Bác và kiều bào
|
Đã là con người, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào đi nữa cũng không bao giờ đạt tới cảnh giới thập toàn, thập mỹ. Bởi lẽ tự nhiên họ cũng là con người chứ không phải thánh thần. Cũng chính vì lẽ đó con người mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của chốn nhân giới. Trải rộng lòng mình với hạnh phúc hay khổ đau, ấm no hay đói nghèo của mọi tầng lớp trong xã hội, lúc đó ta mới nhận thấy rằng cuộc đời này đáng yêu và đáng sống. Mọi thứ nếu ta muốn có, muốn hưởng thụ chỉ có con đường duy nhất phải lao động, phải kiếm tìm thì thành quả khi ta đạt được sẽ đáng hưởng thụ và đáng tự hào biết bao. Những thành quả của tôi, của anh và của mọi người đạt được bằng mồ hôi, nước mắt, trí tuệ được gọi là trong sạch cũng đôi lúc lắm người khen, kẻ chê bởi điều đó cũng là lẽ thường tình của thế nhân. Và chỉ cần ta sống không thẹn với lòng.
Có mấy ai trong cõi nhân sinh đạt tới đỉnh cao Nhân, Trí, Dũng để cho muôn đời tưởng nhớ, kính ngưỡng. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc họa chăng chỉ có một vài người được lưu danh thiên cổ. Lấy mốc thời gian xuyên suốt 100 năm qua, hình ảnh của Bác Hồ luôn ngự trị trong trái tim và tiềm thức với dân tộc Việt Nam và bạn bè thế giới. Không những thế, với những người đứng bên kia chiến tuyến, đối nghịch về tư tưởng, cũng phải nghiêng mình thành kính với Bác bởi lẽ giản đơn nhưng khó ai vượt qua nhất là chính mình. Bác Hồ đã vượt qua được rào cản vô hình mỏng manh nhưng kiên cố hơn bất cứ thành lũy nào được xây đắp lên.
|
Thăng trầm trong bể khổ của trời ta, trời tây, ăn đói mặc rét nơi xứ người khi Bác ra đi năm 1911, và từ đó tiềm năng vĩ đại trong con người có nghị lực phi thường đã nẩy nở, phát huy, kết tinh hòa quyện với lòng tự tôn dân tộc, yêu tha thiết quê hương đất nước và mong muốn đất nước mình sẽ do dân mình làm chủ, mọi người, mọi nhà sẽ được cơm no áo ấm, hạnh phúc thanh bình… Cũng từ đó muốn thay đổi vận mạng của mình, của mọi người và của dân tộc, đất nước. Con đường duy nhất phải đi, phải làm là “Kách Mệnh”. Lời hiệu triệu của Bác được triệu triệu người hưởng ứng và đi theo không kể giai cấp, giầu nghèo. Dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Bác mang lại hạnh phúc, no ấm cho mọi người, vì mọi người hành động nên mọi người đã vì Bác mà gian khổ hy sinh không tiếc máu xương. Ngày 02/09/1945, Bác đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam. Cũng từ ngày đó bản đồ Việt Nam được in đậm và đổi mầu tươi sáng trên bản đồ thế giới.
Với các tầng lớp nông dân, công nhân, trí thức… trong xã hội Việt Nam, tình cảm của Bác dành cho họ đã được rất nhiều và quá nhiều báo giới, truyền hình, các bậc trí giả nói đến và hình ảnh của Bác đã trở thành huyền thoại trong các huyền thoại của Việt Nam và thế giới. Dưới góc nhìn của một người Việt xa xứ, tôi có cảm nhận về Bác mộc mạc hơn, chân thành hơn vì trong trái tim, khối óc Người chắc chắn cũng như kích thước, cân nặng của bao người khác. Nhưng cái khác biệt quan trọng nhất là trí tuệ mẫn tiệp, biết suy đoán được những gì sẽ đến và sẽ xẩy ra trong tương lai gần và xa, biết trải lòng mình với mọi tấm lòng không chỉ cho con dân nước Việt mà còn bao trùm lên muôn triệu người dân không cùng mầu da tiếng nói… Với bà con xa xứ, Bác sử dụng hai chữ Kiều Bào nghe sao mang nặng ân tình, tư tưởng của Bác, câu nói của Bác với bà con kiều bào khơi dậy trong lòng mọi người một niềm tin mãnh liệt về Tổ quốc ta sẽ tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Trong trái tim người xa xứ, dù đi bất cứ nơi đâu, ở bất nơi nào trong huyết quản của họ cũng vĩnh viễn là dòng máu đỏ, da vàng nước Việt. Lời nói, việc làm của Bác luôn song hành với nhau và còn hơn thế nữa việc làm tốt của Người nhiều hơn lời nói. Chính vì lẽ đó mọi định kiến khác biệt và lòng thù hận của những người đứng bên kia chiến tuyến được vơi vai và xóa nhòa bởi sự chân thành của Bác khi đến với bất cứ nơi đâu.
|
|
Khi đất nước mới giành độc lập, chính quyền còn non trẻ bị bao vây bởi mọi thế lực thù địch, nhiều người không dám đặt lòng tin vào kiều bào, nhưng Bác đã và dám mang sự hưng thịnh tồn vong của đất nước đặt lên vai họ để cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm với nhân dân, dân tộc. Lời kêu gọi của Bác lúc đó như thức tỉnh các doanh nhân, trí sỹ hải ngoại mang tiền tài, trí tuệ về tái thiết đất nước, phục vụ nhân dân, Tổ quốc. Và cũng từ đó biết bao nhân sỹ nơi hải ngoại đã trở về Việt Nam, họ đã được Bác giao trọng trách trong Chính phủ và các tổ chức quan trọng khác của Nhà nước. Những người đó đến bây giờ dù còn hay mất đều không hối hận là họ đã quay về. Mặc dù con đường trở về và sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này không đẹp như mơ. Tôi vẫn nhìn thấy những tấm gương như giáo sư Đặng Văn Ngữ, giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Tạ Quang Bửu, giáo sư Nguyễn Văn Huyên, giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân,… và nhiều nữa những người rời bỏ cuộc sống sung túc nơi xứ lạ, quay về Tổ quốc cùng đất nước đứng lên chống ngoại xâm cũng như chống đói nghèo.
Gần ba mươi năm trôi qua, Bác nằm đó giữa Quảng trường Ba Đình, trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Mỗi ngày có hàng ngàn người từ khắp mọi miền của Tổ quốc cũng như bà con kiều bào về thăm quê cha đất tổ và bạn bè trên thế giới vào lăng viếng Bác. Những người bạn tôi mang quốc tịch Hoa Kỳ hay Canada khi đi du lịch Việt Nam hoặc tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam, họ đều biết Hồ Chí Minh mặc dù chưa bao giờ gặp mặt, tuy chính kiến khác nhau nhưng khi nói về Bác, tôi cảm nhận được trong lời nói và trái tim họ đều ngả mũ, nghiêng mình, tâm phục, khẩu phục trước Bác - một con người đã đạt đến đỉnh cao nhất của cảnh giới Đại Nhân, Đại Trí, Đại Dũng, cả đời vì chủ nghĩa dân tộc vì hạnh phúc nhân dân. Mong ước của Người thật chân thành, không cao xa, luôn gần gũi với mọi người dân nước Việt hằng mơ ước: Cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và luôn song hành với các quốc gia giầu mạnh trên thế giới.
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2009
Nguyễn Hoài Bắc (Kiều bào ở Canada)