A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Niềm sung sướng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ văn

Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều thành công trong cuộc đời và sự nghiệp, Người là đấng vĩ nhân của dân tộc và thế giới. Từng được trao trọng trách cao cả là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng và các danh hiệu cao quý... nhưng niềm sung sướng nhất trong đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?

Ngày 17/8/1953, trong bài giảng lớp chỉnh Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bộc bạch tâm trạng, xúc cảm trong quá trình dần khẳng định tầm nhận thức trí tuệ đạt đến sự nghiệp của một Danh nhân văn hóa:
Mỗi con người trên trái đất đều có niềm sung sướng nhất theo từng căn mệnh và nghiệp sống. Có người sung sướng nhất khi được đề bạt là trưởng phòng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, có người sung sướng nhất khi được chia nhà, căn buồng hoặc có khoản tiền, miếng cơm manh áo nào đó... nhưng với những người trong giới văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, văn nghệ sĩ, trí thức... lại có niềm sung sướng nhất khác biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều thành công trong cuộc đời và sự nghiệp, Người là đấng vĩ nhân của dân tộc và thế giới. Từng được trao trọng trách cao cả là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng và các danh hiệu cao quý... nhưng niềm sung sướng nhất trong đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?

Lần đầu tiên mình được đăng báo, có thể nói là sướng nhất... Truyện ấy được đăng lên báo. Đó là lần thứ hai mà mình thấy sung sướng...

Cách mạng tháng Tám thành công, viết bài Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là lần thứ ba mà mình thấy sung sướng...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 123).

Ba lần Hồ Chí Minh sống trong tâm trạng, niềm hân hoan sung sướng nhất hòa cùng niềm vui chung của nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà tư tưởng... khi bài viết, bài nghiên cứu, bài thơ, tập truyện ngắn... được đánh giá và có chỗ đứng trong sự nghiệp đạt đến Danh nhân văn hóa, có chỗ đứng trong tầm thức chung của xã hội loài người.

Viết xong Tuyên ngôn độc lập là xúc cảm tuyệt đỉnh trong niềm sung sướng nhất của Hồ Chí Minh: “Cụ Hồ không giấu nổi sự sung sướng, Cụ nói trong đời Cụ, Cụ đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy(2) (những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Trần Dân Tiên, trang 105).

Cụ Hồ không giấu nổi sự sung sướng...” đó không chỉ là sự sung sướng tột cùng của một con người từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, tiền tài và danh vọng. Hồ Chí Minh có thể trở thành một người Việt  ở nước ngoài trí tuệ, kinh doanh giàu có hoặc học vấn cao trở thành giáo sư, tiến sĩ một chuyên ngành khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật nào đó thành đạt ở nước ngoài. Nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ bỏ tất cả cuộc sống hào hoa phong nhã ở Pháp, Anh, Mỹ, Nga... về nước dấn thân vào cuộc đời cách mạng. Người hiểu sâu sắc sẽ gặp nhiều khó khăn gian khổ, hàng chục năm sống trong hang đá lạnh lẽo, rừng núi hoang vu vắng vẻ, ăn uống bữa cháo, bữa rau, mưa ngàn, rét buốt thấu thịt xương, thậm chí bị kết án tử hình, chịu tù đày “gầy đen như quỷ đói... ghẻ lở mọc đầy thân...”. Vượt qua tất cả, Hồ Chí Minh quyết từ bỏ sự sung sướng cá nhân ở nước ngoài, tìm đến tận cùng sự sung sướng cao cả là giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và Người trở thành linh hồn dẫn dắt mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tren lễ đài sáng 2/9/1945
tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội
 


Sự sung sướng
của Hồ Chí Minh đã, đang thấm đượm, lan tỏa đến muôn dân trong cõi trần gian, Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo toàn Đảng toàn dân, toàn quân kịp thời tiến hành cách mạng tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân. Tác giả Trần Dân Tiên viết tiếp: “Đối với nhân dân Việt Nam, ngày mồng 2 tháng 9 là một ngày vừa long trọng, vừa vẻ vang, vừa sung sướng” (Trần Dân Tiên, trang 105). Không sung sướng sao được khi hơn năm thế kỷ, nước Việt chìm trong chiến tranh giành quyền lực giữa các dòng họ Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn... Quân giặc Mãn Thanh phương Bắc sang xâm lược tàn phá giết hại dân lành và gần thế kỷ áp bức, bóc lột của thực dân Pháp, nước Việt kiệt quệ, thế và lực nghèo hèn, không có tên trên bản đồ thế giới. Sự sung sướng của Hồ Chí Minh còn thẩm thấu, thỏa lòng muôn triệu vong linh ở cõi linh thiêng, các anh hùng, liệt sĩ hy sinh, bỏ mạng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do. “Bản Tuyên ngôn độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng Việt Nam... viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước...” (Trần Dân Tiên, trang 105).

Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập diễn trình thẩm thấu hàng ngàn năm lịch sử, kết tụ anh linh, hồn thiêng của muôn triệu con dân nước Việt, lắng đọng trong từng ngôn từ, câu văn đọng mạch, khúc triết, vang vọng thức tỉnh muôn phương.

Tiến trình tiến hóa và phát triển của xã hội loài người từng chứng kiến 7 bản Tuyên ngôn đã ra đời, trong hoàn cảnh, điều kiện xã hội mang sứ mệnh, vai trò lịch sử nhất định, được đánh giá cao trong nhu cầu ngày càng nâng tầm nhận thức trí tuệ và đảm bảo những giá trị cuộc sống. Đó là: Tuyên ngôn Tôn giáo (1517), Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776), Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp (1791), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), Tuyên ngôn giải phóng của Mỹ (1862), Tuyên ngôn hòa bình của Ấn Độ (1920) và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (1945).

Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh sáng suốt ý thức được, cần và phải trích dẫn những gì, trích dẫn Tuyên ngôn nào, câu nào trong 6 bản Tuyên ngôn có trước vào bản Tuyên ngôn lịch sử mình viết ra.

Lịch sử bi thương, hiển hách của xã hội loài người từng nẩy nòi vài tên bạo chúa, hoàng đế ngông cuồng, tham lam đưa quân đi xâm lược, tàn sát, thôn tính nhiều quốc gia dân tộc và hàng nghìn dân tộc đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Chúng không tôn trọng, coi thường mạng sống con người, giết hại, cầm tù hàng trăm triệu người. Luật pháp nào, thế lực nào và ai là người bảo vệ hàng trăm triệu oan hồn, sinh linh đã chết thê chết thảm dưới lưỡi gươm, mũi tên tàn ác, bạo ngược của các tên bạo chúa muốn mở rộng đất đai bờ cõi và đế chế hung tàn trong suốt chiều dài lịch sử tiến hóa của nhân loại? Nhiều cuộc cách mạng thành công và thất bại. Đến cách mạng Mỹ, lần đầu tiên bản Tuyên ngôn độc lập (năm 1776), nâng cao hơn ở bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cách mạng Pháp (năm 1791) ghi nhận một chân lý đầy tính nhân văn “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của con người, chân lý đó được Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của mình.

Từ những điều ghi trong Tuyên ngôn đến đời sống thực tại còn có khoảng cách không gian, thời gian và quyền lợi tham tàn của kẻ cầm quyền, người phụ nữ, người da màu và nhân dân các nước thuộc địa, nhược tiểu bị đối xử tàn tệ, không được hưởng những quyền cơ bản, tối thiểu đó. Trên hành tinh, dân nô lệ ở các nước chậm phát triển bị đối xử, hành hạ dưới ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, phát xít và bọn cường quyền ngạo mạn. Ai, thế lực nào cất lên tiếng nói đòi quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho các dân tộc bị áp bức?

Đó chính là một trong những dòng triết lý nhân văn được viết đầu tiên gửi thông điệp quan trọng đến loài người. Trong khi hàng loạt các quốc gia Ấn Độ, Trung Hoa, Brasil, Ai Cập... chìm đắm trong sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, Việt Nam là nước đầu tiên giành độc lập trong cuộc đấu tranh cách mạng. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ sớm triết luận, nêu định đề chân lý: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...” (tập 3, trang 555).

Đánh giá về sự thức tỉnh và lan tỏa những giá trị luật pháp nhân văn, triết lý, đến xã hội loài người trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà triết học, học giả Nhật Bản Xingô-xitaba ca ngợi: “Một văn kiện có tính chất thời đại, nó tuyên bố tất cả các dân tộc đều bình đẳng... mãi mãi là nguyên lý soi đường cho tất cả các dân tộc và toàn thể loài người”.

Xác nhận tầm quan trọng và vai trò của văn chương chữ nghĩa trong đời sống xã hội loài người, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Sách đã góp phần nâng cao dân trí: Sách là bổ ích tinh thần... Sách là thuốc chữa tội ngu…”  (HCM truyện và ký, trang 362)

Hơn nữa, Người cảnh tỉnh cho toàn thể nhân dân: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", không thể để bất cứ một người dân, nhóm cộng đồng hoặc cả dân tộc lâm vào cảnh nguy hiểm "Dốt thì dại, dại thì hèn” (HCM TT, tập 7, tr 327).

Ngu, dốt... dại, hèn... yếu,... dẫn đến thiếu hiểu biết, đần độn tự mình làm hại mình, tự tiêu diệt hoặc bị dân tộc khác thôn tính, trở thành một tộc người mất bản sắc, không tự chủ, bị đồng hóa bởi một dân tộc khác trí tuệ hiểu biết hơn. Lịch sử tiến hóa của nhân loại đã từng chứng minh chân lý Hồ Chí Minh.

Muốn làm cách mạng đưa dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ, mất nước, Hồ Chí Minh gợi mở: "Lý luận là rất quan trọng, không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm" và đòi hỏi con người cách mạng phải thấu hiểu: "Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình.” (HCM TT, tập 7, tr 231).

Trọn cuộc đời Hồ Chí Minh coi trọng nền tảng trí tuệ, giáo hóa khai sáng nhận thức cho con người. Người huấn luyện cho cán bộ cách mạng phải đi sâu tình hình thực tế trong và ngoài nước, đúc rút kinh nghiệm, hiểu sâu sắc quy luật phát triển và biến đổi của thời thế, từ đó nhanh chóng xác định chiến lược, chiến thuật từng bước đi cụ thể chuyển hóa lực lượng vô cùng tận của muôn dân tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.



Bác Hồ làm việc trong hang núi Việt Bắc 1951 


Hồ Chí Minh không muốn chiến tranh, Người từng đau xót kêu gọi: "Vì trong bốn biển đều là anh em” (HCM TT, tập 4, tr 65), bởi một vài người cầm quyền ở Đông Dương và Pháp mang đầu óc thực dân, đế quốc dồn ép, ngạo ngược, buộc lòng Người phải kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đứng lên chiến đấu, chiến tranh đã xảy ra kéo dài hơn 30 năm.

Hồi ký của Thiếu tướng cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng cho biết: "Ngày 18/12/1946, Bác đến Chùa Trầm, nơi Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đóng, đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Lời kêu gọi chân thành, tha thiết thể hiện tâm nguyện và ý chí của Người cùng toàn thể dân tộc Việt Nam luôn tận tâm, tận lực vì hòa bình, hòa hiếu không muốn chiến tranh.

Hai mươi năm sau theo hồi ký của viên sỹ quan cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam: "Hôm ấy Bác ở lại và làm việc suốt một ngày ở trong Chùa Trầm... Bác muốn chọn một nơi thật yên tĩnh để hoàn thành văn kiện lịch sử Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước kịp công bố vào ngày 17/7/1966...”.

Như vậy, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) và Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước (1966), hai văn bản có giá trị lịch sử, nhân văn và pháp lý, đã được viết và phát tại Chùa Trầm (Hà Nội). Sau đó, để ghi nhận một trong những sự kiện có giá trị lịch sử ở thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cụ sư trụ trì chùa đôi câu đối, được nhà chùa trân trọng đắp trên tường tòa nhà thờ Phật ghi rõ:

"Cao sơn hữu ý thiên niên bút

Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm”.

Dịch: "Núi cao có ý bút lưu ngàn năm

Nước chảy không kêu đàn ca vạn thuở”.

Thời gian qua đi, đôi câu đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đã khẳng định những giá trị nhân văn cao quý, trường tồn với ngòi bút lão luyện về triết lý, chính luận văn học..., đang hiển hiện trong tâm thức, trí tuệ và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam cùng xã hội loài người. Hàng chục vạn bài viết, hội thảo tiếp tục nghiên cứu về di sản văn hóa, thơ văn và tư tưởng của Người.

Một Anh hùng giải phóng - Hồ Chí Minh với hai bàn tay trắng đã mang lại công trạng lớn lao giành độc lập tự do thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam là vĩ đại. Nhưng một Danh nhân văn hóa - Hồ Chí Minh đã và mãi mãi lan tỏa tư tưởng triết học, giá trị nhân văn, minh triết hòa hợp nhuần nhuyễn mọi dòng triết học Đông – Tây, kim - cổ và dân tộc học là hiếm trong xã hội loài người. Hàng trăm nhân sỹ trí thức, hàng nghìn tổ chức, các tòa báo, tạp chí... có uy tín từng ghi nhận, đánh giá Hồ Chí Minh. Báo Mỹ Thế giới hàng ngày ca ngợi: "Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”.

Một nhân vật vĩ đại nhất của thời đại chúng ta không chỉ là công trạng to lớn đối với dân tộc Việt Nam và xã hội loài người, mà vượt tầm để lại nền tảng minh triết về tư tưởng, văn bút và thơ ca vẫn đang cần các thế hệ trao đổi, nghiên cứu luận bàn.

Lê Cường
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm