A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức xe đạp một thời gian khó

Mấy chục năm trước, chiếc xe đạp trị giá cả cây vàng, được cấp giấy chứng nhận sở hữu, có biển số và được giữ gìn như vật báu trong nhà.

Cũng như cầu Long Biên (Hà Nội) chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, xe đạp là phương tiện gợi nhắc người Việt ký ức về những năm chiến tranh ác liệt và gắn với một thời bao cấp khó khăn. Xe đạp là phương tiện lưu thông chính trên đường phố thời bấy giờ.

Chiếc xe là tài sản mơ ước của nhiều gia đình. Xe các hãng nước ngoài như Peugeot, Aviac hay Mercie... giá bằng cả cây vàng. Vì thế, những chiếc xe đạp còn có giấy chứng nhận sở hữu, không khác gì đăng ký xe máy hay ôtô hiện nay.



Xe có số khung và được đăng ký, cấp biển số.

Những góc phố, ngã tư Hà Nội gắn liền với bao thăng trầm của thời gian. Đường Hoàng Diệu rộng thênh thang với những bóng cây cổ thụ tỏa mát, người dân thong dong đạp xe trên phố.

Khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài chưa có đèn xanh đèn đỏ. Lực lượng công an trực tiếp tham gia điều hành giao thông.



Hồ Gươm với Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn soi bóng. Dù bận rộn lao động, người Hà Nội vẫn không thể quên thú vui dạo chơi quanh hồ Gươm bằng xe đạp mỗi khi rảnh rỗi.

Những lúc tắc đường, chen chúc, người dân phải vác xe Thống Nhất lên vai. Có câu chuyện truyền tai rằng nếu trời đổ mưa, đố ai tìm được một chiếc Peugeot ngoài đường vì người ta sợ xe bị rỉ sét và nhanh hỏng.

Những nữ sinh trong tà áo dài giờ tan trường. Nhiều người nhận xét con gái thời xưa đi xe đạp bao giờ cũng khép chân, đầu gối gần sát vào khung xe, đầu ngón chân đặt trên bàn đạp, không khuỳnh tay dạng chân, không phóng nhanh. Người ngồi sau không đặt tay vào đùi hoặc bụng người đằng trước vì cho là không đứng đắn.

'Một yêu anh có Sen-kô (đồng hồ đeo tay hiệu Seiko) / Hai yêu anh có Pơ - giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu cá vàng) / Ba yêu anh có téc gang (quần vải téc) / Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô'. Xe đạp trở thành một trong những tiêu chí chọn chồng của các cô gái thời đó. Những thanh niên mới lớn coi xe đạp là thứ đồ hàng hiệu, việc được ngồi sau cũng là một niềm hãnh diện lớn.

 Đám cưới thời bao cấp có mốt rước dâu bằng xe đạp.

Tập đi xe đạp là ký ức tuổi thơ khó quên của nhiều người. Những đứa trẻ nhỏ thó, chân còn ngắn nên không ngồi hẳn lên yên được mà cứ nhấp nhổm theo những vòng quay của bánh xe. Thậm chí, các em còn phải vẹo hẳn lưng sang một bên để đạp xe nhưng vẫn hăng say tập.

Những năm chiến tranh, Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc phải chịu tổn thất nặng nề của bom đạn bắn phá. Người dân phải di tản về các vùng nông thôn, tài sản lớn nhất mà nhiều gia đình còn giữ là chiếc xe đạp.

Chiếc xe đạp thồ được gọi là ngựa sắt chiến trường. Nhiều đội quân xe đạp thồ được thành lập, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men... ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc. Những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất như kiện tướng xe đạp thồ Cao Văn Tỵ chuyển 320 kg hàng mỗi chuyến, Ma Văn Thắng chở được 352 kg hàng.

Anh thương binh cùng đồng đội đi dạo phố. Trong chiến tranh, câu chuyện gắn với chiếc xe đạp được các cựu binh kể cho nhau nghe nhiều nhất là về liệt sĩ Lang Sỹ Thủy. Anh bị đạn súng máy của địch bắn gãy cánh tay phải, được đưa về hậu phương điều trị, sau đó mượn chiếc xe đạp Thống Nhất của chị gái đạp hơn 600 km từ Thanh Hóa vào Quảng Trị chiến đấu tiếp. Anh hy sinh chỉ 4 ngày trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Chiếc xe đạp hiện nay còn được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam.

Những ánh mắt ngây thơ mở to sau giá ngồi theo mẹ đi làm, đi sơ tán trong chiến tranh. Tuổi thơ cứ thế lớn lên theo những vòng quay đều đều của bánh xe. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Bill Hardt ghi lại.

Khi xe đạp là tài sản lớn thì bơm, vá xe đạp trở thành một nghề kiếm ra tiền.

Những chiếc bơm tay hầu như không còn xuất hiện trên đường phố Hà Nội ngày nay.

Một cửa hàng sửa chữa xe đạp ở phố Hai Bà Trưng với tấm biển đơn giản và cách quảng cáo phổ biến là treo những chiếc lốp xe ngoài cửa.

Xe đạp trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa trên những con phố Hà Nội. Những chiếc sọt đầy hàng luôn được buộc chắc chắn phía sau và hai bên xe.

Đạp xe dạo chơi gần khu vực lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nụ cười trong trẻo của một em bé Hà Nội xưa.

Cả gia đình bốn người chở nhau trên xe đạp.

Qua thời gian, con người phát minh nhiều phương tiện hiện đại hơn phục vụ cuộc sống. Xe đạp không còn giữ được vị trí độc tôn trên bản đồ giao thông nữa. Nhưng những kỷ niệm gợi nhắc về một thời gian khổ vẫn còn đọng lại trong ký ức nhiều thế hệ người Việt Nam.

(Ảnh Tư liệu/Theo Vnexpress)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu