PGS.TS. Nguyễn Minh Tân - Nhà khoa học nâng cao giá trị nông sản bằng công nghệ xanh
PGS.TS. Nguyễn Minh Tân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS)). |
Từ câu chuyện công nghệ xanh JEVA…
Công nghệ JEVA đang là một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam trong thời gian gần đây. Bởi câu chuyện “mất mùa được giá”, “giải cứu…” của nông sản Việt Nam là một điệp khúc mà năm nào cũng tràn ngập trên các mặt báo, chứ không chỉ xảy ra trong năm Covid. Người nông dân, doanh nghiệp luôn mong mỏi một giải pháp bền vững cho vấn đề của họ. Nhưng bao năm câu trả lời cho vấn đề đó vẫn đang được tìm kiếm.
Đó là lý do JEVA được quan tâm. PGS.TS. Nguyễn Minh Tân, tác giả của công nghệ JEVA cho chúng tôi biết. JEVA có 3 lợi thế ưu việt so với các công nghệ cùng loại trên thị trường hiện nay.
Ưu thế đầu tiên phải kể đến đó là, cùng với nguyên tắc làm mất nước, nhưng JEVA lại giữ được % chất lượng sản phẩm nhiều nhất so với các công nghệ cùng loại trên thế giới hiện nay. Đây là kết quả nghiên cứu bà và nhóm cộng sự chứng minh trong phòng thí nghiệm. “Nông sản hay thuốc đông y, tây y, khi chiết tách đều phải cô lại. Và theo phương pháp của tôi thì các tinh chất gần như không bị mất”, PGS.TS Nguyễn Minh Tân cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tân cùng các cộng sự làm việc tại phòng thí nghiệm trong trường Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Ưu thế thứ hai của JEVA chính là việc cải tiến được nhược điểm to, cồng kềnh, không dễ di chuyển của các công nghệ cùng loại hiện nay. Theo PGS Nguyễn Minh Tân, từ trước đến nay ở cả Việt Nam và trên thế giới, công nghệ này đều được đặt ở một nhà máy thật lớn và gần như việc di chuyển là không thể. Nhưng bây giờ, với nguyên lý mới của PGS Nguyễn Minh Tân, chiếc máy này được tạo ra chỉ nhỏ bằng một chiếc tủ lạnh, kèm theo bánh xe để di chuyển. “Người sử dụng giờ không chỉ là các công ty lớn nữa mà các công ty nhỏ hay thậm chí các hộ gia đình cá thể cũng có thể sử dụng được. Yếu tố mới này trong nghiên cứu của PGS Nguyễn Minh Tân có thể nói sẽ mở ra nhiều hướng ứng dụng trong cuộc sống.
“Công nghệ cô đặc nước quả - JEVA” nhận giải thưởng “Best Innovation Award” của Quỹ Đổi mới sáng tạo Toàn cầu Hitachi (năm 2019). Công nghệ cũng đạt giải Bạc tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của Phụ nữ do Cục SHTT Hàn Quốc phối hợp với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và các Bộ liên quan của Hàn Quốc tổ chức. |
Ưu thế thứ ba, cũng là ưu thế vì sao công nghệ JEVA của bà được gọi là công nghệ xanh. Với nguyên tắc làm mất nước, thì có hai phương án đó là có thể sấy hoặc làm cô đặc. Tuy nhiên, việc này sẽ tốn khá nhiều năng lượng bởi quá trình này phải sử dụng nhiều nhiệt. Đây là hạn chế lớn trong các công nghệ cùng loại hiện nay trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh, thế giới đang phải tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Công nghệ JEVA hiện nay đang giảm được hơn 80% năng lượng sử dụng so với các giải pháp cũ cùng công suất.
Theo PGS Nguyễn Minh Tân, đây là vấn đề cũ của xã hội, nhưng khác ở chỗ nó được giải quyết theo một cách thức mới. "Tôi hy vọng, nó sẽ được ứng dụng trong nhiều ngành để giúp ích cho cộng đồng, cho xã hội”, PGS Nguyễn Minh Tân khiêm tốn chia sẻ mong muốn của mình về công nghệ JEVA.
Hiện nay, PGS Nguyễn Minh Tân đang hỗ trợ hai công ty tại tỉnh Hưng Yên để xây dựng nhà máy chế biến ba loại nông sản đó là cam, vải, nhãn ứng dụng công nghệ JEVA. Tiếp đó là tại tỉnh Bắc Kạn, bà cũng đang phối hợp với một công ty để xây dựng hệ thống chế biến quýt và mơ.
Cà chua và các loại quả khác được ép thành nước, sau đó cho vào máy để làm cô đặc |
…đến quan điểm chân giá trị trong khoa học
Trước công nghệ JEVA, PGS Nguyễn Minh Tân đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học khác liên quan đến ngành công nghệ hóa học của bà. Một trong số đó phải kể đến là một công nghệ xử lý nước thải của ngành nhuộm vải. Công nghệ này bà đã phối hợp với các nhà khoa học của CHLB Đức, theo một nghị định thư hợp tác giữa Đức và Việt Nam. Theo đó, công nghệ đã được thí điểm tại Thành phố Đà Nẵng và đã cho kết quả khoa học rất tốt. Nhưng sau đó, công nghệ lại không được ứng dụng ở Việt Nam. Một công ty của Đức sau đó đã dựa vào kết quả nghiên cứu đó và sản xuất ra một dòng sản phẩm hiện đang được ứng dụng thành công ở các thị trường Châu Âu, Hàn, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc.
“Ðầu ra” của nông sản Việt vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh này, công nghệ công nghệ JEVA là một trong những giải pháp hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản Việt, mở ra cơ hội cho ngành sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam khắc phục khó khăn, nâng cao giá trị xuất khẩu. |
“Đến đầu năm 2021, tình cờ có một công ty của Việt Nam tìm đến tôi và nhờ tôi tìm cho họ một giải pháp xử lý nước thải công nghiệp đúng như công nghệ mà doanh nghiệp của Đức 6 năm về trước mua lại của chúng tôi”, PGS Nguyễn Minh Tân chia sẻ về câu chuyện thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ ở Việt Nam.
Do đó, theo quan điểm của PGS Nguyễn Minh Tân, để một công nghệ được thương mại hóa, đó là câu chuyện của thời cơ, của cơ duyên. Quan trọng hơn cả, công nghệ đó phải mang một giải pháp hữu ích nào đó với cuộc sống, thì đến một lúc nào đó đủ cơ duyên, nó sẽ được ứng dụng để phục vụ lại cuộc sống.
“Thực sự khi nghiên cứu khoa học cần có một niềm tin sẳt đá rằng bây giờ chưa được, 3 – 4 năm sau chưa được, không sao cả, quan trọng sản phẩm của mình có một chân giá trị thì nhất định đến một thời điểm thích hợp nó sẽ được sử dụng đúng với giá trị của nó. Tâm niệm đó khiến mình không bao giờ nản trong hành trình khoa học của mình”, PGS Nguyễn Minh Tân chia sẻ.
Những mẫu cô đặc của các loại nông sản được lưu giữ ở phòng thí nghiệm của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân trong trường Đại học Bách khoa Hà Nội |
Cũng theo quan điểm của bà, hạnh phúc nhất của những người sáng tạo công nghệ đó là được thấy mọi người sử dụng sản phẩm của mình, sản phẩm đó đang giải quyết được việc gì đó cho xã hội. “Gián tiếp nó cho thấy mình vẫn đang còn là người có ích cho xã hội”, PGS Nguyễn Minh Tân bộc bạch.
Lắng nghe câu chuyện của một nhà khoa học, chúng tôi những tưởng đang nói chuyện với một nhà thám hiểm đầy hấp dẫn, lý thú, ly kỳ và đam mê với những câu chuyện tìm kiếm chân trời mới. Bà say sưa kể về khoa học không phải là một công việc hàn lâm, khô khan, cứng nhắc, mà như một trò chơi với những miếng xếp hình lego, hay thách thức IQ như việc lắp ghép trò chơi rubic.
Với PGS Nguyễn Minh Tân, khoa học như một chò trơi hấp dẫn, mà tại đó nó luôn mang lại cho bà một niềm vui, niềm vui khi được làm một công việc chính đáng, có giá trị cho xã hội. Bởi vậy, bà luôn đối diện với nó bằng một niềm hăng say và thái độ nghiêm túc. Đây cũng là lý do, PGS Nguyễn Minh Tân đã thu hút được rất nhiều cộng sự đắc lực cống hiến cho khoa học. “Thuyết phục không bằng lời nói hay phần thưởng mà bằng thái độ với công việc”, PGS Nguyễn Minh Tân chia sẻ về cách bà thuyết phục các cộng sự cho team khoa học của mình.
Ước mơ theo chia sẻ đầy dí dỏm của PGS Nguyễn Minh Tân đó là: “ Khi tôi già yếu đến mức không đi được nhưng vẫn có người gọi điện hỏi tôi giải pháp về vấn đề này hay vấn đề kia của xã hội. Nó cho tôi biết tôi vẫn còn giá trị với xã hội”./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Công Đạt/ Báo Ảnh Việt Nam