A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quần đảo Cát Bà – Khu dự trữ sinh quyển quý giá

Ngày 29/10/2004, quần đảo Cát Bà với giá trị nổi bật hiếm có về sinh thái và sinh học đã được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 Quần đảo Cát Bà

Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo, trong đó có đảo Cát Bà ở phía nam Vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km. Quần đảo Cát Bà có diện tích tự nhiên 26.240 ha, là nơi hội tụ các yếu tố kết hợp hài hoà giữa lợi ích phát triển cộng đồng của con người với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

ĐA DẠNG SINH THÁI VÀ SINH HỌC

Cát Bà là ví dụ nổi bật đại diện cho quá trình tiến hoá và phát triển của các hệ sinh thái biển và hải đảo với sự đa dạng cao của các quần xã động vật, thực vật trên đảo và dưới biển. Trên quần đảo Cát Bà đã hình thành 7 hệ sinh thái nhiệt đới cận chí tuyến điển hình, bao gồm: (1) Hệ sinh thái rừng mưa nguyên sinh trên đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam; (2) Hệ sinh thái rạn san hô phát triển bậc nhất Vịnh Bắc Bộ; (3) Hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất ở đảo Việt Nam; (4) Hệ sinh thái vùng triều với các khảm sinh vật bám đặc sắc ít nơi có được; (5) Hệ sinh thái hồ nước mặn; (6) Hệ sinh thái hang động trên cạn và hang ngầm nước ngọt; (7) Hệ sinh thái đáy biển Cát Bà.

Trong đó, lớn nhất là hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi (khoảng 9800 ha) với thảm thực vật thuộc kiểu rừng nhiệt đới thường xanh và các loại rừng như rừng núi thấp và ven thung lũng, rừng trên núi đá dốc, rừng trên đỉnh núi cao, rừng ngập nước nội địa (Ao Ếch). Cùng với rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn là một tài nguyên quý giá tại đảo Cát Bà. Rừng ngập mặn phân bố chủ yếu tại phía tây bắc đảo, với bãi sú vẹt tự nhiên lớn nhất Hải Phòng. Các loài cây phổ biến ở đây là đước xanh, vẹt dù… Độ cao của thảm thực vật ngập mặn từ 2 – 3m, mật độ lớn và sức sống tốt.

 Quần thể sinh vật phong phú và độc đáo

Khu DTSQ Cát Bà còn là nơi cư trú của hàng nghìn loài động thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Đến năm 2017, Khu DTSQ Cát Bà và vùng lân cận đã ghi nhận 4.637 loài động vật và thực vật trên cạn, nước ngọt, ngập mặn và dưới biển; bao gồm các loài thú, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng, thân mềm trên cạn, thực vật bậc cao, thực vật ngập mặn, loài nước ngọt, loài dưới biển, động vật đáy biển…

Đặc biệt, trong số động thực vật kể trên, có khoảng 83 loài đặc hữu, 114 loài quý hiếm trong danh lục đỏ IUCN và 14 loài trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là nơi cư trú duy nhất trên thế giới của loài Voọc đầu trắng (Trachypithecus poliocephalus) – một trong 5 loài linh trưởng của Việt Nam có tên trong 25 loài trên thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 San hô đáy biển Cát Bà

GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Cát Bà là vùng giàu có về khảo cổ học, một cái nôi hình thành nên nền văn minh và văn hóa biển tiền sử Việt Nam. Trên toàn đảo đã phát hiện 77 di chỉ khảo cổ học với các hiện vật, tầng văn hóa được khai quật khẳng định con người đã xuất hiện liên tục tại đảo Cát Bà từ cách đây trên 30 vạn năm khi đảo Cát Bà còn gắn liền với lục địa.

Văn hóa Cái Bèo hình thành trong khoảng 7.000-5.000 năm trước công nguyên, trong giai đoạn biển tiến, đảo Cát Bà tách khỏi lục địa. Cái Bèo là một “bước ngoặt” trong lịch sử văn minh Việt Cổ thời kỳ tiền Đông Sơn, khi một nhánh cộng đồng cũng xuất thân từ vùng đất cao bản địa nhưng không chỉ dừng lại định cư hay khai phá đồng bằng ven biển, mà tiến thẳng ra biển, rời hang, cư trú ngoài trời, khai thác cá biển và chính thức bắt đầu hình thành văn hóa biển Việt Nam tiền sử. Văn hóa Cái Bèo cùng văn hóa Hạ Long, Hoa Lộc, Bàu Tró, Xóm Cồn là những văn hóa biển tiền sử đặc trưng phát triển cao, lan tỏa rộng từ Bắc Bộ tới Nam Trung Bộ, cuối cùng đã hội nhập với các văn hóa khác ở lục địa, tạo dựng nên 2 nền văn hóa nổi tiếng là văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh; tiếp nối hình thành nên văn hóa biển, văn hóa Việt Nam hiện đại.

Ở Cát Bà hiện nay còn lưu giữ được nhiều công trình độc đáo như đền thờ “Các Bà”, đền thờ “Các Ông” gắn liền với truyền thuyết về chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta thời kỳ đầu dựng nước. Ngoài ra còn có di tích công trình thành cổ thời nhà Mạc ở xã Xuân Đám. Các lễ hội còn lưu lại đến ngày nay như hội bơi chải, hội đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, lễ thuỷ thần, lễ hội nghề cá… là những tài nguyên du lịch nhân văn hết sức hấp dẫn khách du lịch.

 Vịnh Lan Hạ - thiên đường kì thú

NỖ LỰC BẢO TỒN KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN CÁT BÀ

Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn ở Cát Bà đang tiếp tục bị suy giảm do sự xâm lấn của dân cư địa phương để làm đầm nuôi tôm, cua. Rừng bị chặt phá, đốt hoặc bị chết do môi trường sống bị thay đổi từ việc xây bờ ngăn đầm. Để bảo vệ vùng rừng ngập mặn quan trọng này, trước hết cần phải ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy mạnh các chương trình trồng rừng mới và hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình xen canh nuôi tôm trong rừng ngập mặn, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường bền vững.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Vườn quốc gia Cát Bà luôn đặt công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Lực lượng kiểm lâm chiếm gần hai phần ba quân số của Vườn, trực tiếp làm công tác tuần tra, bên cạnh đó còn có lực lượng cán bộ khoa học liên tục nghiên cứu, đề xuất, tìm ra các giải pháp bảo tồn.

Tuy nhiên công tác bảo tồn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Một trong số đó là thực tế đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây vẫn còn khó khăn, thiếu đất canh tác, không có công ăn việc làm, có thói quen sống dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như săn bắt động vật, khai thác cây cảnh, cây thuốc, lấy mật ong dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, gây ra cháy rừng; Việc phát triển nuôi trồng thủy hải sản một cách ồ ạt, không có quy hoạch cũng gây khó khăn cho việc quản lý, hủy hoại và làm ô nhiễm môi trường biển, làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn và tác động tiêu cực đến các rạn san hô; Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng như làm đường, xây dựng bến tàu làm phá vỡ cảnh quan, cùng với các hoạt động của phương tiện vận chuyển và tham quan của du khách cũng tác động tiêu cực đến đời sống động vật hoang dã, rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường.

 Cát Bà sở hữu môi trường tự nhiên lý tưởng cho sự phát triển của nhiều loại động – thực vật.

Nhận thức được việc tham gia công tác bảo tồn của quần chúng nhân dân cũng hết sức quan trọng, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đã tổ chức cho người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn thông qua chương trình khoán bảo vệ rừng của nhà nước và một số dự án bảo tồn của các tổ chức phi chính phủ. Lực lượng này đã có đóng góp tích cực vào các hoạt động trong công tác bảo tồn như: tuần tra bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến các loài động thực vật và các tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng, biển và môi trường.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Cát Bà cũng đang nỗ lực tìm các sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ các dự án bảo tồn và phát triển trong và ngoài nước để giúp cộng đồng dân cư phát triển kinh tế và thay đổi sinh kế như giúp đỡ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình nuôi ong, nuôi dê, trồng rau sạch, trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây thuốc…

Với chức năng bảo tồn, phát triển và trợ giúp nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, khu DTSQ Quần đảo Cát Bà được công nhận như một điển hình về phát triển bền vững gắn với bảo tồn của Việt Nam./.

Hồng Ngọc (tổng hợp)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu