A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm hiểu vài loại gạch cổ khai quật ở Ba Đình

Cuộc khai quật khảo cổ học khu vực dự định xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới, tuy chưa xong nhưng đã phát hiện một khối lượng thật khổng lồ với hàng triệu di vật các loại, các thời. Di vật kiến trúc chiếm số lượng lớn nhất. Có nhiều di vật lần đầu tiên tìm thấy tại đây. Dường như chúng chỉ được dùng cho việc xây dựng cung điện, lầu các của Hoàng Thành Thăng Long – Đông Đô xưa.

(Xem tiếp kỳ trước)

Đặc biệt ở đây có nhiều viên gạch có in chữ Hán. Đọc được và giải mã hết những chữ trên gạch, chúng ta có thể bổ sung được nhiều vấn đề lịch sử lý thú, có khi lại rất quan trọng.

Vì chưa bước sang giai đoạn chỉnh lý nên chưa thu thập được hết tư liệu, chắc chắn là còn rất nhiều dấu vết đặc điểm trên di vật vẫn ẩn mình trong các kho chứa tạm thời. Một số ít ỏi những chữ Hán mới tạm thu thập được và cũng là chỉ mới thử đọc, thử khảo cứu cũng đã cho những kết quả lý thú. Bài viết này tôi thử trình bày một số ý kiến về loại gạch có chữ.

   

Gạch “Vĩnh Ninh trường” thời Trần

Gạch “Giang Tây quân”
thời Đại La

Trước hết xin nói về những viên gạch có 3 chữ “Giang Tây quân”. Gạch này thấy ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ngay ở Hà Nội, nhiều chỗ đã phát hiện gạch “Giang Tây quân” lẫn trong những phế tích kiến trúc với các loại gạch thời Lý, như gạch có in chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (1057).

Về gạch “Giang Tây quân”, giáo sư Trần Quốc Vượng đã có ý kiến đoán định rằng đó là những viên gạch do quân Giang Tây (Trung Quốc) chiếm đóng nước ta chế tạo vào thời thuộc Đường khoảng thế kỷ 9, những viên gạch này sau lại được các vua Việt Nam thời Lý sử dụng lại cùng với gạch thời Lý để xây dựng các cung điện. Thời Trần, thời Lê về sau cũng có nơi còn dùng lại loại gạch này. Phải nói rằng “Giang Tây quân” là loại gạch tốt cho nên đời sau tận dụng để xây dựng, thậm chí dùng lại tới mấy lần cũng là điều hợp lý.

Có một số gạch “Giang Tây quân” được in 3 chữ “Giang Tây chuyên” (có nghĩa là gạch Giang Tây). Lại có viên chữ “Giang Tây chuyên” in ngược, đây là do chữ trên khuôn in đã khắc xuôi nên in vào gạch chữ trở thành ngược.

Thứ đến xin nói về gạch có in chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”. Hàng chữ có nghĩa: gạch xây quân thành nước Đại Việt.

Trong Hội thảo khoa học về đề tài “Từ Hoa Lư tới Thăng Long”, tôi đã có dịp trình bày một ý kiến: “Chỉ có nước Đại Việt, không có nước Đại Cồ Việt, ý kiến đó dựa vào sự tồn tại khách quan của những viên gạch xây kinh đô có in quốc hiệu “Đại Việt”. Không một người thợ làm gạch nào ở Hoa Lư cả gan dám đổi quốc hiệu thành “Đại Việt” nếu thời Đinh - Lê có quốc hiệu là “Đại Cồ Việt”. Cũng đúng như vậy, gạch in quốc hiệu “Đại Việt” tìm thấy ở thành Thăng Long chứng minh hoàn toàn trung thực quốc hiệu thời Lý là “Đại Việt”.

Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” tại Thăng Long. Phải giải thích thế nào về sự có mặt của chúng tại đây?

Người xưa đã mang từ Hoa Lư ra đây xây dựng? Chắc là không thể vì gạch là vật liệu nặng và đường chuyên chở lại quá xa. Hay là người thợ làm gạch xây Hoa Lư đã ra đây đóng gạch xây Kinh Thành Thăng Long? Điều này hoàn toàn có thể nếu thời Đinh, thời Lý có cùng quốc hiệu.

Dù sao chăng nữa sự xuất hiện loại gạch này ở Thăng Long cũng đã làm thay đổi nhiều suy nghĩ khoa học mà lâu nay tưởng đã là định luận.

Tiếp nữa xin nói về gạch “Vĩnh Ninh trường”. Đây là gạch sản xuất thời Trần ở Vĩnh Ninh, Thanh Hoá, rất quen thuộc và dễ thấy ở các di tích kiến trúc thời Trần ở nhiều nơi. Khuôn chữ “Vĩnh Ninh trường” có to có nhỏ, có chữ đẹp chữ xấu, có viên gạch in một khuôn ở mặt gạch hoặc ở cạnh gạch, có viên in hai ba khuôn, thậm chí có viên in tới chín khuôn chữ. Dù có khác nhau như vậy, tất cả chỉ là di vật kiến trúc thời Trần tìm thấy rất nhiều ở khu vực Hoàng Thành Thăng Long cổ. Cuối cùng xin nói về hai loại gạch thời Lê có in khuôn chữ “Tráng Phong quân” và “Vũ Kỵ quân”. Vì bị mòn, bị vỡ, chữ không rõ ràng sắc nét nên khi tìm thấy mấy viên đầu có người đọc là “Bắc Phong”, có người đọc là “Đỗ Phong quân”, có người đọc là “Tráng Phong quân”. Rồi khi tìm thấy những viên nung già, chữ rõ, lành lặn thì cách đọc “Tráng Phong quân” nhanh chóng được mọi người chấp nhận.


 Gạch “Vũ Kỵ quân” và
"Tráng Phong quân" thời Lê Sơ

Viên gạch in 3 chữ “Vũ Kỵ quân” ngay từ đầu đã được đọc đúng vì gạch nung kỹ chín già, khuôn chữ in sắc nét.

Vấn đề còn lại là giải mã những chữ này.

Tháng 4 năm Bính Tuất (1466) Quang Thuận thứ 6, vua Lê Thánh Tông tổ chức thay đổi lại quân ở 5 phủ và định quân hiệu.

* Thanh Hóa và Nghệ An thuộc Trung Quân phủ.

* Nam Sách và An Bang thuộc Đông Quân phủ.

* Thiên Trường và Thuận Hoá thuộc Nam Quân phủ.

* Quốc Oai và Hưng Hoá thuộc Tây Quân phủ.

* Bắc Giang và Lạng Sơn thuộc Bắc Quân phủ.

Còn 2 đạo Thái Nguyên và Tuyên Quang thuộc quân Phụng Trực.

Mỗi phủ có 6 vệ, mỗi vệ có 5 hoặc 6 sở, mỗi sở có 400 người, dưới sở có ngũ.

Theo sách Hồng Đức Thiên Nam dư hạ tập thì phủ Nam Quân có 6 vệ. Trong vệ Kiến Huân có 5 sở gồm sở Tráng Phong, sở Vũ Kỵ và 3 sở khác. Thế là rõ ràng, Tráng Phong và Vũ Kỵ là quân hiệu của 2 trong 5 sở quân của vệ Kiến Huân thủ phủ Nam Quân lập năm Bính Tuất (1466) thời vua Lê Thánh Tông. Những viên gạch “Tráng Phong quân” và “Vũ Kỵ quân” là sản phẩm lao động của quân lính 2 sở quân cùng tên được điều về kinh làm gạch xây dựng cung thành. Đây là những phát hiện mới ở Thăng Long của khảo cổ học, là những chứng tích vật chất mà xưa nay chỉ đọc được qua thư tịch. Đây còn là chứng cứ khoa học sinh động về tài năng xây dựng và sử dụng quân đội của nhà vua lừng danh thời Lê đã tổ chức được lực lượng quân đội hùng hậu, khi có sự thì đi chiến đấu, lúc yên bình thì lao động sản xuất góp phần xây dựng dân giàu nước mạnh. Thật là những di vật quý, hàm chứa những ý nghĩa lịch sử phong phú vô giá. Di vật đơn sơ này có giá trị lớn là giải quyết tận gốc quan điểm trước đây cho rằng di vật Thăng Long không có gì mới, không có gì quý.

Chỉ riêng về gạch xây dựng còn có hàng chục loại khác nhau hàm chứa những nội dung mà phải mất nhiều công sức trí tuệ mới đọc được và giải thích được.

Đỗ Văn Ninh
(Xem tiếp kỳ sau)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu