A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người nghệ nhân tài hoa của Hà Nội: Truyền thần bằng đường kim mũi chỉ

Dù đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm,” nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự vẫn ngày ngày miệt mài bên khung thêu. Đôi mắt vẫn còn tỏ tường và đôi bàn tay khéo léo thổi hồn vào những bức tranh thêu.

 Đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, ông Nguyễn Quốc Sự vẫn không rời khung thêu. Ảnh: Thu Minh/Vietnam+

Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự sinh năm 1942, tại thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, “cái nôi” của nghề thêu ren truyền thống. Đã hơn 400 năm trôi qua, nghề thêu thủ công vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, truyền lại cho con cháu đời sau.

Nổi danh người thêu tranh truyền thần

Kể về cái duyên với nghề “canh chỉ,” ông Sự cho biết gia đình mình có truyền thống làm nghề thêu. Từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc với khung thêu, chỉ màu, thời gian đã nuôi dưỡng tình yêu của ông với nghề. Năm 13 tuổi, ông Sự chính thức học nghề để tiếp nối truyền thống của gia đình.

Với đôi bàn tay tài hoa và tinh thần ham học hỏi, năm 16 tuổi, ông được nhận vào làm việc tại Hợp tác xã thêu Hợp Tiến, phụ trách kỹ thuật, là nhân lực trẻ nhất của hợp tác xã lúc bấy giờ.

 Căn phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật là kỷ niệm cả cuộc đời làm nghề của người thợ thêu. Ảnh: Thu Minh/Vietnam+

Hiện nay, ông Nguyễn Quốc Sự là chủ của Công ty cổ phần thêu tay Quốc Sự, nằm bên đường Quốc lộ 1 (xã Thắng Lợi), có chi nhánh ở số 2 Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là địa chỉ tin cậy của những người yêu thích tranh thêu thủ công. Công ty thêu Quốc Sự nổi danh không chỉ trong nước mà còn được nhiều khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc tìm đến, sản phẩm xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới.

Tranh thêu qua đôi bàn tay khéo léo của ông không giống với tranh ở bất kỳ chỗ nào khác. Mỗi sản phẩm như một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Bởi vậy, dù đã bước sang tuổi 79, ông vẫn ngày ngày cặm cụi bên khung thêu để phục vụ những vị khách khó tính nhất. Mắt đeo cặp kính lão nhưng đôi tay vẫn xỏ chỉ, luồn kim nhanh thoăn thoắt, chuẩn chỉnh từng đường nét. Có người hỏi ông sao không nghỉ, ông bảo không bỏ được, còn sức là còn làm.

Trong suốt hơn 60 năm làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã có nhiều tác phẩm để đời. Ông tham gia nhiều cuộc thi, triển lãm trên thế giới, một cách quảng bá vẻ đẹp con người và văn hóa Việt Nam.
Năm 1980, triển lãm tại Nga với bức “Nhà sàn Bác Hồ”, Nguyễn Quốc Sự được cố Tổng bí thư L.I. Brezhnev trao tặng giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học kỹ thuật” và huy chương Lênin. Năm 1983, ông nhận huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic khoa học kỹ thuật tại Việt Nam. Gần đây nhất, ông nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” do Chủ tịch nước trao tặng.

 Lão nghệ nhân vẫn còn nhiều trăn trở với việc lưu giữ nghề tổ tiên. Ảnh: Thu Minh/Vietnam+

Những bức tranh thêu của ông Nguyễn Quốc Sự không chỉ hài hòa về màu sắc, mượt mà về đường nét mà còn chính xác đến từng đường kim, mũi chỉ. Mỗi bức thêu sinh động như tranh vẽ, có sự cuốn hút đặc biệt, lay động lòng người.

Nhưng để đạt đến trình độ thêu ra những bức tranh truyền thần, có hồn, ông Sự cho biết mình phải trải qua nhiều trường lớp nâng cao tay nghề. Theo ông, để thêu tranh đẹp, có thần thì người thêu còn phải am hiểu về mỹ thuật, xác định được điểm nhìn cảnh, điểm chân trời, biết phối hợp màu sắc, đường nét,..., mà không phải ai học thêu cũng có điều kiện học thêm họa.

Năm 1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Hợp tác xã Hợp Tiến và rất thích những bức tranh thêu thủ công. Nhưng người đã nói một câu khiến ông Sự cứ mãi trăn trở: “Hợp tác xã thêu truyền thống đẹp, nối tiếng như thế này mà không có bức chân dung Bác Hồ nào”. Được cố Tổng Bí thư động viên, được hợp tác xã tin tưởng cử đi học lớp hội họa tại trường Mỹ nghệ Trung ương. Năm 1975, ông Sự trở về và bắt tay vào thêu chân dung Bác Hồ.

Tuy chưa một lần gặp Bác nhưng ông đau đáu phải thể hiện được hình ảnh “Mắt Bác Hồ cười vui mãi tuổi 20” [ý thơ trong bài 'Sáng tháng Năm' của nhà thơ Tố Hữu-PV]. Như để bày tỏ lòng kính trọng với Người, nghệ nhân đã dồn hết tâm sức để thêu ra một tuyệt phẩm. Sau 6 tháng, chính ông cũng ngỡ ngàng, bức chân dung Bác sống động đến từng chi tiết. Từ vầng trán, đôi mắt, miệng cười đến chòm râu đều được “canh thớ, canh chỉ” rất tỉ mỉ, chân thực như một bức ảnh chụp. Có thể nói, hiếm có người nghệ nhân nào thể hiện được thần thái của Bác như vậy.

Mỗi khi kể về bức thêu chân dung đầu tay cũng là bức thêu tâm đắc nhất cuộc đời mình, ông Nguyễn Quốc Sự vẫn không khỏi xúc động. Bức tranh đã đưa tên tuổi của ông nổi khắp các làng thêu miền Bắc lúc bấy giờ. Hơn 40 năm trôi qua, bức thêu chân dung Bác vẫn được ông đặt trang trọng trong phòng khách.

 Một bức tranh thêu tĩnh vật đạt đến độ tinh xảo, đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Thu Minh/Vietnam+

Thành công hôm nay chính là nhờ cái tâm của người thợ với nghề. Ông quan niệm rằng: “Thêu chân dung chẳng khác gì mình làm toán, phải chính xác đến 100%, mới truyền được cái thần thái của người được thêu vào tranh”. Ngoài bức chân dung Bác Hồ lay động người xem, bức “Nàng Mona Lisa” cũng được đánh giá đẹp đến ngỡ ngàng, tốn của ông hơn 2 năm và được ông Sự coi như vật báu, không bán với bất cứ giá nào dù rất nhiều người hỏi mua, hay bức “Thần Brahma Ấn Độ” có màu sắc sống động, toát ra khí chất uy nghiêm của vị thần, được hoàn thiện trong một năm.

Những bức tranh thêu phong cảnh dưới đôi bàn tay tinh tế của lão nghệ nhân cũng mang vẻ cuốn hút khó tìm. Ông coi “thêu tranh phong cảnh không khác gì mình làm văn, phải nói lên được cái ngôn ngữ như khi mình tả mây, tả trời, ngọn gió,...” Bởi thế mà qua đường kim mũi chỉ của người thợ thêu ấy, dòng suối hiện lên trong vắt, cây lá xanh mát có hồn, hoa cỏ rực rỡ khoe sắc.

Khó khăn giữ lửa nghề

Thời bao cấp, ở thôn Khoái Nội (Thường Tín), nghề thêu là công việc tạo nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân. Từ người già đến người trẻ đều dựa vào cây kim, sợi chỉ mà phát triển kinh tế. Mở xưởng thêu từ năm 1975, ông Nguyễn Quốc Sự đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong thôn. Khi Việt Nam hội nhập nền kinh tế thị trường, nghề thêu thủ công lại gặp không ít khó khăn, tình trạng chung của các làng nghề truyền thống. Những năm qua, điều khiến ông Sự trăn trở nhất là lớp thợ trẻ ngày một ít đi, những người thợ già thì không còn đủ tinh tường, khéo léo.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện, ảnh hưởng mọi mặt đời sống, trong đó có nghề thêu truyền thống.

“Dịch bệnh khiến những người thợ như tôi khốn đốn nhiều. Kinh tế khó khăn nên không mấy người mua tranh thủ công trang trí nội thất. Khách nước ngoài cũng không có. Đơn đặt hàng của xưởng giảm hẳn một nửa so với mọi năm. Không có việc làm, người thợ phải đi tìm việc khác để có thu nhập,” nghệ nhân Quốc Sự chia sẻ.

Vốn là một xưởng thêu có hàng trăm công nhân, người học việc, nay xưởng thêu Quốc Sự chỉ còn lác đác mấy nghệ nhân già. Họ đã theo ông Sự 30-40 năm trong nghề.

 Thợ thêu đều đã bước sang tuổi trung niên. Ảnh: Thu Minh/Vietnam+

Bà Đào Thị Nhị (Thạch Thất), một thợ thêu lâu năm tại đây cho biết: “Ở đây chủ yếu là người làm lâu năm, có người 10 năm, có người theo từ lúc ông Sự mở xưởng. Nên dù khó khăn lúc dịch bệnh cũng không ai muốn bỏ. Người trẻ thì còn tìm việc ở các công ty lớn chứ nhiều tuổi như các bác đây chỉ biết gắn bó với nghề thêu này”.

Người thợ mất thời gian ít nhất 1 tháng để hoàn thành một tác phẩm, nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đây có lẽ là lý do người trẻ ít mặn mà với nghề thêu tay.

Những năm gần đây, ông Sự cùng gia đình đã có nhiều hướng để giữ gìn truyền thống của tổ tiên. Công ty của ông nhận đào tạo miễn phí, truyền nghề cho ai muốn học, chỉ bảo tận tình như con cháu trong nhà. Người khó khăn thì ông thu xếp cho vừa học, vừa làm có lương, có chỗ ăn ở. Gia đình ông có 5 người con cùng các cháu nội ngoại, hiểu được tâm nguyện của người cha, người ông, cũng tham gia vào công việc của xưởng.

Với đôi bàn tay tài hoa và tâm huyết với nghề, ông Sự đã đào tạo ra nhiều lớp thợ giỏi. Có người đã đủ tiềm lực mở xưởng thêu riêng, có người được ông nhận làm việc tại xưởng nhà mình.

Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu thì lão nghệ nhân vẫn còn nhiều trăn trở: “Dịch bệnh chỉ là khó khăn trước mắt. Cái nghề bị mai một dần mới là cái khó lâu dài, không tìm được cách tháo gỡ là có lỗi với các bậc tiền nhân.”/.

Thu Minh / Vietnam+


Tin liên quan

Tin tiêu điểm