Lương y Nguyễn Thái Hà - “cây kim vàng” trong châm cứu trị liệu
Lương y, nhà nghiên cứu y học cổ truyền Nguyễn Thái Hà, người 40 năm gắn bó với công việc bốc thuốc, châm cứu chữa bệnh... |
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc, Lương y Nguyễn Thái Hà là cháu đời thứ 14 của cụ Tổ Ngự Y, Thái Bộc Đại thần Lê triều Nguyễn Quý Công. Bố ông là Lương y Nguyễn Văn Kim cũng nổi tiếng chữa bệnh bốc thuốc và châm cứu. Suốt 400 năm qua, gia tộc ông vẫn lưu giữ được một số tư liệu y học cổ, tiêu biểu là cuốn Từ thị Châm cứu Đại toàn (Lê triều Thái y viện tham đính, bản gốc chữ Hán, thế kỷ 17).
Lương y Nguyễn Thái Hà xúc động kể lại cho tôi về hành trình ông đến với y học từ khi còn rất trẻ. Năm 1975, từ chiến trường B2 trở về, Nguyễn Thái Hà bị chấn thương phổi nghiêm trọng cùng di chứng sốt rét. Khi đó, ông chỉ nặng khoảng 39kg nên theo các thầy thuốc thì không còn khả năng lao động nặng. Cha ông, Lương y Nguyễn Văn Kim (1915- 1995), bằng thuốc dân tộc và châm cứu đã giúp ông dần lành bệnh.
Hơn 10 năm qua, Lương y Nguyễn Thái Hà và Y học Sao Phương Đông đã hợp tác với Phó Giáo sư Phan Toàn Thắng, chuyên gia công nghệ tế bào gốc ở Singapore, bước đầu ứng dụng dưỡng chất tế bào gốc do Nhật Bản sản xuất trong thủy châm để chữa nhiều bệnh (rối loạn chức năng, tổn thương thực thể ở giai đoạn đầu, trẻ hóa cơ thể). |
Sức khỏe phục hồi dần, Nguyễn Thái Hà theo học Yoga từ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn) rồi kiên trì tập luyện. Có ngày kiên trì thiền đến 6 tiếng, tâm trí lực đều được cải thiện rõ rệt. Trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh đó khơi dậy trong ông niềm đam mê nghiên cứu và thực hành y học. Nguyễn Thái Hà học nghề thuốc trực tiếp từ cha mình. Nhiều năm sau dù chưa được phép của cha, nhưng tối tối ông đều lẻn khỏi nhà đạp xe đi “chữa bệnh” cho bạn hữu với lòng khát khao thử sức đến khó tả….
Tháng 8 năm 1983 ông chữa trị cho anh Nguyễn Văn Trung 29 tuổi ở số 03 Trần Phú, Hà Nội gai thị bạc mầu toàn phần, xuất huyết dịch kính đã qua hai lần phẫu thuật không đỡ. Chỉ sau 9 ngày được Nguyễn Thái Hà châm cứu, anh đã đọc được báo (thị lực 8/10) khiến rất nhiều người ngạc nhiên và Báo ảnh Việt Nam thời điểm đó cũng đã đăng bài về ca trị bệnh này.
Đầu năm 1983, Lương y Nguyễn Thái Hà hội tụ một số bác sĩ và nhà khoa học trẻ tâm huyết với y học truyền thống lập Nhóm Nghiên cứu Châm cứu và Cận tâm lý Sao Phương Đông. Các thành viên trong nhóm đều có năng lực ngoại ngữ 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga, Pháp,Trung, nhóm dịch nhiều tài liệu quý về châm cứu của thế giới, và tổ chức biên soạn sách. Kế đó Lương y Nguyễn Thái Hà có cơ may được thụ giáo trực tiếp nhiều vấn đề lý luận y học phương Đông từ GS. BS Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam, GS. BS Trần Thúy, nguyên Phó viện trưởng Viện Y học cổ truyền Việt Nam.
Cuối năm 1984, ông vinh dự viết chung với GS. BS Hoàng Bảo Châu về lĩnh vực Châm cứu trong Tri thức Bách khoa, Viện Từ điển Bách khoa Việt Nam phát hành. Tháng 9 năm 1990, Sao Phương Đông cộng tác với Phòng Quân y Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc Phòng) xuất bản cuốn Châm cứu Giản yếu và bộ tranh Châm cứu trên kinh huyệt, thể hiện bằng 05 thứ tiếng Việt, Anh, Nga, Pháp và Đức do NXB Quân Đội phát hành.
Đây là cột mốc đầu tiên trong chặng đường phát triển của Sao Phương Đông mà Lương y Nguyễn Thái Hà đã gây dựng. Chỉ trong 2 năm 1990 -1992, cuốn Châm cứu Giản yếu đạt kỷ lục xuất bản và phát hành: 2 vạn bản. Ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cơ sở Y học Sao Phương Đông đã tạo nên điểm sáng về Y học dân tộc trong đời sống hiện đại với định hướng lồng ghép Đông Tây y. Đây là một trong những cơ sở Y học dân tộc tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân lực.
Với khẩu quyết “Hợp tác và chia sẻ”, Sao Phương Đông đã phối hợp với nhiều xí nghiệp dược Trung ương sản xuất một số sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tiêu biểu là liên doanh với Học viện Quân y 103, Viện Lão khoa, Trung tâm Nông hóa thổ nhưỡng sản xuất thuốc Phylamin. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư từ nguồn thuốc Nam. |
Tháng 6 năm 1992, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Trần Thúy, nhóm bác sĩ Đông y của bộ môn Y học dân tộc, ĐH Y Hà Nội đã hợp tác với Lương y Nguyễn Thái Hà lập cơ sở Y học dân tộc Sao Phương Đông tại 109 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Trong nhiều năm, hàng vạn lượt người bệnh với nhiều chứng bệnh khó (hen, xuyễn, tai biến mạch não, viêm đa khớp, một số bệnh về ngũ quan, nội tạng...) đã được chữa khỏi hoặc cải thiện rõ rệt.
Năm 2002, từ cuốn Châm cứu giản yếu, Sao Phương Đông đã phối hợp với Khoa y học cổ truyền Trường đại học Y Hà Nội, xuất bản cuốn Châm cứu tổng hợp (NXB Y học). Kế đó, năm 2015, cuốn sách được tái bản lần thứ nhất cùng nhiều nội dung mới. Trong lời giới thiệu PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đánh giá: “Châm cứu Tổng hợp là một cuốn sách có giá trị thực tiễn cao, là kim chỉ nam cho các thầy thuốc Đông y, đặc biệt là các thầy thuốc y tế cơ sở…”.
Lương y Nguyễn Thái Hà cũng đã khởi động nhiều chương trình hợp tác quốc tế, trong đó hợp tác với danh y Seo Hyo Seok, Viện trưởng Viện Đông y Pyunkang Hàn Quốc tổ chức Tọa đàm quốc tế "Pyunkang tiên phong trên đại lộ của công nghệ sinh dược toàn cầu", thu hút sự tham gia của nhiều nhà Y học hàng đầu Việt Nam.
Lương y Nguyễn Thái Hà cũng chính là người đã thành công với nhiều phương pháp chữa bệnh như nắn chỉnh cột sống, trị liệu các bệnh liên quan tới thần kinh cột sống bằng các kỹ thuật điều chỉnh bằng tay, không dùng thuốc, không phẫu thuật. Ông là “cây kim vàng” trong châm cứu để trị liệu châm cứu, chữa các bệnh về trầm cảm, rối loạn tiêu hóa…
Gần đây, với tư cách là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt, Lương y Nguyễn Thái Hà đã phối hợp với Hội Nam Y Việt Nam triển khai dự án Vườn thuốc Nam Tuệ Tĩnh công nghệ cao. Các dự án bước đầu triển khai ở Bắc Giang và Tiền Giang với mục tiêu góp phần khôi phục nhiều cây thuốc quý của Việt Nam để làm thuốc chữa bệnh.
Hàng ngày, Lương y Nguyễn Thái Hà dành nhiều thời gian cho việc khám chữa bệnh tại Sao Phương Đông và tham gia nhiều hoạt động khám chữa bệnh từ thiện cho bà con dân tộc vùng cao. Với ông, mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân được khỏe hơn, bệnh giảm đi đó là niềm vui của người thầy thuốc./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường/ Báo Ảnh Việt Nam