Đức Thánh Trần trong thơ văn Hồ Chí Minh
|
Năm 2015, đất nước ta có nhiều ngày lễ quan trọng: Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2015), 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015), 40 năm ngày giải phòng miền Nam thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2015). Đây cũng là năm kỷ niệm 715 năm ngày giỗ trọng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, ngày quan trọng mà mọi người dân đất Việt dù theo tôn giáo nào, niềm tin nào cũng nhớ ơn ghi tạc "Tháng 8 giỗ Cha - Tháng 3 giỗ Mẹ" (20/8/1300 - 20/8/2015 Âm lịch).
Trong tiến trình dựng nước, giữ nước của nhân dân Việt Nam, có biết bao vua hiền, chúa giỏi, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, tướng lĩnh, liệt sĩ… đã hy sinh để giành độc lập, tự do. Gương sáng của họ được nhân dân tự tâm lập và thờ tại hàng vạn ngôi chùa, đền, miếu, đình, nghè, ban thờ tư gia... quanh năm thành kính thắp hương, trải khắp non sông. Hàng năm có tới hàng nghìn lễ hội nhằm tôn vinh công lao những người xả thân vì nước, đã trở thành nét đẹp, đặc thù trong đời sống văn hóa tâm linh Việt.
Nhớ lại thế kỷ 13, loài người chịu một đại họa lớn nhất trong suốt quá trình tiến hóa và phát triển, đế chế Nguyên Mông xâm chiếm nhiều quốc gia, "Đánh đâu được đấy dông dài Á Âu" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 3, trang 223) đi đến đâu cũng ra tay tàn sát, giết hại không thương tiếc hàng chục triệu người làm cả thế giới hoảng sợ. Nhưng đến Việt Nam, đời Trần văn giỏi võ nhiều... trong triều hiền minh đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết, hừng hực khí thế Đông A, nguyện thề "sát thát" ba lần đánh tan quân giặc Nguyên Mông hung tàn, bạo ngược là một kỳ tích tuyệt vời của dân tộc ta. Công trạng lớn lao, tài trí vẹn toàn đó không ai khác ngoài "Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu". Nước Đại Việt 3 lần toàn thắng, có tiếng vang trên thế giới, góp phần làm đế chế Nguyên Mông dần dần sụp đổ. Các nhà sử học Nhật Bản, Ba Tư… viết lời ca ngợi sự nghiệp vĩ đại của quân dân Đại Việt, trong đó có công lao của Đức Thánh Trần đối với xã hội loài người.
Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mùa Thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở Phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư thượng phụ thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương" (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, 1993, trang 80). Một trong số ít ngày đại lễ được toàn dân trân trọng là "Tháng 8 giỗ Cha - tháng 3 giỗ Mẹ" , ngày 20 tháng 8 Âm lịch là giỗ trọng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Ngài trở thành vị Thánh Tổ, Người Cha bất tử của dân tộc Việt.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết tiếp: " Ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa... tiếng vang đến đất Bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn, bệnh dịch, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn". (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 81). Hùng khí, uy linh của Đức Thánh Trần Hưng Đạo được nhân dân tôn thờ tại ban thờ chính hoặc thờ vọng trong hàng ngàn di tích lịch sử, văn hoá và trong nhiều gia đình… là một hiện tượng trong bản sắc văn hóa Việt.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sinh trong gia đình nhà nho trí thức, trưởng thành ở vùng đất linh thiêng, giàu lòng yêu nước, từ ngàn xưa nơi đây thường sinh ra các bậc danh nhân, chí sĩ như: Mai Hắc Đế, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Đào Duy Anh... cùng các vùng văn hóa khác làm nên chiều dày lịch sử và bản sắc văn hóa Việt Nam. Tiếp nhận luồng tư tưởng, ánh sáng nhận thức của các bậc hiền tài tiền bối, Nguyễn Ái Quốc sớm thẩm thấu lòng yêu nước, chí khí quật cường và nền tảng bản sắc văn hóa tâm linh Việt. Người hiểu và tôn trọng việc thờ cúng tổ tiên, suy tôn thành kính anh linh, hương hồn vua hiền, chúa giỏi, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, chí sĩ, liệt sĩ... đã kiên cường ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hồ Chí Minh thầm nhuần đạo lý, triết học và coi trọng Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã hiển hóa trong đạo cao nghĩa cả của người Việt.
Sau hơn 30 năm tìm đường cứu nước, đầu năm 1941 thời cơ lịch sử đã đến, Nguyễn Ái Quốc về nước với khát vọng giải phóng nhân dân đang chịu cảnh nô lệ, nước mất nhà tan, nghèo đói kiệt quệ. Người hiểu dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu khổ ải chông gai và thấu tỏ nguyên lý: "Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất" (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, tập 5, 2002, trang 148). Đó là tư tưởng chủ đạo, chiến lược chiến tranh nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử và hơn 30 năm trường kỳ kháng chiến ở thế kỷ 20 đầy biến động, bi thương hào hùng của dân tộc Việt Nam. Khác tư tưởng của một số lãnh đạo nước khác cầu cứu và được nước lớn đưa quân đội sang giúp để giành độc lập, tự do, Hồ Chí Minh giữ vững niềm tin: "Dân mình khắc cứu dân mình mới xong" (sđd, tập 3, trang 243).
Muốn đem tinh thần mà chiến thắng vật chất đòi hỏi phải chuyển hóa tâm trí muôn dân, tìm lại lòng tự tôn, hào khí đúc kết từ hàng ngàn năm lịch sử. Đầu năm 1942, khơi mở lòng yêu nước, nung nấu chí căm thù giặc, Hồ Chí Minh viết cuốn trường ca "Lịch sử nước ta" bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, khắc sâu trong tâm trí mỗi người, phổ quát sâu rộng đến từng thôn bản, khơi dậy ý chí quật cường, sẵn sàng xả thân để giành cho được độc lập tự do, Người lần lượt điểm suốt tiến trình lịch sử dân tộc:
" Kể năm hơn bốn ngàn năm ...
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa"
Nêu gương sáng, công trạng uy linh của các anh hùng, bậc đế vương tâm trí sáng ngời như Hùng Vương, Phù Đổng, Hai Bà Trưng, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ..., đặc biệt Hồ Chí Minh ca ngợi công lao trời biển của Đức Thánh Trần Hưng Đạo:
“Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang...
Đời Trần văn giỏi võ nhiều,
Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh”.
(sđd, tập 3, trang 223)
Hồi ký của chiến sĩ lão thành cách mạng Lê Mạnh Trinh hoạt động cùng thời với Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Mùa thu năm 1928, ở Bản Đông, có ông Chín xuất hiện... Thấy kiều bào hay lễ Đức Thánh Trần, Thầu Chín viết ra “Bài ca Trần Hưng Đạo” (Thầu Chín là bí danh của Bác):
Diên Hồng thề trước Thánh minh
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành
Nếu ai muốn đến giành đất Việt
Đưa dân ta ra giết sạch trơn
Một người Việt hãy đương còn
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà”...
Bài ca Trần Hưng Đạo được truyền bá một cách mau chóng và thần diệu...
Được ít ngày, Bác Chín bảo tôi và một anh thanh niên tên là Tô (tức Long) đi xuống Mục Đa Hản, một huyện thuộc tỉnh Na Khon... chỗ ấy có độ ba mươi gia đình, có một cái đền thờ ông Trần Hưng Đạo nữa... Vài phút trước khi tôi ra đi, Bác Chín đưa cho tôi một cái gói con. Bác bảo: “Tôi trao cho anh một cái cẩm nang”… Đến nơi, tôi giở ra xem. Chán quá! Té ra là một quyển ca “Trần Hưng Đạo”.
Tôi đến Mục Đa Hản theo lời Bác Chín bảo... Tôi thường ra đền Trần Hưng Đạo xem anh em đọc kinh, cầu cúng... Tôi mang “kinh” ra đền cùng anh em đọc… Gần hai tháng sau, Bác Chín và anh Thuyên về Mục Đa Hản, Bác tìm tôi, hỏi:
- Bây giờ nó thế nào, liệu chừng rồi ra sao?
- Khá hơn trước rồi - Tôi trả lời Bác.
- Thế à! Có lúc nào ra đền đọc kinh không?
Tôi cười: - Ngày nào cũng đọc...
Bác Chín cười, vui vẻ... (Bác Hồ, Tập hồi ký, NXB Văn học, 1975).
Hồ Chí Minh sáng tác kinh Bài ca Trần Hưng Đạo theo thể loại đậm chất dân gian dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Lời kinh hào hùng, linh nghiệm gợi nỗi tủi hèn nhục nhã của người dân mất nước, ca ngợi lịch sử vẻ vang phi thường của các bậc thánh nhân hiền tài, nêu cao lòng trung hiếu, nghĩa khí được truyền bá một cách mau chóng và thần diệu... Cải hóa người lầm lạc, hướng họ đến mối nợ nước thù nhà, cùng đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
Đồng thời Hồ Chí Minh thẩm định Đức Thánh Trần Hưng Đạo là bậc Thánh minh trong các vị thánh tổ Việt Nam.
Tờ báo Việt Nam Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã in và phát hành trong những năm kháng chiến chống Pháp, tờ số 160, ngày 01/5/1943, đăng trên trang nhất bài viết "Kỷ niệm Trần Hưng Đạo" nhấn mạnh: "Truyện Trần Hưng Đạo để lại cho ta một bài học: muốn đánh quân xâm lấn, nước ta cần hai điều: Một là toàn dân đoàn kết, hai là khéo dùng lối đánh du kích".
Toàn dân đoàn kết và khéo dùng lối đánh du kích là thế trận chiến lược trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh quân đội chuyển hóa thần diệu tư tưởng chủ đạo chống giặc của cha ông và liên tục giành thắng lợi to lớn.
Trong hoàn cảnh đất nước mới giành độc lập, Nhà nước non trẻ chưa đứng vững, thù trong giặc ngoài luôn uy hiếp, tìm cách phá hoại lật đổ, Chính phủ Hồ Chí Minh đã giao cho Bộ Thông tin Tuyên truyền "Đánh điện tín khắp nước nhắc ngày giỗ Trần Hưng Đạo", trên báo Cứu quốc, ngày 02/9/1945. Thực hiện nghiêm chỉnh lệnh của Chính phủ, ngày 25/9/1945 (tức ngày 20/8/Ất Dậu - Âm lịch), đúng ngày giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, lễ hội kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại phủ đệ của Ngài ở Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương và quảng trường Nhà Hát Lớn, Hà Nội.
Xã hội loài người và đặc biệt các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền triết học phương Đông thường coi trọng đêm Giao thừa, những ngày tết đầu năm là thời khắc quan trọng nhất trong sự chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Trời đất, xã hội con người đều chuyển khí vận, chu kỳ sinh trưởng tốt đẹp mới bắt đầu. Nhiều nơi linh thiêng như chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ tổ, từng gia đình làm lễ tế trời đất vào đêm Giao thừa, người đứng đầu gia đình, một tổ chức, một cộng đồng xã hội thường kính cáo với các đấng Thượng thiên, Phật, mẫu, thánh, thần, tổ tiên... những việc làm tốt hoặc chưa tốt trong năm và cầu xin sự phù hộ, mang lại điều tốt đẹp, ngăn không để điều xấu xảy ra cho năm mới, vận hội mới.
Đêm Giao thừa đầu tiên của Nhà nước mới xóa bỏ hàng nghìn năm chế độ quân chủ chuyên chế hủ bại, mục nát và chuyển sang vận hội, trang sử mới phải cùng nhau đoàn kết, giữ vững, xây dựng đất nước trên nền tảng dân chủ, cộng hòa. Mặc dù, thù trong giặc ngoài luôn tìm cách lật đổ nhà nước non trẻ, chúng chủ trương ám sát hoặc bắt giữ Chủ tịch Hồ Chí Minh (diệt cộng cầm Hồ). Tình hình an ninh là hết sức nghiêm trọng, nhưng coi trọng giá trị văn hóa tâm linh, Hồ Chí Minh cải trang đến đền Ngọc Sơn, nơi linh thiêng tại Hồ Gươm trong lòng Thủ đô, cùng nhân dân dự lễ đón Giao thừa độc lập đầu tiên năm Bính Tuất (1946). Trong đền, chính giữa gian thượng điện nơi trang trọng linh thiêng bậc nhất thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và tướng lĩnh, bên trái thờ các vị tôn thần sông núi, bên phải thờ thượng phụ Đức Thánh, gian ngoài thờ các vị thánh thần. Về việc Bác Hồ đến đền Ngọc Sơn đêm Giao thừa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trân trọng: "Sắp đến Giao thừa... anh Hưng (Chủ tịch Ủy ban) đến trước cổng đền Ngọc Sơn. Đang đi vào chùa, anh chợt nhìn thấy trong đoàn người tấp nập trên cầu Thê Húc, có một cụ già mặc áo dài, cuốn chiếc khăn len quanh mặt. Chỉ thoáng nhìn đôi mắt sáng của ông cụ, anh đã nhận ngay ra đúng là Hồ chủ tịch. Bác bước đi chầm chậm giữa những người đang chen chúc nhau vào chùa... Bác không muốn để người chung quanh nhận ra..." (Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, trang 337).
Hồ Chủ tịch còn đến động viên các cụ trong Hội Thiện đền Ngọc Sơn là nơi thờ linh thiêng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và các vị thánh thần ở thủ đô Hà Nội.
Luật sư Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp chính phủ Hồ Chí Minh viết hồi ký cho biết: “Vào cuối năm 1945, cũng gần Tết, Cụ tới thăm Hội Thiện của đền Ngọc Sơn (thủ đô Hà Nội)… Các cụ Hội Thiện đón Hồ Chủ tịch vào phòng khách… Cụ chăm chú nghe… công việc của Hội Thiện. Cuối cùng, Cụ phát biểu: “Các cụ đã cao tuổi mà vẫn còn giảng thiện cho bà con theo. Thế là rất quý. Tôi xin phép gợi ý. Tôi nghĩ điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ. Điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức. Nay ta có thể giảng công khai như thế. Có phải không, thưa các cụ?” (Vũ Đình Hòe, Hồi ký, NXB Hội Nhà văn, 2004, trang 819 ).
Hội Thiện là một tổ chức được các nhà Nho trí thức yêu nước cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, như Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Nguyễn Trọng Hợp và sau có thêm Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền… đặt trụ sở chính tại đền Ngọc Sơn. Các cụ thường “giảng các bài kinh giáng bút tuyên truyền tư tưởng yêu nước, trước hết là bài chính kinh của Đức Thánh Trần (tu bổ Ngọc Sơn Từ bi ký – 1903)” (Vũ Thế Khôi – Những cội nguồn văn hóa… Tạp chí Xưa Nay, số 8/2008)
Viết lời kêu gọi dân quân cả nước sau 1000 ngày kháng chiến, Hồ Chủ tịch với lòng tự tôn, đầy hào khí: “Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả cái tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Lạc Hồng lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung để lại” (Sđd, tập 5, trang 440).
Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm vịnh Hạ Long, đồng chí Dương Đức Tất, sĩ quan cao cấp Sở Công an tỉnh Quảng Ninh kể lại: "Hôm nay đưa Bác đến thăm hang Đầu Gỗ… Người nói: "Ở Nga có viên tướng tên là Cu-tu-dốp, ông ta đã đánh một trận rất hay ở Bô-rô-đi-nô… Ở nước ta, trận Bạch Đằng của ông Trần Hưng Đạo oanh liệt khác nào trận Bô-rô-đi-nô của họ. Vậy mà có một số người khi đi qua những di tích ấy tâm hồn cứ dửng dưng, lạnh lẽo như không…" (Nhớ Bác, Hội Văn nghệ Quảng Ninh, 1975). Người phê bình những ai còn dửng dưng với lịch sử.
Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc, đặc biệt trân trọng và có ứng xử văn hóa theo truyền thống đối với công lao trời biển mà Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã mang lại cho dân tộc ta và xã hội loài người.
Lê Cường
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam