Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
Khu DTSQ thế giới Langbiang |
Với diện tích 275.439 ha, Langbiang nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
ĐA DẠNG SINH HỌC – VĂN HÓA ĐẶC SẮC
Đây là nơi lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc của Không gian Văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với đặc trưng là sự phong phú về thảm thực vật, trong độ cao từ 650m – 2.300m, Langbiang có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái thủy sinh. Các sinh cảnh rừng tại đây vẫn còn có cấu trúc 3 tầng rừng, chứa đựng đầy đủ các sinh cảnh rừng tự nhiên, là nơi cư trú, kiếm ăn của động vật hoang dã. Ngoài ra, sự đa dạng về sinh cảnh tự nhiên với các loại rừng hỗn giao gỗ - lồ ô, rừng cây bụi, trảng cỏ đã góp phần tạo nên sự phong phú các loài bò sát, ếch nhái, côn trùng và các loài thực vật. Các sinh cảnh đất ngập nước như hồ, sông, suối xen kẽ với rừng vừa tạo cảnh quan đẹp, tạo sự chuyển tiếp các hệ sinh thái, đồng thời là nơi phân bố của các loài cá và các sinh vật thủy sinh khác.
Rừng thông Langbiang |
Nhờ hệ sinh thái phong phú, Khu DTSQ Langbiang là nơi cư trú của 1.940 loài thực vật. Những loài đặc biệt quý hiếm có thể kể đến là: thông hai lá dẹt (duy nhất trên thế giới chỉ có ở Bidoup - Núi Bà), pơ mu, thông đỏ, thông 5 lá Ðà Lạt. Riêng họ lan có 297 loài, biến Langbiang trở thành thủ phủ hoa lan của Việt Nam. Về động vật, tổng cộng có 89 loài thú, 247 loài chim, 46 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 30 loài cá và 335 loài côn trùng được ghi nhận tại Khu DTSQ Langbiang.
Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2010). Trong đó bao gồm 5 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu: hổ Đông Dương, voọc đen, vượn đen má vàng, bò rừng bizon Ấn Độ và khỉ lá vàng Đông Dương. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số 1 (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Lan rừng – thực vật phong phú ở Langbiang |
Khu DTSQ Langbiang cũng là nơi nuôi dưỡng Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO. Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, K’ho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Đây là nét văn hóa độc đáo riêng có cần được bảo tồn của các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam.
NỖ LỰC BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo tỉnh Lâm Đồng, việc UNESCO công nhận Khu DTSQ Thế giới Langbiang vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với tỉnh Lâm Đồng và chính phủ Việt Nam trong việc duy trì các chức năng của một khu DTSQ mang tầm thế giới. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, phải có giải pháp đồng bộ hơn, khoa học hơn và triệt để hơn nhằm tìm giải pháp thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Vượn đen má vàng tại Langbiang |
Mặt khác, cũng cần có giải pháp chiến lược và khoa học hơn trong phát triển bền vững trên cơ sở 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Ở Khu DTSQ Langbiang, mật độ dân cư và hoạt động sản xuất nông nghiệp cao hơn trung bình của tỉnh, do đó cách ứng xử của mỗi người dân qua mọi hoạt động sản xuất và đời sống có tác động trực tiếp đến tài nguyên thiên nhiên nơi đây. Thực tế cho thấy, một bộ phận công chức, viên chức của tỉnh, du khách và người dân trong vùng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa tầm ảnh hưởng của Khu DTSQ thế giới, do đó phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi người.
Để quản lý và bảo vệ tốt hệ sinh thái đa dạng của Khu DTSQ thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Langbiang và Hội đồng tư vấn với 11 thành viên, trong đó có 7 thành viên là các giáo sư, tiến sỹ đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia.
Trước hết, Ban Quản lý Khu DTSQ sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông cho nhân dân, các tổ chức, chính quyền liên quan và cả du khách, triển khai thực hiện các giải pháp nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo tồn.
Langbiang có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng |
Song song với việc bảo tồn, theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Langbiang, trong quá trình hoạt động, Khu DTSQ ưu tiên đảm bảo hài hòa giữa con người và sinh quyển, cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của những tộc người bản địa còn sinh sống bên trong khu bảo tồn; đảm bảo sự phát triển của con người, xã hội cùng với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Việc UNESCO công nhận Khu DTSQ thế giới Langbiang cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng. Bằng những nỗ lực nội tại của Chính phủ Việt Nam, của người dân Lâm Đồng và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tin rằng Khu DTSQ thế giới Langbiang sẽ được bảo tồn và phát triển theo phương châm của Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới MAB/UNESCO./.
Minh Trang (tổng hợp)