A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tâm thức Hồ Chí Minh với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tin vui bất tận đối với hương hồn, anh linh các bậc tiền bối và muôn dân nước Việt, ngày 06/12/2012, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 



 Bác Hồ thăm Đền Hùng năm 1962


Và, là tín ngưỡng đầu tiên trên thế giới được công nhận danh hiệu cao quý này, làm tăng thêm giá trị, khẳng định niềm tự hào trong tâm thức xã hội loài người về lòng nhân ái, đạo lý con người sống có tổ tông, uống nước nhớ nguồn trong truyền thống tín ngưỡng thờ đạo ông bà tổ tiên, Phật, thánh, thần, anh hùng liệt sĩ của nhân dân Việt Nam.

Thế kỷ 20, xã hội loài người trải qua thời kỳ khủng hoảng, đen tối nhất trong tiến trình phát triển tiến hóa, hai cuộc chiến tranh thế giới, chiến tranh và cuộc đấu tranh tư tưởng ở một số khu vực và châu lục đã sát hại hơn trăm triệu người, theo đó chủ nghĩa cực đoan tàn phá biết bao di tích chùa, đền, miếu, nhà thờ, thánh đường... xóa bỏ tôn giáo, phong tục tập quán, tín ngưỡng và niềm tin có giá trị văn hóa nhân văn trong đời sống con người. Việt Nam cũng chịu chung nhiều hy sinh một thời, bởi “Thời chiến dụng võ...” mọi quy luật đều hướng đến niềm tin chiến thắng kẻ thù, thà hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đó là điều tất yếu.

Sinh ra, hoạt động cách mạng trong thế kỷ 20, ngược với trào lưu một số nước theo xu thế cực đoan, Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh sớm nhận thức: “Chúng tôi có phong tục lấy gạo ngon làm ra rượu uống, khi có bạn tới chơi hoặc khi có ngày giỗ tổ tiên... Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già bản là người thực hiện những nghi lễ tưởng niệm...” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr.479).

Cúng bái tổ tiên... Một hiện tượng xã hội” ăn sâu thành bản năng, đạo cao nghĩa cả đời đời nối dõi và lan truyền muôn nơi.



 Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Giếng 19/9/1954, “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”


Hồ Chí Minh sinh ra, lớn lên trên vùng đất có truyền thống văn hóa, hiếu học, Người sớm hiểu sâu sắc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là thành tố vô cùng quan trọng có từ hơn vạn năm lịch sử, một bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt và giao hòa cùng một số dân tộc khác trên hành tinh.

Hồ Chí Minh thấm đậm triết lý nhân sinh, vũ trụ “sống gửi thác về” của người Việt, họ cho rằng sống ở cõi đời này là “sống gửi...”, sống nhờ và khi chết đi, thân xác tan rữa nhưng linh hồn vẫn tồn tại “thác về”... thế giới siêu linh vĩnh hằng được lên cõi thiên đường, nơi chín suối, chuyển kiếp hoặc đọa xuống địa ngục là kết quả của con người ứng xử làm điều thiện hay điều ác trong kiếp đời này. Hồ Chí Minh ca ngợi vị tiên hiền Trần Đế Quỹ đã dũng cảm xả thân cho nền độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân: “Ông thà chết vinh chứ không sống nhục... đã tạo nên đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại vĩ đại đó” (Sđd, tập 1, tr.80).

Đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt...” là quan niệm từ ngàn xưa của dân tộc Việt, Hồ Chí Minh tự hào với truyền thống quý báu này, Người ứng xử văn hóa, từ đáy lòng luôn tưởng nhớ, không quên ngày mất của người mẹ hiền, chịu thương chịu khó, tần tảo nuôi các con ăn học, trưởng thành. Hồi tưởng của cụ Đào Nhật Vinh, thủy thủ trên tàu, người bạn của Nguyễn Ái Quốc kể lại những năm tháng khốn khó ở Pháp: “... Tôi bồi hồi nhìn vào cái bàn bên cửa sổ, nơi anh làm việc thường ngày đang là bàn thờ, hương nghi ngút, ngọn nến sáng bên con gà ngậm bông hoa râm bụt ấp trên đĩa xôi... Anh Nguyễn giọng bùi ngùi: Ngày giỗ mẹ anh. Hai mươi năm về trước... ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý mẹ anh qua đời... Tôi bật khóc níu cánh tay anh Nguyễn... Anh siết chặt bàn tay tôi, nén xúc động không nói... Tôi đứng lên để ra phố sắm vài lễ vật vì không biết ngày này là giỗ thân mẫu của anh. Anh giữ tôi lại Chú từ phương xa đến đúng lúc anh có giỗ mẹ, là tâm hương thành lễ, không nhất thiết phải có lễ vật. Tôi bái lễ thân mẫu Người...” (Báo Văn nghệ ngày 07/02/1998).



 Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (1957)


Gần nửa thế kỷ rời xa quê hương tìm đường cứu nước, cách mạng thành công, Hồ Chí Minh có điều kiện trở về quê thăm lại ngôi nhà xưa, Người vẫn nhớ đường đi lối lại, nhớ cây ổi già bên cổng, hàng cau thẳng tắp sau nhà và cây cam vị ngọt trong vườn. Bàn ghế đồ đạc sơ sài trong nhà đã trở thành thân quen, Hồ Chí Minh không quên trọng trách của người con, người cháu kính dâng nén tâm nhang lên bát hương trên bàn thờ, tưởng nhớ ông bà, tiên tổ mà xúc động: “Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân...”.

Bài viết Nước An Nam dưới con mắt người Pháp, Nguyễn Ái Quốc trải lòng suy cảm, trân trọng đối với đạo thờ phụng ông bà, tổ tiên qua lời viên Toàn quyền Đông Dương có tấm lòng mến mộ: “Chúng ta thấy trong gia đình trên kính, dưới nhường, thờ phụng tổ tiên... đó cũng là những đặc điểm về bản tính của người An Nam hình thành từ bao thế hệ...” (Sđd, tập 1, tr.425).

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đạo ông bà của người Việt Nam không chỉ bó hẹp trong gia đình, dòng họ, vươn xa là tín ngưỡng thờ cúng vị Thành hoàng của làng xã và luôn đặt vị trí quan trọng nhất kính dâng lên Quốc tổ - các Vua Hùng. Hồ Chí Minh khái luận: “Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn”. Tâm thức Hồ Chí Minh ghi nhận trong cuốn Lịch sử nước ta:

Kể năm hơn bốn nghìn năm

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa  (Sđd, tập 3, tr.221)

“... Hơn bốn nghìn năm, tổ tiên rực rỡ”, là đoàn kết, đại đoàn kết quện chặt giữa bốn thành tố cơ bản trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phải coi trọng: Gia đình - Dòng họ - Làng xã - Tổ quốc, và cũng chính từ đó dân tộc Việt đã nhiều lần chiến thắng kẻ thù phương Bắc hung tàn đông hơn gấp bội, cùng đạt đến nghĩa cao cả “Anh em thuận hòa”.

Trọng trách con người càng cao, càng thấu tỏ nguyên lý “Con người có tổ có tông” làm tròn đạo trung hiếu với Quốc tổ, Hồ Chí Minh phê phán mạnh mẽ sâu cay tên vua bù nhìn, đớn hèn Khải Định: “...Hoàng đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân... Thật là cay đắng ê chề xiết bao, nếu từ những tầng mây, tổ tiên mi phải trông thấy dân tộc... nay chịu phận nô lệ... kẻ kế tục ngai vàng của các vị nay sống trong ươn hèn... Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào các tiết đầu xuân, đầu thu nữa...” (Sđd, tập 1, tr.80).

Từ truyền thống nghìn xưa văn hiến, nghĩa vụ linh thiêng đã vào máu thịt các vua hiền, chúa giỏi, danh nhân văn hóa... thường theo lễ thắp hương kính cáo với Phật, thánh, thần, tiên tổ và các bậc tiên hiền thành quả phấn đấu chăm lo đời sống cho dân, cho nước trong năm. Vua Khải Định hèn nhát, không làm được gì cho thỏa lòng mong đợi của tổ tiên và muôn dân, “lại sắp lẩn xa tôn miếu, tay mi sẽ không thắp hương vào các tiết đầu xuân”, thật nhục nhã.

Hồ Chí Minh thấu hiểu nguyên lý đó, năm 1945, sau khi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết giành độc lập cho dân tộc, đêm Giao Thừa đầu tiên (1946) của chính thể mới Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ hàng ngàn năm chế độ quân chủ suy đồi, hèn kém và lịch sử Việt Nam lật sang trang mới, mặc dù đất nước còn đầy hiểm nguy thù trong giặc ngoài, chúng tìm cách diệt Cộng, cầm Hồ, Hồ Chí Minh vẫn cải trang cùng người cảnh vệ đến đền Ngọc Sơn, Hồ Gươm kính lễ với tổ tiên, các bậc tiên hiền tại trung tâm Thủ đô Hà Nội. Năm 1954, ngay sau khi đánh thắng thực dân Pháp giành độc lập cho Tổ quốc, Người thân chinh đến Đền Hùng, Phú Thọ thắp nén tâm hương dâng lên Quốc tổ mà kính cẩn trải lòng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến tôn miếu nơi thờ cúng các bậc tiên tổ, Phật, thánh, thần, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa... ở Đền Hùng, Đền Lý Bát Đế, Đền Ngọc Sơn, Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Thầy, chùa Hương, chùa Keo, chùa Quán Sứ, chùa Một Mái... thành tâm kính các vị Vua Hùng, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán... với tấm lòng đầy tự hào “Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”.

Đồng thời, Hồ Chí Minh không quên lên án chính quyền thực dân, những người một thời cấm đoán phong tục tập quán tốt đẹp của con dân nước Việt - đó chính là tình nghĩa sâu lắng đối với vong linh, anh hồn người đã khuất: “Chính phủ thuộc địa trấn áp những người mong muốn tự do, độc lập mà còn xúc phạm đến cả phong tục tập quán của dân bản xứ nữa. Thờ phụng những người đã quá cố, một việc rất thiêng liêng và thiết tha của người An Nam, cũng bị cấm đoán” (Sđd, tập 2, tr.365).

Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ phê phán những nhận thức sai lầm, còn trực tiếp thành kính thắp nén tâm nhang mong lưu giữ “Đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt”. Gần thế kỷ sau, loài người đã thấu hiểu những giá trị nhân văn và khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của người Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lê Cường
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm