Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
Khu DTSQ thế giới Kiên Giang là khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang. Khu vực bao gồm phần đất liền, biển và hải đảo thuộc địa bàn 10 huyện, thị của tỉnh Kiên Giang là Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên.
Khu DTSQ thế giới Kiên Giang kết nối 3 vùng lõi là Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc; Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Chông và đai rừng ngập mặn ven biển Tây.
CẢNH QUAN VÀ HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG
Khu DTSQ thế giới Kiên Giang là nơi bảo vệ đa dạng cảnh quan thiên nhiên, trong đó có một số mẫu tiêu biểu. Mẫu cảnh quan tiêu biểu và độc đáo là rừng tràm (Melaleuca) trên đất than bùn của hệ sinh thái úng phèn khu vực U Minh Thượng, vùng đất ngập nước quan trọng của vùng hạ lưu sông Mê Công. Mẫu cảnh quan thứ hai thuộc khu vực đảo Phú Quốc, là nơi có nhiều sông suối, đặc biệt là các bãi tắm chạy dài dọc bờ biển như Giếng Ngự, Bãi Khem, Bãi Sao, Bãi Vòng, Bãi Thơm, Bãi Vũng Bầu, Bãi Cửa Cạn, Bãi Dài tạo nên một quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn. Các mẫu còn lại thuộc hai huyện Kiên Lương – Kiên Hải với hơn 30% diện tích là đồi núi và hải đảo; mẫu cảnh quan rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập nước theo mùa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, hầu hết các hệ sinh thái nhiệt đới đều có ở Khu DTSQ thế giới Kiên Giang như: hệ sinh thái biển và ven bờ, đồng cỏ, rừng ngập mặn, hải đảo, rạn san hô, đầm lầy, rừng tràm ngập nước theo mùa, những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh và thứ sinh trên đảo Phú Quốc, rừng trên núi đá vôi Hòn Chông còn lại duy nhất ở miền Nam.
Khu DTSQ thế giới Kiên Giang có độ đa dạng sinh học cao với hệ động, thực vật trên 2.340 loài. Trong đó, 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong sách Đỏ và 57 loài đặc hữu; khoảng 856 loài động vật với 78 loài quý hiếm, trong đó có 36 loài đặc hữu. Hiện nay, đã ghi nhận thêm 48 loài động vật và 17 loài thực vật, với một số loài đặc hữu quý hiếm như: thằn lằn ngón Phú Quốc, thằn lằn đá ngươi tròn đuôi trắng, thằn lằn chân ngón Hòn Tre, rắn lục Hòn Sơn, thu hải đường Bà Tài, lan bầu rượu Kiên Lương…
NỖ LỰC BẢO TỒN TỰ NHIÊN
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, các hệ sinh thái của Khu DTSQ thế giới Kiên Giang đóng vai trò hết sức quan trọng đối với con người, đặc biệt là trong việc duy trì, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái nơi đây, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của cả khu vực và sự tồn tại của trái đất.
Ý thức được tầm quan trọng của Khu DTSQ, những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng đầu tư cho khu vực này. Theo Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Kiên Giang, đầu tư trong khu DTSQ khá lớn từ ngân sách nhà nước; khu cũng được các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường quan tâm ủng hộ.
Danh hiệu Khu DTSQ thế giới Kiên Giang đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh tỉnh Kiên Giang với thế giới. Các lĩnh vực, ngành nghề du lịch, nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp… mang lại những giá trị kinh tế to lớn. Những hoạt động kinh tế trong Khu DTSQ thế giới Kiên Giang đã mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, bảo tồn các giá trị tự nhiên và đảm bảo chất lượng môi trường. Cụ thể là mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với các kiểu cảnh quan và sinh cảnh độc đáo, lặn biển, du lịch hướng nghiệp, giáo dục môi trường, du lịch hội thảo sự kiện. Hỗ trợ phát triển kinh tế chất lượng gắn với thương hiệu Khu DTSQ thế giới Kiên Giang, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Quy hoạch phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, ít ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, gia tăng giá trị sản phẩm. Chuyển giao ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập, tạo sinh kế mới cho cộng đồng dân cư. Thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khu DTSQ thế giới Kiên Giang là trọng điểm nghiên cứu khoa học của hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu tài nguyên, môi trường, bảo vệ đa dang sinh học.
Kiên Giang là cửa ngõ kết nối với các nước trong khu vực ASEAN phía Tây của Việt Nam, nên Khu DTSQ không chỉ có lợi thế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị để phát triển kinh tế xã hội mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái nói chung của cả khu vực.
Lâm Thương (tổng hợp)