A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ

Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới vào ngày 21/01/2000. Nơi đây được giới chuyên môn đánh giá là rừng ngập mặn đẹp nhất Đông Nam Á, được khôi phục sau khi bị chất độc hóa học hủy diệt gần như toàn bộ trong thời gian chiến tranh.

Màu xanh Cần Giờ 

Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh gần 40 km, Khu DTSQ Cần Giờ có tổng diện tích hơn 75 nghìn ha, trong đó vùng lõi rộng 4.721 ha, vùng đệm 41 nghìn ha và vùng chuyển tiếp 29 nghìn ha. Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Trước đây, khi chưa có tác động từ con người, Rừng ngập mặn Cần Giờ (Rừng Sác) có khung cảnh hoang sơ, tự nhiên với hệ động, thực vật rất phong phú. Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra, Rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành giao thông huyết mạch, là cửa ngõ yết hầu vào Sài Gòn. Với hàng chục nghìn lít chất hóa học và triệu tấn bom đạn, người Mỹ đã biến rừng thành “một vùng đất chết”.

Năm 1978, huyện đảo Cần Giờ từ tỉnh Đồng Nai được chuyển về TP Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, chính quyền TP Hồ Chí Minh bấy giờ đã huy động sức người, sức của khôi phục lại hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Năm 2000, Khu du lịch sinh thái Vàm Sát nằm trong vùng lõi của Khu DTSQ Cần Giờ được thành lập và tháng 2/2003 được Tổ chức Du lịch Thế giới công nhận là một trong hai khu du lịch sinh thái phát triển bền vững của thế giới.

Vườn Tràm Chim 

HỆ SINH THÁI RỪNG

Rừng ngập mặn Cần Giờ có hệ sinh thái rừng trồng và rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên. Nơi đây có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn.

Sau hơn 40 năm khôi phục, giờ đây, Rừng Cần Giờ đã trở thành một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất nước ta với cảnh quan tươi đẹp. Hệ thống động thực vật ở đây rất đa dạng và phong phú cả về số lượng và chủng loại, với trên 157 loài thực vật, trong đó có các loài quý hiếm như bần trắng, bần chua, mắm trắng, các quần hợp đước đôi… Hệ động vật thủy sinh, không xương sống có khoảng 70 loài như tôm sú, cua biển, sò huyết, tôm thẻ bạc… Hệ cá có trên 130 loài như cá bông lau, cá ngát, cá dứa… Hệ lưỡng thê, bò sát có 9 loài lưỡng thê, trên 30 loài bò sát. Đặc biệt 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà… Hệ chim có 130 loài như diệc xám, bồ nông chân xám, vạc, giang sen, già đẫy… Hệ thú có 19 loài như khỉ đuôi dài, mèo rừng, nhím…

 Từ tháp canh có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cần Giờ

VAI TRÒ CỦA RỪNG NGẬP MẶN CẦN GIỜ

Từ những cánh rừng hoang sơ trở thành “lá phổi xanh” của thành phố, Khu DTSQ Cần Giờ có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, Rừng ngập mặn Cần Giờ có vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bão lũ. Đây là nguồn cung cấp thức ăn và khu vực sinh trưởng cho các loại thủy hải sản và động vật. Các loại cây như cây lức, cây ô rô, cây xu, cây chùm gọng… trong vùng ngập mặn Cần Giờ còn được dùng để làm thuốc. Trước đây bộ đội ta thường dùng cây rừng để chữa bệnh.

Một nguồn lợi quan trọng khác không thể không kể đến chính là nguồn lợi về thủy hải sản. Rừng ngập mặn Cần Giờ rất nhiều loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao như: cá chẽm, cá mú, cá ngát, tôm sú, tôm thẻ, sò huyết…

Lá cùng các bộ phận của cây khi rụng xuống sẽ phân hủy thành mùn bả hữu cơ. Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào cho các loại động vật dưới nước. Nghề nuôi tôm, sú, nghêu sò phát triển từ năm 1993 cho tới nay chính là kết quả của việc phục hồi thành công Rừng ngập mặn Cần Giờ.

Bên cạnh đó, cây rừng còn cung cấp củi gỗ được dùng làm bột giấy, ván dăm, ván ghép. Vỏ cây dùng để sản xuất tanin dùng nhuộm vải lưới, làm keo dán. Có thể khai thác cây trong rừng lâu dài vì cây có khả năng phục hồi nhanh. Lá cây mắm được dùng làm thức ăn cho gia súc.

Thực tế đã chứng minh rằng, Rừng Cần Giờ mang lại rất nhiều giá trị to lớn. Trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Góp phần giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biến. Ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển.

Từ khi khôi phục rừng, sản lượng thủy hải sản được khai thác ngày càng cao. Nghề nuôi sò, nghêu, tôm sú phát triển nhanh hơn, góp phần rất quan trọng trong việc chuyển đối cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội cũng như cải thiện đời sống nhân dân.

Hiện nay, Rừng ngập mặn Cần Giờ đã trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Là một phần không thể thiếu của khu đô thị TP Hồ Chí Minh. Do vậy mỗi chúng ta cần có ý thức bảo vệ rừng, thiết lập lên một bức tường xanh vững chắc. Bên cạnh đó, cần phải mạnh dạn thay đổi nhiều hơn theo tiêu chí phát triển bền vững.

 Chiến khu Rừng Sác

KHÁM PHÁ VÀ TRẢI NGHIỆM

Hiện nay, Rừng ngập mặn Cần Giờ được TP Hồ Chí Minh quy hoạch, phát triển thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Nhờ có sự đầu tư và phát triển của thành phố mà hệ thống cầu, đường bộ, kênh, mương, lối đi trong rừng đã được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tới thăm quan và nghỉ dưỡng tại đây.

Theo cung đường trải dài với màu xanh bạt ngàn của những loại cây đặc trưng như bần, đước, mắm trắng, sú, vẹt… với những bộ rễ cuồn cuộn nổi trên mặt nước, du khách sẽ đến với Cần Giờ với nhiều địa điểm vui chơi, tham quan như Khu du lịch Vàm Sát, Đảo Khỉ, Lăng Cá Ông, Thánh thất Cao Đài, Bãi biển 30/4, chợ Hàng Dương… Đến đây, du khách có thể đi cano len lỏi sâu vào rừng ngập mặn, tìm về chiến khu Rừng Sác nổi tiếng một thời, tiếp xúc với đàn khỉ hoang dã, hay tham quan Tràm Chim, Đầm Dơi, khu bảo tồn động vật hoang dã tại Vàm Sát và chinh phục tháp Tang Bồng để ngắm nhìn toàn cảnh rừng ngập mặn Cần Giờ và từng đàn cò bay về tổ vào lúc hoàng hôn.

Cần Giờ vừa có rừng, vừa có biển, tránh cuộc sống ồn ào, tấp nập của phố thị, bạn hãy tìm đến nơi đây để tận tưởng không gian yên tĩnh, bầu không khí trong lành với những thảm rừng cây xanh rờn tuyệt đẹp và hòa mình cùng cuộc sống bình dị của người dân nơi đây.

 Khỉ tại Khu du lịch Lâm Viên


Tháp Tang Bồng 

Thanh Thanh

(tổng hợp)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu