Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn
|
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong một gia đình nhà Nho nghèo, nếp sống thanh bạch. Cụ Phó bảng, thân sinh, phủ nhận thuyết trung quân, cho rằng “Ái quốc là Ái dân”. Từ thuở niên thiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc, nền văn hóa lâu đời của nước nhà, và những tinh hoa văn hóa phương Đông. Người lại được hưởng nền giáo huấn yêu nước và gần dân của gia đình, nền văn hóa và truyền thống đấu tranh bất khuất của đất Lam Hồng. Vốn có tư chất thông minh, tư duy độc lập, Người đã ôm ấp chí lớn cứu nước, cứu dân, không chịu đi theo lối cũ của các bậc tiền bối. Với nghị lực phi thường, Người đã quyết chí đi sang phương Tây để thấy tận mắt đất nước của những kẻ đã tới thôn tính dân tộc mình, mong tìm con đường giải phóng dân tộc.
Nguyễn Ái Quốc sang Pháp, nhưng không dừng lại ở Pháp, mà tiếp tục cuộc hành trình vạn dặm qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á… và đã tìm ra một sự thật rất mới đối với mình. Sự thật ấy là: Ở khắp các châu lục, các nước giàu mạnh cũng như các nước thuộc địa đói nghèo, đâu đâu cũng có những người cùng khổ bị áp bức bóc lột, và những tập đoàn thống trị sống bằng bóc lột và áp bức.
Cũng trong những năm bôn ba ấy, Người đã mở rộng tri thức của mình. Người đã quan tâm nghiên cứu các tư tưởng triết học và chính trị, đặc biệt là tư tưởng cách mạng và văn hóa Pháp. Thông hiểu nhiều ngoại ngữ, Người đã tiếp thu được những giá trị tinh thần, tư tưởng nhân đạo của nền văn hóa cổ, kim, đông, tây. Đã đọc Tân thư của Trung Hoa và Nhật Bản. Nay lại nghiên cứu triết học và văn học thời kì Phục hưng và thế kỉ ánh sáng. Nghiên cứu kinh tế học Ricardo, Adam Smith , nghiên cứu tác phẩm của Karl Marx… Đọc Victor Hugo, Shakespeare, Lỗ Tấn, Tolstoy từ nguyên bản, vừa học tập, vừa viết báo, viết kịch. Trước con mắt của bạn bè, Nguyễn Ái Quốc “…là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một con người uyên bác…”. Vào thời đó có người nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Trải qua lao động, học tập, nghiên cứu và đặc biệt là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều lục địa, đã dần dần hình thành ở Nguyễn Ái Quốc một luận điểm: giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng nhân loại.
Bác Hồ và một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tại Mátxcơva, năm 1924 |
Với đại hội Tua, một người dân thuộc địa trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp ở ngay chính quốc. Với việc tổ chức ra Hội Liên hiệp thuộc địa, một người dân mất nước không chỉ lo giải phóng tổ quốc mình mà còn lo đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc anh em. Đó là điều hiếm thấy!
Chủ nghĩa yêu nước đã gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chân chính.
Độc lập dân tộc đã gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nguyễn Ái Quốc – Nhà yêu nước Việt
Tìm ra con đường cứu nước là công lớn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp Cách mạng của Người.
Kinh thánh đã dạy: Khởi thủy là lời nói.
Đại thi hào Goethe lại viết: Khởi thủy là hành động.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với hành động, lí luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, không những phải tìm hiểu thế giới mà còn phải cải tạo thế giới.
Người là nhà chiến lược thiên tài đồng thời là nhà tổ chức vĩ đại.
Nguyễn Ái Quốc là người viết “Bản án chế độ thực dân”, và cũng chính là Người đã cùng với dân tộc mình thi hành bản án. Đối với sự nghiệp cách mạng Việt
|
Cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã nhìn thấy ở nhân dân lực lượng quyết định thắng lợi của Cách mạng. Người nói: Nước lấy dân làm gốc. Dân chúng (công, nông) là gốc Cách mạng. Có lực lượng của dân, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Lí tưởng cách mạng đã đi vào lòng của đông đảo nhân dân thì biến thành sức mạnh vật chất, không máy bay, đại bác nào chống lại được.
Cái vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã tìm ra những hình thức tốt nhất để tổ chức nhân dân. Người đã sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất để đoàn kết toàn dân, sáng lập ra lực lượng vũ trang nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; sáng lập ra chính quyền nhân dân, ngay từ những ngày đầu, trong khói lửa của cuộc kháng chiến, từ trung ương đến cơ sở, đều do nhân dân bầu ra, vì nhân dân phục vụ.
Với quan điểm dựa vào sức mạnh của toàn dân thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù. Người đã lãnh đạo quân và dân cả nước làm nên cuộc chiến tranh nhân dân Việt
Đoàn kết tất cả các lực lượng ấy lại thành một lực lượng to lớn, đấu tranh toàn diện: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Người nói: Đoàn kết là lực lượng.
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có cái nhìn toàn diện. Trong những năm kháng chiến, Người hết sức coi trọng vấn đề kiến quốc, xây dựng đời sống mới, nền văn hóa mới. Theo người, “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân”. “Chế độ Dân chủ Cộng hòa phải bảo đảm cho nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Bảo đảm mọi quyền tự do, dân chủ cho công dân, nhưng nghiêm cấm lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, của nhân dân”. “Công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp, pháp luật, kỉ luật lao động, trật tự công cộng và những quy tắc sinh hoạt xã hội”. Mọi việc lúc bấy giờ, kháng chiến cũng như kiến quốc, đều mới mẻ. “Chúng ta vừa làm, vừa học, vừa học vừa làm. Chắc chắn chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”. Đảng cũng như Chính phủ phải thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình.
Cũng từ những ngày đó, Người đã chủ trương một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc là phát triển văn hóa, nâng cao dân trí. Phải chống giặc dốt đi đôi với chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm, trước hết là xóa nạn mù chữ, tất cả mọi người Việt
Nền văn hóa mà Người chủ trương, kết hợp những truyền thống văn hóa của dân tộc được phát triển và nâng cao với tinh hoa văn hóa của nhân loại, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Phải làm cho “văn hóa đi sâu vào tâm lí quốc dân”, đi vào cuộc sống mới. “Văn hóa phải sửa đổi tham nhũng, lười biếng phù hoa xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho mọi người Việt Nam, từ trẻ đến già, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu được nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình nên được hưởng”.
Người cho rằng: Sự học hỏi là vô cùng, dốt nát cũng là kẻ địch. Nền giáo dục có phát triển thì mới xây dựng được con người mới, đặc biệt là thế hệ trẻ, mới tiến được trên con đường dài vô tận của khoa học và kĩ thuật mới xây dựng Chủ nghĩa xã hội, mới sánh vai được các dân tộc trên thế giới. Học để làm việc. Học để làm người. Học phải đi đôi với hành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh giáo dục lí tưởng, giáo dục đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Người khẳng định: “một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.
Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử chế độ thuộc địa.
Chúng ta đều nhận thấy sự nhất quán đến kì lạ ở con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, sự kết hợp hài hòa nhiều phong thái rất khác nhau trong một con người. Vừa dân tộc, vừa quốc tế, vừa rất mực nhân từ, vừa triệt để cách mạng. Rất uyên bác mà cực kì khiêm tốn, rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt về sách lược. Vừa nhìn xa trông rộng, vừa thiết thực cụ thể. Vừa vĩ đại, vừa vô cùng giản dị, vừa là chiến sĩ, vừa là nhà thơ.
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Trong phong ba, Người vẫn ung dung tự tại, lạc quan nhìn về tương lai. Trong khó khăn gian nguy, Người vẫn thanh thản, chủ động, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Ở Người là sự thống nhất giữa nước với dân, giữa dân tộc với giai cấp, giữa quốc gia với quốc tế, giữa lí tưởng độc lập dân tộc với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Ở Người là lòng yêu nhân dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi.
Người là một mẫu hình cao đẹp của con người mới trong thời đại mới, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó, một tấm gương tuyệt vời về người Cộng sản…
(Trích phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tại Hội thảo Quốc tế nhân dịp kỉ niệm 100 năm
ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh)