A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngỡ ngàng thăm cõi Bác xưa

Các bếp ăn dành cho những nguyên thủ quốc gia thường thế nào? Sự tò mò ấy đã khiến chúng tôi tìm đến TS Bùi Kim Hồng-Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhờ anh giúp đỡ để được “khám phá” thật sâu một di tích đặc biệt mới trưng bày gần đây: Bếp ăn A, nơi đã nấu ăn cho Bác Hồ và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1954 đến 1969. Và rồi, thay cho sự tò mò, chúng tôi đã lặng đi vì xúc động…



Chạn đựng bát của Bác Hồ 

Bữa ăn của hai người đứng đầu đất nước năm 1969 có gì? Tấm bảng ghi thực đơn còn nguyên nét chữ ông Đặng Văn Lơ, một trong những người nấu ăn phục vụ Bác. Bữa ăn gồm: “Cơm tám, súp gà đậu hột, cá bống kho lá gừng, đậu đũa om nước dùng và tráng miệng táo nướng”.

Bếp không chỉ là nơi nấu ăn phục vụ hai nhà lãnh đạo mà nhiều khi, còn là nơi Bác Hồ mời cơm Bộ Chính trị, khách quý, anh hùng, chiến sĩ thi đua. Ấy vậy mà cũng chẳng to lớn, quy mô, không khác gì gian bếp của một gia đình lao động bình thường. Theo ý Bác, bộ phận phục vụ đã dùng hai gian đầu hồi của dãy nhà giặt là, chứa đồ của toàn quyền Pháp xưa làm bếp ăn. Lúc đầu, bếp chỉ có hai gian, mỗi gian hơn chục mét vuông, sau mở rộng thêm hai gian nữa nhưng tổng cộng cũng chỉ vỏn vẹn hai chục mét vuông. Cái “chạn” đựng thức ăn bình dị như thường thấy ở bất kỳ gia đình nông dân nào với ba ngăn nhỏ: Một để mâm cơm, một có bộ ly trà, cà phê, một để vài cái phích. Thêm một sự ngạc nhiên nữa: Từ mâm đến bát cơm, bát canh đều rất nhỏ. Nhỏ hơn bình thường vì Bác Hồ ăn rất ít. Và từ phích, bát, đũa, ly, cốc đều là những loại bình dân, bao gồm cả sứ Hải Dương, sứ Trung Quốc bình thường. Mâm cơm của Bác, giống như thực đơn, thường chỉ một bát loa đựng canh, một bát ăn cơm, một đôi đũa, ba cái đĩa nhỏ, một bát nhỏ đựng nước mắm… Có cả những thứ “tự chế” như chiếc thùng đựng kẹo để Bác Hồ mời khách được làm bằng tôn…



Bảng thực đơn của Bác

Trong bếp, còn có một vật dụng nhìn khá bình thường nhưng câu chuyện chị Cù Thị Minh, cán bộ Khu di tích kể lại một lần nữa khiến chúng tôi lặng đi: Chiếc cối xay bằng đá. Nó đã có tuổi đời gần 57 năm, được mua từ năm 1954. Ngày ấy, đất nước còn thiếu thốn trăm bề, công chức chỉ được cấp một phần gạo, còn lại là ngô, ai cũng phải ăn độn. Theo tiêu chuẩn, Bác Hồ được ưu tiên cấp 100% gạo. Nhưng Người kiên quyết từ chối ưu đãi này, yêu cầu để Bác được ăn ngô như mọi người. Chiếc cối xay ra đời vì thế. Sức khỏe của Bác Hồ là tài sản vô giá, Bộ Chính trị luôn quan tâm và mong muốn Bác phải có một chế độ ăn đặc biệt nhưng Người lại chỉ thích những món ăn dân dã như cá kho tộ, canh chua cá lóc, cà pháo… Khi được tin nông dân mất mùa, phải ăn độn ngô khoai, Người lại yêu cầu bữa ăn của Bác cũng phải độn ngô.



Bàn ăn của Bác

Vậy những người nấu ăn giúp Bác và Thủ tướng là những ai? Có hai người phụ trách chính là Đinh Văn Cẩn và Đặng Văn Lơ. Họ đều là những đầu bếp siêu đẳng. Ông Cẩn đạt bậc 8/8 còn ông Lơ từng được chọn đi học nấu ăn ở Trung Quốc từ ngày trong bộ đội và là học viên xuất sắc nhất, chuyên nấu tiêu chuẩn “đặc táo”. Hiện nay, chỉ ông Lơ còn sống. Ông tâm sự rằng: Hai ông gần như “thất nghiệp”, hầu như không được làm các món ăn cao cấp vì bữa ăn của Bác Hồ quá dân dã. Có lẽ các ông được lựa chọn chủ yếu vì tính cẩn thận. Trước đó, năm 1947, ở chiến khu, khi đồng chí Lộc nấu ăn giúp Bác, qua đời, Văn phòng đề nghị tìm người khác nhưng Bác bảo: Không cần thiết, chỉ cần các chú bảo vệ thay nhau nấu ăn… Dù rất bận rộn nhưng năm nào Bác cũng dành thời gian ăn bữa cơm tất niên với anh em phục vụ vào chiều 28 hoặc 29 Tết. Bác cũng tránh làm phiền những người phục vụ mình. Những hôm trời mưa, anh em định mang cơm lên nhà sàn, Bác trông thấy bắt bê về, rồi Bác tự xắn quần đi xuống nhà ăn.

Chủ tịch nước và Thủ tướng dùng chung một bếp là có một không hai trên thế giới. Tôi từng bị ám ảnh bởi điều đó khi vào thăm di tích cố đô Huế, được biết bữa ăn cho nhà vua thường có hơn 100 món ăn. Lại nhớ lần vào thăm di tích Dinh Độc Lập, còn thấy ghi trên bảng thực đơn của Dương Văn Minh trưa 30-4-1975 toàn những món thượng hạng… Và còn nhiều câu chuyện về bếp ăn cao sang của các nguyên thủ quốc gia khác nhưng có lẽ bếp ăn của Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những bếp ăn dành cho nguyên thủ quốc gia giản dị nhất thế giới…

Bài và ảnh: Ban Mai – Quang Thái
(QĐND)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm