Bài thơ "Lời hỏi" - Giá trị triết học Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960.
|
Bằng thơ văn, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự… nhiều tác giả trải bày đôi dòng ẩn ức, khiêm nhường, tự trào buồn vui thân phận. Từ Nguyễn Trãi bộc bạch đắng cay cõi đời “Ba chục năm trời, danh tiếng hão” (Bài Cảm tác sau loạn), đến Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn danh “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, rồi Nguyễn Du khuây khỏa “lời thơ chắp nhặt dông dài” và Hồ Chí Minh dung dị, sảng khoái “ngâm thơ, già chẳng ham chi”... Phải chăng đó là giây phút buồn vui lòng mình? Nhà thơ lớn thường có tầm nhìn triết mỹ, sắc sảo, gửi nỗi niềm trào lộng thói đời đen bạc, truyền cung bậc tình cảm, tư duy, ngôn từ gợi cảm đến nao lòng của vạn thể con người, thiên nhiên, đôi khi phi không gian, thời gian. Sự nghiệp thơ văn của họ thật lẫy lừng, lưu lại cho các thế hệ kho tàng quý giá, hàm chứa những giá trị triết lý, góp phần không nhỏ trong lâu đài tráng lệ bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được viết từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 không chỉ là ghi chép bước đường gian nan, gông cùm của tù nhân oan ức, bị hành hạ trong địa ngục trần gian, mà vượt lên hoàn cảnh đó Người đặt niềm tin, trải đôi dòng mang giá trị triết học.
Hồ Chí Minh sáng tác tập thơ Nhật ký trong tù ở bối cảnh lịch sử thật khủng khiếp đối với loài người qua bài “Buồn bực” – “Hoàn cầu chiến hỏa thước thương thiên” (Nam Trân dịch: Lửa chiến tranh trên hoàn cầu nóng chảy cả trời xanh). Thế kỉ XX, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra giữa các thế lực hùng mạnh nhất để giành giật vị thế lãnh đạo, tìm kiếm thị trường, đã lôi cuốn tất cả các nước trên hành tinh. Ở các nước thuộc địa, bọn cầm quyền ra sức bắt dân đi lính, đẩy vào các chiến trường tàn bạo và ra sức bòn rút của cải, tài nguyên... Loài người hoảng sợ, hỗn loạn, chiến tranh tàn sát ngót trăm triệu người; cái thiện, lòng nhân từ chìm đắm, cái ác, lòng tham, thú tính hoành hành dữ dội. Đây có lẽ là thời kỳ đen tối cùng cực nhất trong lịch sử. Một số nhà triết học, nhân sĩ, trí thức bi quan cảm thán: “Thượng đế đã bỏ loài người”, “Thượng đế đã chết”, “thiên hạ đại loạn”, “ngày tận thế”... Lúc này, Hồ Chí Minh bị giam trong địa ngục trần gian, sự tận cùng đày đọa thân phận kiếp người, nhưng Người đã thể hiện niềm tin tương lai, bản chất tốt đẹp của con người, không bi ai sầu thảm và tuyệt vọng.
Tập thơ “Nhật ký trong tù” có 20 bài chưa được công bố trong những năm xuất bản 1960, 1977, 1980, 1983, 1990; đến năm 1991, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cùng Hội đồng biên tập dựa trên bản dịch của Viện Văn học có bổ sung và công bố đầy đủ 134 bài. “Lời hỏi” là bài thơ nằm trong số đó và đặt vấn đề mang tính triết học.
Bản chất cái thiện, cái ác trong xã hội con người
Hồ Chí Minh viết bài “Lời hỏi” theo thể 5 chữ trong câu, khác với nhiều bài trong tập thơ, ngôn từ không thả hồn bay bổng, không theo dòng cảm xúc mà khúc chiết, tinh tế, nhiều tầng đa nghĩa mang tính triết luận.
Ngay câu đầu, Hồ Chí Minh khẳng định một phạm trù triết học “Xã hội đích lưỡng cực” (Viện Văn học dịch: Hai cực trong xã hội). Từ “lưỡng cực” – một phạm trù căn bản trong cuốn Kinh dịch – tác phẩm lâu đời, tinh túy nhất trong nền triết học phương Đông, chỉ một cặp, một đôi... Kinh dịch viết: “Thái cực sinh lưỡng nghi...”. Lưỡng nghi, lưỡng cực thuộc khái niệm nhân sinh và vũ trụ: âm – dương, ngày – đêm, mặt trăng – mặt trời, nước – lửa, nóng – lạnh, đực – cái, hiền – dữ, thiện – ác...
Câu tiếp theo đề cập tới hai con người: “Pháp quan dữ phạm nhân” (Quan tòa và người tù), tưởng như cặp phạm trù đối lập “Thiện – Ác”, từ đó xét bản chất thực trên phạm vi quan hệ xã hội: Kẻ cai trị - Người bị cai trị, Kẻ thi hành pháp luật – Người dân thường... là các cặp phạm trù song hành.
Bốn câu tiếp theo bày tỏ hiện thực cuộc sống thường diễn ra theo đúng chủ đề lời hỏi trong xã hội, trên công đường, tại nhà tù… đầy nỗi oan của tác giả:
Quan bảo: anh có tội,
Phạm nhân thưa: tôi dân lành;
Quan bảo: anh nói dối,
Phạm nhân thưa: tôi nói thật.
Đoạn thơ này xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất, phạm nhân là kẻ ác vì tội trộm cắp, cờ bạc, giết người...; quan tòa, cai tù, công an... tiến hành tra xét, có lời hỏi là người thiện. Trường hợp này không phải hoàn cảnh tác giả. Thứ hai, phạm nhân là người lương thiện, vô tội, bị bắt oan, tình nghi là gián điệp…; quan tòa tra xét, hỏi tội, ép tội,… trường hợp này đúng cảnh ngộ Hồ Chí Minh. (Cảnh ngộ này được Người bày tỏ trong bài “Đường đời hiểm trở”: “Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng/ Lại bị tình nghi là Hán gian”).
Hồ Chí Minh viết tiếp: “Pháp quan tính bản thiện” (Quan tòa tính vốn thiện), như hòa đồng với tư tưởng của nhiều nhà triết học phương Đông và phương Tây.
Thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học Heraclitus cho rằng không có bộ luật về đạo đức, nguyên tắc về cái thiện – cái ác, là hai nốt nhạc hiển hiện trong bản hòa âm, giữa các mặt đối lập, tạo nên sự hài hòa vũ trụ. Đến Socrates, Plato và Aristotle... quan niệm cái thiện cao đẹp của con người là luôn học hỏi, nâng cao trí tuệ để hiểu việc mình làm mang tính lý trí, giáo dục. Một số nhà triết học Cơ Đốc giáo thời Trung Cổ như Augustine, Thomas Aquimas, Abelard... cho rằng cái thiện tối cao là ở Chúa Trời, làm theo lời Người, bỏ lòng ham muốn quá mức về vật chất, dễ dẫn đến cái ác. Nhưng nhà triết học Leibnitz diễn giải, biện bạch cho kẻ ác coi thiện – ác như khoảng tối và mảng sáng trong một bức tranh. Có nhà triết học đưa ra thuyết Nhân mãn, thành quả lao động của con người phát triển theo cấp số cộng, loài người phát triển theo cấp số nhân, phải chăng chiến tranh để cân bằng sự sống. Học giả Tuân Tử suy luận có phần cực đoan “Nhân chi sơ tính bản ác” (con người vốn tính ác).
Ở phương trời khác, Đức Phật dạy các vị sư tăng, chúng sinh hãy tin vào cõi đời đang sống: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, hãy tinh tiến lên mà đi, chúng sinh là Phật đấy”. Đến Chúa Giê-su chỉ dạy: “Anh em hãy yêu thù địch”... Mạnh Tử cho rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người vốn tính bản thiện).
Hồ Chí Minh trải nghiệm trường đời, hòa đồng tư duy với nhiều nhà triết học, nhìn nhận sáng suốt, rộng lòng pháp quan và con người đều một thức cảm: tính bản thiện.
Hồ Chí Minh viết tiếp: “Lại hầm hầm giả làm bộ ác, muốn khép người vào tội, lại ra vẻ ân cần”. Quan tòa vì công ăn việc làm, mong xong việc tra xét, nên tìm mọi cách, lúc thì “giả làm bộ ác”, lúc thì “ra vẻ ân cần...”. Bản chất quan tòa đối xử với vợ con, người thân, bạn bè... sao có thể ác? Một vài viên cai ngục, giám thị, quan tòa có thái độ tốt với người tù, Hồ Chí Minh có lời ca ngợi: Ban trưởng họ Mạc người hào hiệp, Chủ nhiệm họ Hầu sáng suốt, Khoa viên họ Trần nho nhã... thật bao dung và đại lượng, tầm nhìn triết học Hồ Chí Minh không mù quáng, giáo điều đến mức ta phải tiêu diệt họ. Trong nhiều bài viết, Hồ Chí Minh từng bày tỏ quan điểm triết học: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Người mở lòng nhân tâm nhắc nhở: “... Ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời...”.
Hồ Chí Minh khi đến thăm trại tù binh Pháp, đã nhường áo ấm cho viên sĩ quan đang bị lạnh và Người viết nhiều lá thư cho Tổng thống, các quan chức cao cấp, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Pháp, Mỹ thể hiện lòng từ tâm, nhân ái, mong muốn hợp tác hòa bình, xây dựng hạnh phúc chung. Người thẩm thấu giá trị nhân văn: “Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”.
Hai câu kết thúc bài:
Giữa hai cực này,
Có thần công lý đứng.
Nguyễn Sĩ Lâm dịch: “Ở giữa hai cực quan tòa và phạm nhân phải có thần công lý để xét xử). Hồ Chí Minh đã nêu lên một định đề triết học.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc văn bia tại chùa Côn Sơn. |
Vai trò của thần linh và con người xã hội
“Ở giữa hai cực... phải có thần công lý để xét xử”. Một lần nữa câu cuối bài thơ Hồ Chí Minh viết về lưỡng cực (hai cực) và giữa hai cực này - giữa quan tòa và người tù - không thể có người thứ ba phân xử đúng sai mà chỉ có thể là “Thần công lý” phân xử ai đúng, ai sai.
Lịch sử triết học thế giới luận bàn nhiều về có hay không có thần linh, Phật, Tiên, Thánh và Thượng Đế... có mối tương tác, xử phạt đúng, sai, thậm chí trong xã hội nhiều người tự nhủ có thần minh có Cha Trời, Mẹ Đất chứng giám cho mình.
Hàng vạn năm nay, người tiền sử không hề có thông tin, giao lưu với nhau, nhưng ở nhiều vùng văn hóa khác nhau, cách xa hàng vạn dặm, họ đều đặt niềm tin có nhiều vị thần tồn tại trong đời sống xã hội: thần núi, thần sông, thần đất, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần biển, thần cây... trong quan niệm đa thần giáo. Trong quan niệm phương Đông, các vị thần đạt sức mạnh hơn các vị khác, đó chính là Phật, Phật mẹ, tiên, thánh tổ...
Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại Anaximander, Heraclitus, Xenophanes... không đồng tình với tư duy đa thần giáo của nhân dân, nhưng có niềm tin ở đấng tối cao, tất cả trong vũ trụ đều là Chúa, chỉ có một Chúa và là duy nhất. Nhà triết học Socratus đã viết bài phủ nhận niềm tin vào nhiều vị thần, ngay sau đó ông bị kết án tử hình vì đi ngược lại tín ngưỡng của nhân dân. Hai nhà triết học Plato và Aristotle có niềm tin ở Chúa, đấng chủ nhân và cai quản toàn bộ vũ trụ, là lý tưởng của các nhà triết học, trên diễn đàn khái niệm và niềm tin về Chúa được quan tâm hàng đầu trong triết học. Các nhà triết học Thiên Chúa giáo như: Augustine, Beigena,... ca ngợi Chúa hết mực, coi Ngài là đấng toàn năng, đấng tinh thần, đầy tính sáng tạo đưa thần thánh lan tỏa khắp mọi vật, còn gọi là linh hồn thần thánh, tạo nên hệ thống ba thực thể cùng bản chất là Cha – Con và Thánh Thần. Các nhà triết học như: Kant, Hume, John Loke... đặt vấn đề mang tính hoài nghi, chỉ trích những lập luận về sự tồn tại của Chúa thông qua lý trí. Nhưng, họ cho rằng chúng ta cần có tinh thần của Chúa, đặt niềm tin vào sự tồn tại của Người qua trải nghiệm để cuộc sống có tín niệm, từ đó có nền tảng đạo đức tốt hơn. Và không ít nhà tư tưởng, nhà triết học phủ nhận tuyệt đối vai trò của thần linh bởi ta không nhìn thấy, không nghe thấy, không cảm thấy và đưa ra thuyết vô thần.
Đức Phật nhiều năm tu luyện, đặc biệt sau 49 ngày tọa thiền thâm định, khai ngộ chân lý tuyệt đối: “Ta là Phật đã thành...”, giảng giải cho các đệ tử, sư tăng và chúng sinh muôn vàn pháp môn, hơn 2500 năm nay vẫn duy trì và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Khổng Tử tự nhận thấy trình độ còn hạn chế đã viết: “Kính quỷ thần nhi viễn chi” (Tạm dịch: Kính trọng thánh thần, nhưng không bàn tới).Nhà bác học vật lý – khối trí tuệ bậc nhất của mọi thời đại Einstein khẳng định một chân lý: “Tôi tin vào Thượng Đế”.
Bản sắc văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của nhân dân các dân tộc Việt Nam, mỗi lần vua, quan, hoàng thân, tướng lĩnh, binh lính, dân làng… làm lễ tuyên thệ, văn bản ghi nhận lời thề: “Xin thần minh chứng giám… nếu sai xin thần minh tru diệt…” là lời thề nguyện có giá trị tuyệt đối linh thiêng cao cả. Và, Hồ Chí Minh trải đời nhận thức vai trò của đấng siêu linh đặt niềm tin: “Có Thần công lý đứng”. Một bài khác với bút danh Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh với tấm lòng chân thành thể nguyện “Đức Phật Tổ đại từ đại bi, tốt biết bao! Mấy hôm sau ghẻ lặn mất một nửa”.
Trọn cuộc đời Hồ Chí Minh không hề bài bác, có hành vi xúc phạm, hoặc ra lệnh phá đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ, thánh đường của các tôn giáo như một số nước cách mạng cùng thời đã triệt phá. Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xóa bỏ ngàn đời nền quân chủ chuyên chế đến lúc suy tàn, thành lập chính thể mới Cộng hòa – Dân chủ tốt đẹp hơn. Trong Hiến pháp ghi rõ “Quyền tự do tín ngưỡng” của mọi công dân. Trong khi đó, Hiến pháp của một số nước Cách mạng trước đó đã phủ nhận và không cho các tôn giáo hoạt động.
Bản thân Hồ Chí Minh đã ngót 100 lượt đến các di tích chùa, đền, đình, miếu, nhà thờ… linh thiêng bậc nhất của nước Việt, như Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Thần Quang, đền Hùng, đền Cổ Loa, đền Ngọc Sơn… thắp hương thành kính đến các đấng siêu linh, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa... nhằm kết nối âm phù dương trợ, thông linh mạch thiên – địa – nhân trong dòng chảy văn hóa truyền thống hàng vạn năm của nhân dân các dân tộc Việt Nam. Người không quên nhắc nhở chính quyền, người bảo vệ cần chăm lo cho di tích để nhân dân đến lễ.
Tiếp thu tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo Đảng Nhà nước như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang,… đã có nhiều buổi gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo, đến các di tích lịch sử văn hóa thành kính thắp hương lên các đấng siêu linh, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa đã phù hộ và tận tâm vì nước vì dân.
Lê Cường
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
--------------------
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995
- Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù, NXB Khoa học Xã hội, 1991
- Hồ Chí Minh, Truyện và ký, NXB Văn học, 1985
- E. Frost, Những vấn đề cơ bản của triết học, NXB Từ điển Bách Khoa, 2008
- Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, NXB Sự thật, 1975