A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về những dấu vết kiến trúc ở hố B16

Phát hiện về những dấu tích kiến trúc B16 (phía Bắc khu B) trong hệ thống quần thể kiến trúc tìm được tại công trường khai quật khảo cổ học khu vực dự định xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), đã góp phần khẳng định tầm quan trọng đặc biệt trong nhận thức văn hoá, lịch sử, kiến trúc từ thời Đại La - Bắc thuộc sang các triều đại phong kiến độc lập thời Lý - Trần – Lê trong khu vực Hoàng thành Thăng Long xưa.

(Tiếp theo kỳ trước)
 

Giếng nước thời Lý
nằm dưới lớp kiến trúc
thời Trần ở hố B16  

Chi tiết chân tảng đá
chạm cánh hoa sen thời Trần

Mặc dù, các loại hình di vật gốm sứ thu được ở hố B16 không nhiều và không phong phú như ở một số hố khai quật khác, ngoại trừ việc phát hiện một phần của ngôi tháp bằng sứ thời Lý  nhiều tầng với nghệ thuật trang trí khá độc đáo, đẹp gồm: rồng, cánh sen và các phù điêu tiên nữ bay nhẩy - phảng phất pha lẫn chút ít phong cách Apsara trong nghệ thuật Champa, có thể coi đây là một bằng cứ khảo cổ học về mốiquan hệ gắn bó văn hoá Việt – Chăm từ sau thế kỷ 10.

Toàn cảnh dấu tích kiến trúc khu B
nhìn từ
hố B16

Một đoạn cống thoát nước được xây xếp bằng loại gạch chuyên dụng ở phía Nam kiến trúc thời Trần của hố B16


Một trong những giá trị lớn của những phát hiện khảo cổ học tại hố B16 chính là hệ thống dấu tích kiến trúc có diễn tiến theo địa tầng từ giai đoạn Tiền Thăng Long (Tống Bình - Đại La) sang Lý - Trần – Lê đến tận thời Quân đội thực dân Pháp chiếm giữ thành cổ Hà Nội sau năm 1882 mà dấu tích của nó còn để lại trong địa tầng ở độ sâu từ 1m đến 1,36m với một hệ thống máng xây gạch Bát Tràng và các loại gốm sứ, vỏ chai rượu vang, sâm banh có nhãn hiệu sản xuất tại Pháp hay Luân Đôn của Anh quốc.

Cùng mặt bằng ở độ sâu này là dấu tích kiến trúc thời Lê, được biểu hiện bởi một hệ thống phân bố các móng cột gia cố  bằng ngói vỡ. Hiện tại đã phát hiện được 14 móng cột loại này.

Tuy các móng cột của kiến trúc thời Lê không phát hiện được đầy đủ, song với bằng ấy chứng cứ cũng đã cho phép chúng ta hình dung được đây là một loại hình kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật truyền thống với kết cấu bộ khung bằng gỗ. Kiến trúc này có thể có 5 gian với mỗi vì kèo có 4 cột, quay mặt hướng Đông hoặc Tây.

Chi tiết hệ thống chân tảng kê cột của mặt bằng kiến trúc thời Trần  

Dấu vết kiến trúc thời Lý - Trần
xuất lộ ở hố B16

Nếu dựa vào vết tích một lớp than tro dày khoảng 5cm lan rộng ở phía dưới đáy nền nhà (Lê) ở độ sâu 130cm thì có thể đoán định kiến trúc thời Lê nêu trên đã được dựng lên ngay trên một kiến trúc có thể là lâu đài hay cung điện thời Lý - Trần trước đó ở đây. Kiến trúc thời Lê này, sau đó cũng đã bị đổ nát vào cuối thời Mạc mà dấu tích của nó còn để lại là một tầng gạch ngói lộn xộn dày tới 60 – 70 cm phân bố dày đặc trong và ngoài hố khai quật. Phải chăng nguyên nhân của sự đổ nát đó liên quan tới sự kiện xảy ra vào năm 1592, khi Trịnh Tùng kéo quân về Thăng Long diệt Mạc đã “phóng lửa đốt phá cung điện, nhà cửa, khói lửa ngút trời, ở Thăng Long không còn gì...? (Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV: 185).

Nhìn chung, dấu vết kiến trúc thời Lê ở hố B16 mờ nhạt và nằm trong tình trạng không rõ ràng. Có lẽ phát hiện sáng giá nhất ở hố B16 là mặt bằng kiến trúc thời Lý - Trần còn khá nguyên vẹn ở vị trí ban đầu, gồm: nền nhà, móng nhà, hệ thống móng cột, chân tảng, cống rãnh, giếng nước, đường đi, sân nhà cùng với nhiều vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đá, gỗ, đinh, bản lề, khuy cửa, than tro bếp lửa, mộ táng và gốm sứ trong sinh hoạt của chủ nhân.

Hiện tại đã phát hiện 21 trụ sỏi với 10 chân tảng cột mang đặc trưng vật liệu kiến trúc Lý - Trần. Tất cả đều phân bố theo một quy luật rất chặt chẽ về hướng, độ cao mặt bằng và cự ly (xem sơ đồ mặt bằng). Nằm sâu phía dưới mặt bằng kiến trúc thời Lý - Trần, gần cạnh vị trí các trụ móng sỏi kê cột đã tìm thấy hệ thống các cột gỗ của một đơn nguyên kiến trúc thời Đại La. Và, nằm giữa lớp kiến trúc Đại La và lớp kiến trúc thời Trần, dấu vết nền gạch, chân tảng đá thời Lý cũng được tìm thấy. Đặc biệt là ở góc phía Đông của hố đã phát hiện được một giếng nước thời Lý nằm dưới lớp nền gạch thời Trần. Đây là giếng nước thời Lý thứ hai phát hiện đuợc trên công trường khai quật.

Đáng tiếc do còn bị hạn chế mặt bằng hố khai quật nên chưa thể đào mở rộng để làm lộ rõ toàn bộ mặt bằng kiến trúc này, do đó, chưa thể khẳng định một cách chắc chắn, đầy đủ diện mạo kiến trúc.

Song, nếu dựa vào những phát hiện đã có, chúng ta có thể hình dung được: đây là một kiến trúc (lâu đài hay cung điện) khá đồ sộ với kỹ thuật gia cố chống lún móng cột rất vững chắc, cùng với việc đắp nền đất sét 2 – 3 cấp dày trên 1m và hệ thống cống rãnh thoát nước được xây dựng ngay trên mặt bằng của một kiến trúc khác đã từng hiện diện ở đó vào thời kỳ tiền Thăng Long (Đại La hay lị sở thành Tống Bình). Bằng chứng cho nhận định này là việc phát hiện hàng loạt các cột gỗ lớn còn nằm nguyên dưới đáy nền kiến trúc Lý - Trần. Những cột gỗ đó phân bố đăng đối và cân xứng theo chiều dọc và chiều ngang cho thấy đây là một đơn nguyên kiến trúc thuộc các giai đoạn Tiền Thăng Long.

Việc bóc tách đâu là kiến trúc Lý, đâu thuộc kiến trúc Trần và diện mạo của chúng ra sao hiện đang được các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát phát hiện. Nhưng những gì đã xuất lộ cũng đã cho những nhà nghiên cứu một cái nhìn mới về diễn biến văn hoá giữa các giai đoạn trong khu vực Hoàng thành Thăng Long xưa.

Bùi Vinh
(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu