Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau
Khu DTSQ Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 ha với 3 vùng: vùng lõi 17.329 ha, vùng đệm 43.309 ha và vùng chuyển tiếp 310.868 ha. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven biển. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... Mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.
Vùng Mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính: Hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thuỷ hải sản cho cả vùng biển rộng lớn. Do những đặc trưng trên, nên nơi đây có nhiều vùng sinh quyển độc đáo.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2002 với tổng diện tích 41.862 ha, trong đó diện tích đất liền là trên 36% và phần ven biển xấp xỉ 64%, nằm trên địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100km. Tháng 4/2013, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thứ 2 tại Đồng bằng Sông Cửu Long và thứ 5 của Việt Nam.
Đây là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng với 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước); có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ. Nhiều loài bò sát ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Ngoài ra, khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương. Nơi đây có hệ sinh thái rất đa dạng, đặc trưng là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: sú, vẹt, đước, mắm, tràm.... Động vật khu vực này đa dạng, gồm có: rùa, rắn, trăn, cua, các loại cá nước lợ, ba khía, sóc... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn là nơi thích hợp để phát triển một số loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học ở khu cấm nghiêm ngặt; tham quan khu nuôi thú rừng; vui chơi, giải trí tại Khu du lịch Công viên Văn hóa Đất Mũi và khu dịch vụ tại trụ sở Vườn quốc gia.
Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286 ha, nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Vườn có 3 phân khu chính, gồm: khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn; phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước và phân khu dịch vụ hành chính.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ được lập trên cơ sở chuyển từ Khu bảo tồn Vồ Dơi nhằm bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên lớp đất than bùn đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được.
Hệ thực vật rừng có 176 loài, trong đó loài tràm (Melaleuca cajuputii) là loại cây đặc trưng nhất. Tràm chiếm đa số nên người ta đặt tên rừng tràm vì lẽ đó.
Rừng tràm U Minh Hạ hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cà Mau. Với lợi thế cây tràm giúp rừng U Minh Hạ có được đặc sản mật ong rừng tự nhiên sánh vàng, ngọt mát.
Rừng đặc dụng phòng hộ ven biển (biển Tây tỉnh Cà Mau) là nơi nối dài và chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái ngập mặn và ngập nước ngọt theo mùa, hình thành nhiều cảnh quan đặc sắc...
Rừng tương đối phong phú về hệ động thực vật. Trong đó chiếm ưu thế thuộc về loài đước đen, mắm trắng, mắm đen, mắm ổi, vẹt dù với quần thể thực vật gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, cây vẹt và rừng mắm. Rừng phòng hộ biển Tây Cà Mau có diễn thể tự nhiên của rừng ngập mặn ưu thế bởi cây mắm và cây đước, nhất là tại các cù lao cửa sông.
Đây là vành đai tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Cà Mau và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác duy trì và bảo vệ các hệ sinh thái bên trong khỏi các thiên tai, các biến cố thời tiết như bão, lũ lụt, tạo sự cân bằng cho môi trường.
Do ảnh hưởng hệ thống dòng chảy của biển Đông và dòng chảy của biển Tây và với sự góp phần của 2 con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Bảy Háp đã hình thành nên vùng bãi bồi Mũi Cà Mau nằm ở phía tây huyện Ngọc Hiển. Mỗi năm, nhờ phù sa bồi đắp, vùng đất bãi bồi lấn thêm ra biển gần 100 mét. Đất lấn biển tới đâu thì rừng cũng đi theo tới đó, làm cho đất nước ta thêm dài, thêm rộng. Quá trình hoạt động của các dòng chảy này tạo ra nguồn cung cấp các loài phiêu sinh động thực vật dồi dào cho môi trường rừng ngập mặn; đồng thời làm cho quá trình lắng đọng phù sa diễn ra nhanh chóng và thúc đẩy Mũi Cà Mau không ngừng vươn ra phía tây.
Việc Mũi Cà Mau được công nhận là Khu DTSQ thế giới đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiên Linh (tổng hợp)