A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mãi mãi khắc ghi kỷ niệm được gặp Bác

Gần 37 năm đã trôi qua và đến tận hôm nay, viết lại bài này, hình ảnh kính yêu phúc hậu, lời nói thân thương của Bác và hình ảnh, giọng nói tiếng cười hiền hòa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đồng chí Vũ Kỳ vẫn còn đọng sâu trong tâm trí của tôi, mãi mãi không bao giờ phai.

Cuối năm 1968, Hội nghị hai bên giữa hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, bắt đầu từ tháng 5 năm 1968 tại Paris sắp chuyển sang giai đoạn Hội nghị 4 bên (thêm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa). Chính Phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định gửi một đoàn Văn công từ Hà Nội sang Pháp để phục vụ kiều bào dịp Tết 1969 (Tết Kỷ Dậu) và hỗ trợ cuộc đấu tranh chính trị - ngoại giao của hai đoàn đàm phán miền Bắc và miền Nam của ta. Ban lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước và Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất giao cho tôi nhiệm vụ về Hà Nội để chuẩn bị chuyến công tác của đoàn Nghệ thuật dân tộc Việt Nam sang Pháp và một vài nước khác. Cùng đi có cô Janine Ringuet đại diện Cục Văn hóa và Nghệ thuật thành phố Paris (Agence Litteraire et Artistique Parisienne) sẽ tổ chức những buổi biểu diễn của đoàn Nghệ thuật Việt Nam tại Pháp.
 
Đầu năm 1969, trước khi tôi lên đường về Hà Nội, nhiều bạn nói với tôi: “Về nước chuyến này chắc thỏa mãn được nhiều điều mơ ước!” Với ai tôi cũng nói lên một nguyện vọng mà tôi đã ôm ấp từ lâu: được gặp Bác…
 
Đồng chí Lê Đức Thọ, cố vấn và đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam giữa hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ đã gọi tôi dặn dò một số điều và cũng hỏi tôi: “Đồng chí có nguyện vọng gì trong chuyến về Hà Nội công tác lần đầu tiên này không?” Không đắn đo, tôi đã trả lời ngay: “Thưa hai anh, tôi mong ước được gặp Bác”. Hai đồng chí cười và đồng chí Lê Đức Thọ nói: “Đồng chí cứ yên tâm, về đến Hà Nội sẽ hay”.
 
Đến Hà Nội, những tình cảm đã từ lâu chất chứa trong lòng tôi với bao xúc động và ý nghĩ mới nảy ra đã làm xáo trộn cả tâm tư của một đứa con vừa được đặt chân trở lại đất nước sau hơn 20 năm xa cách, nhưng tôi phải tập trung vào việc xem và chọn tiết mục của các bộ môn nghệ thuật từ ca múa nhạc đến Chèo, Tuồng, Cải lương… kể cả số lượng, thành phần, việc đi lại, ăn ở của đoàn khi đến Pháp. Vài tuần sau, giây phút mong đợi đã đến một cách bất ngờ, làm cho tôi càng bàng hoàng thêm.
 
Tôi nhớ rõ hôm ấy, 7 giờ sáng thứ hai 20.01.1969, một đồng chí cán bộ cấp Vụ của Bộ Văn hóa điện thoại bảo tôi chuẩn bị đi công tác. Linh tính báo tôi: “Chắc đi gặp Bác”. Tôi vội vàng xếp gọn sẵn sàng các quà: một máy đánh chữ Hermes Baby, hai tút thuốc lá Philip Morris của lãnh đạo Việt kiều ở Pháp kính tặng Bác, hai chai Champagne Moet Chandon kính tặng Bác Tôn và bức thư của Việt kiều ở Pháp kính gửi Bác. Thật đúng như tôi dự đoán.
 
Thời tiết Hà Nội sáng nay có nắng nhẹ, trời se lạnh. Trên xe đến Phủ Chủ tịch, tôi vừa sung sướng vừa hồi hộp. Đến nơi, xuống xe có người chờ sẵn và đưa tôi đi bộ trên một con đường trải sỏi, về phía một dãy nhà thấp. Bỗng từ xa, tôi thấy một ông Cụ già đang chống gậy cùng một người nữa (sau này được biết là anh Vũ Kỳ - thư ký của Bác) đi vào dãy nhà thấp. Hình ảnh quá quen thuộc mà tôi đã biết qua sách báo, phim ảnh. Tôi nhận ra ngay đó là Bác. Đột nhiên, tôi vụt chạy bỏ anh dẫn đường, đến ôm tay Bác và không biết vì sao nước mắt tôi trào ra mặc dù tôi cố gắng kềm lại. Bác khẽ cười hỏi tôi: “Cháu ở Nam Bộ à?” Tôi cố gắng lắm mới thốt ra được một câu: “Thưa Bác, dạ phải!” Một bàn tay vỗ vào vai tôi và giọng nói cũng quen thuộc: “Có nhìn ra tôi không?” Tôi quay lại và thêm một giây phút sửng sốt nghẹn ngào, sung sướng. Trước mắt tôi là Thủ tướng Phạm Văn Đồng! Thủ tướng ôm tôi vào lòng. Nước mắt mừng mừng tủi tủi của đứa con sống xa Tổ quốc lâu ngày, nay được trở về thủ đô của đất nước quê hương anh hùng.
 
Thường Bác tiếp khách độ nửa giờ hoặc 40 phút và nhiều lắm là 01 tiếng đồng hồ dù là khách quý. Hôm đó, tôi được Bác tiếp đúng 1 tiếng đồng hồ. Sau những cảm xúc ban đầu và sau khi ngồi trong gian phòng tiếp khách cùng với Bác, Thủ tướng, tôi cố trấn tĩnh, nén cơn xúc động để nhìn Bác thật kỹ, ghi khắc đậm nét và sâu sắc hình ảnh của Bác vào tâm khảm. Vẫn chòm râu bạc, vẫn vừng trán cao và rộng mênh mông, đôi mắt sáng ngời mà phim ảnh, sách báo đã giúp tôi quen thuộc, nhưng hôm nay tôi mới thấy tận mắt, sờ tận tay. Mơ ước của tôi đã thành hiện thực. Bác có cách nói, cách cười tạo ngay không khí thân mật, ấm cúng, làm cho tôi đỡ luống cuống và an tâm báo cáo với Bác những gì tôi đã chuẩn bị nói. Bác bảo tôi đọc bức thư của Việt kiều ở Pháp kính gửi Bác. Bác ngồi chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật đầu và cười hiền hậu. Xong, Bác hỏi thêm về đời sống, về các mặt hoạt động của Việt kiều, về Hội Liên hiệp Trí thức, về Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều và một số kiều bào, bạn bè Pháp mà Bác đã quen biết trước đây.
 
Có những việc tỉ mỉ xảy ra ở Pháp, Bác hỏi tôi mới biết, chứng tỏ Bác tuy tuổi đã cao nhưng vẫn làm việc nhiều và theo dõi thật kỹ tin tức trong và ngoài nước.

Bác rút một tập giấy (Bản tin Thông tấn xã Việt Nam) và giở ra một trang có gạch bằng viết chì xanh, đỏ dưới một số đoạn chữ và hỏi tôi: “Cháu có biết ai đã treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Notre Dame de Paris không?” “Thưa Bác, thú thật là cháu không biết sự kiện này”. Bác nói tiếp: “Hôm nay 20.01.1969, Hội nghị 4 bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa) họp phiên đầu tiên. Trước đó một hôm, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bay phấp phới trên đỉnh Nhà thờ Notre Dame de Paris. Tôi nghĩ và thưa với Bác: “Việt kiều không có khả năng làm được việc này. Cháu nghĩ chỉ có Đảng Cộng sản Pháp hoặc tổ chức những người Cộng sản cực tả Pháp thực hiện. Nhưng cháu đoán có thể là những người bạn Cộng sản cực tả Pháp, Bác cười và gật đầu nói: “Có thể như vậy”. Sau này trở lại Paris, tôi được biết thêm là nhà cầm quyền Pháp phải đưa trực thăng đến cho người trèo thang dây xuống để tháo cờ ra vì tháp nhọn và rất cao, nếu trèo từ nóc Nhà thờ lên thì thật nguy hiểm.
 
Về chương trình biểu diễn của đoàn Nghệ thuật Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác nhắc nhở các tiết mục được chọn phải đậm đà bản sắc dân tộc và được chuẩn bị chu đáo. Bác dặn trao đổi thêm với đồng chí Hoàng Minh Giám và đồng chí Hà Huy Giáp, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Bác dặn thêm nhớ mời những bè bạn Pháp đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, Bác nhắc nhở mời bà Geneviève Tabouis là một người bạn của Bác khi hoạt động ở Paris, năm 1969 là Chủ nhiệm của nhật báo “France Soir” (Nước Pháp buổi chiều, một tờ báo rất lớn của Pháp phát hành vào mỗi buổi chiều, có rất nhiều người đọc) và Bác nhắc nhở phải chú ý vấn đề “Droit D’auteur” (chữ Bác dùng) nghĩa là “quyền tác giả”.
 
Bác dặn kiều bào ở Pháp phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết thật rộng rãi hướng về Tổ quốc, thắt chặt tình hữu nghị với nhân dân Pháp, tôn trọng luật Pháp của nước Pháp và luôn cố gắng góp phần vào việc thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Bác có một nhận xét làm tôi vừa mừng vừa lo: “Cháu ở Pháp đã lâu mà còn nói tiếng Việt được là rất tốt”. Mừng là được Bác khen, nhưng lo là còn phải cố gắng nhiều, phải tiếp tục trau dồi thêm tiếng Việt mới mong tiến kịp với sự phát triển của ngôn ngữ Việt Nam hiện đại.
 
Tôi đề nghị Bác tặng kiều bào một ảnh của Bác. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đưa ảnh. Tôi đề nghị Bác viết vài chữ trên ảnh. Bác bảo “ Cháu muốn viết gì thì cứ viết”. Tôi suy nghỉ và tự tay viết trên tấm ảnh “ Thân mến gởi tặng kiều bào ở Pháp” và đề nghị Bác ký tên. Bác lại hỏi: “Cháu muốn Bác ký tên gì?” Tôi mạnh dạn đề nghị: “Thưa Bác, Bác ký tên Bác Hồ ạ”. Bác đặt bút ký “Bác Hồ”. Bức ảnh vẫn được treo tại Hội quán Paris của Hội Người Việt Nam tại Pháp.

Đã đến lúc từ giã Bác, lòng tôi tự nhiên se lại và tôi nghẹn ngào nói: “Việt kiều ở Pháp kính chúc và mong Bác được nhiều sức khỏe, sống lâu để dìu dắt dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Việt kiều ở Pháp xin hứa với Bác luôn luôn cố gắng để xứng đáng với lòng thương yêu của Bác, xứng đáng là con em của một dân tộc anh hùng".
 
Trước khi tôi trở lại Pháp, Bác viết thư cho kiều bào và nhân dịp này thêm một bất ngờ nữa đến với tôi: Vài ngày trước khi lên đường, Bác cho người đem bức thư của Bác gửi Việt kiều đến bảo tôi xem và góp ý kiến trước khi Bác ký. Tôi thật không bao giờ có thể nghĩ hoặc tưởng tượng đến sự việc này. Thêm một lần nữa tôi vô cùng xúc động và rất thấm thía bài học về cách làm việc của Bác.

Trong cuộc sống, có những giây phút khắc chặt và in sâu vào tâm hồn, không thể nào phai mờ và quên được, nhất là những giây phút được gần gũi những bậc vĩ nhân và bản thân cảm thấy được trưởng thành thêm. Đối với tôi, đó chính là những giây phút được gặp Bác. Tâm hồn và suy nghĩ như được nâng tầm trước Vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc, một nhà Văn hóa lớn đã được nhân dân tiến bộ toàn Thế giới kể cả đối phương tôn vinh, kính phục.
 
Gần 37 năm đã trôi qua và đến tận hôm nay, viết lại bài này, hình ảnh kính yêu phúc hậu, lời nói thân thương của Bác và hình ảnh, giọng nói tiếng cười hiền hòa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đồng chí Vũ Kỳ vẫn còn đọng sâu trong tâm trí của tôi, mãi mãi không bao giờ phai.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà
(Việt kiều Pháp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm