A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đầu tiên dịch “Nhật ký trong tù” ra tiếng Pháp

Sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam (2/9/1945), kiều bào ở nước ngoài dấy lên phong trào yêu nước mới.

Trang giới thiệu về phần dịch thơ Bác
ra tiếng Pháp của Phan Nhuận
trên tờ tạp chí châu Âu năm 1961

Tại Paris (Pháp) một năm sau đó, trong hoạt động mừng lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh có một người đã đọc diễn văn nói lên lòng yêu nước của kiều bào mừng ngày Quốc khánh trước sự chứng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật xúc động.

Đó là Luật sư Phan Nhuận. Ông cũng chính là người đầu tiên dịch “Nhật ký trong tù” ra tiếng Pháp, sau khi xin ngồi tù để lấy cảm hứng.

Hàng chục năm qua, cứ đến dịp Quốc khánh, GS-TS, nhà giáo nhân dân Phan Thanh Dẫn lại sửa soạn lễ mọn, thắp hương vọng nhớ Luật sư Phan Nhuận - người có nhiều hoạt động xã hội thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt trong ngày 2/9/1946 tại Paris.

Ban thờ người chú ruột độc thân của GS Dẫn không có bất kỳ tấm ảnh, giấy ghi danh hay tri ân công lao luật sư Nhuận của tổ chức, cá nhân nào trao tặng.

Đau đáu với những day dứt đó, GS Dẫn đưa cho tôi số tài liệu ít ỏi về ông Nhuận và kể về những gì ông đã biết sau chuyến sang thăm mộ người chú quá cố tại Pháp.

Gia phả họ Phan ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) ghi: “Ông Phan Nhuận sinh năm 1914, tại Đức Lâm (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông Nhuận đậu 2 bằng cử nhân: Luật khoa và Văn khoa ở Paris.

Ông làm việc tại Tòa Thượng thẩm Paris với chức danh luật sư; là người đầu tiên dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Pháp; Đảng viên Đảng cộng sản Pháp… Ông mất ngày 6/8/1963. Nhiều năm qua, thông tin về người con của Đức Thọ chỉ vỏn vẹn như vậy.

Cuộc đời Phan Nhuận và dòng họ của ông thực ra cũng ba chìm bảy nổi. Những năm 1930-1931, phong trào yêu nước ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang lên đến đỉnh cao, người thanh niên Phan Nhuận lúc đó tham gia rất nhiều hoạt động biểu tình cùng học sinh sinh viên.

PGS-TS Phan Thanh Dẫn
bên mộ luật sư Phan Nhuận

Ông Phan Dương - anh cả của Phan Nhuận - đang công tác ở bên Lào lo sợ cậu học sinh Phan Nhuận có thể bị giặc bắt, nên tìm mọi cách đưa Phan Nhuận sang Pháp du học. Dẫu có nhiều biến cố trong gia đình nhưng trong sự nghiệp của mình, ông Phan Nhuận vẫn nỗ lực học tập.

Ông Nhuận tốt nghiệp Luật khoa tại Pháp rồi tiếp tục học Văn khoa và đều đỗ loại ưu. Kết quả học tập góp phần đưa ông vào vị trí Luật sư Tòa thượng thẩm Paris.

Trong hồi ức của kiều bào ta tại Pháp, trong đó có ông Lê Dẫn - người tự nguyện trông nom mộ ông Nhuận - thì ông Phan Nhuận là luật sư giỏi ở Paris, những lần làm “thầy cãi” cho lính thợ, không bao giờ ông Nhuận lấy thù lao.

Ông Nhuận kết giao với bác sỹ Nguyễn Khắc Viện (Việt kiều yêu nước bị thực dân Pháp tìm cớ trục xuất về nước), hai người từng tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ các phong trào cách mạng trong nước.

Việt kiều Lê Dẫn có lần kể với GS Phan Thanh Dẫn: Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp thực hiện một số hoạt động ngoại giao nhằm kéo dài thời gian hòa bình của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, củng cố lực lượng, luật sư Phan Nhuận đã làm nhiều việc hỗ trợ Bác.

Ông Nhuận làm phiên dịch cho Bác trong một số trường hợp theo nghi thức ngoại giao (những lần như vậy không nhiều, Bác Hồ chủ yếu trao đổi trực tiếp bằng tiếng Pháp).

Hoạt động rất đáng nói do ông Phan Nhuận cùng Hội Pháp-Việt tổ chức ủng hộ Bác, biểu thị lòng vui sướng khi nước Việt Nam mới ra đời là Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh nước ta tại Paris diễn ra tối 2/9/2006.

Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tham dự. Ông Phan Nhuận thay mặt kiều bào long trọng đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp mừng lễ kỷ niệm Quốc khánh và tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bàn thờ Luật sư Phan Nhuận
vẫn chưa có một bức ảnh thờ

Diễn văn có đoạn (tạm dịch): “….Đúng ngày này một năm trước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được tuyên bố thành lập. Những người Việt Nam cư trú ở Pháp không có diễm phúc tham dự sự kiện trọng đại đó. Nhưng khi biết tin về sự kiện kỳ diệu này, tất cả chúng tôi đã run lên vì sung sướng đến cuồng nhiệt.

Trong lễ kỷ niệm ngày mở ra kỷ nguyên mới cho nhân dân chúng tôi, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhân dân Pháp, Hội Pháp-Việt. Làm sao chúng tôi lại không xúc động khi nhắc đến những giờ phút cảm động nhất này.

Những tin tức đến với chúng tôi quá ngắn ngủi, hiếm hoi, đôi khi trái ngược và chẳng bao giờ có đủ chi tiết đáp ứng được khao khát của chúng tôi.

Chúng tôi ghen tị với đồng bào ở quê hương có hạnh phúc được làm việc dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi thành thật bày tỏ niềm vui sướng được thấy vị Chủ tịch kính yêu đang ngồi giữa chúng tôi trong tối hôm nay…”.

Bài diễn văn khẳng định “lần đầu tiên nước Việt Nam có một Chính phủ của dân, do dân, vì dân” ấy ngay sau đó được đăng trên tờ Nhân đạo (Pháp) đã lôi kéo nhiều hơn nữa kiều bào tại Pháp tham gia các hoạt động hướng về đất nước…

Sau lần được gặp Bác Hồ đó, dường như luật sư Nhuận nhận ra rõ hơn con đường đi của mình là phải gắn với đất nước. Ông bắt đầu âm thầm dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác từ tiếng Hán ra tiếng Pháp.

Dù hiểu sâu sắc tiếng Hán và tiếng Pháp, song ông Nhuận vẫn thấy khó khi dịch thơ Bác. Để có cảm hứng dịch thơ, ông tự nguyện làm đơn xin làm tù nhân tại ngục Bastille.

Sau thời gian “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, “tù nhân” Phan Nhuận đã dịch trọn 133 bài thơ viết bằng chữ Hán của Bác. Nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - hiện có trong tay 50 bản dịch của các dịch giả trong và ngoài nước đã dịch “Nhật ký trong tù”, song ông coi Phan Nhuận là dịch giả nổi tiếng, là một trong những người dịch thơ Bác chuẩn nhất. Ông Nhuận cho ra mắt cuốn “Nhật ký trong tù” đầu tiên bằng tiếng Pháp năm 1963, Nhà xuất bản Pierre Séghers ấn hành.

Cũng theo lời ông Thúy Toàn, bài giới thiệu về cuốn “Nhật ký trong tù” cũng được một nhà xuất bản lớn của Mỹ dịch đăng lại trong bản công bố tập thơ này bằng tiếng Anh ở Mỹ năm 1971.

Theo những tài liệu bằng tiếng Pháp có giới thiệu tập “Nhật ký trong tù” của Bác còn lưu lại thì Tạp chí Châu Âu ấn hành từ năm 1961 đã giới thiệu về tập thơ này bằng tiếng Pháp do ông Phan Nhuận dịch. “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Pháp đã truyền bá sâu rộng hơn tư tưởng của Hồ Chí Minh tại hải ngoại.

Quyền Thành-Lê Tuấn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm