A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà văn viết báo xuân xưa

"Tiểu Thuyết Thứ Bảy (TTTB) xin cảm ơn các bạn. Số Tết của chúng tôi đã được các bạn hoan nghênh một cách khác thường. 40.000 số báo, chỉ trong vài giờ đã bán chạy không còn một số. Đêm 27 Tết, thư từ và điện tín vẫn còn đánh về lấy thêm".

Đây là lời đầu tiên trong lá thư gửi bạn đọc đầu năm Nhâm Ngọ (21-2-1942) của tờ TTTB (93 phố Hàng Bông, Hà Nội - Bắc Kỳ - Giây nói 648) nói về số báo xuân Nhâm Ngọ của mình. Ngồi đọc lại mới thấy thành công của tờ báo xuân TTTB này là chuyện bình thường, vì trong số báo xuân hằng năm, TTTB quy tụ đầy đủ những cây đa, cây đề trong làng văn học Việt Nam từ "hồi nẳm".

 L.V.N

Vậy chứ Tết, chữ xuân được các bậc tiền bối nhà ta viết thế nào. Tết thì phải vui, phải phân tích ý nghĩa của cái Tết bằng nghị luận. Thế là có bài của nhà văn Vũ Bằng "Nghĩa cái Tết": "Hoa đào lại nở với mưa xanh. Một năm lại hết để cho một tân niên bắt đầu. Dù chia ra Bắc, Trung, Nam, dân ta lại một phen tỏ ra rằng lúc nào cũng biết sống chung một điệu: chúng ta ăn Tết bởi chúng ta là người Việt Nam. Ngày Tết là ngày cộng sổ.

Ngày Tết là ngày sửa mình. Ngày Tết là ngày vệ sinh. Ngày Tết là ngày hi vọng. Vui xuân, vui cả một trời, ai cũng lạc quan về sự sống..." (TTTB, Quý Mùi - 1943).

Cũng tâm niệm về cái Tết mà lại không Tết khi xa xứ, nhà văn Nguyễn Tuân với du ký "Đêm trừ tịch trên một cù lao" mở đầu bằng câu: "Năm nay, chúng ta ăn Tết tại Hương Cảng. Đây là một câu nói không vui, không buồn, thốt ra từ cửa miệng mấy người trong một hội tài tình.

Tết đây là Tết Nguyên đán năm Mậu Dần. Và lúc người ta nói câu nầy là khoảng 5g chiều một ngày cuối cùng năm Đinh Sửu. Câu chuyện ăn Tết ở Hương Cảng đã là một câu chuyện không thể không có được.

Phải sống một ngày giai tiết ở đất khách, không có bánh chưng, không có cây nến, hoàn toàn thiếu mất những phong vị êm dịu của quê hương, nhiều anh em cho thế là một bất hạnh lớn... Phải là một tâm hồn An Nam đã từng thấm nhuần trong đám hương khói ngày cúng ông vải, thì mới cảm thấy cái năm âm lịch hụt mất một ngày là như thế nào" (TTTB, xuân Mậu Dần - 1938).

Đâu phải chỉ những người xa quê hương mới không thấy Tết. Cuộc sống của những người bần cùng và đau khổ trong ngày Tết của kiếp người đã được Tô Hoài phản ánh một cách sinh động với bối cảnh làng Nghĩa Đô của ông trong truyện ngắn Khách nợ (TTTB, Quý Mùi - 1943).

Một tay đòi nợ thuê chết vì bị chó dại cắn trong những ngày Tết với những đoạn văn có rất nhiều chữ Tết như: "Sáng mồng hai Tết, lái Khế uống một bữa rượu cực say". "Sáng mồng ba Tết, lão Khế tắt nghỉ"...

Hay những người phụ nữ phải sống trong đề lao qua ngòi bút tả thực của tác giả Bỉ vỏ - Nguyên Hồng - trong truyện Tết của tù đàn bà với những đoạn đọc mà thấy rợn như sau: "27 tháng chạp. Mưa phùn tạnh từ hôm kia, nhưng gió rét càng thổi mạnh. Da thịt người buốt rức vì khí lạnh. Con nhỏ của tù đàn bà khóc suốt đêm. Chúng không chịu được rét dù được ôm ấp trong lòng mẹ. Chúng khát sữa nữa - sữa mẹ chúng như cạn hết rồi!..." (TTTB, xuân Mậu Dần - 1938).

Đoạn văn trên làm ta liên tưởng đến cách viết phóng sự tả chân. Báo TTTB xuân Mậu Dần vì thế không thiếu ngòi bút của ông vua phóng sự đất Bắc: Vũ Trọng Phụng. Ông xuất hiện với phóng sự "Một huyện ăn Tết" nói về tệ nạn hối lộ, tham nhũng, móc túi dân đen của quan lại dịp Tết. "Kể từ ngày 20 trở đi, cái Tết vui vẻ và quý hóa đã báo trước sự tái ngộ của nó.

Người nào, người nấy đều đã có những bộ mặt đi đưa đám ma, tuy rằng năm cũ nó không bắt ta mua áo quan để đem chôn nó đi. Cả một huyện đều nhăn nhó gãi đầu, gãi tai, và dễ thường có độc một quan là giữ được cái vẻ đường bệ và thư nhàn bình nhật...".

Ngoài nhà văn phóng sự Vũ Trọng Phụng, nhà văn Như Phong viết về một nhân vật cho chữ ngày xưa không thể thiếu là ông đồ già trong tâm thế "những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?".

"Mấy hôm trước Tết, tôi đã nhiều lần dạo qua các phố Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Bồ... để vội vàng xem lại một cảnh mà những năm gần đây ta đã thấy thưa dần và rồi sẽ mất lúc nào không biết: cảnh những ông đồ nho ngồi còng lưng trên mặt hè nắn nót viết câu đối lên những tờ giấy đỏ mà người ta bỏ ra dăm ba hào chỉ mua về để lấp kín một chỗ trống trên tường hoặc giấu giếm sự già nua của những cột nhà đã mọt...".

Như Phong kết bài phóng sự "Ông đồ già" bằng những nhận xét chua xót cho cái cảnh xế chiều của nho học: "Sau năm ấy, mỗi lần cuối năm người ta bắt đầu đi sắm Tết, không thấy ông đồ già trở lại nữa".

Ngoài những truyện ngắn, phóng sự hiện thực xã hội, còn có những truyện, thơ tình lâm ly bi đát như truyện ngắnHai Năm của nhà văn Thanh Châu (TTTB, xuân Mậu Dần). Và tất nhiên, cũng bắt đầu bằng chữ Tết: "11g đêm 30 Tết, năm 1936. Gần giao thừa rồi, Oanh ơi! Oanh sắp thêm một tuổi nữa, đi ngủ làm gì vội, mà ngủ sao được...

Oanh đã tưởng tượng mùa đông năm sau, ngồi trong một gian phòng lạ, tối 30, đọc lại những dòng này bên cạnh chồng Oanh... Ngày mai, mồng một Tết, thế nào chồng Oanh - đàng nào chả là chồng Oanh rồi - cũng đến lễ nhà thờ và chúc tuổi thầy me Oanh...".

Vui không khi biết rằng những câu: "Nhưng chỉ là người em gái thôi/Người em sầu mộng của muôn đời/Ngần trong như tuyết giăng đầu núi/Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời..." trong bài thơ Sầu mộng của nhà thơ Lưu Trọng Lư xuất hiện trong báo xuân TTTB năm 1938.

Nhà thơ Trúc Khê ngoài những lượm lặt, sưu tầm những câu chuyện về Tết Nguyên đán cũng dịch thơ chữ Hán. Vũ Ngọc Phan thì phát huy sở trường của mình trong việc tổng kết "Đoạn đường văn học Việt Nam năm Nhâm Ngọ: Như vậy đoạn đường văn học Việt Nam năm Nhâm Ngọ (1942) là đoạn đường đã cho ta thấy nhiều triệu chứng tốt đẹp, nó lại có một tính chất rõ rệt là khuynh hướng về cổ điển Việt Nam và đáng gọi là đoạn đường đưa dắt đến phong trào phục cổ".

Chỉ sơ lược qua hai tờ báo xuân TTTB Mậu Dần (1938) và Quý Mùi (1943) ta thấy các bậc nhà văn tiền bối cũng không thể bỏ qua đòi hỏi của bạn đọc và các tờ báo. Ngày xuân bạn đọc cũng cần phải đọc những bài văn hay chữ tốt, muốn tìm được niềm vui trong năm tới, mà ít nhất tờ báo Tết là tờ báo bắt đầu với tràn đầy hi vọng tốt đẹp của mùa xuân.

(Theo Lê Văn Nghĩa/ Tuổi Trẻ)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm