyền về tay nhân dân. Đầu năm 1954, Hồ Chí Minh sáng suốt và lần duy nhất trong suốt cuộc đời binh nghiệp, trao toàn quyền quyết định trận đánh cho Võ Nguyên Giáp. Trước giờ nổ súng, Đại tướng trực giác kịp ra lệnh chuyển thế trận đã bày đặt hết sức mạo hiểm, liều lĩnh đánh nhanh thắng nhanh sang thế chiến lược đánh chắc tiến chắc và giành thắng lợi vang dội tại trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo viết thư nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh quân đội chuẩn bị trước đó hơn chục năm đưa nhân dân Thủ đô đi sơ tán, dàn thế trận phòng không đầy hiệu quả, có sức mạnh vượt trội và bảo vệ Hà Nội không bị bom dội san bằng như một số thủ đô các nước khác.

Xuân năm 1961 (hai mươi năm sau), Hồ Chí Minh lên thăm lại hang Pắc Bó (Cao Bằng), Người trào dâng hứng cảm, thẩm định mạch thơ tiên tri (1941):

Hai mươi năm trước ở hang này...
Non sông gấm vóc có ngày nay”(26)

Thật kỳ lạ “Tay không xốc nổi cơ đồ cừ không”(27).

Dưới sự lãnh đạo, thiên tài Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu liên tục giành nhiều thắng lợi to lớn, giảm thương vong về con người và tổn thất tài sản cho đồng bào, chiến sĩ. Đối với nước Mỹ, từ 1966 vào dịp Tết dương lịch, Hồ Chí Minh đều gửi lời chúc đầu năm đến các bạn Mỹ, thư gửi Tổng thống Mỹ mong muốn: “... Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ... sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới...”(28).

Chính vậy, Hồ Chí Minh được nhân loại suy tôn trong số ít Danh nhân văn hóa là vị Chủ tịch huyền thoại ngay khi còn sống và một trong những bộ óc vĩ đại nhất ở thế kỷ 20... Hồ Chí Minh viết về khả năng tiên tri của mình: “Những lời đoán trước - Hồ Chủ tịch đã đoán trước...”(29). “Lời dự đoán của Cụ Hồ thành sự thật”(30). Ở bài khác, Người viết tiếp: “Đã tin lần trước, ắt nhằm lời sau”(31).

Cố Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng với trực cảm, linh giác thơ tiên tri chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thơ chúc Tết của Bác Hồ... còn mang tính chất như những câu sấm, tiên đoán trước sự việc sẽ xảy ra”(32). Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, vào lúc Giao Thừa, giây phút thiêng liêng nhất của một năm, đồng bào, chiến sĩ mong mỏi, chờ đợi thơ tiên tri chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững vàng niềm tin, quyết tâm định hướng chiến lược cách mạng trong năm và hàng chục năm sau. Một thời đã qua, vào lúc chuyển vận đất trời thời khắc linh thiêng lúc Giao Thừa, tâm hồn tình cảm và lòng ngưỡng mộ của con người Việt Nam cùng hồn khí non sông đất nước được kết nối thông mạch, thêm kiên tâm định tính, cần được ghi nhận như một ứng xử văn hóa, đầy niềm tin thánh thiện ở Hồ Chí Minh.

Trường kỳ lịch sử nền thơ ca Việt Nam, sử sách ghi nhận nhiều vị thiền sư, học giả, danh nhân văn hóa từng viết thơ tiên tri: Thiền sư Định Không, La Quý, Vạn Hạnh, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp và Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh...

Trên thế giới, các bậc thông tuệ có trực giác, tiên tri thường tìm chốn thanh tao, ẩn dật đạt chứng ngộ lẽ trời cõi đất, tận thức đạo người, suy ngẫm viết dòng tâm huyết, lưu bút cho các thế hệ mai sau, thấu tỏ mối quan hệ âm - dương, thực - ảo... luôn đồng hành, nhập thể với con người xã hội. Khác với một số nhà tiên tri, Hồ Chí Minh viết dòng lưu bút thơ tiên tri và trực tiếp chỉ đạo, nhắc nhở người cộng sự kịp chuẩn bị thế chiến lược nhằm giành thắng lợi to lớn và giảm tổn thất cho con người và kết nối nhân văn “Vì trong bốn biển đều là anh em”.

Tiên tri, sấm truyền, dự báo... là đề tài được ca ngợi nghiêm túc và vẫn có phản bác nghi ngờ trong các trường phái tâm linh, vô thần và triết học.

Hoạt động cách mạng cùng Hồ Chí Minh, các lãnh tụ cao cấp, nhân sĩ trí thức, tướng lĩnh quân đội như: Huỳnh Thúc Kháng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Phan Anh, Hoàng Văn Thái... hết lời ca ngợi khả năng tiên tri của Người. Đặc biệt, Võ Nguyên Giáp sớm tự hào tin tưởng: “Bác thường kể chuyện với chúng tôi... dự đoán tương lai. Bác nói chừng bốn hay năm năm nữa, cách mạng Việt Nam sẽ thành công... Câu nói của Bác mà mọi người đều biết, giống như lời sấm truyền...”(33).

Và, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu lên thành định đề chân lý: “Những điều tiên tri đó thuộc về những thiên tài”(34).

Thơ tiên tri, từng được chiêm nghiệm, luận giải sau khi sự việc xảy ra trong thăng trầm lịch sử dân tộc, là một giá trị trong tổng thể văn hóa Việt Nam.

Thơ ca là thể loại lưu dòng tâm thức, ý chí, đặng kết đọng trí tuệ, tình cảm con người. Thơ tiên tri chúc Tết của Hồ Chí Minh vượt khỏi ẩn ước, hoài vọng niềm vui, nỗi buồn cá nhân, nâng thơ ca Việt Nam lên tầm thức mới, vượt không gian, thời gian và là một giá trị văn hóa có dấu ấn riêng trong trường kỳ phát triển nền thơ ca xã hội loài người.

Lê Cường
Hội Khoa học Lịch sử

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, trang 966.
(2) Lê Mạnh Thát, Thiền Uyển Tập Anh (T.U.T.A), NXB Tp. Hồ Chí Minh, trang 258.
(3), (4), (5) T.U.T.A, Sđd, trang 260, 268, 269.
(6), (7), (8) Trạng Trình sấm và ký, NXB Văn hóa Thông tin, 1999, trang 284, 286, 287.
(9), (10) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2001, tập 3, trang 228, 230.
(11), (12), (13)  Sđd, tập 3, trang 356, 441, 506.
(14) Hồ Chí Minh thơ, NXB Tp. Hồ Chí Minh, trang 355.
(15), (16)  Sđd, tập 5, trang 17, 561.
(17) Sđd, tập 6, trang 1.
(18) Hồ Chí Minh truyện và ký, NXB Văn học, trang 345.
(19) Báo Quân đội Nhân dân ngày 17/5/1990.
(20) Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh - NXB Nghệ Tĩnh, 1990.
(21) Báo Nhân dân cuối tuần, số 21, ngày 21/5/1995.
(22), (23)  Hồi ký Vũ Kỳ - NXB Thanh niên, 1999, trang 154, 275.
(24) Tạp chí Lịch sử Quân sự số 2/1988, trang 8.
(25) Sđd, tập 12, trang 426.
(26) Hồ Chí Minh thơ, NXB Tp. Hồ Chí Minh, trang 404.
(27) Hồ Chí Minh, Truyện và ký, NXB Văn học, 1985, trang 373.
(28) Sđd, tập 5, trang 177.
(29), (31)  Sđd, tập 5, trang 341, 412.
(30) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, trang 100.
(32) Nguyễn Lương Bằng - Bác Hồ với chiến sĩ cảnh vệ, NXB Công an Nhân dân, trang 127.
(33) Võ Nguyên Giáp, Pắc Bó suối nguồn, NXB Văn hóa Dân tộc, trang 130.
(34) Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, trang 114.
(35) Nguyễn Phúc Giác Hải, Amanac, Nhà Xuất bản Văn hóa.
(36) Lê Cường, Một số bài viết về những tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xưa & Nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, báo Văn Nghệ, báo An ninh Thế giới...


Tin liên quan

Tin tiêu điểm