A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Minh triết Hồ Chí Minh: “Vì trong bốn biển đều là anh em”

“RỒI ĐÂY, BỐN BỂ MỘT NHÀ” là một thành tố quan trọng nằm trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh ghi nhận tiền đề một luận thức nhằm động viên mọi người vững niềm tin, vượt qua khó khăn thử thách gian khổ, dù phải hy sinh xương máu cũng sẵn sàng chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc...
Trước ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 một tháng, tình hình đất nước cực kỳ bi đát, thù trong giặc ngoài tìm cách lật đổ Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân đầu tiên và là sớm nhất trong các nước chậm phát triển, bị áp bức, bóc lột trên hành tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn dẫn dắt mọi thắng lợi cách mạng Việt Nam tận tâm, nỗ lực cứu vãn tình thế mong mang lại hòa bình, không để chiến tranh xảy ra. Hồ Chí Minh hiểu rằng cuộc chiến sẽ cực kỳ tàn bạo gây bao đau thương tang tóc và cảnh báo: “Nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng” thanh niên ưu tú, người dân vô tội của hai dân tộc Việt - Pháp. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, trang 473).

Tình hình thế giới lúc này bước vào thế cục mâu thuẫn căng thẳng mới, chủ nghĩa phát xít tàn bạo vừa bị tiêu diệt, phe đồng minh sau khi thắng trận phân chia, một số nước tập hợp thành hai lực lượng tranh giành ảnh hưởng về tư tưởng, kinh tế, xã hội... đồng thời thành lập những liên minh chính trị, quân sự... Phe Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và phe Tư bản chủ nghĩa do Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đứng đầu luôn tìm kiếm quyền lợi, đối nghịch nhau về ý thức hệ. Tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc từng nêu lên: “Các đồng chí đã nói đến một chính quyền vô sản và việc lật đổ chủ nghĩa tư bản...” (tập 1, trang 211), và “ở Liên Xô... tư bản, địa chủ, phú nông không có nữa” (tập 7, trang 244).

Tình hình thế cục trong và ngoài nước hết sức đen tối, bậc vĩ nhân thường nhìn thấu và tỏa sáng niềm tin, Hồ Chí Minh viết bài đăng trên báo Cứu Quốc số 413, ngày 22/11/1946, luận định và là tiên tri: “Khoa học càng phát triển, xe cộ, tàu bò càng tinh xảo, đường giao thông càng tiện lợi. Hàng ngàn trùng dương rút gần như gang tấc. Núi cao rừng rậm không còn là hiểm trở. Không trung rộng lớn bao la cũng coi là bé nhỏ. Hàn đới, băng tuyết quanh năm cũng chẳng phải là nơi người không thể để chân đến được. RỒI ĐÂY, BỐN BỂ MỘT NHÀ...” (tập 4, trang 453).


 
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Tajikistan,
ngày 27/7/1959


RỒI ĐÂY, BỐN BỂ MỘT NHÀ” là một thành tố quan trọng nằm trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh ghi nhận tiền đề một luận thức nhằm động viên mọi người vững niềm tin, vượt qua khó khăn thử thách gian khổ, dù phải hy sinh xương máu cũng sẵn sàng chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, hay chăng đoạn viết trên là sự hứng cảm nhất thời, lạc quan trong giây lát không dựa trên nền tảng thực tiễn cuộc sống, triết lý nhân văn mà nâng tầm lý luận.

Nhìn lại tiến trình tiến hóa của xã hội loài người, nhiều hiền triết, học giả... đã nêu học thuyết, nhận thức về mối quan hệ con người với con người và con người với vạn vật vũ trụ trong hoàn cảnh, sự dấn thân hiểu biết khác nhau, triết trung hai ý chính: đặt niềm tin chí thiện ở loài người và ngược lại mất niềm tin, cảnh tỉnh về bản tính dã thú, tàn ác của một số kẻ cầm quyền hoang bạo.

Hơn 2.500 năm, Đức Phật Thích Ca đặt niềm tin thánh thiện ở con người, sớm chỉ rõ cõi đời là khổ đau, với bao nỗi thăng trầm, trăn trở cần trí tuệ điều chỉnh thương yêu lẫn nhau, vượt qua đến bờ hiểu biết. “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành...”. Khổng Tử trải niềm tin: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (gốc con người vốn là tốt), Chúa Jesu kêu gọi: Bác ái, bình đẳng...

Không khỏi có nhiều luận thuyết ngược lại, Mạnh Tử  trăn trở cảnh báo “Nhân chi sơ tính bản ác” (gốc con người vốn là ác), thế kỷ XX thời kỳ nhiều biến động lớn, đã xảy ra hai cuộc chiến tranh giết hại hơn trăm triệu người, những xung đột tranh giành mang tính khu vực về tư tưởng, chính trị, đất đai... giết hại hàng chục triệu người và là thời kỳ tệ hại, tàn bạo nhất trong tiến trình phát triển. Nhiều học giả, nhân sĩ từng bi quan biện bác trên căn bản nguyên lý đối lập giữa hai mảng thiện - ác, sáng - tối, dương - âm, chiến tranh - hòa bình... cho rằng: Thượng đế đã chết không cứu loài người, thiên hạ đại loạn, thuyết nhân mãn, năm 2000 ngày tận thế, rồi năm đại họa 2012... lần lượt cảnh tỉnh muôn người.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ trong đêm trường nô lệ, bị áp bức bóc lột tàn tệ của chủ nghĩa thực dân, trong đêm đen của chế độ phát xít tàn ác, Người nhìn thấu triết lý đầy tính nhân văn nêu khái niệm “Vạn chúng nhất tâm” của Đức Phật, “Thế giới đại đồng” của Khổng Tử và Tự do, Bình đẳng, Bác ái của chúa Jesus. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Versailles (1919), Nguyễn Ái Quốc tin tưởng: “Nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả... Nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái thế giới” (tập 1, trang 436).

Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược tiên tri viễn cảnh tốt đẹp trong đêm trường nô lệ bi ai sầu thảm: “Nhất định thế, đến thời kỳ đó, không còn xa lắm... được giải phóng khỏi ách đế quốc chủ nghĩa, nhân dân Đông Dương nhất định sẽ tự hào và hạnh phúc... đem lại sự đóng góp của mình, cùng với những người lao động Pháp xây dựng Tổ quốc chung” (tập 1, trang 30).

“... Với những người lao động Pháp xây dựng Tổ quốc chung” là một định đề trong tầm nhìn Hồ Chí Minh. Hơn 30 năm bôn ba năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh tiếp cận, học hỏi, tham gia sinh hoạt học thuật, trao đổi nhận thức nâng cao tầm hiểu biết với mọi tầng lớp nhân dân, trí thức Pháp, Người từng bộc bạch lòng nhân từ tha thiết: “Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh” (tập 4, trang 65). Năm 1919 Người viết lời ngợi ca:       

Rằng nay gặp hội giao hòa...

Người Tây người Việt hai phương cùng đồng” (tập 1, trang 438).

Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại, cuốn hút các nước lao vào mọi biến cố, thảm họa vừa chấm dứt, sự căng thẳng giữa các nước tìm kiếm thị trường, tranh giành ảnh hưởng bước vào giai đoạn mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên thấu tỏ nguyên lý sâu rộng “bốn bể một nhà” đặt vấn đề về tư duy đổi mới sớm nhất giữa các nước có trình độ khác nhau, phải hợp tác giúp đỡ phát triển mọi mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa...: “Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta... Chúng ta sẽ mời những chuyên gia Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia” (tập 4, trang 74).

Chúng ta hoan nghênh... đem tư bản vào xứ ta...” vậy thì đối với tư bản, doanh nhân, điền chủ trong nước... thái độ và hành động của Hồ Chí Minh thế nào? Nước nhà vừa độc lập, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trực tiếp ca ngợi vai trò, vị thế của họ trong nền kinh tế nước nhà. Người viết: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng” (tập 4, trang 49).

Hơn nữa, trong bản Tuyên ngôn Độc lập – một văn bản vô cùng quan trọng đúc kết trí tuệ đông tây, kim cổ và mãi mãi tỏa sáng tính triết lý, giá trị nhân văn, pháp lý, lịch sử... cho muôn đời con cháu, Hồ Chí Minh vạch trần tội ác lên án kẻ thù thâm hiểm, độc ác tìm cách hãm hại các nhà tư sản, dân buôn nước ta: “Hơn 80 năm nay, bọn thực dân... làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên...” (tập 4, trang 2).

Ngót thế kỷ, kẻ thù hãm hại dân buôn, các nhà tư sản... nền kinh tế, khoa học kỹ thuật của nước ta lạc hậu, trì trệ, không phát triển, Hồ Chí Minh với tấm lòng chân thật, không lừa dối: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này” (tập 4, trang 49).

Hồ Chí Minh tha thiết kêu gọi đại đoàn kết toàn dân: “...Các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, đều có lợi ích chung, mục đích chung cần phải đoàn kết lại... kiến quốc nhất định thành công” (tập 7, trang 215).

Năm 1946, mối quan hệ giữa hai nước Việt - Pháp ngày càng căng thẳng, nhằm cứu vãn tình thế không để chiến tranh xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành hơn 3 tháng sang Pháp gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Đảng phái chính trị, nhân sĩ trí thức, nhà báo và tổ chức quần chúng nhân dân thể hiện nguyện ước thân thiện hợp tác xây dựng đất nước Việt Nam: “Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp” (tập 4, trang 473).

Hồ Chí Minh mong muốn tầm quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Pháp lên một vị thế mới cùng nhau hợp tác mọi mặt, trở thành mẫu mực, tiêu biểu trong xã hội loài người: “Liên hiệp Pháp sẽ có vai trò to lớn trong việc tổ chức xã hội loài người... Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới” (tập 4, trang 285).

Còn nguyện ước nào, lời lẽ nào hơn thế, nếu Chính phủ Pháp hiểu sâu sắc, thực thi những thông điệp hòa bình, hợp tác trong hai văn bản Hiệp định sơ bộ 6/3Tạm ước Việt - Pháp mà đích thân Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Nhà nước Pháp đã ký, chắc hẳn hàng chục vạn thanh niên ưu tú, công dân của hai dân tộc Việt - Pháp không phải hy sinh, từ biệt cõi đời trên chiến trường Việt Nam.

Thời gian càng lùi xa, tư liệu và những hồi ức một thời ngày càng sáng tỏ chân lý. Chiến tranh chấm dứt, năm 1993, Tổng thống Pháp F.Mitterrand sang thăm Việt Nam, đến chiến trường xưa Điện Biên Phủ cảm thông và giải mã những ẩn ước lịch sử: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được, dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập. Ông Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh” (Báo Quân đội Nhân dân, ngày 11/02/1993).

Một vài người có vai trò quyết định mang nặng đầu óc thực dân trong chính thể Nhà nước Pháp tăng cường áp lực, ngày càng dấn sâu vào con đường chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở rộng ngưỡng cửa tìm kiếm hòa bình, nhiều lần gửi thư cho nguyên thủ một số nước trên thế giới khẩn thiết kêu gọi mau chóng ngăn không để cuộc chiến tranh Việt - Pháp xảy ra. Lá thư gửi Tổng thống Mỹ năm 1946, Hồ Chí Minh thể nguyện tấm lòng thiết tha hòa bình hợp tác: “Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chúng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi... Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ... sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. (tập 4, trang 177).

Trong mối quan hệ đan xen nhiều chiều, việc xử lý thông tin đôi khi sai lầm, làm chậm bước tiến, kéo dài thời gian lịch sử, thậm chí xảy ra chiến tranh tàn bạo trong mối quan hệ giữa các quốc gia.

Năm 1967, cuộc chiến tranh Việt Nam - Hoa Kỳ vào giai đoạn chưa tìm được lối thoát đến cánh cửa hòa bình, những năm tháng đen tối nhất, cuộc chiến diễn ra tàn bạo, dã man nhất, một lần nữa không gian, thời gian như co lại, hiển hiện hình ảnh lạ kỳ của ngày hôm nay trong tầm nhìn xuyên thấu, sáng suốt Hồ Chí Minh khi Người nói với hai Tổng biên tập báo Mỹ lời tiên tri: “Lính Mỹ hiện nay đang bị đẩy sang đây để đi giết người và để bị giết... Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình... Tôi không nghi ngờ gì việc thống nhất đó sẽ đến... Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ... khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng ta” (Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ, trang 202).  

Thật tuyệt vời trí tuệ siêu việt Hồ Chí Minh, hơn nửa thế kỷ sau, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngài R. Mc.Namara nhà chiến lược hàng đầu về chính sách của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thú nhận sự thật đau đớn: “...Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”.

Không vượt khỏi tầm nhìn Hồ Chí Minh, sau khi đặt quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác hữu nghị ngày càng tăng cường, lãnh đạo cao cấp, các đoàn thể thăm viếng, giao lưu trao đổi thân thiện, nước Mỹ dần trở thành nhà đầu tư hàng đầu, hàng hóa Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ, sự hợp tác kinh tế, giáo dục, văn hóa, an ninh quốc phòng... đã và đang ngày càng tốt đẹp trong công cuộc đổi mới xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có vai trò xứng đáng trong cộng đồng quốc tế theo đúng nguyện ước của Người. Lịch sử hào hùng hơn hai nghìn năm dựng nước, giữ nước của nhân dân các dân tộc Việt Nam, từng chịu đựng 17 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù hung ác và chưa hề có tiền lệ nào sau chiến tranh, kẻ thù sang xin lỗi và mong muốn chuyển giao công nghệ, xây dựng lại đất nước Việt Nam mạnh giàu. Hồ Chí Minh nhìn thấu và chỉ Hồ Chí Minh mới tận thông lòng chí thiện của con người thời đại mới mà tiên tri trước đó hàng chục năm: “Hoan nghênh nhân dân Mỹ (Pháp)... xây dựng lại đất nước chúng ta”.


 
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tỉnh Giang Tô, CHND Trung Hoa,
ngày 19/5/1961


Thời gian qua đi, đọc lại hàng loạt bài viết, hồi ký của các đồng chí Lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh, người cộng sự gần gũi và đặc biệt bài viết, hồi ký, thư gửi mọi người... của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta càng kinh ngạc và thán phục bởi khả năng tiên tri siêu việt của Người. Nhờ tài ngoại giao, sức thuyết phục của Người, nước Mỹ là nước duy nhất viện trợ vũ khí, khí tài, thuốc men... cử đơn vị Con Nai sang huấn luyện cách đánh, sử dụng vũ khí cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong những ngày mới thành lập chính thể, quân đội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thượng tướng Phùng Thế Tài tâm phục: “Cứ sau mỗi câu nói của Bác, tôi không hiểu gì, nhưng đều thấy các vị khách Mỹ cười sảng khoái” (Hồi ký Phùng Thế Tài, NXB Quân đội ND).

Lịch sử có những bước ngoặt không lường, sau khi Tổng thống P.D. Roosevelt qua đời (4/1945), Tổng thống Truman lên thay đã thay đổi quan điểm, ra lệnh toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ (đội Con Nai) rút khỏi Việt Nam. Nhận được tin này, Hồ Chí Minh gửi hai lá thư đến hai viên sĩ quan quân đội Mỹ ông Phen và ông Tam, lời lẽ phiền muộn và là tiên tri trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: “Tôi thấy áy náy vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa ông và chúng tôi trở nên khó khăn hơn...”. Đúng như nhà tiên tri Hồ Chí Minh buồn phiền; cái “khó khăn hơn...” đó thật thê thảm và trở thành cuộc chiến đẫm máu, lâu dài nhất, dữ dội, tàn bạo nhất diễn ra trên mảnh đất nhỏ bé, nghèo nàn trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên bình diện toàn cầu. Một lẫn nữa, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh nhìn thấy ngày tươi sáng trong mối quan hệ tưởng chừng không đội trời chung giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, Người gợi mở trong thư gửi hai sĩ quan tình báo chiến lược Mỹ: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông. Ông cũng đừng quên chúng tôi nhé! Ngày mai tươi sáng chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó” (tập 4, trang 551).

Nhà tiên tri không còn nữa, lời tiên tri vẫn còn đó, hơn nửa thế kỷ sau, công cuộc đổi mới đã mở ra dưới ánh sáng tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh “Ngày mai tươi sáng...” đã khép lại quá khứ bi thảm và mở rộng mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng giàu mạnh, hòa bình và trách nhiệm trước cộng đồng nhân loại, trong mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

Năm 1957, tình hình thế giới có nhiều biến động, nguy cơ chiến tranh nguyên tử, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ngày càng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai phe và sau đó học thuyết Thiên hạ đại loạn được đề cập tới. Tình hình Việt Nam chưa có tín hiệu gì tốt đẹp, chính quyền miền Nam ra sức đàn áp và giết hại dã man những người ủng hộ sự thống nhất đất nước theo đường lối hòa bình, dân chủ. Tại buổi tiếp Chủ tịch Vôlôsilốp sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nối mạch niềm tin ở con người: “...Tương lai của loài người thật tươi sáng” (tập 8, trang 357).

Ngay từ năm 1923, nhà văn Nga O. Mandenxtan gặp gỡ trao đổi, luận bàn nhiều vấn đề mang tính triết lý về đời sống xã hội loài người, ông bừng tỉnh nhận thức, khai mở trí tuệ viết thành định đề xuyên suốt tư tưởng Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (tập 1, trang 478).

Đó là thành tố quan trọng xuyên suốt minh triết Hồ Chí Minh: “Vì trong bốn biển đều là anh em” (tập 8, trang 362).

Lê Cường


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm