A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) châu thổ sông Hồng gồm 2 khu vực: phía Bắc là vùng ven biển cửa sông Hồng (thường gọi là cửa Ba Lạt); phía Nam là vùng ven biển cửa sông Đáy (thường gọi là cửa Đáy), được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới vào ngày 2/12/2004.

 Cò thìa ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Khu DTSQ châu thổ sông Hồng, tên chính thức là Khu DTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, gồm các vùng đất phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình.

KHU SINH THÁI TRÙ PHÚ

Với diện tích hơn 105 ngàn ha, Khu DTSQ châu thổ sông Hồng có hai vùng lõi là: Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cùng nhiều diện tích bãi bồi rộng lớn. Bao quanh 2 vùng lõi là các vùng đệm, vùng chuyển tiếp và một vùng hành lang. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Nam Á, đặc biệt là bảo tồn các loài chim hoang dã quý hiếm.

 Con đường nhỏ trên Bãi Ngang – Cồn Nổi, Ninh Bình

Nơi đây được biết đến như một ga chim quan trọng trong khu vực. UNESCO đã công nhận đây là nơi cư trú của rất nhiều loài chim nước và chim di cư quý hiếm, là hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, đây còn là khu DTSQ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á áp dụng mô hình đồng quản lý giữa 3 tỉnh với phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý một vùng đất ngập nước rộng lớn, kéo dài một dải ven biển từ Thái Thụy của Thái Bình đến Kim Sơn của Ninh Bình.

Ở đây có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước đã và đang cư trú tại khu vực này. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò mỏ thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc… Vì thế, Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi của Khu DTSQ châu thổ sông Hồng được quốc tế công nhận là khu Ramsar - khu bảo tồn các loài chim di cư có tầm quan trọng quốc tế - vào năm 1989. Khu Ramsar Xuân Thuỷ hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm. Đây là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á.

Khu DTSQ châu thổ sông Hồng với những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, các vùng đầm lầy, các khu bãi bồi ven biển và cửa sông. Nơi đây có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, gió bão, thích ứng biến đổi khí hậu, nước dâng và là lá chắn an toàn để bảo vệ hệ thống đê biển, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng ven biển 3 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.

 Sông nước Cồn Vành

Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, sinh sản của các loài thủy hải sản, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú với khoảng 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển. Nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng…

TIỀM NĂNG DU LỊCH SINH THÁI

Khu DTSQ châu thổ sông Hồng có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan và tìm hiểu về thế giới tự nhiên, du lịch đồng quê và tắm biển.

Để trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên hoang dã, từ Vườn quốc gia Xuân Thủy, bạn có thể đi thuyền dọc sông Vọp ra cửa Ba Lạt, ghé thăm ngọn Hải Đăng ở Tiền Hải - Thái Bình, đài quan sát Cồn Ngạn và thăm Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Xanh. Đây là nơi cuối cùng của sông Hồng, sản phẩm của quá trình bồi tạo phù sa hàng nghìn năm để thiết lập nên một hệ sinh thái bền vững. Đến đây, du khách sẽ được thăm và tìm hiểu về đời sống của những loài chim di trú quý hiếm và thưởng ngoạn cảnh đẹp của những khu rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước đầu tiên ở Đông Nam Á được quốc tế ghi nhận. Nếu may mắn, du khách có thể được ngắm nhìn những đàn chim di trú đang bình thản kiếm mồi ở trên sông, chung sống rất tự nhiên với con người trong các đầm tôm. Trong đó, cò thìa mặt đen là loài rất quý hiếm và đặc trưng.

 Khu Du lịch sinh thái Cồn Đen

Nếu du lịch điền dã, du khách đi bộ qua các cánh rừng tự nhiên và ghé thăm các đầm tôm, vừa xem tập quán canh tác theo phương thức quảng canh cải tiến của các chủ đầm, vừa có thể quan sát các loài chim hoang dã.

Du khách cũng có thể du khảo đồng quê, khám phá đời sống của người dân địa phương; đi qua các làng chài, xem người dân dệt lưới, làm nước mắm và khám phá đời sống tấp nập của các ngư dân bến cá Giao Hải (Nam Định), thăm chợ cá Giao Hải với những nét thơ mộng và đặc sắc của văn hóa chợ miền biển.

Khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành, Cồn Đen thuộc tỉnh Thái Bình nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển thuộc Khu DTSQ châu thổ sông Hồng. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú với nhiều loài thực vật, hải sản có giá trị và nhiều loài chim quý hiếm.


 Biển Cồn Vành

Cồn Vành thuộc huyện Tiền Hải, Thái Bình là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với bãi bồi rộng gần 2.000 ha nằm ở cửa sông Ba Lạt, nơi dòng sông Hồng hòa vào biển cả. Đường ra Cồn Vành là những nhánh sông với những bãi sú vẹt - rừng ngập mặn bảo vệ khu vực biên giới biển. Hiện nay, nhờ có 4 cây cầu mới được xây dựng, nối liền các nhánh sông, việc đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều, khiến cho Cồn Vành trở nên gần gũi hơn với người dân bản địa và du khách gần xa. Dọc hai bên đường là khu đầm vùng nuôi thả thủy hải sản của người dân.

Du khách đến với Cồn Vành được ngắm hàng phi lao xanh rì chạy suốt chiều dài bãi biển và có thể leo lên đỉnh của ngọn hải đăng Ba Lạt phóng tầm mắt ra ngoài khơi xa, ngắm toàn cảnh Cồn Vành nên thơ hữu tình. Nơi đây còn có một bãi tắm nguyên sơ với bờ cát dài khoảng 6 km cùng với hệ thống rừng ngập mặn xanh tươi với những loài thực vật đặc trưng như: sú, vẹt, bần, thông… bao phủ một vùng rộng lớn, trở thành nơi cư trú của nhiều loài chim quý và loài hải sản, loài tảo có giá trị kinh tế.

 Hải đăng ở Cồn Vành

Đến với Cồn Vành bạn cũng có thể đến thăm nhiều điểm du lịch gần đó như: biển Đồng Châu, Cồn Đen hoặc xa hơn nữa là chùa Keo, di tích nhà Trần, làng nghề thêu Minh Lãng, Làng chạm bạc Đồng Xâm.

Cùng với Cồn Vành, Cồn Đen thuộc huyện Thái Thụy là một cồn cát tự nhiên được hình thành do kiến tạo bồi đắp phù sa của sông Trà Lý. Nơi đây có bãi cát trải dài, độ dốc vừa phải, quanh năm sóng vỗ êm đềm, tạo thành bãi tắm lý tưởng cho du khách mỗi khi hè về. Cồn Đen được tỉnh Thái Bình quy hoạch trở thành khu du lịch sinh thái có bãi tắm, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh... và các tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch lân cận.

 Cầu vượt biển ra Bãi Ngang - Cồn Nổi, Ninh Bình

Bãi Ngang (Cồn Nổi) nằm ven biển Kim Sơn, Ninh Bình cũng là khu du lịch hấp dẫn du khách với môi trường sinh thái vùng đất mở, rừng ngập mặn Kim Sơn, du lịch đồng quê với các đồng cói, đầm tôm, nghề nuôi trồng thủy sản, nấu rượu Kim Sơn, cói mỹ nghệ, tắm biển Cồn Nổi...

Đến với Bãi Ngang - Cồn Nổi, du khách được chiêm ngưỡng một vùng đất phù sa màu mỡ có khu rừng ngập nước quanh năm cùng những con rạch cuộn đỏ phù sa, những cánh đồng bạt ngàn màu cói xanh non và những thảm lúa. Ở đây có nhiều loài loài chim, thú, thủy sản sinh sống, tạo cho nơi đây một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ.

Hãy đến với Khu DTSQ châu thổ sông Hồng, để hòa mình cùng thiên nhiên hoang dã, chứng kiến sự kỳ thú của thiên nhiên, đắm chìm trong không gian sông nước, biển trời mênh mông và cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của vùng cửa sông - ven biển cùng tình đất tình người nơi đây, bạn nhé!

Hồng Minh (tổng hợp)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu