A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại

Không chỉ nhân dân Việt Nam ta tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nền văn minh nhân loại và lịch sử thế giới hiện đại sẽ luôn ghi nhớ một bậc đại trí - đại nhân - đại dũng bởi: “Trung tâm cuộc đời của Người, lẽ sống của Người là nền độc lập và sự thống nhất của nước Việt Nam và do đó, Người được triệu triệu nhân dân Việt Nam và thế giới kính mến. Nhiệt tình yêu nước và ý thức sâu sắc về chủ nghĩa quốc tế cách mạng luôn luôn gắn liền với nhau trong quá trình hoạt động của đồng chí Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch thuộc lớp người vô song khó ai có thể sánh kịp, khó ai có thể vượt hơn. Nhưng với sự kết hợp những đức tính đó, Người là một tấm gương mà nhiều người khác có thể noi theo”(1).

Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ)
trên bến Nhà Rồng năm 1911

Xuất thân trong một gia đình tri thức yêu nước, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã tiếp thu những gì tốt đẹp và tiêu biểu cho nền văn hoá lâu đời của dân tộc. Sống bên cạnh cha làm nghề dạy học, cậu đã được học những bộ sách kinh điển, được nghe các bậc chú, bác bàn luận tư tưởng triết học và đạo đức trong các sách vở xưa cùng hầu hết những quan điểm cơ bản của Nho giáo. Trong hoàn cảnh bấy giờ, cậu cũng từng chia sẻ với gia đình, bè bạn nỗi ưu tư, day dứt trước cảnh đất nước bị quân ngoại bang giày xéo, bóc lột, những người yêu nước bị đàn áp, hành hạ, chém giết. Tuy giới trí thức yêu nước Việt Nam đã kiên quyết đứng lên phản kháng, nhưng vì kiến thức lạc hậu, kinh nghiệm non yếu, chỉ bằng tấm lòng son nên các nhà nho đều thất bại. Cũng vào thời gian này, nhiều tác phẩm phương Tây, nhất là của những nhà cách mạng Pháp đã được dịch ra tiếng Hán và du nhập vào Việt Nam khiến cho nhiều người nho học tiến bộ bắt đầu quan tâm đến thế giới hiện đại rộng mở bên ngoài. Qua hơn 10 năm sống ở đất kinh đô vua Nguyễn và theo học các trường tiểu học, Quốc học Huế, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đọc và làm quen với những tên tuổi lớn của văn hoá cách mạng Tây phương, đặc biệt là khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Có nhiều lý do cùng thúc đẩy anh Thành phải tự mình tìm hiểu, nắm bắt và kiến giải những thành tựu của những nước văn minh. Ngày 5.6.1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, đặt chân lên các lục địa Á, Phi, Âu, Mỹ để tự tiếp xúc, hoà nhập vào cuộc sống thực tại của nhân dân khắp nơi, từ những đô thị tràn ngập ánh sáng văn minh hoa lệ đến những khu nhà ổ chuột tối tăm, cực khổ. Từ nhận thức đến hiểu biết, từ lý thuyết đến thực tiễn, qua những gì gọi là văn minh nhân loại đến những cảnh dã man phi nhân tính, Nguyễn Tất Thành đã thật sự gắn bó và chia sẻ cuộc sống chật vật của nhân dân lao động thuộc nhiều tầng lớp và màu da khác nhau về mọi phương diện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý chí, hành động và qua đó tìm ra những vấn đề cấp thiết mà đời sống xã hội đang đặt ra, đòi hỏi những ý tưởng, phương pháp, cách thức để giải quyết lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động nói chung, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, hay giới tính bởi: trên thế giới chỉ có hai hạng người: kẻ đi bóc lột và người bị bóc lột. Khi đến thăm tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng, anh đã ghi: “ Ánh sáng trên đầu thần Tự do toả rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữ các dân tộc?”(2). Anh đã hiểu được một điểm chung lớn nhất  của nhân loại: vấn đề quyền sống, quyền tự do của con người, lợi ích của nhân dân và nâng quyền lợi đó lên tầm quốc gia: mọi người đều có quyền được hạnh phúc về vật chất và tinh thần, được ấm no, học hành, sung sướng, dân chủ, bình đẳng, tự do, thân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Trong những năm hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài đăng trên các báo: Đời sống công nhân, Nhân đạo, Thư tín quốc tế, Tiếng còi… tố cáo tội ác của bọn thực dân, ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Trung quốc, Nhật bản, Xyry, Angiêry, Marốc, Tuynidi, Đahômây, Goadơlúp, Thổ nhĩ kỳ… ông Nguyễn cũng lập ra báo Người cùng khổ để lên án, đả kích sự bất công, áp bức ở các thuộc địa của Pháp từ Annam, Đông Dương đến Sênêgan, Mangát, Máctiních… Ông Nguyễn thông cảm với nỗi tủi nhục, khổ đau của người da đen trong cái gọi là hành hình văn minh kiểu Lynsơ.  Ở Đácka, ông buồn rầu rơi lệ khi những người Phi bị bắt nhảy xuống biển để chết đuối trong bão tố. Ở Luân đôn, ông tìm cách giữ lại cẩn thận thức ăn thừa của khách sạn dành cho người nghèo đói và ông xúc động khâm phục một nhà yêu nước Ái Nhĩ Lan đã tuyệt thực chết vì Tổ quốc. Ở Trung hoa, ông ăn mặc, hoạt động, sinh hoạt như người bản địa, am hiểu từng chi tiết trong đời sống của người công nhân từ công xưởng về nhà và ông cũng đàm đạo triết luận, văn thơ, học thuyết đông tây kim cổ với các học giả. Ở Thái Lan, ông là Thầu Chín của kiều bào và nông dân địa phương, vào chùa làm thầy cúng để giảng về cách mạng. Ông cũng liên hệ và tập hợp những người yêu nước Trung hoa, Triều tiên, Inđônêsia, Malaysia, Ấn độ … để trở thành người đồng chí tin cậy và thân thiết của họ trong Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Ông Nguyễn đã hiểu rằng nếu muốn giải quyết tất cả những vấn đề trong thế giới phân chia giàu nghèo, tràn ngập áp bức bất công, đối kháng giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, xung đột chính trị…. thì chỉ có một con đường duy nhất, một hướng đi chung cho dân tộc và nhân loại: đó là con đường của chủ nghĩa Mác- Lênin mà ông được biết lần đầu vào tháng 8.1920. Về sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô ngày 15.7.1969: “ Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đảm bảo cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn”(3).



Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập,
khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
mở ra kỉ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 2.9.1945, trên quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, mở đầu bằng câu trích từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1791, khai sinh nước Việt Nam DCCH. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới càng khẳng định con người có quyền giành lại những lẽ phải không ai chối bỏ được khi đã bị tước đoạt mất. Vì vậy, không chỉ như một làn sóng điện lan truyền khắp Đông Dương, châu Á, châu Âu mà: đến tận những người dân trên đảo Mađagasca xa xôi giữa Ấn Độ dương cũng có niềm tin rằng họ cũng có thể giành được độc lập cho chính mình(4). Đặc biệt là sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu- chấn động địa cầu thì lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành hình tượng rực sáng của thế kỷ vì: “ Cụ Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình mà ngay khi còn lưu lạc nơi đất khách quê người, Cụ đã thấu hiểu mọi nỗi khổ của những người nô lệ châu Phi, châu Mỹ”(5). Ngay sau đó, trong khi những chiến sỹ quân giải phóng Angiêry trước lúc xung phong vượt qua hàng rào dây thép gai đối mặt với họng súng đại liên địch đều hô to ba lần “ Điện Biên Phủ”, thì có một bài ca Hồ Chí Minh được sáng tác tại Luân đôn cũng vang lên nồng cháy:

Từ đau thương Người đi, khắp năm châu
Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi…
Người đã chỉ huy đánh tan quân ngoại xâm
Lập nước Việt Nam chiến thắng vinh quang
Người là ngôi sao dẫn đường
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”(6)

Những năm vừa lãnh đạo nhân dân ta xây dựng xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào sự đoàn kết thống nhất và lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới. Người chủ trương tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hoà bình ở ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa. Người phân biệt rõ ràng bạn và thù nên ngay đối với kẻ xâm lược, bao giờ Người cũng đấu tranh dựa trên lẽ phải và chính nghĩa, thuyết phục bằng sự hướng thiện, quy về các giá trị tốt đẹp của lương tri nhân loại: hoà bình, công lý, bình đẳng, thân thiện, nhân đạo, hữu nghị và cho dù phải tiến hành chiến tranh với Pháp, Mỹ nhưng Người luôn yêu quý, tôn trọng giai cấp công nhân và nhân dân hai nước này vì: Quan san muôn dặm một nhà; Bốn phương vô sản đều là anh em. Đúng như Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới Rômét Chanđra  nhận định: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hoà bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ chí Minh bay cao!”(7).

Nhưng vào đúng kỷ niệm 24 năm ngày công bố áng hùng ca lịch sử của nhà nước DCND đầu tiên ở châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đột ngột đi gặp Cụ Các-Mác, Lênin, đến để lại nỗi đau và niềm tiếc thương cho toàn thể nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hoà bình bởi: “ Người mất đi là thế giới thứ ba mất một người dũng cảm. Cuộc đời chiến đấu  cũng là cuộc chiến đấu của tất cả các dân tộc bị áp bức của Việt Nam, của châu Á, của Palestin, châu Phi và của thế giới thứ ba để giành lại phẩm cách và danh dự cho mình”(8). Hơn thế nữa: “ Đối với người cách mạng khắp thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tượng trưng cho đấu tranh cách mạng, hoài bão cách mạng và cho sức mạnh cách mạng của nhân dân”(9). Trong những ngày đời tuôn nước mắt- trời tuôn mưa ấy, đã có hơn 40 đoàn đại biểu và nguyên thủ quốc tế đến Hà Nội dự lễ tang Người. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đọc bài điếu văn nhoè trong nước mắt: “ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của thế giới thứ ba, của các dân tộc đói nghèo và khát khao nhân phẩm. Người đã dạy họ trước hết phải dựa vào sức mình là chính để tự giải phóng, và một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu những con em của đất nước họ không chịu sống cuộc đời nô lệ. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho cuộc đời của những người nào biết nắm ngọn cờ giải phóng dân tộc bách chiến bách thắng, vượt qua mọi sóng gió thử thách, đã góp phần hy sinh, đã sống có ý nghĩa và danh dự, đã tự tay tạo ra đất nước mới, xã hội mới của mình… Công ơn của Người đối với Tổ quốc chúng tôi cũng to lớn và vô cùng hiển hách…”(10). Đã có hơn 22.000 bức thư và điện chia buồn của 121 nước gửi tới Việt Nam. Ở Pháp, những người cộng sản, các nhà báo đã tập hợp tại Paris tổ chức truy điệu Người nhưng: “ Không phải là một buổi vĩnh biệt, không phải để khóc đồng chí Hồ Chí Minh của chúng ta mà để làm cho Đồng chí sống lại với chúng ta, sống lại trong trí nhớ và niềm tin, dẫu biết rằng chúng ta không còn trông thấy Đồng chí Hồ Chí Minh nữa. Nhưng cái chết có thể làm gì được đối với sự tồn tại của một luồng tư tưởng, với sức mạnh của một ý chí, với sự vĩ đại của khí phách một con người? Cái chết có thể làm gì được đối với tấm gương của một cuộc đời?”(11). Tại Nhật bản, sư cụ Riôkêônisi trụ trì chùa Ryôdu (Kyôtô) còn cảm tác bài từ: “ Cứu quốc chân nhân đã về trời; Chúng sinh lầm lạc khóc thương Người; Anh kiệt như Người xưa nay hiếm; Trời thu hiu hắt, cánh lá rơi!”(12).

Sự kiện Hồ Chí Minh- một trong 100 vĩ nhân tiêu biểu của thế kỷ XX từ trần đã tác động đến toàn thể thế giới. Tấm gương sống, chiến đấu, hy sinh của Người đã thức tỉnh và thôi thúc tất cả những con tim yêu chuộng hoà bình, tự do, công lý và chính nghĩa. Để đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh- tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã giữ gìn nguyên vẹn Khu di tích nơi Người ở và làm việc trong 15 năm cuối cùng để đồng bào ta và bạn bè quốc tế tận mắt thấy cuộc sống giản dị thanh cao, quên mình vì độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng, một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, đồng thời thể hiện sâu sắc tình cảm của nhân dân ta đối với Bác Hồ; Với sự giúp đỡ của chuyên gia Nga và Tiệp khắc, Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành để tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn và tin tưởng vào con đường cách mạng mà Người đã chọn cho dân tộc Việt Nam. Nhưng trong tâm trí của nhân dân và bầu bạn quốc tế, hình tượng Hồ Chí Minh cùng tư tưởng của Người vẫn luôn rực sáng. Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên Hợp quốc( UNESCO) đã ra nghị quyết về lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên diễn đàn Hội thảo quốc tế tại Hà Nội, ông Giám đốc khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ vì đã giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị áp bức mà còn là nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một tương lai, một hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(13). Khâm phục và trân trọng sự vĩ đại của một danh nhân, hàng trăm tác giả, nhà báo, chính trị gia, sử gia quốc tế đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, công bố hàng trăm công trình nghiên cứu, viết hàng ngàn bài báo, cuốn sách, trang tư liệu về sự nghiệp cách mạng, tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày nối ngày, những dòng người vô tận từ khắp năm châu, bốn bể vẫn sang Việt Nam, đến với Người. Kể từ năm 1969 đến nay đã có hơn 3.991.993 khách quốc tế thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch, nhà sàn Bác Hồ. Từ năm 1975 đến 9/2005 đã có  2.994.254 khách quốc tế và 168 đoàn nguyên thủ quốc gia hoặc cấp Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 15 năm mở cửa, đã có 1.258.926 khách quốc tế vào Bảo tàng Hồ Chí Minh. Có thể nói hình tượng của Người là ánh bình minh của lịch sử và: “ Sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất, những ước mơ cao cả nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng và được thoả mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, sự nghèo khổ và phân biệt đối xử”(14). Thay cho lời kết, xin trích một đoạn thơ ghi ngay trang đầu cuốn bài hát ngợi ca Bác Hồ xuât bản tại Mỹ năm 1967:

Trên đời có những chân lý không hề đổi thay
Có những con người không khuất phục bao giờ
Có những tên tuổi sống mãi với thời gian
Hồ Chí Minh!”(15).

Bùi Kim Hồng

 Chú thích:

1, Báo Gramma ( Cuba) số ra ngày Chủ nhật 14.9.1969 (Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, tr 28)

2, Tạp chí Sự kiện & Nhân chứng số 41/ 1997

3, Báo Nhân đạo, cơ quan TW của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày  4.9.1969 (Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, tr 261)

4, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá. Ban Tư tưởng văn hoá TW. HN 2003, tr 68

5- 6, Bác là Hồ Chí Minh. Nxb Quân đội nhân dân. HN 2001, tr 129- 130

7, Báo Nhân Dân số ra ngày 21.5.1980

8, Lời ghi trang đầu sổ tang ngày 4.9.1969 của ngài Huari Bumêđiêng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Angiêry.

9, Báo Người dân tộc (Tanzania) số ra ngày 6.9.1969 (Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, tr 164)

10, Những người bạn quốc tế của Bác Hồ. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 2000, tr 177.

11, Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, tr 261

12, Nguyên tác lưu tại Viện Hồ Chí Minh

13, Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Nxb Quân đội nhân dân 2001, tr 5.

14, Báo Nhân Dân ngày 12.9.1969 (Điện chia buồn của Đảng Cộng sản Mỹ).

15, Tạp chí Lịch sử quân sự số tháng 5. 1988


Tin liên quan

Tin tiêu điểm