A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân A Biu với đam mê truyền dạy cồng chiêng

Với nghệ nhân A Biu, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na.

Nghệ nhân A Biu giúp các em học sinh cảm thụ âm thanh cồng chiêng

Nghệ nhân A Biu là người con của dân tộc Ba Na, sinh ra, lớn lên ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Hàng chục năm qua, bằng tình yêu đặc biệt với văn hóa cồng chiêng và mong muốn cháy bỏng bảo tồn, phát huy được nghệ thuật cồng chiêng ngay trong cuộc sống đời thường, nghệ nhân A Biu đã âm thầm đi đến làng trên xóm dưới, tới các trường học để truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum có gần 700 em học sinh, tất cả đều là con em dân tộc thiểu số Ba Na. Điều đặc biệt ở ngôi trường này là hầu hết học sinh đều yêu thích và biết đánh cồng chiêng, múa xoang.

Cứ sau những giờ học chính khóa và trong cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật tiếng cồng chiêng lại vang lên rộn rã trong sân trường. Cô giáo Đậu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết phong trào học đánh cồng chiêng được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay. Người có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, truyền lửa đam mê cho các em học sinh là nghệ nhân A Biu.

"Nghệ nhân A Biu rất đam mê với truyền thống văn hóa của người dân tộc mình. Ông đã sưu tầm những bộ chiêng, xoang rất là lâu đời và có kinh nghiệm dạy cho thế hệ trẻ các bài chiêng. Và đây cũng là một biên pháp rất quan trọng thu hút học sinh đến trường.

Không chỉ dạy các em học sinh ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cũng như thanh thiếu nhi các làng trong vùng biết đánh cồng chiêng, múa xoang, nghệ nhân A Biu còn tâm huyết giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng. Chính điều này nhằm xây dựng cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na.

Nhờ được nghệ nhân A Biu phát hiện, dìu dắt, nhiều em nhỏ có năng khiếu đã thể hiện được tài năng của mình thông qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nổi bật như em Y Việt Hương, học sinh lớp 4D, em A Văn Thỉu, học sinh lớp 5C... Đặc biệt em Y Thái Thị Kim Ngân, học sinh lớp 6, Trường Trung học Cơ sở Hàm Nghi đánh được dàn chiêng 8 chiếc mà không chênh, không phô. Em Y Thái Thị Kim Ngân, chia sẻ: "Con tập đánh chiêng từ năm cấp I và ông A Biu dạy cho con đánh chiêng. Bài mà con đánh là bài ru em. Con đánh được một năm rồi và ông A Biu cũng dạy cho con đánh. Trong bài ru em đó hay nhất là nhịp và giai điệu".

Nghệ nhân A Biu có tình yêu đặc biệt với văn hóa cồng chiêng. Với quan niệm để tình yêu ấy có thể lan tỏa, thu hút cộng đồng, hàng chục năm qua nghệ nhân A Biu dành nhiều tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu nắm bắt được hồn cốt của văn hóa cồng chiêng. Ông đã tự tìm thầy học hỏi và bằng sáng tạo của riêng mình làm chủ nghệ thuật chỉnh chiêng.

Từ những chiếc chiêng rách, chiêng hỏng khi được sưu tầm về, ông chỉnh sửa, chắp nối và hoàn thành nó trở thành những bộ chiêng hoàn chỉnh có âm vực rền, rè độc đáo. Rồi chuyện ông lặn lội tới tận huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, chờ đến gần chục ngày để mua kỳ được bộ chiêng Klang Brông mà theo ông là rất quý giá. Hay việc ông thuyết phục gia đình dựng lại ngôi nhà truyền thống ở làng Plei Klech, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, để ngày đêm mở cửa đón khách giới thiệu về văn hóa Ba Na…

Ngôi nhà giờ đã không còn là việc của riêng ông mà trở thành niềm tự hào chung của người Ba Na trong vùng. Nói về mong muốn của mình, nghệ nhân A Biu chia sẻ: trong gia đình, trong buôn làng hàng xóm cũng như ở trong trường. Làm sao mình truyền đạt cho họ biết giá trị một bộ chiêng. Đây là bản sắc dân tộc Ba Na. Trời thương còn đi đứng được sẽ truyền bá lại cho càng nhiều người càng tốt.

Với nghệ nhân A Biu, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Vui người ta đánh cồng chiêng, buồn cũng lấy ra kể chuyện. Nói thương nhau, giận nhau cũng bằng tiếng cồng chiêng. Để bảo tồn, phát huy được nghệ thuật cồng chiêng ngay trong cuộc sống đời thường thì những thế hệ kế cận phải thật sự yêu và muốn giữ cồng chiêng.

Đây cũng chính là lý do để nghệ nhân A Biu năm nay đã bước sang tuổi 60 vẫn cần mẫn tới các trường học, đi hết làng trên xóm dưới ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Khoa Điềm (VOV.vn)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm