Minh triết Hồ Chí Minh với Phật giáo
Hơn hai ngàn năm du nhập truyền bá, thấm đậm hồn khí phần lớn con dân nước Việt, Đạo Phật là tôn giáo lâu đời và lớn nhất. Nhiều thế kỷ, Đạo Phật trở thành quốc đạo, hội hợp bản thể từ vua, quan đại thần, danh nhân văn hóa đến dân thôn làng xã, nhập dụng chân tính tín ngưỡng bản địa, thông linh “Đạo nhà”, “Bụt chùa nhà”, “Phật tại tâm”... Hàng muôn triệu tăng ni, Phật tử gắn kết với thăng trầm lịch sử dân tộc, xả thân hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh dựng nước, giữ nước và mở mang nền văn hiến, tô đậm sắc thái nhân văn, mang dấu ấn riêng trong dòng văn hóa tâm linh bền vững của người Việt.
Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh không hề bài bác hay có hành vi, chính sách cực đoan, thủ đoạn triệt phá tôn giáo như lãnh đạo một số nước đã thực hiện, Người thân hành đến ngót trăm di tích chùa, đền, đình, miếu... thắp hương khởi phát vị thế vi diệu, đặt niềm tin thánh thiện các đấng siêu linh Phật, chúa, thánh, thần, anh hồn danh nhân, anh hùng dân tộc..., trân trọng giá trị tâm linh truyền thống. Hồ Chí Minh tiếp tục khai mở, thông linh mạch thiên - địa - nhân, nhằm phù hộ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước mạnh giàu.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh quan tâm, thành kính với Đạo Phật, hiểu sâu sắc giáo pháp nhu hòa mà kiên định tâm trí, trầm trải cùng dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn quan trọng, hình thành nền độc lập tự chủ và mở mang văn hiến bền vững, đa dạng của người Việt. Từ thẳm sâu lịch sử, Hồ Chí Minh sớm minh triết, thiết định chân lý: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một...” (1).
1. Thấu tỏ triết lý Đạo Phật
Đức Phật dạy tín đồ, con người thông hiểu, tu hành từ muôn vàn giáo lý, đặng kết đọng hướng tới sống theo đức hạnh cao nhất: “Hãy gấp làm điều thiện, ngăn tâm làm điều ác...” (2), thấu lời Phật, Hồ Chí Minh chân tình, tinh lược trả lời nhà báo:
- “Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.
- Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện” (3).
Cuối đời (6/1968), Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng xin chỉ thị chuẩn bị in sách Người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh gợi mở: “Ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần THIỆN trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ÁC, chứ không phải đập cho tơi bời” (4).
Sống ở nước ngoài, khác với số đông, tầm trí tuệ uyên bác Hồ Chí Minh có khả năng đạt trình độ học vấn cao giáo sư - tiến sỹ đầu ngành về một loại hình khoa học kỹ thuật nào đó hoặc doanh nhân người Việt ở nước ngoài giàu có. Nhưng tận thông nỗi khổ, đau đớn của dân tộc và xã hội con người, hiểu nguyên lý THIỆN và ÁC, Hồ Chí Minh quyết từ bỏ cuộc sống đầy đủ, hào hoa ở nước ngoài, nhận rõ mục đích cao cả, vai trò lớn lao của mình đối với dân tộc, Người về nước, sẵn sàng cam chịu hơn chục năm sống trong hang núi, chốn rừng hoang, gian khổ, thiếu thốn, thậm chí bị tù, đày đọa “gầy đen như quỷ đói”, dấn thân đấu tranh giành độc lập, quyền bình đẳng, nhân tâm, khoan dung cho con người và các dân tộc.
Hiểu lẽ đó, Hồ Chí Minh soạn thảo, thông qua Hiến pháp (1946), văn bản quan trọng nhất thể hiện thể chế, đường lối của Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên, ghi nhận quyền cơ bản: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do tín ngưỡng” (5), khác với Hiến pháp một số nước cách mạng cùng thời đã xóa bỏ mọi hình thức tôn giáo.
2. Thực hành giáo pháp Phật
Hồ Chí Minh tôn trọng mọi tôn giáo, tín ngưỡng, không xúc phạm niềm tin kể cả phong tục tập quán của mỗi họ tộc, Người còn giúp xây chùa, hành pháp Phật.
Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động cách mạng ở tỉnh Uđon-thani (Thái Lan), sư cụ Thượng toạ chùa Oắt-phô cho biết: “Hồi ấy, chùa xây điện thờ chính... việc chỉ đạo xây điện do ông Nguyễn đảm nhiệm, ông Nguyễn kêu gọi bà con Việt kiều góp của, góp công, mua sắm nguyên vật liệu cho chùa rất nhiều...” (6). Ở Thái Lan đâu đâu cũng có chùa, dân thường đi lễ chùa, Người cũng mua hoa đi lễ chùa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân tâm kể lại: “Đầu tháng 12 (năm 1940)… Ngày tết đến với chúng tôi tại biên giới… Gần làng có miếu thờ thành hoàng, nhân dân ai cũng đến lễ bái. Bác cũng đi cùng bà con đến viếng đền” (7).
Đồng chí Vũ Anh, cán bộ cách mạng cao cấp cởi mở tấm lòng: “Tháng 1/1941, Bác, anh Kiên và tôi về địa điểm Pác Bó... ngày tết quần chúng trong làng lên chúc tết đủ mặt. Các chị phụ nữ mỗi người mang một cái làn đựng thẻ hương và quà bánh, kéo từng đoàn đến lễ tết. Bác vẽ một ảnh Phật treo trên vách đá cho quần chúng có chỗ lễ...” (8). Bác vẽ một ảnh Phật... ứng xử văn hóa đầy tính minh triết Hồ Chí Minh.
Sau ngày giành được độc lập, Hồ Chí Minh đến chùa Bà Đá và Nhà Thờ Lớn (Hà Nội) dự lễ cầu siêu cho linh hồn đồng bào, chiến sỹ hy sinh vì Tổ quốc.
Lần thứ hai, ngày 5/1/1946, tại chùa Bà Đá, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia”, cầu nguyện cho nền độc lập. Trước thành viên Chính phủ, tăng ni, Phật tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tâm đọc lời thề: “... Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ” (9).
Giây phút giao thừa, thời khắc chuyển giao đất trời giữa năm cũ và năm mới khí vận chuyển đổi là lúc quan trọng nhất, con người có niềm tin, tâm đức thường đến chùa, đền, đình, nhà thờ, thánh đường..., tâm thành cầu các đấng bề trên, siêu linh phù hộ điều tốt đẹp cho con người, gia đình và bản thân.
Năm 1946, tình hình an ninh, chính trị ở Hà Nội cực kỳ nguy hiểm, các thế lực thù địch luôn tìm cách bắt và ám sát Hồ Chí Minh. Nhưng đến giờ phút giao thừa, thời khắc xoá bỏ hàng nghìn năm chế độ quân chủ chuyên chế, hình thành Nhà nước đầu tiên Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh phải cải trang vào đền Ngọc Sơn (Hồ Hoàn Kiếm), nơi kết tụ thánh minh, vùng đất linh thiêng nhất Hà Nội cùng nhân dân - những người tâm nguyện kính cáo giây phút chuyển giao, khai mở vận hội mới.
Lần thứ 2, Hồ Chí Minh đến đền Ngọc Sơn, cụ Nguyễn Xuân Tửu, sĩ quan quân đội lão thành cách mạng, sung sướng trải bày: “Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946)... Tôi lại có vinh dự được bảo vệ Bác Hồ đến thăm đền Ngọc Sơn...
Vì bảo vệ tầm gần nên được theo Bác vào tận hậu cung. Sau khi thành kính thắp hương,… thấy ba cuốn kinh trên bàn, Bác Hồ đã giở ra xem rồi gấp lại đưa cả cho tôi và bảo: “Chú giữ lấy, khi gặp nạn có thể cứu thân”. Đến nay, sau mấy chục năm kháng chiến…, tôi vẫn còn thuộc bài kinh Tâm pháp và kinh Sám hối...” (10).
Sau thời gian tận tụy tìm kiếm con đường hòa bình thân thiện, tránh để chiến tranh xảy ra với nhân dân và Nhà nước Pháp không thành công, ngày 21/01/1947 (giao thừa 30 Tết) Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hang núi chùa Trầm (Hà Tây), đọc thơ chúc Tết kêu gọi đồng bào: “Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông” chuyển sang giai đoạn khó khăn, gian khổ trường kỳ kháng chiến. Ngày 13/7/1966 (hai mươi năm sau), đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Người cho biết: “Hôm đó, Bác đi một mình không cho ai đi theo, Bác đến chùa Trầm...”. Đồng chí sĩ quan cao cấp đóng quân ở chùa Trầm không quên ngày đó: “Hôm ấy, Bác ở lại và làm việc suốt một ngày ở trong chùa Trầm, Bác bảo chúng tôi: “các chú cứ làm việc của các chú, Bác làm việc của Bác...”, chiều tối Bác về, Bác dặn thêm: “Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân... giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt…” (11). Chùa Trầm có giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần đến phát lời kêu gọi và thảo văn bản triết luận về giai đoạn lịch sử hào hùng, vĩ đại của dân tộc. Dưới ban thờ ở chùa, Người lặng lẽ, thẩm thấu: “Bác làm việc của Bác...” lời trao truyền đầy ẩn thức, tàng ý, một thời chiến tranh chưa có điều kiện để hiểu cặn kẽ, chúng ta cần tiếp tục luận giải.
Năm 1958, theo lời mời của Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm, trong chuyến đi có buổi đến chùa lễ Phật, Người viết: “Bác và đoàn do các vị Hòa thượng đưa lên lầu trên là nơi thờ Đức Phật...” (12).
Buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Châu hết sức thành kính: “...Tôi thắp nén hương và kính cẩn đưa lên cụ. Trước bàn thờ Phật, Hồ Chủ tịch trang nghiêm vái rồi cắm nén hương vào bát… Thấy Người thành kính dâng hương Đức Phật, lòng chúng tôi xiết bao xúc động, tưởng chừng như nước mắt muốn tuôn trào…” (13).
Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây Bồ Đề nơi Đức Phật tọa thiền và thành đạo, Người cho trồng tại chùa Trấn Quốc, ngôi chùa linh thiêng bậc nhất của Thủ đô.
Ngày 19/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chùa Hương (Hà Tây) thành tâm kính lễ Phật Bà Quán Thế Âm đầy quyền năng, luôn cứu giúp chúng sinh, Người không quên nhắc nhở chính quyền phải bảo vệ, xây dựng chùa ngày càng đẹp hơn để nhân dân đến lễ.
Đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng Phòng không Không quân khắc sâu một kỷ niệm: “Ngày sung sướng hạnh phúc nhất... nhớ nhất là ngày đưa Bác về thăm quê... đêm đó, mình trăn trở không sao ngủ được... mở bừng mắt trời đã hửng đông... mình ngồi dậy, Bác cười:
- Hôm qua lạ nhà, chú không ngủ được hả?
Mình giật mình, sao Ông cụ lại biết được nhỉ? Bác cười cười:
- Bác ngủ nhưng lại là thiền, nhập định đó, Bác hiểu thấu cả” (14).
Đúng như Hồ Chí Minh chỉ dạy, Đạo Phật có nhiều pháp tu dẫn người chân tâm trì luyện đến thông thiền nhập định. Bước đầu ngồi tọa thiền, kiên trì năm tháng nhuyễn tâm trí đến mức đi thiền, đứng thiền, nằm thiền... thăng hoa trí tuệ đạt ý, thần, thức, vào nhập định thông suốt, hiển nhiên có người tâm thành đắc pháp hiểu thấu cả mọi lẽ huyền vi và chân thức tiên tri những điều xảy ra sau đó hàng chục năm sau vượt không gian, thời gian.
Chúng ta không chỉ thức cảm cùng niềm vui bất tận của vị tướng tài ba Đặng Tính, còn nhận được cảm hứng bất ngờ của nhà văn Hoàng Quảng Uyên khi ông có trong tay “Bức ảnh đen trắng chụp Bác Hồ đang ngồi thiền trong hang” do nhà văn Sơn Tùng trân trọng gửi đến.
Bởi hiểu thấu cả, Hồ Chí Minh tiên tri những sự kiện cách mạng Việt Nam và Thế giới theo thời gian định trước vài năm hoặc hơn chục năm. Khác với nhiều nhà tiên tri trên thế giới, Hồ Chí Minh còn trực tiếp chỉ đạo, trao trọng trách cho người cộng sự, các tướng lĩnh chuẩn bị thế trận chiến đấu cẩn thận đến từng chi tiết, phù hợp mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau.
Hồ Chí Minh tiên tri trước đó hơn chục năm kẻ thù sẽ sử dụng máy bay B52 ném bom tàn phá Hà Nội, Người sớm ra lệnh cho các tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp đưa dân đi sơ tán, đào hầm trong thủ đô, nghiên cứu cách đánh máy bay B52, bày đặt thế trận phòng không không quân tạo thành trận địa đan xen, dày đặc ngăn chặn hiệu quả máy bay ném bom và chúng ta đã giành chiến thắng vang dội trận “Điện Biên Phủ trên không”, kịp thời cứu Hà Nội không bị san bằng như một số thành phố khác trên thế giới. Hồ Chí Minh hiểu thấu cả nên từ nhiều năm trước đưa ra quyết sách chiến lược đúng đắn, chính xác nhằm giảm tổn thất xương máu, tài sản của đồng bào, chiến sĩ và giành thắng lợi to lớn. Hồ Chí Minh liên tục viết những lời tiên tri: “1945: Việt Nam Độc lập, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không,... chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất...” đó chính là nhập định thông suốt không gian, thời gian.
Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh đến nhiều vùng núi linh, chùa, đền thiêng như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... thành kính thắp hương, thông suốt linh mạch thiên - địa - nhân và kết nối âm phù dương trợ. Người không quên nhắc nhở nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công” (15).
Ngay sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vùng đất linh, chùa thiêng và hiểu sẽ đến thời kỳ suy đồi chung trên thế giới, đạo bị cấm, chùa, đền, đình... bị tàn hại, Người sớm khẩn cấp ký Sắc lệnh số 65 (23/11/1945) kịp thời, phần nào chặn tay kẻ ác: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật… có ích cho lịch sử” (16).
|
3. Tư tưởng nhân văn hòa bình của Đạo Phật
Hơn 2.500 năm nay, cảm thông nỗi khổ sinh, bệnh, lão, tử và thiếu hiểu biết của con người ở thời kỳ còn sơ khai, Đức Phật nguyện hy sinh niềm vui nhỏ bé, thấp hèn, quyết tu hành, dần khai ngộ trí tuệ, linh thông chân lý. Người giảng giải, mở mang tâm trí muôn người, tự chân thức, khơi mở “bản tính Phật”, “làm điều thiện” trong từng con người, tràn tỏa niềm vui “niết bàn” ngay tại cõi đời đang sống.
Đượm nỗi đau dân tộc và xã hội loài người, từ bi, nghĩa cả Hồ Chí Minh mang lại niềm vui, luôn kêu gọi chúng sinh đoàn kết, Người viết Tuyên Ngôn Độc Lập - một áng hùng văn tuyệt bút hiếm hoi trong hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, Tuyên ngôn được loài người ghi nhận mở rộng bước phát triển đầy nhân tâm, trí tuệ. Hồ Chí Minh đanh thép lên án kẻ thù hãm hại, áp bức các thành phần giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chịu chung nỗi khổ, cay cực có cả nhà tư sản và dân buôn, Người minh trí triết luận: “Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp… làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên...” (17), sáng ngời chân lý, mọi kẻ thù đều ác hiểm, chúng luôn định ám hại các nhà tư sản, dân buôn.
Thấy rõ vai trò vô cùng quan trọng của “nhà tư sản” và “dân buôn” trong sự nghiệp phát triển kinh tế, hưng thịnh dân tộc, với tấm lòng tha thiết, không giả dối, Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công - Thương mong muốn: “Giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương...” (18).
Với các nhà tư bản nước ngoài, Hồ Chí Minh chân thành hòa hợp: “Chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi” (19).
Vua Bảo Đại, quan đại thần, nhân sĩ, trí thức, nhà tư sản, doanh nhân... Hồ Chí Minh không ghét bỏ, hãm hại mà tìm mọi cách thu phục nhân tâm, mời vào vị trí lãnh đạo cao để giúp dân, phụng sự Tổ quốc.
Lời dạy của Đức Phật: “Lấy ân trả oán, tăng ân giảm oán - Lấy oán trả oán, oán oán chất chồng”, Hồ Chí Minh nhiều lần chủ động gặp gỡ, viết thư gửi Tổng thống, lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh, binh sĩ và tù binh hai nước Pháp, Mỹ tỏ lòng thiện cảm, ứng xử văn hóa, không hằn thù, oán hận, mong muốn các dân tộc cùng hưởng độc lập, tự do và bình đẳng, giúp đỡ nhau trao đổi kinh tế, văn hoá... như những người anh em. Hồ Chí Minh mở lòng: “vì trong bốn biển đều là anh em”.
Hồ Chí Minh nhập thể, thông linh “làm theo lòng đại từ, đại bi của Đức Phật” không phân biệt kẻ bị áp bức và người đi áp bức, chia các thành phần giai cấp mà tiêu diệt xóa bỏ lẫn nhau, gieo rắc hận thù, Người đau lòng đến da diết: “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người... vì lẽ gì... mà đem máu quí báu của thanh niên Pháp đổ trên non nước Việt Nam... cần phải bắt tay nhau... gây dựng hạnh phúc chung” (20).
Thế kỷ 20, nhân loại chìm đắm trong nhiều cuộc chiến tranh lớn, nhỏ đầy biến động, trắc ẩn mang tính toàn cầu, đến mức nhiều học giả, nhân sĩ viết sách, lập luận bi quan, họ cho rằng thượng đế đã chết, không thể cứu loài người, thế giới đại loạn, sẽ đến ngày diệt vong.
Từ rất sớm (1921), Hồ Chí Minh cảnh tỉnh loài người khi tìm cách xoá bỏ đẳng cấp, tôn giáo và các thành phần giai cấp: “Thảm họa của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết” (21). Hồ Chí Minh thành tâm gợi niềm tin mãnh liệt: “Rồi đây, bốn bể một nhà...” (22).
4. Vị thế Hồ Chí Minh trong nhận thức Phật giáo
Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tu thiền nhập định, chứng ngộ chân lý hiểu thấu vai trò của mình: “Ta là Phật đã thành...”, tận hiểu nghiệp lực muôn sinh, truyền dạy pháp môn cứu mọi căn kiếp.
Hồ Chí Minh thông suốt lời Phật, hiểu thấu và chỉ rõ mệnh lớn của mình:
...“Mọi người ngẩng lên ngắm trời tự do,
Khách thần tiên trên trời tự do
Biết chăng trong ngục cũng có tiên” (23)
Các đấng thần, tiên (ở) trên trời (sống) tự do, (mọi người) biết chăng trong ngục đang có “ông tiên”, và tất nhiên ông tiên được “thoát khỏi tù”. Ra khỏi tù ông tiên sẽ “dựng nên đất nước”, đó chính là: “rồng thật sẽ bay ra” (24). “Rồng thật” không phải rồng giả, rồng tre như vua Khải Định đã bị Bà Trưng mắng, nhân dân oán ghét.
Rồng là thiên tử, con trời, Hồ Chí Minh khai sáng: “Thiên tử nằm mơ, Ngài mơ thấy những con rồng... Hoàng đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân?” (25). Ca ngợi vị Hoàng đế đại tài Napoléon, Hồ Chí Minh trân trọng và viết đôi dòng phê phán: “Napoléon là vị tướng có đại tài... làm Hoàng đế cũng chưa đủ... Mà ông Napoléon cũng giữ được địa vị Thiên tử trong một nước giàu mạnh ở Âu châu. Nhưng ông Napoléon đã làm con giời lại muốn làm cả giời, kết quả bị rơi xuống đất” (26).
Trong bối cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đau khổ, cơ cực, Hồ Chí Minh bôn ba khắp các nước với mục đích, lớn lao một định mệnh “Rồng thật” ngay từ thuở nhỏ (15 tuổi), Người đã nung nấu ý chí “muốn nên sự nghiệp lớn” đòi hỏi tầm thức rộng: “Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại” (27).
Hồ Chí Minh vận tâm bày tỏ:
“Lòng riêng riêng những bàn hoàn,
Lo sao khôi phục giang san tiên rồng” (t.5, trang 690).
Cùng sứ mệnh cao cả như Đức Phật, cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, địa ngục (28), đầu năm 1949, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ghi nhận trách nhiệm lớn: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào... Tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức... cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân...” (29).
Hai mươi năm sau (1961), Hồ Chí Minh - Tôi, người phụ trách số phận đồng bào - lên thăm hang Pác Bó (Cao Bằng), hồn hậu thẩm định lời tiên tri (1941):
“Hai mươi năm trước ở hang này...
Non sông gấm vóc có ngày nay” (30).
Vào giờ đẹp, ngày đẹp, tháng đẹp, Hồ Chí Minh viết Di chúc suốt năm năm trời, chắt chiu từng con chữ, đắn đo mỗi sự kiện, Người ung dung với tâm trạng sáng suốt, minh mẫn của bậc hiền triết, hết sức chủ động, dặn dò việc cần phải làm, để giữ trọn nghĩa cả: “Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm...” (31), hơn nữa chỉ rõ: “Tạo nên đài kỷ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại vĩ đại đó...” (32) và là nơi an nghỉ, tụ hội các anh hồn liệt sỹ, vong linh đồng bào đã dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc.
Theo Di chúc của Hồ Chí Minh, từ thành phố, tỉnh đến làng, xã... phải thấy trên hành tinh, Việt Nam là nước đã dựng nhiều, xây hàng loạt, con số khoảng hơn vạn bia kỷ niệm, đài liệt sĩ, nhà tưởng niệm... thuận đạo nghĩa tình, thực hiện tiếp nối văn hóa tâm linh truyền thống từ ngàn xưa trải bày đến hôm nay.
Viết Di chúc, Hồ Chí Minh lưu lại cho muôn đời con cháu, một văn bản hiếm thấy trong tầm thức nguyên thủ quốc gia, Người tận thức viết đôi dòng theo quy luật tạo hóa đến lúc về với thế giới người hiền (cõi trời), đầy đủ, tận nghĩa dựng các đài liệt sỹ, bia kỷ niệm cho vong linh, anh hồn liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc (cõi đất). Người còn lo lắng, dặn dò việc cấp thiết phải làm đầy đủ sau khi đất nước thống nhất cho những lớp người đang sống (cõi người). Di chúc của Hồ Chí Minh dung thông mọi linh thể, căn kiếp trong ba cõi trời - đất - người theo hệ tư tưởng Phật giáo, tích hợp âm dương hài hòa.
Từ rất sớm (1958), Hồ Chí Minh khẳng định mệnh lớn đối với dân tộc và xã hội loài người: “Nay Bác đã lên đến tầng cao nhất - cho nên Bác là anh hùng!” (33). Người trải bày: “Bác thường ghé thăm một cách bất thình lình đồng bào các bản làng và các đơn vị bộ đội... quây quần lấy Bác... Bác thân mật hỏi thăm sức khoẻ mọi người, dặn dò, phê bình, khuyến khích mấy lời như cha nói với đàn con...” (34).
Sau khi qua đời, đúng như Hồ Chí Minh tiên tri, Người được nhân loại suy tôn là vị Chủ tịch huyền thoại ngay khi còn sống, “một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ XX” (Báo Time của Mỹ) một vĩ nhân được viết đến nhiều trên báo, tạp chí, hội thảo khoa học, dựng tượng đài, đặt tên phố, quảng trường, trường học... ở nhiều nước trên thế giới, và tôn xưng cao quý Danh nhân Văn hóa - Anh hùng Giải phóng Dân tộc trong tầm thế hiếm hoi ở thế kỷ XX.
Tiếp nhận sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, nối mạch truyền thống minh triết hàng ngàn năm văn hóa tâm linh Việt, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết... đã đến một số di tích lịch sử, văn hoá, thành tâm thắp hương khởi phát những giá trị tâm linh bền vững trong nền văn hoá Việt.
Năm 1969, buổi lễ trang trọng tiễn đưa Hồ Chí Minh về cõi, Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn dân đọc Điếu văn ghi ơn: “HỒ CHỦ TỊCH đã qua đời!... Toàn thể dân tộc Việt Nam ta, mỗi người Việt Nam ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người” (35).
“Công ơn trời biển...”, Đảng, Nhà nước đã cho xây đền thờ, khu kỷ niệm, nhà Bảo tàng, đặt tượng, ảnh ở cơ quan chính quyền, nhà máy, xí nghiệp các thành phố, tỉnh, quận, huyện, phường, xã... mọi miền Tổ quốc. Tự tâm hàng vạn ngôi chùa, đền, đình, miếu, nhà dân khắp làng xã, thôn bản có ban phối thờ ảnh, tượng, bát hương Hồ Chí Minh, suy tôn Người là Phật, thánh, thiên tử, rồng thật, cha già dân tộc. Tôi, người phụ trách số phận đồng bào, Bác là anh hùng, cha nói với đàn con... Ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, các thế hệ... đến thành kính thắp hương kính cáo tại nơi thờ Hồ Chí Minh. Sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh đưa vào Nghị quyết Đảng, lời nói, việc làm của Người là phương hướng tư duy, hành động, là một trong số đề tài văn học, nghệ thuật, khoa học xã hội, được nghiên cứu đầy đủ trong dòng triết học, tư tưởng, văn hóa và tâm linh Việt.
Từ rất sớm, những danh nhân trí tuệ hàng đầu của loài người như: Nhà Triết học Bertrand Russell, Nhà Toán học, Triết học B. Pascal, Thủ tướng ấn Độ J. Nehru... thường linh giác minh triết hòa tâm thức với triết luận của Nhà Bác học, Giải thưởng Nobel vật lý A.Einstein: “Phật Giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi” (36).
Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh trọn sự nghiệp, tư tưởng đã chân tâm, nhập thể lời Phật: “Đức Phật có câu: “Vạn chúng nhất tâm” nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh” (37). Năm 1958, lãnh đạo ở một số nước cách mạng đã và đang triệt phá tôn giáo, tín ngưỡng, hủy hoại chùa, đền, miếu, nhà thờ... Ngược lại tầm nhìn minh triết Hồ Chí Minh sớm thiết định nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống: “...phải có thần linh pháp quyền”, hơn nữa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho con người, Hồ Chí Minh sớm tiên tri: “Phật giáo... đã lan khắp thế giới” (38).
Lê Cường
Tài liệu tham khảo:
- Hội thảo Quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh… 1990 - NXB Khoa học Xã hội, trang 227
- Thích Minh Châu, Kinh pháp cú, Thiền viện Vạn Hạnh, trang 71
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 5, trang 428
- Sđd, tập 12, trang 558
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội…, NXB Chính trị Quốc gia, 2001, trang 468
- Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh. 1990, NXB Khoa học Xã hội, trang 166
- Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, 1977, trang 41
- Bác Hồ hồi ký, NXB Văn hóa Thông tin, 2001, trang 209
- Sđd, tập 4, trang 148
- Văn nghệ công an số 8/2004
- Nguồn sức mạnh… NXB Sự thật, 1995
- Sđd, tập 9, trang 117
- Thích Minh Châu, nghiên cứu Phật học số 2/1995
- Báo Tiền phong ngày 11/8/1996
- Vũ Kỳ, càng nhớ Bác Hồ, trang 330
- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, tập 3, trang 74
- Sđd, tập 4, trang 2
- Sđd, tập 4, trang 49
- Sđd, tập 5, trang 156
- Sđd, tập 4, trang 457
- Sđd, tập 1, trang 41
- Sđd, tập 8, trang 362
- Sđd, tập 3, trang 277
- Sđd, tập 3, trang 356
- Sđd, tập 1, trang 79
- Sđd, tập 4, trang 357
- Sđd, tập 2, trang 449
- Sđd, tập 5, trang 197
- Sđd, tập 5, trang 560
- Hồ Chí Minh thơ toàn tập, NXB văn nghệ TP HCM, trang 404
- Sđd, tập 12, trang 503
- Sđd, tập 1, trang 80
- Hồ Chí Minh truyện và ký, NXB Văn học, trang 209
- Hồ Chí Minh truyện và ký, NXB Văn học, trang 270
- Sđd, tập 12, trang 519
- Văn hoá Phật giáo, số tháng 9-2006, trang 40
- Hồ Chí Minh biên niên… NXB Chính trị Quốc gia, tập 3, trang 116
- Hồ Chí Minh truyện và ký, NXB Văn học, trang 206
- Từ điển Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 1994.